Quang Bách- Người thầy giáo tâm huyết với văn chương

Hoàng Việt Quân

Nhà giáo- tác giả văn xuôi Yên Bái Lương Quang Bách còn có bút danh Quang Bách, sinh ngày 16/3/1940 (năm Canh Thìn) tại làng Tố, xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nhiều đời gắn bó với ruộng đồng, đồi núi vùng trung du Bắc Bộ. Tỉnh Phú Thọ vốn nổi tiếng trong câu thơ Tố Hữu “Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”, nhưng với vùng quê của Quang Bách thì không hẳn như thế. Rừng cọ, đất đai thì có nhưng không hề có “đồng xanh ngào ngạt” như nhà thơ từng mô tả. Nơi đây đất đai khô cằn thuộc diện “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, trồng cấy khó khăn, mùa màng luôn thất bát, đời sống nhân dân thiếu thốn. Đặc biệt, vùng quê ông lại xa sông, xa chợ nên việc buôn bán, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa tinh thần rất hạn chế, dẫn đến trình độ dân trí thấp. Tuy vậy, hình ảnh thôn quê lam lũ, đói nghèo với văn hóa bản địa tự thân của những rừng cọ, đồi chè, kỹ năng làm nhà gỗ lợp cọ, kỹ năng làm ruộng nước trên những thửa ruộng khô cằn... đã thấm sâu trong lòng ông, khiến cho mỗi khi ông sáng tạo văn học sau này, nhất là khi ông viết về vùng trung du, hồn quê trong tác phẩm của ông luôn hiện ra cụ thể, sinh động. 

Cuộc đời ông gắn bó với hai sự nghiệp, đó là quá trình học chữ- dạy học, sau đó là quá trình sáng tác văn học giúp ông trở thành tác giả có danh tiếng của tỉnh Yên Bái.

1.Quá trình học chữ và dạy học 

Sống trên vùng đất gian khó, bố mẹ Quang Bách sớm có ý thức nuôi dạy con cái với mong muốn các con được học hành đầy đủ nên rất chịu khó cấy cày, tích lũy gạo tiền cho các con ăn học để mở mang tri thức, có cơ hội thoát nghèo. Khi Lương Quang Bách 6 tuổi, các cụ đã mời ông giáo Thu đến nhà khai tâm khai trí cho con bằng những bài học vỡ lòng từ A, B, C… Thế nhưng thời ấy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở thời kỳ ác liệt, máy bay giặc Pháp ném bom bừa bãi suốt ngày đêm, thầy giáo Thu đưa vợ con vào ở hẳn trong một rừng cọ cách làng vài ba cây số, thế là việc học hành của ông bị dang dở. Bố ông thương con, song vốn chữ quốc ngữ của cụ còn hạn chế, chỉ bằng một phần mười chữ Nho mà cụ biết. Tuy vậy, Quang Bách cũng ít nhiều tiếp thu nguồn Nho học của cụ.

Mãi đến năm 1950- 1951 xã Trạm Thản mới có phong trào bình dân học vụ, bố mẹ lại động viên các con đi học. Lớp học ban đêm mở ra ở rừng cọ, ánh sáng là đuốc và nhựa trám bọc lá chuối gọi là “nến trám”. Mỗi khi có máy bay địch, các học viên đều phải tắt hết đóm, nến, khi máy bay đi rồi lại đốt sáng học tiếp. Người học thì đông, người dạy thì ít, hơn nữa mấy thầy giáo dạy bình dân học vụ chữ nghĩa cũng có hạn nên kết quả chẳng được là bao.

Đến năm 1954, hòa bình lập lại, xã Trạm Thản mới có trường công. Ngày ấy Quang Bách đã 14 tuổi, bố mẹ phải làm giấy khai sinh rút xuống 5 tuổi, ông mới được vào học lớp 1. Từ đó ông chăm chỉ học hành, năm nào cũng lên lớp cho đến khi tốt nghiệp cấp II năm 1961, sau đó đi học Trung cấp Sư phạm. Năm 1963, Quang Bách ra trường, được phân công về dạy học tại trường cấp I, II xã Vụ Quang, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Cũng năm 1963 Quang Bách lấy vợ cùng quê là Bùi Thị Hùng, sinh năm 1945. Tháng 9/1964, ông tình nguyện lên Lào Cai dạy học theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, ông đưa vợ lên Lào Cai, xin cho vợ vào làm ở Nhà máy đường rượu giấy Lào Cai để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Ông được kết nạp vào Đảng năm 1966. Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao Lào Cai, kể cả dạy học cấp II và về làm ở Phòng Giáo dục thị xã Lào Cai, ông đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. 

Năm 1979 xảy ra chiến tranh biên giới, vợ ông theo cơ quan về công tác tại Nhà máy đường rượu giấy Hoàng Liên Sơn tại thị xã Yên Bái, còn ông được cử đi học ở khoa Ngữ Văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Năm 1983, ông được phân công về dạy học môn Văn tại Trường cấp 3B (nay là Trường THPT Lý Thường Kiệt thành phố Yên Bái) cho đến năm 2000 thì nghỉ hưu, làm Tổ trưởng khu dân cư nhiều năm, hiện cư trú ở tổ Phúc Tân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái.

Vợ ông, bà Bùi Thị Hùng, một người phụ nữ hiền lành, chăm chỉ, suốt đời tận tâm tận lực âm thầm giúp đỡ chồng con, giúp ông yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao và theo đuổi sự nghiệp văn học. Bà cũng đã cùng chồng nuôi dạy 4 đứa con (2 trai, 2 gái) học hành tử tế, đều tốt nghiệp Đại học. Hiện tại ông bà đã có cháu nội là Thạc sĩ Ngân hàng đang công tác ở Hà Nội.

 

Họa sĩ Nguyễn Đình Thi- Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái tặng tác giả Quang Bách

tấm Poster giới thiệu về sự nghiệp sáng tác của tác giả.

 

2. Tình yêu văn chương và con đường đến với sáng tác văn học 

Được bố mẹ sớm quan tâm đến việc học hành nên Lương Quang Bách yêu văn chương từ nhỏ. Bước vào cấp I, ông được nghe nhiều chuyện cổ tích nên rất yêu thích. Ông tìm đọc các truyện nôm khuyết danh như Thạch Sanh, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phan Trần, Bích câu kỳ ngộ… Đặc biệt truyện Kiều đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của ông. Lên lớp 4 ông đã biết làm thơ, lên cấp II viết báo và là chủ bút của nhiều tờ báo tường của lớp. Ông coi văn chương là nơi thể hiện tâm tư, tình cảm, là nơi bộc lộ tình yêu quê hương đất nước, con người. Ông cũng nhận thức được văn chương là vũ khí đấu tranh để bênh vực người bị áp bức bóc lột, chống lại kẻ ác, chống lại bọn giặc xâm lược. Văn chương còn là nơi gửi gắm tấm lòng yêu thương, bao dung độ lượng của con người, của ông bà, cha mẹ đối với các thế hệ con cháu… Trong quá trình học cấp I, ông luôn được xếp thứ nhất, thứ nhì của lớp. Lên cấp II luôn là học sinh khá, giỏi,riêng môn văn luôn được điểm 5 (thời ấy các trường phổ thông cho đến thang điểm 5 là cao nhất).

Năm 1964, ông có truyện ngắn đầu tay “Lên đường” được Đài truyền thanh tỉnh Lào Cai đọc trong buổi phát thanh văn nghệ, do phát thanh viên Lý Thị Bích đọc rất diễn cảm, khiến ông vô cùng sung sướng. Từ đó ông có dịp quen biết các tác giả Thèn Sèn, Quản Trung Cầm, Ngô Ngư, Trâm Anh… ở Ty Văn hóa tỉnh do ông Dương Văn Hà làm Trưởng ty. Được sự giúp đỡ và khuyến khích của họ, Quang Bách đã hứng khởi sáng tác thêm được một số bài thơ, truyện ngắn mới. Tuy không gửi đi in, nhưng ông có ý thức tự biên tập, sắp xếp thành hai tập bản thảo với ý định có cơ hội thì gửi đi in thành sách. Rất tiếc! Dự định của ông không thành vì chiến tranh biên giới nổ ra ngày 17 tháng 2 năm 1979, hai tập bản thảo trên không còn do đạn pháo của quân Trung Quốc xâm lược bắn cháy cơ quan Phòng Giáo dục Lào Cai, nơi ông công tác và cất giữ bản thảo. Từ đó, ông càng có ý thức tích lũy vốn sống, sưu tầm tư liệu văn học, tiếp tục sáng tác thơ và truyện ngắn, bắt đầu suy nghĩ đến việc viết tiểu thuyết.

Tốt nghiệp Đại học, năm 1983 ông về dạy học ở Trường cấp 3B thị xã Yên Bái (nay là Trường THPT Lý Thường Kiệt thành phố Yên Bái), niềm ham mê sáng tác văn học càng hối thúc ông. Ông âm thầm cặm cụi lên lớp, âm thầm ngồi viết văn thơ, trong khi nhà thơ Lò Ngân Sủn cùng trường ngày đó đang nổi danh, sau đó lần lượt đến Hoàng Việt Quân,Vũ Quý, Nguyễn Thế Quynh được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, càng giúp ông có động lực sáng tác. Tháng 5/1992 tôi được chuyển ngành về làm biên tập Tạp chí “Văn nghệ Yên Bái” cũng là lúc phong trào sáng tác văn học của thầy và trò Trường cấp 3B đang sôi nổi. Hội văn học nghệ thuật tỉnh đã phối hợp với nhà trường tổ chức cuộc thi sáng tác văn học cho nhà trường, đồng thời giúp nhà trường chính thức thành lập Câu lạc bộ thơ văn từ cuối năm 1992 do một số thầy giáo dạy văn phụ trách như thầy Quang Bách, Nguyễn Ry… Thầy Quang Bách vừa sáng tác vừa có nhiều công sức xây dựng Câu lạc bộ thơ văn của trường phát triển trong suốt những năm 1992 - 2009, nhất là trong thời gian 1992-1995 tạo nguồn hội viên cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Bản thân thầy Quang Bách cũng có những tác phẩm đầu tiên được đăng trên Tạp chí “Văn nghệ Yên Bái” như: truyện ngắn “Trong ngôi miếu cổ” (1992), “Tìm bạn” (1994), bài thơ “Lỡ rồi” và có truyện ngắn đoạt giải năm 1993. Với những thành công bước đầu, thầy giáo Quang Bách được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 1994. 

Thầy Quang Bách còn là hội viên sáng lập (2007) và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Unesco thơ Đường luật Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái khóa I (2008- 2010), khóa II (2010- 2013). Năm 2011, Câu lạc bộ được đổi tên là Hội thơ Đường luật Việt Nam, ông được đổi chức danh là Chủ tịch Chi hội thơ Đường Luật tỉnh Yên Bái. Ông đã có nhiều công sức quản lý, tổ chức cho chi hội hoạt động có hiệu quả, in được một số ấn phẩm đáng quý.

Với tư cách hội viên và sự miệt mài cần cù, sáng tạo, Quang Bách có nhiều tác phẩm được công bố trên tạp chí ấn phẩm văn nghệ ở địa phương và Trung ương. Riêng trong Tạp chí “Văn nghệ Yên Bái” từ năm 1992 đến tháng 9 năm 2020 ông đã có 82 tác phẩm được công bố, trong đó có 33 truyện ngắn, 22 bài ký, 22 bài thơ,1 vở kịch ngắn, 4 bài đọc sách và bình thơ. Ông có 03 truyện ngắn được in trên báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam.

Quang Bách xuất bản được 8 tập sách kèm theo giải thưởng như sau:

1. Người cha bất hạnh (tập truyện ngắn), NXB Văn hóa dân tộc 1996, dày 168 trang, gồm 11 truyện, giải Ba Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 1997.

2. Phía bên kia rừng cọ (tiểu thuyết), NXB Văn hóa dân tộc 1998, dày 128 trang, giải Ba Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 1998.

3. Từ bỏ lời nguyền (tập truyện ngắn), NXB Văn hóa dân tộc, 2006, dày 200 trang, gồm 14 truyện, giải khuyến khích Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2006.

4. Sương thu (tiểu thuyết), NXB Văn hóa dân tộc, 2007, dài 180 trang, giải C Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2007.

5. Tâm tình vùng cao (tập ký), NXB Văn hóa dân tộc, 2007, dày 234 trang, gồm 22 bài bút ký và ghi chép. Bài bút ký "Tâm tình vùng cao" được đọc trong buổi phát thanh văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam.

6. Hương sắc một vùng quê (tập tiểu luận phê bình), NXB Văn hóa dân tộc, 2008, dày 142 trang, gồm 19 bài, giải C Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2009.

7. Khúc tình xuân (tập thơ), NXB Hội Nhà văn, 2010, dày 72 trang, gồm 44 bài thơ, giải Khuyến khích Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2010.

8. Trầm tĩnh những nẻo đường (tiểu thuyết), NXB Hội Nhà văn 2019, dày 428 trang, giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2019. 

Hiện nay ông đang chuẩn bị công bố tiếp tập truyện ngắn “Ngôi nhà thừa tự”.

Ngoài các tập sách in riêng, Lương Quang Bách còn có tác phẩm văn thơ in chung với nhiều tác giả trong 28 tập sách và ấn phẩm như sau: Thơ Yên Bái (1994), Sáng tác trẻ Yên Bái (1996), Vì trẻ thơ (1996), Thơ Yên Bái (2000), Văn học nghệ thuật kỷ yếu và tác phẩm (2000), Truyện ngắn Yên Bái (2001), Văn nghệ Nghĩa Lộ (2002), Văn học nghệ thuật Yên Bái tác giả và tác phẩm (2005), Trường THPT Lý Thường Kiệt 40 năm xây dựng và trưởng thành 1965- 2005 (2005), Truyện ký và Thơ Yên Bái (2006), Trên trận tuyến mới (2007), Ráng đỏ miền Tây (2007), 65 năm những chặng đường (2009), Miền đất nhớ tập2 (2009), 99 bài thơ Yên Bái (2010), Truyện và ký Yên Bái 2005 - 2010 (2010), Yên Bái Đường thi chọn lọc (2010), Một vùng thơ chân dung phác thảo (do Ngọc Bái tuyển chọn, bình thơ, 2011), Đây miền ban trắng (2001), Mùa xuân xướng họa thơ Đường (2012), Thơ Yên Bái 2010- 2015, Văn xuôi Yên Bái 2010- 2015, Miền đất nhớ tập4 (2015), Giang sơn gấm vóc (2016), Thi đàn truyền thống Việt Nam (2018), Văn xuôi Yên Bái chọn lọc (2019), Thơ Yên Bái chọn lọc (2019).

Quang Bách có tác phẩm đoạt các giải thưởng khác như sau: 

- Truyện ngắn “Tìm bạn” giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác “Vì trẻ em, cho trẻ em” Yên Bái năm 1993. Tác phẩm được đọc trong buổi phát thanh thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Truyện ngắn “Nỗi đau người chị” giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác trẻ Yên Bái năm 1993- 1995.

- Hai bài ký “Người thầy giáo thương binh và đứa con tật nguyền”, “Ông chủ lò gạch ở Văn Yên” giải Nhì Cuộc thi viết về thương binh liệt sĩ, người có công tỉnh Yên Bái năm 2006- 2007. 

- Bài ký “Ngọt ngào Mù Cang Chải” giải C Cuộc vận động sáng tác về chủ đề “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái” năm 2007- 2009. 

- Vở kịch “Cuộc gặp gỡ bất ngờ” giải Nhất Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài An toàn giao thông năm 2016.

Với những thành tích trong sự nghiệp Giáo dục- Đào tạo và những hoạt động văn học nghệ thuật, Lương Quang Bách đã nhận được nhiều khen thưởng của Đảng và Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Hội và đoàn thể ở Trung ương, địa phương, có thể kể: Huy hiệu 30 năm, 35 năm, 40 năm, 45 năm, 50 năm tuổi Đảng; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Cựu giáo chức Việt Nam, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khuyến học Việt Nam, có trên 50 Bằng khen và Giấy khen của Trung ương và địa phương. 

Văn thơ Quang Bách chủ yếu viết về cuộc sống, con người miền trung du Phú Thọ và miền núi Lào Cai- Yên Bái, nơi ông đã từng sinh sống, công tác, trong đó văn xuôi là niềm đam mê và thế mạnh của ông. Văn xuôi của ông đề cập tới nhiều vấn đề xã hội: Thân phận và nỗi bất hạnh của con người, gia đình và sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân chúng, giáo dục và sự vươn lên của người thầy giáo, cuộc sống thôn quê miền trung du và đồng bào miền núi… Nếu trong tập truyện ngắn “Người cha bất hạnh" ông đề cập nhiều đến nỗi đau khổ, bất hạnh của con người do chính mình gây ra để cảnh báo con người phải cảnh giác, tự điều chỉnh mình thì đến tập truyện ngắn “Từ bỏ lời nguyền" các nhân vật có sinh khí hơn, con người đã từng bước rũ bỏ các thói quen, tập quán lạc hậu, vươn lên trong quá trình đổi mới quê hương đất nước; hơn nữa bản sắc văn hóa, cuộc sống và hình ảnh đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi hiện lên rõ rệt hơn. Lần lượt theo dõi, xem xét qua thời gian viết truyện ngắn của ông ta nhận thấy các tác phẩm đã phản ánh cuộc sống trong quá trình chuyển hóa tư tưởng, nhận thức từ thời bao cấp sang thời đổi mới với nhiều tâm tư, suy nghĩ, ước vọng tốt đẹp của tác giả. Với các cuốn tiểu thuyết “Phía bên kia rừng cọ”, “Sương thu”, Trầm tĩnh những nẻo đường” được viết bằng kết cấu và lối trần thuật truyền thống, giàu vốn sống miền trung du đan xen sự thâm nhập đời sống đồng bào các dân tộc miền núi,vùng cao, vùng xa ở Lào Cai- Yên Bái. Điều này được khắc họa thành công hơn cả trong tiểu thuyết “Trầm tĩnh những nẻo đường” giúp ta hiểu cuộc đời người thầy giáo vốn sinh ra, lớn lên từ vùng trung du, đi học và trải qua những nẻo đường gian khó, đầy thử thách trong môi trường giáo dục vùng cao, từng bước trưởng thành. Sâu xa mà nói, có thể coi đây là tác phẩm tự truyện được chuyển hóa thành tiểu thuyết khá thành công. Còn với tập ký “Tâm tình vùng cao” hầu hết là tác phẩm phản ánh hiện thực cuộc sống hiện nay trên vùng đất Yên Bái đang có nhiều thay đổi. Với tập tiểu luận phê bình “Hương sắc một vùng quê" gồm 19 bài bình thơ,bình một số tập thơ của tác giả Yên Bái, ta thấy ông có khả năng thẩm định, bình thơ khá điềm đạm, đúng mức của một nhà giáo có thâm niên trong nghề dạy học.

Bên cạnh những thành công, văn xuôi của ông cũng còn có những hạn chế ở lối viết kể chuyện,đôi khi dài dòng, thiếu cô đọng, một số nhân vật cùng cực, đau khổ, bất hạnh, không mở ra lối thoát. Tuy nhiên, nhìn ở tổng thể, các tác phẩm văn xuôi của ông vẫn giàu lòng trắc ẩn, phản ánh được quá trình phát triển của quê hương đất nước trên con đường đổi mới. Điều đáng trân quý của Quang Bách là suốt đời tận tụy với sự nghiệp giáo dục và luôn tâm huyết với văn chương, để lại các tác phẩm ít nhiều có giá trị.

 

                                                                                    H.V.Q

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác:

31-35 of 66<  ...  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter