Ý nghĩa thẩm mỹ trong tập truyện ngắn “Vách gỗ” của Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Yến

LƯU KHÁNH LINH

 

            Trong cõi nhân sinh, sự tồn tại của con người là hữu hạn. Xét về ý nghĩa sinh học, con người thuộc loài có bản năng yếu. Mọi sinh vật khi sinh ra đều có thể tự sinh sống theo bản năng của loài. Con rùa được nở ra tự tìm về biển. Con bê được đẻ tự đứng dậy bú mẹ rồi tìm cỏ để ăn. Còn loài người khi sinh ra phải được nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục. Mắt người không nhìn xa như đại bàng, tai người không thính như loài thỏ và mũi người không thính như loài voi. Con người cũng không có móng vuốt, răng nanh như thú dữ. Như thế, muốn tồn tại con người phải vượt qua hữu hạn tự nhiên của loài bằng thực tiễn sáng tạo, tư duy tưởng tượng, bằng những khát khao lí tưởng. Và một trong những phương thức neo được vô hạn đắc dụng nhất chính là tìm đến tư tưởng thẩm mỹ của văn học.

            Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Yến với trái tim giàu trắc ẩn, yêu thương rất mực với cuộc đời; chị đã có góc nhìn và lăng kính nghệ thuật khai thác về phận người theo những cảm quan mĩ học riêng biệt, qua lối hành văn nhẹ nhàng, tinh tế; qua cách sử dụng vốn từ văn xuôi thanh nhã, dịu dàng. Đọc 12 truyện ngắn trong tập “Vách gỗ” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2021; tôi nhận thấy sự phong phú về ý nghĩa thẩm mỹ trong tác phẩm của chị được thể hiện trên các lối cấu trúc: Cách xây dựng hình tượng nghệ thuật có tính siêu thoát do đột phá hạn hẹp của lí tính; cách xây dựng hình tượng nhằm phê phán thực tại và cách xây dựng hình tượng mở ra một không gian bao la không xác định để chắp thêm đôi cánh tưởng tượng cho người đọc. Chúng ta hiểu, giá trị thẩm mỹ là ý nghĩa của các hiện tượng cảm tính của thế giới đối với lí tưởng và thị hiếu thẩm mỹ. Khoái cảm thẩm mỹ trong văn Nguyễn Thị Ngọc Yến chính là những khoái cảm tinh thần do hình tượng cụ thể sinh động mà chị đã xây dựng nên.

            Thứ nhất, hình tượng nghệ thuật có tính siêu thoát do sự đột phá hạn hẹp của lí tính. Con người sinh ra và tồn tại giữa vô vàn quy định của lí tính mà sự sống với tư cách là bản năng sẽ tất va chạm và có những đối nghịch. Không phải vô cớ mà văn học thường bày ra những hoàn cảnh éo le, khốn cùng, trái khoáy đến khắc nghiệt, bày ra cả những cô đơn, sự hèn yếu... để con người vượt lên. Và sự chiến thắng của con người trước những ích kỉ cá nhân, trước cái xấu, cái cám dỗ bao giờ cũng là nguồn khoái cảm thẩm mỹ vô hạn cho người đọc. Với Vách gỗ, sương núi, Cái nợ nhà chồng, Đôi dép, Khói xanh được Nguyễn Thị Ngọc Yến triển khai như thế.  Trong “Vách gỗ” truyện ngắn được đặt làm tên tiêu đề chung cho cả tập đã triển khai toàn bộ tuyến truyện xoay quanh bộ ba hình tượng Nhếnh, Nín và Pùa. Hình ảnh kết thúc tác phẩm với “một cái bọc to buộc trong mấy lớp ni lông” đã đem đến sự kinh ngạc cho cả người trong truyện và độc giả; là hình ảnh thoát tục, vượt lên trên cõi thế thông thường, khơi nguồn viết tiếp những câu chuyện nhân văn, đạo đức cao cả trong cõi đời đa chiều nhiều cay ngọt.... Vậy cái bọc ấy là gì? Cái bọc ấy là bài thuốc chữa vô sinh của dòng họ Hà đã thất truyền mà Pùa đã tìm được để tặng cho vợ chồng Nhếnh- Nín. Để tìm được lá thuốc, Pùa phải lên đỉnh núi Tè quanh năm mây phủ, phải đi bộ ít nhất ba tiếng để hái các vị thuốc trước khi có ánh mặt trời lên. Và muốn đủ ba thang thuốc phải đi lấy ròng rã hàng tháng liên tục trong cảnh sớm tinh sương và trèo lên đỉnh núi cao như muốn tước đi sinh mạng người hái thuốc. Và thứ quan trọng nhất, bí quyết của bài thuốc chính là phải có ngón tay út của người phụ nữ mắn đẻ đã được đốt thành tro để hòa cùng bát thuốc đã được cô đặc lại.

            Xây dựng tình huống ấy, Nguyễn Thị Ngọc Yến đang viết cổ tích chăng hay chị đang tìm những giọt mưa thanh tân, dịu dàng mà chị đã được quan sát thấy qua những trải nghiệm công tác, trải nghiệm cuộc sống vùng cao để rót nhẹ vào lòng người những nét xuân của cuộc sống?! Pùa- một người phụ nữ trẻ chồng chết vì tai nạn đã theo chị Nín về để làm vợ hai của Nhếnh. Cảm kích trước việc đi tìm vợ cho chồng của Nín, quý mến trước những ý hay lời đẹp được nghe về Nhếnh- người đàn ông chịu khó, tốt bụng; Pùa đã xuất hiện ở gian nhà của vợ chồng Nhếnh. Nhưng chính cái đêm đầu tiên nằm trong gian nhà mới được ngăn vách gỗ; căn buồng mà Nín sửa sang dành cho Nhếnh ở với Pùa “giường được trải đệm bông lau êm ái, gối lồng lõi bào gỗ quế thơm phức” lại là đêm trắng đối với cả ba; là cảnh bối rối đến tận cùng nơi con người Nhếnh khi một bên là vợ- người mà anh hết mực yêu thương, một bên là người phụ nữ tốt bụng đã sẵn sàng theo Nín về để làm vợ, để sinh con cho anh. Gà gáy canh ba, tiếng nai tác bạn thổn thức trong đêm thanh vắng đến xao xác cõi lòng của cả ba con người trong gian nhà sàn bé nhỏ. Anh không thể làm tổn thương vợ, anh cũng không thể đi xâm chiếm Pùa. Và ngay cả khi bản năng đàn ông trong con người Nhếnh được ngoại cảnh kích động: nhìn thấy Pùa đang bơi dưới suối, nhìn thấy Pùa phơi thân hình đầy gợi cảm giữa tảng đá cao “Ngực Pùa căng đầy, phập phồng dưới ánh trăng”. Và rồi trong đêm, ngay tại căn buồng mà Nín thiết kế riêng dành cho anh và Pùa, lần đầu tiên anh không chế ngự được dục vọng bản thân, anh đã lao vào thân hình đàn bà hừng hực sức sống của Pùa; “những ngón tay của Nhếnh bấu chặt vào vai Pùa, cặp đùi săn chắc của Nhếnh kẹp chặt đôi chân Pùa”. Thực ra, đó là cảm xúc và nhu cầu bản năng, sinh lí tất yếu của một người đàn ông khi ở bên cạnh một người đàn bà- mà hơn nữa người đàn bà ấy cũng đã sẵn sàng theo về làm vợ. Và khát khao được gần gũi xác thịt, được tan chảy trong người đàn ông vạm vỡ, khỏe khoắn như Nhếnh cũng chẳng phải chính đáng lắm sao khi chính Nín là người đã đón Pùa về căn nhà này. Và nó càng được khao khát chờ mong như cánh đồng hạn khô trên sa mạc khi người phụ nữ khốn khổ, bất hạnh ấy từ lâu đã thiếu vắng hơi chồng. Thế nhưng; đúng vào lúc đỉnh căng của cảm xúc người đang thiêu đốt dục vọng ham muốn đàn ông trong con người Nhếnh, khát vọng được yêu của người đàn bà trong con người Pùa thì cũng đúng lúc ấy; vượt trên giới hạn của cõi người; sự cao thượng của đạo đức ứng xử đến độ lí tưởng đã khiến Pùa giáng cái tát như trời giáng vào mặt Nhếnh, là lúc Nhếnh thức tỉnh lững thững bước ra, là lúc bên kia vách gỗ “có cái gì đó như đè vào ngực Nín”.

            Ngay sau sự kiện ấy, Nhếnh rời nhà đi xẻ gỗ. Để đến ngày trở về, khi Nhếnh mua được 2 cây gỗ pơ mu to nhất với suy nghĩ đóng 2 chiếc giường mới nhất, đẹp nhất cho 2 người phụ nữ: một người anh yêu, một người anh tôn kính thì Pùa đã rời căn nhà của anh ra đi; để lại cho vợ chồng anh bài thuốc chữa vô sinh với lời cầu mong “Chúc anh chị hạnh phúc”.

            Cách xây dựng tình huống truyện, cách tạo hình tượng nhân vật của nhà văn là một sự đấu tranh giữa lí tính và bản năng người. Nhưng cuối cùng, không phải lí trí cũng chẳng phải cảm xúc của phần “con” chiến thắng mà chính là tình yêu cao cả và cao thượng đã bất tử, lên ngôi, đã chế ngự được những thói thường của cuộc sống cõi người để tạo ra câu chuyện, cái kết đầy siêu thoát, cao cả. Pùa- một người phụ nữ cao thượng đến độ hy sinh cả khát khao được làm đàn bà, hy sinh cả bản thân khi dám chặt đứt ngón tay út của mình để làm vị thuốc; hình tượng nhân vật Nín cao thượng đến độ dám chia sẻ tình yêu, đi tìm người phụ nữ cho chồng, chăm chút, vun vén, yêu thương cho người phụ nữ khác được sống bên cạnh chồng của mình. Là Nhếnh- người đàn ông cao thượng đến độ vượt qua được những sức ép của dòng tộc, vượt qua được dục vọng bản năng của người đàn ông khi ở bên cạnh Pùa.

            Trong truyện ngắn “Sương núi”, hành động cương quyết, dứt khoát lao nhanh ra cửa trong màn đêm của Tráng trước 2 người thiếu nữ trẻ- hai cô giáo đầy cô đơn, lẻ loi giữa bản rừng không phải là một hành động dễ dàng trong bối cảnh giằng co, giữa lí trí và tình cảm, giữa bản năng và khối suy nghĩ. Dạy học nơi đây, cái mệt mỏi không đến từ công việc, bởi với lòng yêu nghề, chỉ cần nghĩ đến “ánh mắt trong veo” của học sinh; họ có thể “lại quên đi tất cả”. Nhưng màn đêm, sự cô quạnh và lẻ loi nơi bản cao, sự thưa vắng rồi ngắt hẳn liên lạc điện thoại của bạn trai nơi quê nhà làm tâm hồn cô giáo trẻ như hóa sương núi bốn mùa cóng giá.

            Và rồi, sự xuất hiện của Tráng- một thầy giáo được tăng cường lên điểm trường đã thổi vào nơi đây một luồng sinh khí ấm áp, rộn rạo và tươi tắn sức sống vô cùng. “Hiền bớt ủ dột, cười nhiều hơn” trở nên nhí nhảnh. Với Mai khi đêm xuống, cô chỉ mong trời mau sáng để sớm được gặp và trò chuyện cùng Tráng. Có anh, cuộc sống như được cân bằng hơn, mái nhà dột được sửa, tấm liếp hỏng được đóng, bản lề bung được gõ lại… Cứ thế, hơi đàn ông, hình bóng người đàn ông, việc làm đặc trưng của đàn ông đã làm cuộc sống những cô giáo như Mai, như Hiền được trở về đúng quy luật của tuổi trẻ: tươi vui, có ý thức làm đẹp, thích làm dáng và nhất là hình thành trong các cô cả khao khát được yêu, được làm một người phụ nữ… Cho nên, thật thương cảm và dễ cảm thông khi vào thời điểm kết thúc tăng cường; trong đêm chia tay; bên mâm cơm mà cả Hiền và Mai đã hì hụi làm; rượu rót ra mỗi lúc một đầy, câu chuyện thêm líu ríu, mắt thêm long lanh. Cả Hiền và Mai không hẹn mà cùng đi chung một luồng suy nghĩ: giá như có được với Tráng đứa con để bầu bạn nơi đây. Ý nghĩ vừa xấu hổ, thẹn thùng; vừa xót xa, khốn khổ, tội nghiệp ấy nó cứ trào lên rồi lại bị dìm đi rồi lại tiếp tục bừng bừng qua giờ phút sắp sửa chia tay, người đàn ông tăng cường ấy rời xa nơi đây mãi mãi, để lại sự cô đơn, cô lẻ cố hữu trước đây khiến cả hai cô gái “mỗi người cầm một tay Tráng kéo vào”.

            Là người đàn ông, là người bằng da bằng thịt; anh cũng đầy xúc cảm, cũng bấn loạn, cũng như hóa đá, thậm chí phải đưa tay vỗ vào trán để định hình bản thân “Hiền và Mai rất sẵn sàng. Nhưng làm như thế mình có đáng mặt đàn ông nữa không?”. Và cái hành động “Tráng xiết chặt hai bàn tay ấm nóng rồi bất ngờ rút mạnh tay lao nhanh ra cửa” không cả dám nhìn lại Mai đã ngơ ngác ngồi thụp xuống và Hiền thẫn thờ khụy bên bậu cửa. Hành động ấy chắc chắn sẽ để lại trong lòng hai cô gái những khoảng trống hẫng hụt, và trước mắt sẽ tạm thời chạy nối tiếp những cô đơn. Nhưng chắc chắn với hành động ấy của Tráng; các cô mới có những lựa chọn hạnh phúc khi cơ hội đến; mới có những hy vọng ấm áp về một ngày mai. Xây dựng câu chuyện và hình ảnh ấy trong “Sương núi”, rõ ràng nhà văn cũng đầy bản lĩnh và sắc tỉnh để chàng trai vượt lên được những dục vọng đàn ông, đã kịp thời phân định được trong gang tấc ranh giới mong manh giữa tình yêu và lòng thương cảm; giữa lòng tốt với sự lợi dụng trá hình ban ơn; sợi chỉ thật mong giữa tội đồ và tội lỗi.

            Cũng bộ ba nhân vật, trong “Khói xanh” các nhân vật Mây, Chu, Khởi hiện lên như nhan đề của tác phẩm. Nhẹ nhàng, mềm mại, dịu dàng, tất cả diễn biến, cách kể, cách xử lí câu chuyện đều mềm, êm, thanh, nhẹ như bản chất của làn khói, như bản chất dịu mát của màu xanh, ngay cả khi đó là sự rời bỏ cõi thế của Khởi, ngay cả khi là Chu và Mây xứng đáng được ở bên nhau. Với “Cái nợ nhà chồng”, với “Đôi dép” nhà văn không chỉ đem đến một hình ảnh người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh, một lòng một dạ, nhất cử nhất động đều quan tâm, săn sóc, chăm lo chi chút cho chồng mà qua trang văn của chị người đọc còn được hóa giải cả những hiện tượng mà bằng con mắt ráo hoảnh của cuộc đời thì thấy sao mà mâu thuẫn? Nhưng với chị, trong tâm thế của một nhà văn luôn ki cóp từng mẩu, từng mảnh ứng xử nhân văn; luôn tìm thấy trong những oái oăm, bầm dập những góc lành lặn; những giá trị gần gũi, yêu thương thân thuộc của sự nhỏ bé, thậm chí là nhỏ nhặt để bao dung, để gắn kết, để hòa hợp, để hàn gắn và để chữa lành vết thương mà bằng con mắt thông thường chúng ta dễ đưa vào phế liệu với những kẻ ma men hay coi đôi dép chỉ là thứ cũ quèn vô giá trị.

            Ở hướng thứ hai, Nguyễn Thị Ngọc Yến tạo ra ý nghĩa thẩm mỹ của tác phẩm từ việc phê phán thực tại. Nhưng cách phê phán của chị thật nhẹ nhàng, tinh tế, ẩn tàng bên trong những câu chuyện mà chị quan sát, dõi nhìn và đưa nó vào như một lát cắt, xén ngang cuộc sống. Đó là “Giải thoát”, là “Đóa mi trắng”, là “Vũ điệu Kaoshikii” trong tập truyện.

            Một câu hỏi đầy ám ảnh mở đầu tác phẩm Giải thoát: “Giữa tôi và các người ai mới là người điên?” là một câu hỏi không phải chỉ nhiều lần diễn ra trong đầu hắn mà là câu hỏi xoáy đi xoáy lại vào lòng độc giả trước những bi kịch tinh thần làm chết dần, chết mòn dẫn đến chết hẳn sự sống con người do sự vội vàng, ngộ nhận quy kết, quy chụp về đối tượng. Hiện tượng ấy tồn tại xung quanh ta, nên có lẽ không phải vô tình mà Nguyễn Thị Ngọc Yến quên không đặt tên cho nhân vật trung tâm mà chỉ gọi bằng danh từ chung nhân vật của mình là “hắn”, vì hiện tượng mà nhà văn đang đề cập ấy nó không còn là cá biệt, cá thể đơn lẻ nữa. Việc bố mẹ nhất quyết tống đứa con trai duy nhất vào bệnh viện tâm thần chỉ vì hắn luôn có những biểu hiện lạ thường khi hắn ngồi “tháo tung mọi đồ đạc trong phòng ra ngó nghiêng. Từ chiếc đồng hồ treo tường, chiếc quạt để bàn, rồi cả đống bật lửa ga vung vãi bánh răng”; có lúc hắn lại như một “con khỉ đang vắt vẻo đi trên thanh sắt, hai tay giơ ngang để giữ thăng bằng”, khi thì “thấy hắn đang treo ngược trên sàn nhà bằng dải vải buộc ở cổ chân”. Dù hắn có bảng thành tích học tập không tồi; nhưng mỗi lần phát hiện ra những hành động kì quặc ấy của con qua khe cửa, qua ô thông gió; bố mẹ hắn từ thở dài, chán nản rồi lo lắng đến mức cuống cả lên. Đặc biệt khi chứng kiến “hắn đang cố nhét con dao vào mũi”, bố mẹ hắn đã không đủ bình tâm để suy nghĩ mà lao vội vào xử trí “Cánh cửa mở toang khiến hắn giật mình, con dao đâm thẳng vào hốc mũi khiến máu chảy tràn ra khắp mặt” đã đưa cuộc đời hắn sang khúc ngoặt mới: hắn bị trói đưa vào bệnh viện tâm thần bởi chính bố mẹ, các chú, các cậu bên nội bên ngoại của mình. Rồi ngay cả cô giáo chủ nhiệm và các bạn đồng trang lứa- người mà lẽ ra hắn cần và hắn mong đối xử với hắn như một cậu học trò thông thường thì họ lại đến viện thăm hắn cũng với dáng vẻ ái ngại, cảm thương “vừa vỗ vỗ vừa bấu vào vai đầy an ủi” phụ huynh khi có đứa con như hắn!

            Và con đường đi học bị xóa sổ một cách chóng vánh theo một kết cục mà cả hắn, cả người đọc cũng choáng váng không ngờ tới “bố mẹ hắn đã đốt giấy bảo lưu học tập, hắn không có cơ hội quay trở lại ngôi trường mà hắn phải rất vất vả mới thi đỗ… trong khi chỉ còn một tháng nữa là hắn sẽ thi tốt nghiệp cấp ba”. Trong tác phẩm, “hắn đã gào lên”, và tôi đọc đến đây, tôi cũng muốn gào lên! Nhà văn không lên án trực diện, không phê phán trực tiếp. Qua câu chuyện, tác giả dóng diết đặt ra vấn đề sự yêu thương không đi liền với thấu hiểu, sự quan tâm mà thiếu đi gốc rễ tôn trọng của sự lắng nghe, không có mối giao hòa, đồng cảm sẽ là lưỡi dao oan nghiệt tước đi sinh mệnh sống của một con người, đẩy con người sống cuộc đời của một kiếp tồn tại. Cái giá của sự tò mò, muốn tìm hiểu nguyên lí cấu tạo hoạt động của sự vật xung quanh, sự đam mê của hắn với môn nghệ thuật xiếc là những thiên hướng cho tư duy khoa học đầy tiềm năng nhưng lại khiến hắn vĩnh viễn bị khai tử khỏi môi trường học đường khi hắn vẫn đang là một học sinh cuối cấp tích cực.

            Từ gia đình đến xã hội, nhà văn tiếp tục bắt bệnh- căn bệnh cơ hội, xu thời, giả dối trong ứng đối của cơ chế thị trường. Việc hắn có tư duy công nghệ, tư duy về chế tạo, thiết kế nên hắn- chính hắn, một kẻ công nhân quèn chưa học hết cấp ba, kẻ mới vào công ty chưa đầy 1 năm chứ không phải ai khác lại là kẻ đã thiết kế ra các mẫu mã sản phẩm để cứu công ty ra khỏi bờ vực phá sản để doanh thu tăng vọt. Và cũng nhờ thế mà những khinh khi, rẻ rúng của nhất loạt mọi người trong công ty trước đây dành cho hắn đã được chuyển hóa bằng sự e dè, bằng vẻ tươi cười mỗi khi hắn xuất hiện. Nhưng hắn, khi được bao bọc trong môi trường chiều chuộng, khi tiền tài và danh vọng có vẻ đang đến với hắn thật gần; thì hắn lại quyết định một cách bất thường như bệnh điên mọi người vẫn đã từng gắn: hắn xin nghỉ việc.

            Không ai biết! Ngay cả giám đốc người đang trọng dụng hắn cũng không biết một nết nghĩ rất lương thiện, rất cao đẹp luôn tồn tại trong con người hắn. “Hắn không bao giờ muốn mình là một kẻ ăn cắp”; trong khi cái dây chuyền công nghệ, cái mẫu mã sản phẩm đang được sản xuất hàng loạt trên thị trường do công ty làm ra trên bản thiết kế của hắn lại là hàng fake, là một phiên bản nhái mà thôi. Và với lòng tự trọng cùng cả những hoài bão về những khát khao khám phá chân chính đã không cho phép hắn tiếp tục đi trên con đường mà mọi người đang ru ngủ. Ru ngủ không phải bởi yêu thương, quý trọng nhân tài; mà du dương, vỗ về khi hắn đang là con át chủ bài sinh lời cho cả cỗ máy vận hành như Rô bốt.

            Viết được thế, xây dựng câu chuyện hàm ngôn như thế; Nguyễn Thị Ngọc Yến đã đem đến cho người đọc những khoái cảm tinh thần khi hắn vẫn thật tỉnh giữa thế giới điên, đã giải thoát được không chỉ cho bản thân mà cho cả những người còn đang ngộ nhận về chính tình yêu, tình thương chưa đúng cách của chính mình; về việc mải mê chạy theo giá trị đồng tiền mà bất chấp bản quyền, mồ hôi, công sức lao động chân chính của người khác.

            Khác với thế giới của hắn trong Giải thoát, Mi trắng, lại đề cập đến sự tính toán trong tình yêu và bản án tinh thần phải trả khi những cảm xúc lứa đôi được xây lên bằng những toan tính thiệt hơn, những đo lường được mất. Hay Vũ điệu Kaoshikii lại là bi kịch từ những mù quáng, chạy theo dục vọng bốc đồng nhất thời của bản thân mà bỏ đi những giá trị đích thực của tình yêu chân chính đang cầm nắm trong tay. Với Mi, khi nhận ra Hưng không ích kỉ, vô tâm thì anh lại mãi mãi đi xa về cõi vĩnh hằng; để lại trong cô nỗi ân hận, giày vò khôn xiết về những lầm lạc, định kiến, ngộ nhận của bản thân về người đàn ông sống ngay kề cạnh bên mình. Trong Mi trắng, qua rất nhiều tình tiết nảy sinh, đảo tuyến, xoay chiều liên tục trong 16 trang truyện, chân lí mới muộn màng mới được rút ra: Trong tình yêu không có chỗ cho sự toan tính. Còn với Thy trong Vũ điệu Kaoshikii lại lầm lạc khi bỏ hình bắt bóng; cô từ bỏ Quốc- người chồng hơn cô gần chục tuổi, có ngoại hình khiêm tốn “thân hình thấp bé”. Quốc tuy làm ra tiền, cung phụng cho cô một cuộc sống giàu sang, nhung lụa nhưng anh gia trưởng, lại chỉ biết say mê công việc, sống có phần vô tâm. Thế nên; khi say nắng trước Vỹ- một chàng trai trẻ kém Thy đến 7 tuổi, lại đẹp trai, ga lăng, cô đã từ bỏ tất cả để đến với Vỹ. Để rồi, khi phát hiện ra Vỹ trăng hoa, cục cằn, thô lỗ; thậm chí vừa thành nạn nhân tình dục, vừa thành nạn nhân bạo lực trước kẻ tình trẻ; nhưng vì sự sĩ diện nên Thy cũng không dám nhận sự bao dung, hàn gắn khi Quốc mở lối cho cô. Sự muộn màng và cái giá phải trả thật quá khủng khiếp mà cô đã phải mượn đến vũ điệu Kaoshikii để dựa vào nó làm liệu trình chữa trị cho bản thân vượt qua những sa lầy do chính cô đang chuốc lấy. Tình yêu thương ở khắp mọi nơi là một niềm tin, là chờ mong dịu dàng đầy phụ nữ, là chiếc phao cứu rỗi mà nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Yến muốn tạo ra cơ hội cho nhân vật của mình; ngay cả khi đang phê phán những sai lầm của họ. Đó là những mâu thuẫn trong sự thống nhất ở tư duy thẩm mỹ của nhà văn.

            Thứ ba, cái thẩm mỹ mở một không gian bao la không xác định, một giới hạn chưa định hình để cho con người tưởng tượng. Trên phương diện ấy, nhà văn đã mở rộng chiều kích, để nhân vt của mình vượt qua giới hạn và thường xuyên tự xác định giá trị cho mình. Với loạt truyện Tiếng đêm, Café tím, Bóng hạnh phúc, Mùa xa được phát triển tình huống, kết cấu, hình tượng theo hướng như thế. Như mở đầu bài viết đã khẳng định, cuộc sống là hữu hạn. Nhưng con người với khát khao mãnh liệt, siêu thoát khỏi cái hữu hạn để tiến tới vô hạn lại chính là cội nguồn lí tưởng thẩm mỹ.

            Với Mùa xa; sự chịu đựng và lẽ chấp nhận đến phi thường của dì út là một câu chuyện đầy thương cảm, lạ lùng; nó khác biệt với sự chọn lựa thông thường theo lẽ đời mà con người đang sống. Trong nhiều sự lựa chọn: chọn sống cho riêng mình, chọn sống bên chú Nam- người đàn ông đã, đang và vẫn luôn yêu dì bằng tất cả sự yêu thương, săn sóc; chọn sống bên người chồng ghen tuông bệnh hoạn, vũ phu… dì đã chọn lựa: sống cho con. Giá trị ấy mà dì chọn là cả một hy sinh lớn lao cuộc đời bản thân để con có một gia đình không khuyết thiếu. Có thể đúng, có thể sai nhưng nhân vật của Nguyễn Thị Ngọc Yến đã tự xác lập sự lựa chọn riêng cho mình, dù còn bao chênh vênh, ngai ngái xa trong nắng chiều xiên còn đầy oi bức; và còn đó cả nỗi trăn trở của độc giả: rồi dì út sẽ lại tiếp tục chịu những trận đòn đến mức sau 3 lần thay nước để gội đầu mà “chậu nước vẫn đỏ lịm, tanh nồng, tóc chưa hết bết” ra sao? Vì bé Na- vì đứa con gái dì dứt ruột đẻ ra đã khao khát có đủ bố, đủ mẹ nên nó đã dán chi chít các tờ giấy A4 với nét chữ, nét vẽ nguệch ngoạc trên khắp các vị trí của căn phòng riêng với dòng chữ tô đậm “Gia đình mình mãi hạnh phúc” thì dì sẽ tiếp tục hy sinh bản thân, hy sinh cả lẽ sống riêng tư đến bao giờ? Mùa hạnh phúc sẽ còn xa đến đâu và mùa gần sát sườn là niềm mong mỏi và hạnh phúc của đứa con sẽ được vun đắp như thế nào? Cả một khoảng trống bao la mở ra cùng với bao nhiêu dòng chảy suy nghĩ về vấn đề mà nhà văn chia sẻ...

            Với Café tím, Diễm đủ dũng khí “tắt nguồn điện thoại, tháo sim ra khỏi máy rồi từ từ gập lại” để mãi mãi cắt liên lạc với Bảo; đủ sự dứt khoát để “không muốn đánh mất chút niềm tin mới nảy nở nơi Bảo với đàn bà”, cảm giác mắc lỗi, mắc nợ với Thụy là một sự thức tỉnh của người phụ nữ cũng đã từng trầm luân trong các cuộc tình đổi chác. Tuy chưa có những quyết đáp mang tính từ bỏ tất cả những phụ thuộc nơi đàn ông khi cái kết chưa có với Thụy nhưng sự lay tỉnh trong tâm hồn Diễm là điều đang diễn ra. Cô “muốn quá khứ của tôi mãi là bí mật với cả Thụy và Bảo”, cô tự nhận thấy mình không xứng đáng với cả hai anh cũng có nghĩa Diễm muốn gìn giữ sự tôn trọng nơi người đàn ông đang dành cho cô. Và tôi, độc giả của tập truyện này tin rằng, Diễm sẽ mong, gìn giữ điều trân trọng nơi người khác dành cho mình là mãi mãi và cô sẽ có những lựa chọn chấp nhận đầy vượt khó để mình được là chính mình, được thư thái khi nghĩ về người khác và trong sáng cảm xúc thư thái khi được người khác trân quý về mình.

            Còn trong Bóng hạnh phúc, hình ảnh của một cô My- giảng viên tâm lý học, đạo đức học luôn có cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Hai vợ chng bên nhau đã hai năm nhưng vẫn chưa có con. Hơn nữa, cô “không sao tìm được tiếng nói chung với người chồng suốt ngày lăn lộn, cau có, khốn khổ vì tiền. Mọi suy nghĩ, cảm giác của My như người độc thoại trong cuộc nói chuyện giữa hai vợ chồng”. Thực trạng ấy là một góc nhìn đầy tinh tế, nhạy cảm của nhà văn. Nó không phải hiện tượng cá biệt, nó là một mâu thuẫn hiện tồn tương đối phổ biến trong các cặp vợ chồng khi mà sự chênh lệch, khác biệt về môi trường, về bằng cấp, về vị trí việc làm là một hố ngăn đầy thủy tinh vỡ và gai sắc; nó sẽ bung ngược trở lại đâm tổn thương người trong cuộc bất cứ lúc nào. Với những cặp vợ chồng dung hòa được, vượt qua được điểm khác biệt để tôn trọng, để vun vén hoặc để thích nghi hài hòa thì hạnh phúc sẽ là giá trị được xác lập và ngược lại. Với vợ chồng My- Huấn lại không ở trong trường hợp thứ nhất. My quyết định ly thân mặc dù “cô không có ý định ly hôn. Chỉ là cô muốn có một khoảng thời gian lặng lẽ để nhìn lại cuộc sống giữa cô và Huấn”. Giữa khoảng trống vô hình ấy, Phong xuất hiện “và lấp đầy những khao khát, cô đơn trong My”. Điều Phong cần là My chấp nhận làm người đàn bà thứ hai và sinh cho anh một cậu con trai” khi mà vợ anh sau ba lần chỉ sinh toàn con gái và mới đây nhất lại vừa trải qua cơn phẫu thuật, cắt bỏ toàn bộ buồng trứng. Đổi lại, My sẽ có tất cả những gì cô muốn: vị trí, công việc, tiền và thậm chí là cả những cảm xúc ma mị, mê hoặc khi thể xác đàn ông đàn bà trộn lẫn trong nhau.

            Và rồi, thật bẽ bàng, thật là ảo ảnh của hạnh phúc; khi Huấn chồng cô sau những quyết tâm lao vào các dự án để muốn đủ tiền mua một căn biệt thự mới tại khu đô thị trung tâm, để đón cô về tái hợp thì là lúc anh bị tai nạn, dẫn đến phải nằm im bất động cũng là lúc cô nhận được chuỗi tin nhắn cảnh báo của vợ Phong, là lúc cô nhận ra sự lựa chọn của Phong khi anh đứng giữa ngã ba của thời điểm nhạy cảm: cô- vợ anh và cuộc chạy đua cho chiếc ghế bổ nhiệm lại. Và khi Phong đã né tránh các cuộc liên lạc với My, là lúc My hiểu “Người Phong yêu không phải là vợ, cũng không phải là cô mà chỉ là bản thân Phong thôi”. Sự liên lạc trở lại dày đặc với những lời lẽ thanh minh đầy nồng nàn của Phong với cô ngay sau khi chiếc ghế được bảo toàn càng tô đậm một nét vẽ đen, chạm khắc lên giá vẽ của My- một nét giải tỏa cảm xúc thanh tao trong tâm hồn nghệ sĩ, lãng mạn của cô; và cũng là một nét đứt đoạn trong cuộc tình nhiều ảo mộng, My dọn về nhà, bên cạnh Huấn. Hình ảnh khép lại tác phẩm nhiều khoảng trống “Những tàu lá sen dập dờn trong gió, cánh hoa rung rinh nửa như hoan hỉ, nửa như thẹn thùng. My thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản” nhưng đó là khoảng trống của đầm sen, của sự trở về sau khi nhân vật trung tâm được va đập với cái bóng ảo ảnh. Cô đã vượt qua được chính mình, vượt qua được ảo ảnh của hạnh phúc; và có lẽ cái bóng ấy sẽ là một sự trưởng thành để cô cùng Huấn vun vén cho cuộc sống cả hai thành tổ ấm. Tôi tin thế, như tin vào “tâm trí cô đang thả trôi giữa mùi hương vấn vít, thoang thoảng, dịu dàng…”.

            Đúng là, cuộc sống siêu thoát vượt lên sự hữu hạn của chính mình kéo theo biết bao ước mơ, hi vọng, cả sự ngộ nhận, khổ đau, tủi nhục, hạnh phúc… Với Tiếng đêm, khi Di nhận ra sự thầm lặng hy sinh vì nhiệm vụ của một người chiến sĩ công an nhân dân; khi phát hiện ra Phúc không hề phản bội cô mà chỉ vì trọng trách nghề nghiệp, anh buộc phải vào vai trong một cuộc tình mới để phá án thì niềm cảm khái trong cô dâng lên gấp bội. Anh vẫn, đã và luôn yêu cô đến mức “Em có thể biến bầu trời thành sắc xanh lá cây. Em có thể biến cỏ lá thành sắc xanh biển. Nhưng em không thể ngăn anh đừng yêu em” như anh vẫn luôn hằng nói.

            Có thể nói, được đọc cuốn truyện “Vách gỗ” của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Yến, cảm nhận được sự phong phú về ý nghĩa thẩm mỹ của tác phẩm trên từng trang truyện; lòng tôi cứ man mác một cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng như các hình ảnh nghệ thuật mà nhà văn chọn làm tín hiệu thẩm mỹ trong các tác phẩm của mình: hình ảnh thang thuốc chữa vô sinh, hình ảnh màu tím mê hoặc của ánh đèn, hình ảnh thanh thoát của đóa hoa mi trắng, hình ảnh tinh khiết của đóa hoa sen… cộng hưởng cùng giai điệu trữ tình, du dương, ma mị của vũ điệu Kaoshikii, bản nhạc “The colour of the night” là những ám ảnh không quá ồn ào, không đủ sức bùng lên những cháy bỏng cồn cào, mãnh liệt để tạo ra một cuộc cách mạng biến thiên mà nó mở ra chuỗi tư duy, dòng cảm xúc sâu lắng, miên man, nhẹ nhàng về câu chuyện cuộc sống, tình yêu, cách ứng xử và sự chọn lựa chiều hướng cuộc đời, con đường sống của các nhân vật trong “Vách gỗ”. Có những hạnh phúc đã được xác lập, có những cuộc hội tụ muộn màng và có cả những hành trình còn đang tiếp tục trên con đường chưa tới đích. Nhưng đó là những giá trị thực vẫn hiện tồn trong cuộc sống quanh ta mà nhà văn; với trái tim mẫn cảm đã điểm vài lát cắt để tâm tư cùng người đọc, để rồi qua lăng kính độc giả, tác phẩm có một đời sống tiếp theo trong những thanh lọc của cuộc đời./.

Yên Bái: 14h00 – 2/5/2023.

 

           

 

 

Các tin khác:

1-5 of 68<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter