Người lính hôm qua, nghệ sĩ hôm nay

Hà Lâm Kỳ

Ngày đó, cuối những năm 60 của thế kỷ trước, trên văn đàn miền Bắc xuất hiện loạt tên tuổi chiến sĩ trẻ làm thơ, viết văn, sáng tác ca khúc, soạn nhạc không lời, rồi ký họa, rồi nhiếp ảnh, rồi quay phim, đóng phim, cho đến cả múa và hát... về nơi chiến trường Đông Dương, và nơi hậu phương miền Bắc đang khói lửa bom đạn Mỹ. Người dân, và những văn nghệ sĩ đàn anh gọi họ là “Văn nghệ sĩ chiến sĩ”, là “Văn công quân giải phóng”. Tôi còn đang là học sinh phổ thông cấp 3, nhưng được đọc và đã bị ám ảnh bởi những câu thơ cùng tác giả khiến mình thầm ngưỡng mộ. Phạm Tiến Duật viết về người lính lái xe Trường Sơn: Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến /Nôn nao ngồi dậy, nhớ lưng đèo. Nguyễn Đức Mậu: Xách súng công đồn, thành dũng sĩ/ Yêu đời cầm bút, hóa nhà thơ. Lúc này sinh viên các trường Đại học đã tràn ngập lời ca hai ca khúc: “Bài ca bên cánh võng” của nhạc sĩ Nguyên Nhung, và “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Cuối năm 1972, tôi về Trung đoàn 246 để đi B, thủ trưởng Khánh - người Thái Nguyên, vừa ở chiến trường ra nhận quân, đứng trước các chiến sĩ, Đại đội trưởng Khánh có đọc bài thơ, làm tôi nhập tâm nhớ loáng thoáng mấy câu: Rất nhiều vùng đất không tên / Rất nhiều dấu võng bỏ quên giữa rừng. Thì ra “Trường Sơn”, “Cánh Võng” mà lời ca đang làm rạo rực sinh viên là thế. Gần 20 năm sau, 1989, tôi mới được đọc đầy đủ bài thơ ấy, bài Lời riêng của lính từ sổ tay tác giả- nhà thơ Ngọc Bái (Nguyễn Ngọc Bái), chiến sĩ quân Giải phóng Mặt trận Khe Sanh. Lúc này anh đã đương kim Chủ tịch Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn. Sau các cuộc chiến chống Mỹ, chống Pôn Pốt, và biên giới, Văn công Quân giải phóng không còn, thay thế vào đó là thương hiệu Văn nghệ sĩ Cựu chiến binh. Văn nghệ sĩ Cựu chiến binh  thuở Vệ quốc đoàn, mũ nan, chân đất. Văn nghệ sĩ Cựu chiến binh, ngày mũ tai bèo, dép cao su. Rồi văn nghệ sĩ Cựu chiến binh hôm nay- bóng hình biên giới và hải đảo. Rất có thể cuộc đời các anh chỉ khoác hai trong ba màu áo lính, nhưng chất nghệ sĩ trong con người họ vẫn không mờ phai: Khoảng trời bỏ ngỏ lặng im / Chỉ riêng dữ dội  quả tim trong người. Lời thơ mà tác giả Ngọc Bái viết từ 50 năm trước, hôm nay vẫn còn nóng với những Văn nghệ sĩ Cựu chiến binh.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các văn nghệ sĩ tại buổi gặp mặt các văn nghệ sĩ một thời áo lính và Tọa đàm sáng tác VHNT về đề tài

"Lực lượng vũ trang và Chiến tranh Cách mạng trong giai đoạn hiện nay".

 

Hội viên Văn học Nghệ thuật Cựu chiến binh Yên Bái cái thời chiến sĩ Tây Bắc - Điện Biên, có lẽ không còn nhiều, bác Trịnh Thoại, bác Lê Ngân đã ngoại bát tuần. Lớp chiến sĩ giải phóng quân cũng đã thất thập. Sản phẩm xem văn nghệ của họ đã vào độ “chín”. Còn lớp tác giả cựu chiến binh Biên giới- Hải đảo, đang rất chững chạc trên cả hai phương diện, tuổi tác và tác phẩm. Anh trước em sau/ Lo toan gánh vác! Hai câu thơ đó của nhà thơ cách mạng Tố Hữu rất đúng với họ. Sự nghiệp phát triển Văn học- Nghệ thuật tỉnh nhà thế kỷ 20, 21 đang chờ đợi ở họ với vai trò tiếng nói Cựu chiến binh- Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật, và cả trọng trách phát hiện, bồi dưỡng lớp tác giả trẻ nối tiếp. 

Tôi may mắn được sinh hoạt cùng đồng nghiệp văn nghệ từ giữa những năm 80 ngày Văn nghệ Hoàng Liên Sơn nên ký ức về hàng chục bức tranh ký họa của Họa sĩ thương binh Quang Bộ, Họa sĩ thương binh Quách Hùng đem từ chiến trường về, giờ vẫn gây ấn tượng mạnh. Tôi cho rằng, đây là của “độc” còn lưu được. Đất nước thống nhất đã 40 năm mà tác giả của nó vẫn chưa có cơ hội công bố, quảng bá. Thật tiếc. Thật băn khoăn. Nhưng không sao. Các anh vẫn cứ vẽ, vẫn cứ tạc tượng. Tranh và tượng ấy, góp phần thúc đẩy đất nước đổi mới và hội nhập mà các họa sĩ đàn em thành tâm trân trọng, đàm đạo và chia sẻ. Tranh Trinh sát luồn sâu của Cựu chiến binh Trần Quanh Minh đoạt giải A, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2014, có thể không lấy cảm hứng từ chiến tranh chống Mỹ, mà chính từ trận chiến biên giới khi tác giả là người trong cuộc, để rồi góp vào mối nối nguồn mạch sáng tạo mỹ thuật giữa hai cuộc chiến tranh liên hoàn. Các tranh: Tín hiệu biển, Bảo vệ biển đảo của Cựu chiến binh, họa sĩ Nguyễn Đình Thi lại là sự bước tiếp với thông điệp mạnh mẽ: Giữ nước phải nhìn từ xa! Tác giả là hội viên duy nhất của hội đã đến với chiến sĩ đảo Trường Sa, đến với tiền tiêu đầu sóng, nghìn trùng và nóng bỏng. Nghĩ rằng, đề tài này, sẽ còn là cảm xúc lâu dài của tác giả, và của tất cả văn nghệ sĩ. Vùng đất Yên Bái, vùng đất trung du, Tây Bắc, có nhiều lợi thế cho loại hình nghệ thuật: Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Biểu diễn. Nơi đó, văn nghệ sĩ cựu chiến binh vốn đã từng trải ở các chiến trường, thì hôm nay tiếp tục cầm chắc ống kính, cây đàn, giá vẽ lên với vùng cao, về với công trường, xí nghiệp, và vùng nông thôn, để rồi đưa hình ảnh quê hương ra cả nước, lan tỏa đến bầu bạn nước ngoài. Những tấm ảnh đặc sắc, đoạt giải Quốc gia của Cựu chiến binh - Hội viên Tuấn Nghĩa (Nguyễn Tuấn Nghĩa) như: Nhịp cầu hạnh phúc; của Cựu chiến binh- Hội viên Thanh Miền (Nguyễn Văn Miền): Vịnh Hạ Long trên núi, Gương trời, loạt ảnh về ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Những ca khúc của Ngọc Bái, Đoàn Ngọc Bình, Quách Hùng. Điệu múa Tình Khau Cút của Cựu chiến binh, Cựu tù Côn Đảo, biên đạo Nguyễn Việt Hùng đoạt Huy chương Vàng Quốc gia. Rồi những tranh Đường về bản của Nguyễn Văn Sự, Nguyễn Thái Học ra pháp trường của Trần Quang Minh; Sau cơn lũ quét của Quang Bộ. Mỗi tác phẩm nghệ thuật, sức thông tin tưởng như vượt ra khỏi biên giới đất nước.

Văn học, thể loại chủ lực của văn nghệ. Hội viên- Cựu chiến binh của Hội, tự tin mà nói rằng, suốt ba cuộc chiến tranh, giờ đây là xây dựng đất nước, các tác giả văn học đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung. Lê Ngân, Trịnh Thoại, Vũ Quang Trung, Ngọc Bái, Trần Cao Đàm, Hoàng Thế Sinh, Hoàng Việt Quân... những cái tên làm nên sản phẩm văn chương chiến tranh và cả thời hậu chiến. Cựu chiến binh quân tình nguyện Trần Cao Đàm ngày còn là phóng viên Đoàn 766 chiến trường Lào, anh đã viết bút ký Một chiến công nói về Đại đội trưởng Dương Toàn Thắng, chiến sĩ đặc công, người có sáng kiến đưa lực lượng nhỏ vào đánh theo kiểu “mật tập” tạo thắng lợi quyết định cho trận chiến. Bài ký đăng trên báo Quân khu Tây Bắc năm 1969. Trần Cao Đàm nuôi dưỡng cảm hứng đó để sau này anh cho ra đời tiểu thuyết Pa Thí mù sương, và những tiểu thuyết về đề tài chiến tranh khác. Hoàng Thế Sinh, thương binh 4/4 (loại A), anh là lính Trung đoàn 165 của Tướng Nguyễn Chuông, từng kịch chiến tại Cánh Đồng Chum- Xiêng Khoảng năm 1972. Cái chết quả cảm của chiến sĩ Cổ Tân Chước người Bảo Yên, làm Hoàng Thế Sinh canh cánh đằng đẵng. Hơn 40 năm, anh viết truyện ký Chước ơi, về nhà thôi! như thể đã thắp được nén tâm nhang cho đồng đội đang ở tận nơi chân trời. Truyện ký in trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái gây xúc động mạnh cho bạn đọc. Hậu chiến, Hoàng Thế Sinh trở thành Nhà văn Việt Nam với cả khối tác phẩm: Truyện ngắn, truyện ký, bút ký, thơ. Hơn thế, anh là “cây” tiểu thuyết văn học Việt Nam hiện đại khai thác các vấn đề đương thời, ít ai theo nổi. Cựu chiến binh Hoàng Việt Quân cũng là trường hợp hiếm gặp. Tuổi bẩy mươi, anh vẫn lạc quan bên hàng giá tư liệu văn nghệ tự mình sưu tầm, tích cóp chỉ mong góp cho văn học nghệ thuật sự đầy đủ, sự chu tất và nhân văn. Nơi căn nhà đơn sơ và cuộc sống đơn phương, Hoàng Việt Quân có sản phẩm lao động sáng tạo nghệ thuật với trên 40 đầu sách. Một cựu chiến binh nghệ sĩ như thế, thật đáng được ghi danh. 

Tôi có một kỷ niệm nhỏ, hôm nay, muốn bộc bạch cùng đồng đội. Ấy là tháng 8 năm 1974, tôi làm Quân y ở cục Hậu cần Binh đoàn Tây Nguyên (Sau này là Quân đoàn 3), được thủ trưởng cử đi học lớp bồi dưỡng Thông tin viên đặt tại một điểm bên bờ sông Sa Thầy. Lớp do Tổng Biên tập Báo Tây Nguyên Nguyễn Khắc Quán trực tiếp phụ trách. Thầy giáo là Nguyễn Văn Công, biên tập viên (ra quân, anh về Báo Hoàng Liên Sơn, nay nghỉ hưu tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái). Lớp học kết thúc sớm hơn kế hoạch, tôi nộp bài, và gửi luôn bài thơ nhỏ kiểu như ca dao, bài Vào mùa: Mùa mưa, hai đứa hai nơi/ Mùa khô, hai đứa hai trời xa nhau/ Vào mùa, cùng một ước ao/ Được đi chiến dịch, được vào tung thâm. Bài thơ đăng trên trang 3, kết quả lớp thông tin viên. Tháng 2 năm 1975, tôi bất ngờ được đọc lại bài thơ mình viết đăng trên trang nhất, vẫn tờ Tây Nguyên. Tên bài "Vào mùa" đã được đổi thành "Ước ao". Sau giải phóng, Nhà văn Khuất Quang Thụy (khi đó ở Cục Chính trị Binh đoàn) kể, Tổng Biên tập Nguyễn Khắc Quán nói rằng bài thơ vô tình bộc lộ thông điệp đánh lớn. Nếu để tiêu đề Vào mùa, dễ bị địch phán đoán, còn Ước ao, thì chỉ là tâm lý cá nhân chiến sĩ. Tôi nào có biết chiến dịch gì đâu, chỉ viết vu vơ tặng đồng đội Võ Xuân Hiếu đang ở F320 thôi mà. Nhưng khi nghe phân tích, tôi cũng hú vía. Sau này, khi là hội viên văn nghệ, tôi luôn tự nghĩ, văn chương, cũng phải thận trọng nhiều chiều.

Đồng hành với đồng đội hôm qua và hôm nay là các Cựu chiến binh- Hội viên: Nguyễn Ngọc Chấn (bút danh Ngọc Chấn), Binh chủng tăng- thiết giáp; là Hoàng Tương Lai, Quân tình nguyện Việt- Lào; là Đoàn Đức Bình, Binh chủng tên lửa- phòng không không quân; là Nguyễn Hiền Lương nơi mặt trận Trường Sơn Đông; là thương binh Đặng Ngọc Thông lính chiến Tây Nguyên; là Nguyễn Đăng Lộc sĩ quan quân chủng Hải quân… Thật đa dạng. Chiến tranh tự sắp đặt người lính vệ quốc vào vị trí, sự sắp đặt ấy ngẫu nhiên trao cho họ vốn sống, bồi bổ cảm xúc để làm nên sắc màu nghệ thuật, đóng góp với nền văn hóa nước nhà.

Cựu chiến binh- một thương hiệu. Văn nghệ sĩ- một thương hiệu. Người lính hôm qua, nghệ sĩ hôm nay, được vinh dự lưu danh cả hai. “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác(1), nghĩ rằng, đồng đội, đồng nghiệp sẽ tiếp tục làm, và làm được bổn phận của mỗi người, những Cựu chiến binh- Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái.

H.L.K

 

 

([1]) Thơ Tố hữu

Các tin khác:

31-35 of 66<  ...  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter