Truyện ngắn Nông Quang Khiêm- nội lực và đa dạng

     Tiến sĩ Thu Huyền

(Viện Văn học Việt Nam)

 

Nhà văn Nông Quang Khiêm là tác giả trẻ có trong tay một vốn hành trang đầy đặn, các tập sách thuộc nhiều thể loại và những giải thưởng ghi nhận sự nỗ lực. Tính đến nay, tròn 20 năm cầm bút, nếu như thơ Nông Quang Khiêm tạo được chất giọng riêng, những tứ hay, hình ảnh có sức ám gợi; thì văn xuôi của anh ghi dấu ấn đậm nét hơn với những sáng tác khá tập trung liền mạch, thể hiện được nội lực và đa dạng trong lựa chọn.

Nhà văn: Nông Quang Khiêm

Câu chuyện về đời thường

Truyện ngắn Nông Quang Khiêm chủ yếu khai thác những số phận con người dung dị, vô danh ở miền núi, quanh quẩn với mưu sinh, có lúc rối bời trong những mối quan hệ chằng chịt. Hầu hết những cốt truyện đều không có nhiều tình tiết éo le hay cảnh huống dữ dội; cái bình thường, cái tưởng như vụn vặt lại có sức ám ảnh và khơi gợi được sự đồng cảm nơi người đọc.

Trong giai đoạn đầu sáng tác, với thơ, và bứt phá bằng truyện ngắn ở chặng sau này, cùng chung một nguồn cảm hứng, những trang viết của Nông Quang Khiêm đôi khi có những triết lý và ngẫm ngợi sâu, những ý nghĩa được truyền tải kín đáo qua những câu chuyện về đời sống thường ngày, tình gia đình, bè bạn và cả những mối quan hệ xã hội phức tạp.

Câu chuyện được Khiêm kể trong truyện ngắn là những chuyện ngày thường. Chẳng hạn, Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải là một lát cắt nhỏ mà sắc về cuộc đời chìm nổi của những số phận bất hạnh. Trong tình tiết của truyện, không có những xung đột lớn, không cao trào, số phận những con người vá víu vào nhau bị hòa tan trong vô vàn cái vặt vãnh đời thường. Nhân vật Sìn với ngoại hình xấu xí, đổi đời nhờ được đền bù từ công ty khai thác quặng. Xao đã một đời chồng do không sinh được con. Họ lấy nhau, rồi gia đình Xao Sìn tán gia bại sản do ôm lô đề thất bại. Xao đi làm lụng nuôi chồng, suýt bị lừa bán qua biên giới. Xao ôm nỗi đau tủi nhục về dãy núi Pù Cải và ngồi hoá đá. Sìn tìm thấy Xao và hú lên ghê rợn. Tiếng hú đêm đêm như tiếng vượn hoang vọng về... Trong Hai lần gặp gỡ, tình cảm của những con người xa lạ đem đến cái nhìn đôn hậu, ấm áp. Cuộc gặp đầu tiên nhen lên niềm vui khi cậu sinh viên nhận một đứa em nhỏ làm anh em. Trái ngược lại là cuộc gặp sau đó vài năm, đứa bé đã trở thành kẻ móc túi, cái tên Thảo Ly cũng đổi thành Hương Sen với sự thay đổi hoàn toàn cả ngoại hình. Kết thúc truyện là sự quyết tâm của người anh trai cứu đứa em khốn khổ khỏi lầm lỗi.

Khi nói đến đặc trưng thể loại, Daniel Grojnowski cho rằng, truyện ngắn du hành nhẹ nhàng, điều ấy không có nghĩa là ngắn. Nó dùng ít từ hơn, đó là một đường tắt tới trái tim; và rằng, truyện ngắn gợi ra, để lại những khoảng trắng, khoảng lề mà người đọc tùy ý lấp đầy. Ngược với sự hâm mộ đối với những sự kiện gây sửng sốt, sự kiện thường ngày- những thứ nhỏ nhặt vô nghĩa của đời sống “lại cho phép truyện ngắn làm bất tử cái tầm thường”. Mùa suối lũ là những trang viết giản dị mà sâu sắc về tình cảm con người. Trò nghịch bồng bột của hai anh em khi làm thơ để đuổi khéo ông đào giếng. Sự vô tình học lỏm nghề xăm ba ba của đứa em... những sự kiện được kể một cách duyên dáng và có chiều sâu trong lựa chọn chi tiết. Lòng tốt của con người với nhau không cần tuyên ngôn mà thấm thía qua những đối đãi mộc mạc thường ngày, qua ứng xử và cách nghĩ của bố mẹ Khủ khi giúp đỡ ông Xù đào giếng. Vẫn những câu chuyện ở bản Lồ, ở Nẻo về, Tu yêu Nhình nhưng bị ngăn cấm vì nhà nghèo. Thạ nhân cơ hội chiếm đoạt Nhình. Mẹ Nhình nói: “làm đàn bà, trời đặt vào đâu cũng là phận đàn bà thôi” nghe đầy xa xót cho thấy cái nhìn về phận đàn bà cam chịu... “Phận đàn bà” ở bản Lồ như được tiên đoán qua cách nói của mẹ chồng Nhình khi tỉnh khi điên. Sau khoảng thời gian yêu chiều ngắn ngủi là những ngày tủi nhục của Nhình khi bị đánh, làm lụng vất vả... như cái bóng không hồn, chỉ còn sự xót xa cho người mẹ chồng điên dại. Sau này lên huyện làm tranh đá quý thì gặp lại Tu, cự tuyệt tình cảm bấy lâu Tu vẫn một lòng, Nhình quyết tâm về vực lại gia đình đang tan nát, cai nghiện cho Nhạ…

Cái nhìn bao dung trong tình yêu

Nếu những chuyện thường ngày mang đến cái nhìn nhân văn mộc mạc, thì ở đề tài tình yêu, Nông Quang Khiêm khai thác chủ yếu ở sự vị tha, bao dung. Nhân vật tôi trong Đường quê kể lại câu chuyện tình yêu đầu đời của mình, cái ngày 19 tuổi, những buổi chăn dê cùng Sa trên đồi. Mặc cảm về gia cảnh bố nát rượu, mẹ thành “bà nải” với sự nhẫn nhịn đến tội nghiệp, chàng thanh niên ấy bỏ thi đại học bởi sự nghèo khó đeo đuổi, tình yêu đầu đời cũng vì thế mà bị cấm cản. Sau những năm học xa nhà, ký ức về đồi hoa chó đẻ vẫn chưa thôi day dứt, Sa lập gia đình và sống cuộc đời lùi lũi với sự ghen tuông vô cớ của người chồng. Truyện ám ảnh bởi những chi tiết như chiếc vòng bạc hứa hẹn giữa hai người, đứa cháu 3 tuổi chết và bị cắn đứt ngón út do thầy tào Pú tin rằng có Ma Slay. “Đường quê” như một ý niệm, cũng chính là con đường của những ký ức xa xót, của tình yêu dang dở và của tuổi trẻ nhiều nỗi buồn. Cũng như khi lựa chọn một địa điểm, một không gian, tác giả chính là đã lựa chọn thu nhỏ thế giới của nhân vật bằng những địa điểm có tính chất biểu tượng. Hình ảnh đồi hoa chó đẻ cô đặc và dồn nén, bởi nó đánh dấu một sự khởi đầu, cũng là điểm kết thúc của tình yêu.

Edgar Poe đồng nghĩa truyện ngắn với một bức tranh, Todorov ví von tiểu thuyết là một chuyến đi dài, còn truyện ngắn là leo lên một quả đồi để mang lại một cái nhìn từ trên cao. Bởi thế, những hiệu ứng mà truyện ngắn mang lại luôn được chú ý đặc biệt. Có thể thấy, không gian trong truyện ngắn của Nông Quang Khiêm mang đến những hiệu ứng đó, dù hầu hết là những sự quen thuộc, có lúc lặp đi lặp lại, tái tạo một đời sống vùng cao bình dị, đôi lúc vượt thoát ra khỏi khuôn khổ ấy - một thành thị được gợi đến với sự mơ hồ, không ý nghĩa. Nàng hươngGió cuốn mây ngàn có sự gặp gỡ đôi chút ở bối cảnh câu chuyện, tuy đi theo hai mạch triển khai khác nhau nhưng cùng đem lại một ý nghĩa. Nàng hương kể về Dung, lên Yên Lai dạy học, sau 5 năm muốn chuyển về xuôi nên đã chấp nhận đánh đổi với trưởng phòng giáo dục huyện. Éng yêu Dung, đã chờ đợi 5 năm và muốn Dung làm nàng hương trong lễ cúng vía cho mẹ mình. Khi chuyện vỡ lở, mọi người biết nàng hương không còn trinh tiết, Dung xấu hổ và tự tử, lúc này tình yêu của Éng đủ lớn để đứng ra nhận mọi lỗi lầm về mình. Trong khi đó, Gió cuốn mây ngàn khắc họa tình yêu của Dìn và Mây vượt lên định kiến của hai bản Luông và Mấy. Nhưng khi đi học xa nhà thì những cám dỗ cuộc sống thành phố kéo Mây đi không biết điểm dừng. Sau Mây lấy Đẩu, trả lễ cho Dìn. Kết thúc quen thuộc bằng motif là bao dung những lỗi lầm, tuy khác đi là Dìn với lương tâm một người thầy thuốc (chứ không phải vì tình yêu đã có với Mây) đã lên núi Ngàng lấy thuốc mà không biết rằng Mây đã mắc căn bệnh quái ác không thuốc chữa. Truyện ấn tượng bởi ngôn ngữ đậm tính mộc mạc, với lối ví von và liên tưởng của người ở bản tuy cách kể, việc lựa chọn sự kiện còn khá vụn, tản mát nên thiếu hấp dẫn.

Chi tiết sáng và giọng điệu riêng

Ở những câu chuyện về đời thường, và cả những câu chuyện tình yêu, cách viết của Nông Quang Khiêm luôn thiên về những chi tiết: Mánh khoé cao tay của tên trộm xi măng, Loòng cũng vì ăn trộm mà mắc bẫy và một mình chịu nhục trong Chuyện ở bản Lồ có cách kể lôi cuốn, ngôn từ dung dị và những chi tiết gọn ghẽ, điều thường thấy ở truyện ngắn của Khiêm. Trong truyện ngắn của Nông Quang Khiêm, cốt truyện thường không nhiều cao trào, số phận nhân vật cũng không đưa đẩy qua những thăng trầm, thậm chí nhiều truyện mang hơi hướng của những tản văn hoặc ghi chép. Ngày cuối năm là những háo hức của Chít về một cái Tết ở quê, nơi có bà nội ngóng chờ mòn mỏi, cứ dần dần bị hẫng hụt. Bố bận trực, mẹ sa ngã theo sự cám dỗ vật chất… tất cả hiện lên qua giọng kể của một đứa trẻ, với những trường đoạn về tập tục tết quê.

Nếu như thơ thiếu nhi của Nông Quang Khiêm trong trẻo với thế giới tuổi thơ mộc mạc, tươi sáng (gian của bà nơi chập chững những bước đầu đời, bù nhìn cả đời áo rách thương bản ta còn khó, tiếng rao gợi nhớ gánh rau của mẹ, chiếc gùi trên lưng còng…) thì truyện ngắn của Khiêm vẻ như già dặn hơn, cái nhìn dù sâu sắc, nhiều ngẫm ngợi và từng trải, nhưng dường như tất cả được kể bằng giọng bình thản, hiền lành và có phần “nữ tính”. Đa phần giọng kể của Khiêm buồn và thiên về gợi xúc cảm từ những hình ảnh đẹp. Trong Đường quê, tình yêu dang dở được “hô ứng” bởi những chi tiết của thiên nhiên ngoại cảnh: “Mùa mưa. Mưa quê tôi kéo dài lê thê, buồn hoang hoải. Tôi lùa dê lên đồi, cùng Sa nấp dưới một tảng đá lớn, nhìn mưa tí tách rơi”; rồi cũng nơi hai người từng gắn bó và sau này xa nhau: “Tôi đợi mãi ở tảng đá cạnh gốc cây nóng, nơi tôi vẫn ngồi cùng Sa. Trăng tàn về cuối dãy núi Ngàng, sương xuống ướt đẫm, tôi vẫn đợi như thế. Mấy đêm liền Sa không ra…”. Độc giả dễ dàng bắt gặp trong truyện ngắn của Khiêm cách miêu tả thiên nhiên gắn với biến cố và tâm trạng con người: nét xinh sâu kín của Sa, gió thôi se sắt khi ềm Lùng và Éng tha thứ cho Dung, buổi chiều thông thốc gió khi Pu đưa tay ra trước lỗi lầm của Nải… Một điểm thường thấy nữa là câu chuyện luôn khép lại bằng một dư âm buồn, thậm chí có những sự kiện tưởng như rất mơ hồ, chỉ có thể cắt nghĩa bằng cảm giác. Không cầu viện đến những tình huống éo le, gay cấn; sự dồn nén của những chi tiết nhỏ, số lượng nhân vật ít ỏi… lại khiến cho một vài truyện ngắn của Khiêm có sức hút kỳ lạ. Gió qua Éc Vài kể về nhân vật Nải bán ngô trên đỉnh Éc Vài, quen biết rồi bị Ben lợi dụng bán qua biên giới. Cuối tác phẩm, Nải trốn về và nhận được sự bao dung của Pu. Pu cũng vì cảm thấy thua kém tiền bạc với Ben, nghe trách móc của Nải mà lên núi đào đá quý, bị thọt chân sau lần đào được viên ruby nhưng bỏ chạy với ý đồ chiếm hữu…  Truyện lôi cuốn được người đọc nhưng cách kể chuyện theo trật tự tuyến tính với mục đích tái hiện và mô tả kỹ biến cố, sự kiện và chi tiết, cộng với kết thúc còn hơi khiên cưỡng khi Pu gặp Nải với nắm lá ngón trên tay… cho thấy đôi lúc Khiêm chưa thật sự dụng công trong kĩ thuật viết.

Trải qua một chặng đường sáng tác khá dài, định hình phong cách đã có những nét riêng nhiều triển vọng, Nông Quang Khiêm đã chứng tỏ được nội lực và sức bền của ngòi bút. Với thể loại đa màu, đa hình hài như truyện ngắn, Nông Quang Khiêm cho thấy khả năng kể chuyện và khơi gợi: có khi từ những sự kiện không thật quan trọng, có khi từ một số phận đơn lẻ, Nông Quang Khiêm lựa chọn hình thức kể đơn giản mà vẫn tạo được những thông điệp ngầm ẩn và nhiều dư âm… Việc xác lập được một chất giọng riêng, cùng với những khéo léo trong tiếp cận đề tài, hành trình sáng tác tiếp theo của Khiêm sẽ còn hứa hẹn nhiều bứt phá đa dạng hơn.

 

T.H

Các tin khác:

16-20 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter