Mạn đàm về chủ đề thơ xuân qua sáng tác của các nữ tác giả trẻ Yên Bái

Lưu Khánh Linh 

Vào thời điểm này của Yên Bái, hoa Tớ Dày Mù Cang Chải không còn phủ sương, cành cây Khau Phạ không còn ướp trong đá. Những ngọn chè Suối Giàng đã thôi ngậm tuyết, uống giá buốt luồn đến tận da thịt của thớ cây sù sì. Tất cả đang bung trào cho mùa mới nõn nà xanh, tươi xinh giòn giã những sắc hoa phơi phới thắm. Trong mạch suy cảm ấy, ba gương mặt trẻ với chùm thơ ca về chủ đề mùa xuân của Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái khiến đôi tay trở nên chăm chỉ, lần giở những bài thơ ăm ắp tình của họ.

Với Đào Thu Hương- một dược sỹ thôn Pom Ban, xã Tú Lệ của huyện Văn Chấn, người đọc luôn cảm nhận được nét thơ tươi sáng, hồn nhiên, trong văn vắt như lạch suối nguồn miền Tây.

“Mùa đông ơi! Cho ta xin gửi lại

Chút lạnh lùng vương trong gió heo may

Mùa xuân đến, hoa nắng ấm bàn tay

Để yêu thương len vào từng ngõ nhỏ”

Đây là khổ thơ đầu tiên trong bài “Yêu thương mùa xuân” đăng trên báo Yên Bái khi Hương 19 tuổi. Tứ thơ giản đơn, tựa như những câu chữ có vần đang ghép lại. Tuy nhiên, ấm, sáng, thư thái, dễ chịu là cảm xúc mà tác giả trẻ đem đến cho người thưởng thức. Hình ảnh “hoa nắng ấm bàn tay” là sự chuyển hóa từ thị giác sang xúc giác để cho thấy sự tác động tích cực của mùa xuân, đem yêu thương về ngõ nhỏ, trong đó có những cô bé, cậu bé ngây thơ vui trong veo với chùm “bóng bay xanh đỏ”, với “quà về biếu mẹ” ngày đầu năm.

“Cây nảy lộc như sức xuân tuổi trẻ

Đất ươm mầm cho những khát vọng xanh

Cùng ước mong cho hoa trái ngọt lành

Chúc bình yên cho tình người nồng ấm”

Thật dạt dào của khát khao dâng hiến; động từ “cho” được sử dụng đến ba lần trong bốn dòng thơ, hô ứng với “nảy lộc”, “ươm mầm”, “ước mong” về những điều tốt đẹp “hoa trái ngọt lành”, “bình yên”, “nồng ấm”. Đó là lời chúc tết, lời chúc xuân, lời chúc thanh tân đầy tình cảm từ trái tim hồn hậu của cây bút trẻ.

Tâm hồn ấy, nét thơ trong sáng ấy như nhất thủy chung trong sáng tác của Đào Thu Hương, nên 10 năm sau, với “Tú Lệ” bài thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái số 224, tháng 10 năm 2020, chúng ta dễ dàng nhận ra ngay màu giọng của tác giả:

“Ơ kìa nghiêng giọt nắng

Sóng sánh vàng mắt ai

Bao sắc màu quê núi

Đung đưa nhịp đường dài”

Không có gì mới trong sáng tạo hay cách tân nghệ thuật; nhưng nét trong trẻo, đáng yêu là điểm thư giãn đầy nhẹ nhõm. Vẫn là lối kể và tác giả bắt đầu dệt thổ cẩm “sắc màu quê núi” với đèo Khau Phạ, với “mận trắng ngần những hoa”, với “Tớ dày hồng cánh thắm”, với nếp nhà ẩn mờ nơi sườn non, nơi có tiếng khèn dìu dặt cùng ánh mắt long lanh. Sự liệt kê bằng nét vẽ ngôn từ mềm mại để phác họa bức tranh quê hương vào xuân thật thanh bình, tươi sáng. Bức tranh ấy không chỉ có màu sắc mà còn có âm thanh và hương vị:

“Tú Lệ mùa nếp mới

Thơm hoài mỗi bình minh”

Tú Lệ vốn nổi tiếng với nếp nương, thơm dẻo quánh hương đồng gió nội, là sản phẩm lao động của người nông dân thôn quê, chưng cất và tinh kết từ những giọt mồ hôi gieo trồng cấy hái. Và Đào Thu Hương đã cảm nhận thật tinh tế mùi hương ấy khi đồng nhất nó với bình minh, với sự tỏa hương mỗi sớm. Đó chính là chiều sâu của sợi dây tình cảm mà tác giả dành cho quê hương, và độ gợi thức ấy “sóng sánh lên”, “long lanh” lên mỗi độ xuân về.

Cũng tên Thu Hương nhưng đến với tác giả trẻ họ Vũ thuộc miền đất ngọc Lục Yên; chúng ta lại được gặp một trái tim xuân dạt dào mãnh liệt, vừa phồn thực đốt cháy, vừa da diết đến cuộn xoáy khôn nguôi về tình yêu:

“Tiếng khèn ai gọi mùa xuân

Thắp lửa yêu hồi sinh trong trái tim héo úa

Bắt hồn em ra cửa

Vấp phải bùa yêu đang hổn hển đâm chồi”

Tôi cảm giác như đang gặp cô Mị, với sức sống tiềm tàng mãnh liệt của “con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa” nay bỗng hồi sinh bởi tiếng sáo gọi bạn tình khiến Mị tha thiết bồi hồi ý thức mình còn trẻ. Và nhân vật trữ tình của Vũ Thu Hương cũng có nét tương đồng như thế, khi tình yêu đã hồi sinh và được thắp lửa, mọi cảm xúc và bản năng khao khát lứa đôi trỗi dậy mạnh mẽ đến mức cuồng nhiệt, đắm say “hổn hển đâm chồi”. Đọc thơ, ta như nghe thấy tiếng thở vồn vã, gấp gáp của người trong cuộc:

“Khèn gọi ai… mà chẳng thể đứng ngồi

Mắc lưới giăng giăng đêm tối”

Với người con gái khi “trái tim héo úa” được hồi sinh, khi tâm hồn đang đơm hoa nảy lộc của men tình chảy dạt dào nhựa sống thì cảm giác “không thể đứng ngồi” và muốn bung vượt ra mọi vòng kiềm tỏa để được đam mê tìm đến với tiếng thúc gọi của tình yêu “như con thú hoang dẫn lối” là lời tự bạch chân thật đến vô cùng. Vì thế:

“Đêm sang canh…

Tiếng khèn như chùng lại

Hoa mận trắng phập phồng ngực áo người con gái

Hương thơm… man mác … núi rừng”

Là một tứ thơ đẹp, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Vũ Thu Hương: luôn nồng nàn, đắm say, luôn thành thực trong những trần tình, tự bạch về những rung cảm, khát khao trong tình yêu. Hình ảnh hoa mận trắng là một ẩn dụ tinh tế để miêu tả trạng thái “phập phồng” nơi ngực người con gái trong đêm tình mùa xuân. Cảm xúc ấy, sự hòa hợp lứa đôi và sự dạt dào nơi trái tim thanh xuân ấy đã lan tỏa ra không gian để cùng hô ứng thành niềm hạnh phúc ngọt ngào của vạn vật “Hương thơm… man mác… núi rừng”. Ấy là nét mạnh bạo mà không phải tác giả nữ nào cũng dám tỏ bày, chia sẻ nhưng đó cũng chính là nét cuốn hút, là cực nam châm gây nghiện với độc giả. Bởi họ thấy, Vũ Thu Hương bản lĩnh, đắm say, nói hộ bao cảm xúc nơi trái tim mỗi người. Đọc “Tiếng gọi mùa xuân”, chúng ta lại càng thấm cảm rõ ràng điều đó. Cả bài thơ là cả bản hòa tấu mùa xuân:

“Ánh mắt em rực cháy

Môi ủ lá men rừng

Khèn ai thổi sau lưng

Em vút cao tiếng hát

 

Tình em như vân lát

Như hoa đẹp trong thung

Đường xa chớ ngại ngùng

Vía anh xin gửi lại”

Điểm nhìn đang đặt vào chính cô gái thôn nữ miền sơn cước ở độ đương xuân, tròn đầy, căng tràn nhựa sống nên các hình ảnh thơ thật tươi sáng, gợi cảm, phơi phới tình. Ánh mắt, làn môi đều lên men, pha lửa, thiêu đốt gây chếnh choáng say với người đối diện. Cho nên dùng dằng, vía chàng trai đã bị cầm tù nơi nương rẫy, rừng thung- nơi có cô gái như loài hoa đẹp giữa thiên nhiên ban sơ tươi tắn. Vậy nên, càng về cuối, bài thơ dường như càng tấu nhạc nhanh hơn, nhịp điệu mạnh mẽ để hợp nhất với tâm trạng xốn xang của đôi trai gái.

“Tấu bản nhạc say mê

“Mặc ta” ôm ngực núi”

Đọc lời thơ, chúng ta như hình dung được đôi mắt đăm đắm của nhân vật trữ tình. Để rồi, trước sự yêu thương của núi, trước vẻ đẹp của rừng; người con gái thêm tự tin về vẻ đẹp thanh tân, người con trai càng đắm say trước nét ngời ngời trắng trong của người thiếu nữ.

“Giữa mâm vàng em cúi

Gió ghẹo ngực nõn nà

Em lại cất tiếng ca

Gọi mùa xuân về bản”

Tiếp tục dòng cảm xúc ấy, Vũ Thu Hương khép lại bài thơ đầy tính nhạc. Mâm vàng ấy là lúa trĩu hạt bội thu hay chính là sự nõn nã của bầu ngực trẻ, có lẽ chúng ta cũng không cần phải cụ thể đến tường tỏ. Chỉ biết rằng khúc hát tình yêu, mùa xuân trong tâm hồn người đã đổ xuân rạng rỡ trên khắp bản rẻo cao Tây Bắc.

Cũng nằm trong trục chủ đề xuân yêu thương, đến với Vũ Mai Oanh- một người con gái yêu như chưa bao giờ được yêu và lúc nào cũng sống đam mê như chưa bao giờ được dâng hiến để lúc nào ngọn lửa da diết cống hiến cũng cháy bừng từng phút từng giây cho cuộc sống của hiện sinh. Và trong thơ, Mai Oanh cũng luôn cồn cào như thế. Tuy nhiên, trong góc thi cảm hôm nay, tôi lại được đằm mình với những vần thơ tình mùa xuân nhưng không phải rát bỏng khao khát của lứa đôi mà được cảm nhận một nét đẹp khác trong thơ của tác giả trẻ- đó là sự chiêm nghiệm, ẩn chứa chiều sâu ngẫm trải về tình cảm gia đình. Trong “Vườn nhà” tác giả viết:

“Đất Yên Bái của mình nhiều mưa cả mùa đông

Trong rét buốt sương giăng nhiều tơ nhện

Con nhớ chỉ có củ su hào trong vườn nhà mình là không ngừng lớn

Và cây bắp cải mẹ trồng vẫn cuộn cả gió đông”

Thuần túy chỉ như lời tự sự thôi mà sao thấm thía tấm lòng chắt chiu, tần tảo, hy sinh của người mẹ đến vậy. Đó chính là bởi cách xây dựng hình ảnh đối lập: giữa mưa, rét buốt, sương giăng của khắc nghiệt với những thành quả của đôi bàn tay mẹ: củ su hào lớn, cây bắp cải cuộn tròn bất chấp cả gió táp mùa đông, là “mấy con gà con” cũng “lớn rất nhanh” cho đến “Rặng mía sau vườn đốt vẫn vươn lên/ Đón cả sương giăng giữa đời buốt giá”. Nhưng sâu sắc hơn, khi tứ thơ không chỉ gợi ra củ su hào, cây bắp cải, đàn gà con, rặng mía vẫn lớn mỗi ngày mà quan trọng hơn là giá trị mà mẹ vun giữ qua bao ngày tê tái để nâng niu, chiu chắt những tình cảm ấm áp trong nếp gia phong

“Bàn tay mẹ vun từng hạt ngọt

Để mía đo ngày đo tháng đón xuân sang”

Thước đo ấy chính là thước đo hạnh phúc mà mẹ luôn âm thầm nhẫn chịu, hy sinh để vun xới mùa xuân cho gia đình. Cho nên hình ảnh ở dòng thơ trên cùng với khổ kết chính là tình cảm trân trọng, biết ơn, đồng nhất mẹ và mùa xuân của tác giả- một sự thổ lộ tinh tế bằng hình ảnh thơ mà không cần tỏ bày một câu trực ngôn nào:

“Tuổi đã xếp ngày xếp tháng trên tay

Mẹ vẫn không ngừng chắt chiu cả những mùa tê tái

Ở ngoài đường gió mùa đông vẫn không ngừng thổi

Chỉ khu vườn nhà mình mãi mãi xuân sang

Dấu hiệu tuổi tác- những vết nhăn xô sóng trên tay, nhưng tấm lòng và tình yêu bao la của người mẹ vẫn luôn luôn quảng đại. Một lần nữa phép đối lại được sử dụng thật đắc địa: ngoài đường, gió mùa đông thổi nhưng nơi nhà mình, xuân không chỉ có một mùa mà tứ mùa đều là mùa xuân thông qua tính từ khẳng định “mãi mãi”.

Cũng sâu sắc và hàm ngôn như thế, với “Những bước chân Nậm Khắt”, Vũ Mai Oanh đã gieo vào lòng người một niềm tin sắt son về ý chí, nghị lực phi thường của người dân quê hương trong hành trình tạo lập mùa xuân cuộc sống:

“Cây đào mọc trên đá

Cành đào mọc nghiêng

Hoa đào cũng nở nghiêng”

Mở đầu bài thơ, tác giả đã chạm khơi những sù sì gai góc của môi trường sinh tồn: trên đá, mọc nghiêng. Nhưng điều kì diệu và thôi thúc tuyệt vời chính là bản năng và khát vọng sống vô cùng mạnh mẽ: cành đào mọc, hoa đào nở- mạnh mẽ vươn lên. Đó là chất sống kiên cường như đã thấm vào từng thớ cây ngọn cỏ bao đời của người dân Nậm Khắt. Hàng loạt hình ảnh thơ kế tiếp được Mai Oanh không phải miêu tả mà như đang muốn thống kê bằng lối kể tự nhiên với cảm xúc yêu dấu, khâm phục, mến yêu vô vàn:

“Mầm đào xanh lách vỏ đào sù sì

Hạt ngô nẩy xanh từ nách đá tai mèo xám bạc

Cây thông mọc trên đá

Lá thông nhọn như ngọn dao tay bố tỉa cành”

Khắc khổ, gian khó nhưng họ không chùn bước, không đầu hàng. Thiên nhiên bao quanh như lò luyện “Thép đã tôi thế đấy” nhưng mầm xanh vẫn trổ, hoa đào vẫn đơm bông, hạt ngô vẫn nẩy mầm. Đó là biểu hiện của sức sống dồi dào, mãnh liệt. Vậy nên, trong mùa sương nhưng “váy chị rung rinh trong nắng sáng”, nhựa của thông vẫn thơm cả đất trồng, để những cơn mưa rừng, vạt nắng tỏa làm cho “hoa táo trắng”, “quả táo hồng” và “Má của chị cũng hồng như táo chín”. Đó là sự đáng yêu, trong ngần nét đẹp khỏe khoắn, rạng ngời sắc màu thôn bản. Đặc biệt là ở khổ thơ thứ tư:

“Bố bảo nhà họ Thào Nậm Khắt

Con gái đẹp như hoa đào, chăm như hoa táo mùa ong làm mật

Con trai mạnh như cây thông, vững như rừng táo không cho trôi đất

Cái chân không được nghỉ

Cái tay không được vụng

Cái mắt biết nhìn người làm lụng

Thì mới nên bản Hua Khắt mùa xuân”

Một loạt hình ảnh so sánh dung dị, gần gũi và rất đặc trưng nơi xứ sở Mù Cang. Con gái đẹp như hoa đào rừng, chăm chỉ như mùa ong làm mật. Con trai khỏe mạnh như cây thông, sức vóc như cây táo. Cuộc sống của họ gắn liền với lao động nên sự chăm chỉ là tố chất hàng đầu để xây dựng sự bền vững cho bản thân, cho gia đình. Vượt qua những khó khăn, họ khắc phục xóa đói giảm nghèo bằng đôi bàn tay lao động, bằng đôi chân chinh phục những quả đồi, vách núi cheo leo. Hua Khắt cũng là bản đi đầu và duy nhất hiện nay đang triển khai mô hình nghỉ dưỡng sinh thái- đó là sự nỗ lực trong hành trình đi tìm và tạo dựng mùa xuân nơi rẻo cao. Vũ Mai Oanh là cô gái thành phố nhưng phải thấu hiểu, am tường và gần gũi bà con lắm mới có những vần thơ mộc mạc, chân chất nhưng trúng, đúng và biểu cảm như thế về nỗ lực vượt bậc trên chặng đường gieo trồng cấy hái xuân cho cuộc sống. Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả còn nhìn thấy cả khát vọng gặt chữ của lớp thanh niên trẻ Nậm Khắt để hướng về màu xuân của bình minh:

“Em xuống trường học chữ

Bố không dặn gì, mẹ không nhắc nhở

Nhưng lần nào em cũng nhớ

Bước chân ra nương

Bước chân về nhà

Bước chân đi xa

Bước chân nào cũng chắc”

Xuyên suốt thống nhất từ nhan đề, bài thơ khép lại với phép điệp “bước chân” nhằm khẳng định tính chất chắc chắn trong những suy nghĩ, việc làm, hành động của người dân trong hành trình tạo dựng mùa xuân của chính mình và bản làng.

            Trong thời điểm giao thời, những bài thơ xuân của ba nữ tác giả trẻ của làng văn nghệ Yên Bái mở ra trong lòng độc giả những tín hiệu nảy mầm của mùa xuân. Một mùa mới bắt đầu, lòng người như đơm hoa với khát khao được làm “Một mùa xuân nho nhỏ”./.

 

L.K.L

 

Các tin khác:

21-25 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter