Tranh tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng năm về dịp tết lại ra nằm khắp chợ vùng quê. Nhà nào nó cũng len vào, vì giá rẻ lắm, vừa với túi tiền của mọi người, cho nên ai ai cũng yêu và sẵn sàng đón nó về để vui ba ngày tết.

Những nghệ sĩ vô danh từ xưa đã tạo ra tranh tết bằng những nét vẽ giản dị và in nó ra bằng những dụng cụ tầm thường: một bản in khắc bằng gỗ và ít màu phẩm xanh đỏ, vàng… những màu sắc đó đã thành những màu riêng của tranh tết Việt Nam.

Trần Đình Thọ – Ra đồng. Sơn mài. 1961. 58x88cm

Tính chất của những bức tranh tết này là dễ hiểu và vui mắt. Đầu đề phần lớn là những cảnh sinh hoạt hàng ngày của dân chúng hoặc tượng trưng những ý nguyện tha thiết yêu hoà bình, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

Tết năm nay, nước Việt Nam đã độc lập, dân chúng Việt Nam được sống một cuộc đời mới, những tranh tết cũng vì thế mà phải đổi thay, và những đầu đề phải tiến sang một con đường mới.

Với ý nghĩa ấy, một phòng trưng bày những mẫu tranh tết mới, đã được Hội Văn hoá Cứu Quốc Việt Nam tổ chức. Công việc này đã được rất nhiều họa sĩ có tiếng trong nước hưởng ứng và gửi những mẫu tranh vẽ, tất cả đã được đem trưng bày tại phòng thông tin Trung ương tại phố Tràng Tiền, Hà Nội.

Mới vào phòng, ta đã thấy ngay một phong vị đặc biệt. Cũng những màu sắc của tranh tết cũ, cũng những vật liệu cũ, mà ngày nay các họa sĩ đã dùng để sáng tạo ra những bức tranh mới, với những đầu đề mới.

Nghệ thuật Việt Nam hiện nay cũng muốn phụng sự, muốn làm việc cho cái sống, nhất là cho cái sống còn của dân tộc, chứ không đứng trung lập đối với cuộc đời chỉ thờ phụng cái đẹp mà thôi. Những đầu đề các bức tranh đều là những đầu đề tranh đấu. Các tác giả đã bày tỏ trong những bức tranh tết này cả lòng căm giận của họ đối với Pháp thực dân, cả sự quyết tâm của mọi người sẵn sàng kháng địch. Họ không quên cái sức mạnh của sự đoàn kết và gắng giãi bày nó ra. Một điều nữa là bên cạnh những ý nhiệm tranh thủ độc lập, các họa sĩ đã chú ý đến sự kiến thiết quốc gia sản xuất và chống nạn mù chữ. Những tranh đó đều chan chứa một ý chí quật cường.

 

Trần Đình Thọ – Hoa quỳnh. Sơn dầu. 1994. 46x33cm

Họa sĩ Lương Xuân Nhị đã có sáng kiến lấy những tranh cũ, chỉ thay đổi chút ít để biến thành những bức tranh mới, vừa giữ được cái ngộ nghĩnh của thời cũ lại vừa biểu dương được những ý nghĩa hiện giờ.

Cụ Hồ Chủ tịch đã thay cho hình ông Phúc ngày trước (trong bộ Phúc Lộc Thọ) tay cầm hình nước Việt Nam có chồi mọc những mầm non xanh tốt, và các em nhỏ thì cầm lá quốc kỳ dâng hoa, xúm xít quyến luyến quanh Hồ Chủ tịch yêu kính của chúng ta.

Bức bác thợ cày sắp sửa ra đồng làm việc, nhưng cũng vác trên vai khẩu súng và sẵn sàng chờ đợi giặc Pháp xâm lăng. Một con lợn trước kia là hiện thân của cả một đức tính ăn no, ngủ kỹ, cũng đã được họa sĩ mang biến nó thành một con lợn thực dân khóc sướt mướt vì không được ăn no, ngủ kỹ nữa, bởi chậu cám thuộc địa đã bị chó Bính Tuất đặt lên trên một con dao đầu nhọn và sắc bén.

Hai người dân quân lực lưỡng, nam và nữ của họa sĩ Phạm Văn Đôn, hùng dũng cầm súng với những câu “cương quyết giành độc lập” và “quyết diệt thực dân đã thế chân những ông tiến tài tiến lộc ăn mặc lụng thụng mà ngày trước ta vẫn dán ở hai bên cánh cửa.

Họa sĩ Trương Bính căm giận quân thù, ao ước được uống máu và ăn gan chúng cho nên đã vẽ một người nông phu bên mâm rượu Tết toàn là tim gan và tiết của quân thù, dưới thêm hai câu lục bát:

 

Xuân này rượu máu quân thù

Tim gan đồ nhắm cho bù xuân xưa.

 

Ngoài những bức tranh tỏ tinh thần chống thực dân Pháp, còn những bức có ý nghĩa và kiến thiết. Bức của Nguyễn Thị Kim về Hồ Chủ tịch cầm bình tưới những bông hoa tự do, hạnh phúc, chiến đấu… Vẽ Hồ Chủ tịch chăm nom cho vườn Độc lập, có lẽ nữ tác giả nhớ đến cái ý nguyện của Hồ Chủ tịch, lúc dân tộc Việt Nam thành công hoàn toàn, là có một khoảng vườn để trồng rau chăng? Nhiều bức khác vẽ cuộc xây nền đắp móng cho nước Việt Nam mới và cổ động xung phong sản xuất cùng bình dân học vụ.

Có những đặc điểm ta thấy ở trên nhiều bức tranh là những câu lục bát. Những câu đó dễ có ảnh hưởng tốt cho công việc tuyên truyền, vì nó cũng để thâm nhập vào dân chúng.

 

Trần Đình Thọ

(Báo Tiên Phong số 6 ngày 16/2/1946)

(*) Bài viết trích từ sách “Mỹ thuật một thời để nhớ”, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2007

(Theo nguồn: Tạp chí Mỹ thuật)

Các tin khác:

91-95 of 102<  ...  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter