Đọc Nguyễn Tư Nghiêm Một mệnh đề đứng riêng

 Nói rằng Nguyễn Tư Nghiêm (sinh 1922) là họa sỹ Việt Nam nhất, thì còn bị bắt bẻ. Nhưng nếu nói rằng trong đời sống cũng như trong một riêng biệt hồn nhiên và tự tại, thì hoàn toàn đúng.

Nói rằng Nguyễn Tư Nghiêm (sinh 1922) là họa sỹ Việt Nam nhất, thì còn bị bắt bẻ. Nhưng nếu nói rằng trong đời sống cũng như trong một riêng biệt hồn nhiên và tự tại, thì hoàn toàn đúng.

Ở hai phương diện, ông im lặng và thể nhập.

Gặp Nguyễn Tư Nghiêm, ta có thể tin cái tuyệt đối này: bản chất của nghệ thuật, từ hang động đến thế kỷ tin học, từ Đông sang Tây, từ Phi sang Mỹ và Châu Đại Dương, là một. Không một nền nghệ thuật, một thế kỷ nghệ thuật, hay một nghệ sỹ nào là hòn đảo trơ trọi cả. Và, cả cái tương đối này, sự tiếp biến và điều hòa văn hóa là hiển nhiên, và ngày càng được con người tôn trọng.

Nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm bao hàm một ngữ pháp tổng hòa về nhịp điệu, đường nét và hình tượng của nghệ thuật truyền thống dân tộc.Học song Ecole Supérieure des Beaux – Arts d’Indochine (có hai mươi năm người Pháp lập vào giảng dạy ở Hà Nội). Nhưng ông không hề theo lối chuyển hoá thiên nhiên thành da thịt chính xác, thậm chí trắng trợn, lên tranh như nhiều thế kỷ của nghệ thuật bác học phương Tây đã từng phân tích.

Trái lại, Nguyễn Tư Nghiêm ước định, tổng hợp và tích hợp tất cả vào trực cảm mạnh mẽ và sâu lắng của cá nhân, không biện luận. Còn có thể nói là phi hệ thống cũng được. Nó bác bỏ cái bề ngoài nguyên vẹn, nhưng hời hợt của sự vật, mà hướng về cái hỗn độn phức tạp bên trong.

Nếu theo cách nhặt riêng từng chi tiết bằng kiến thức, thì tranh Nguyễn Tư Nghiêm chứa đựng không cứ gì những yếu tố ban sơ của Nghệ thuật Đông Sơn, Tây Nguyên hay lão luyện của thời Lê - Nguyễn mà cả Châu Đại Dương, Phi rồi Lập thể, Biểu hiện... cho tới tận Pop-art. Nhưng nhìn bằng cái chung tối hậu của thẩm mỹ thì tranh ông gây cảm giác bâng quơ, tự ngộ, rất thú vị trong cử chỉ hội họa chậm chạp có khi ngớ ngẩn, dở dang. Nó không hề vội vã, thông minh như làm cho bằng được tới một giới hạn gọi là kết thúc của cái máy.

Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm đang sáng tác, phía sau là vợ ông - bà Thu Giang.

Ảnh: Nguyễn Đình Toán, 2013

Ông nói nhiều lần, thận trọng: “Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”.

Ông cũng nói: “Nhìn thấy ở nghệ thuật hoang dã giá trị lớn”.

Tôi biết ý kiến Nguyễn Tư Nghiêm phát biểu tại cuộc tranh luận hội họa ở Việt Bắc ngày 27/9/1949 về tranh của một bậc đàn anh, khi chúng ta kiên quyết theo đuổi khuynh hướng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Theo ông, họa sỹ này “dùng bàn tay đều đặn như một cái đồng hồ, vẽ cẩn thận, rõ ràng như một cái máy đang quay, im lặng như một cái mặt đứng yên. Thoạt đầu, thấy có những cử động, nhưng nhìn lâu ta hoài nghi, bật ra câu hỏi, đây là người thực phải không? Ta bỗng có cảm giác bị đánh lừa, ở đây có một cái gì chết, giả tạo”. Trước đây ông nhìn cảnh thực nhưng vẽ hoàn toàn ý nghĩ, những tưởng tượng của mình, Bây giờ, trái lại, ông bước sang sự thực và bước quá đà, từ ca tụng sự thực đến sùng bái sự thực.

 

Nguyễn Tư Nghiêm, 12 con giáp, bột màu, 2003

 

Nguyễn Tư Nghiêm, Gióng, sơn mài, 1982

  

Nguyễn Tư Nghiêm, Múa cổ, bột màu, 1982

Nghệ thuật không thế thiếu cái bí mật, và cái tôn thiêng mà tranh Nguyễn Tư Nghiêm xưa nay có vậy. Nhưng điều này buộc ta phải vượt bỏ cái kiến thức tri giác để đi đến cái kiến thức thẩm mỹ. Trước một điệu múa cổ, một Thánh Gióng, một con rồng, một vòm cây, một Thuý Kiều... của ông, ta đừng đặt câu hỏi rằng Nguyễn Tư Nghiêm đã dùng phương tiện hội họa nào, mà nên nói rằng vì sao phương tiện hội họa ấy đã được ông lựa chọn ưu tiên, để nói đến cái nhìn riêng của mình vào thế giới.Như vậy, ta sẽ trả lời được vì sao trước cái tấm thân ảo dị, lao lung của tác phẩm Nguyễn Tư Nghiêm, người xem dừng phắt lại mà trước nhiều cuộc trưng bày long trọng khác, người ta đã bỏ đi qua.Người xem chờ đọc được một cái gì đằng sau cái nhìn thấy.

Tranh Nguyễn Tư Nghiêm không có cái “có” và không có cái “không có”. Chúng lướt qua nhau, xâm lấn vào nhau. Nghĩa là ở đó không có sự phân chia cứng nhắc và vô nghĩa mà đời sống thực muốn vậy. Tôi tin rằng, những ý tưởng nghê thuật im lặng giấu mình của Nguyễn Tư Nghiêm nói lên được nỗi lo âu trắc ẩn của thân phận con người và dân tộc trước sự tranh chấp giữa đức hạnh và thói hư, trước cả sự sụp đổ của tà đạo và quỷ thần.

Nếu, Nguyễn Tư Nghiêm là mệnh đề đứng riêng trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam, thì đó là, bởi ông đã tự chối bỏ cả chính mình, để mặc cho sự cấm dỗ bí mật và tôn thiêng của cái Đẹp lôi cuốn đi.

T.B.V

Theo Tạp chí điện tử Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm

Các tin khác:

56-60 of 102<  ...  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter