Vắng ai, đường trần muôn ngả…

Cõi tạm lại nhích thêm một khoảng trống vắng nữa khi giới mỹ thuật Việt Nam vừa có những lần giã biệt ngậm ngùi với họa sĩ Dương Viên, họa sĩ Trần Lưu Hậu, họa sĩ Trương Bé… và nay là sự ra đi đột ngột của họa sĩ Trần Khánh Chương (1943 - 2020) nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Trần Khánh chương với bó hoa và món quà dành cho "Cộng tác viên xuất sắc nhấy của Tạp chí Mỹ thuật năm 2019"

Ảnh chụp tại nhà riêng của họa sĩ tháng 1/2020

 

Đường trường nặng gánh, cũng là nghiệp phận của ông từ nhiều thập kỷ qua. Với tình đồng nghiệp, đồng tuế, đồng môn, ông trả nợ dần dà, chẳng ai giống ai. Từ các bậc cao niên, trung niên của nhiều thế hệ họa sĩ hội viên đến các họa sĩ còn rất trẻ vừa xuất hiện và khởi nghiệp thuận dòng trong 2 thập niên đầu thế kỷ.

Trần Khánh Chương (1943 -2020)- Chân dung Lê Ngọc Bích- 1965- Chì than

 

Dường như có 2 ông Chương hiện hữu thường ngày để trọn gánh 2 vai. Một ông Chương xông xáo, tận tụy, làm việc Hội như “lao động khổ sai”, sắc sảo phán đoán xa, gần để định liệu cách hành xử tốt nhất cho công việc chung. Bởi thế mà bên tai ông làm gì có tiếng gõ nhịp thời gian của đồng hồ báo thức. Ngày nào cũng vậy, từ sáng đến tối mịt. Ông như một “Mama Đại Tổng quản”, soi đến khắt khe công việc hàng ngày nhưng liền đó lại xuề xòa độ lượng.

Để phần đời cô đơn nhất của ông Chương thứ hai là lặng lẽ đêm đêm ra vào cái kho tư liệu ngổn ngang chuyện đời, chuyện nghề, chuyện mình mà ông đã bỏ công sức nhiều năm “năng nhặt chặt bị”, cặm cụi nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, phát hiện để lúc được duyên, cho ra đời những công trình nghiên cứu văng vẳng lời mách bảo của tiền nhân còn ẩn khuất trong những giá trị khó cũ của di sản văn hóa truyền thống của người Việt. Và ông vẽ, như một cách để tự an ủi mình khi thả bút nhẹ nhõm với những bình hoa tươi, đẹp theo mùa.

Trần Khánh Chương (1943- 2020)- Đường lên Điện Biên- 2005- Sơn mài- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Liên tục 2 thập niên với trọng trách người đứng đầu Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông dẻo dai trên từng cây số theo chiều dài đất nước. Triển lãm mỹ thuật khu vực thường niên cũng đã 24 năm. Mặt bằng hoạt động mỹ thuật giăng rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, khép dần lại những cách biệt về quan niệm, khuynh hướng sáng tác ở mọi vùng miền.

Hội họa hiện thực và cực thực phát lộ đẹp đẽ ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Long An, Ninh Thuận. Đồ họa đương đại giàu biểu cảm, đa ngữ nghĩa trong những tầng sâu triết mỹ của các nghệ sĩ còn rất trẻ ở Hà Nội, Bắc Ninh, Yên Bái, Nghệ An, TP.HCM, Cà Mau. Và đặc biệt là những cuộc bứt phá ngoạn mục của điêu khắc trẻ đương đại ở Hà Nội, Ninh Bình, Đồng Nai, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Kiên Giang…

Trần Khánh Chương (1943- 2020)- Màu xanh trên vùng đất đỏ-1980- Sơn dầu- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 

Trần Khánh Chương (1943-2020)- Những cánh diều- 1983- Khắc thạch cao

Tự tin, tự trưởng thành và sáng tạo nghệ thuật thăng hoa trên mảnh đất quê hương đa sắc tộc, đa văn hóa từ dân tộc dân gian đến đương đại là bức tranh toàn cảnh đầy kỳ vọng của mỹ thuật Việt Nam trước thập niên thứ 3 của thế kỷ mới. Với sứ mệnh người tổ chức, lựa đường đi nước bước và ẩn nhẫn đồng hành theo sự thăng trầm của đời sống mỹ thuật, họa sĩ Trần Khánh Chương đã có những đóng góp quan trọng cho lộ trình phát triển đa dạng của mỹ thuật cả nước trước những thách thức mới của thời tiết nghệ thuật đương thời.

Đời người đóng, mở mới ngắn ngủi làm sao trước sự dửng dưng nghiệt ngã không vết tích của thời gian.

Từ cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về Nghệ thuật Gốm Việt Nam được xuất bản năm 1991, trong năm 2001, ông công bố 2 công trình nghiên cứu công phu, đặc sắc và có giá trị là Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ (500 trang); Gốm Việt Nam (bài viết và 700 ảnh gốm) do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành và tiếp đó là cuốn Việt Nam Ceramics - Nhà xuất bản Thế giới, 2005.

Trần Khánh Chương (1943-2020)- Hoa đỏ- 1993- Tempera trên lụa

Cũng lạ, khi trang đời hữu hạn cứ thản nhiên lật giở những trang cuối cùng, ông cũng kịp tuyển chọn kỹ lưỡng để cho in cuốn sách Trần Khánh Chương (Tác phẩm Hội họa và Đồ họa chọn lọc). Theo trục dọc thời gian, lộ trình sáng tạo nghệ thuật của ông thật đa dạng về chất liệu từ bột màu, lụa, giấy dó, sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, khắc thạch cao và tempera trên lụa… Từng góc khuất trong cuộc đời ông được phát lộ dần dà. Ông giấu kín những cuộc dồn đuổi gấp gáp của thời gian trong những linh cảm lạ từ thế giới tâm linh. Nhưng cố níu thêm mà chẳng được nữa rồi.

Vẫn còn kia 3.200 trang bản thảo chưa kịp hoàn tất lần cuối cho 4 cuốn sách sắp xuất bản: Mỹ thuật một chặng đường (500 trang); Mỹ thuật Ứng dụng Việt Nam (300 trang); Chân dung các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (500 trang); Bộ sách về Gốm Việt Nam (gồm 6 tập) với 1.900 trang về Những vẻ đẹp của đồ gốm Việt Nam; Các cơ sở sản xuất gốm tại Việt Nam; Các phương pháp trang trí trên đồ gốm; Tạo dáng gốm Việt Nam; Nung gốm ở Việt Nam và Sổ tay tra cứu về đồ gốm…

Hai công trình nghiên cứu của họa sĩ Trần Khánh Chương được Nhà xuất bản Mỹ thuật xuất bản vào các năm 2012 và 2013

Với ông, các Giải thưởng lớn ở trong và ngoài nước cho các tác phẩm đồ họa, hội họa và bộ sách 2 tập về gốm; các tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Pergamon Berlin - Đức, Bảo tàng Mỹ thuật Busan - Hàn Quốc… và trong các bộ sưu tập cá nhân ở trong nước và nước ngoài. Các chuyến đi triển lãm và giao lưu Đông - Tây là sự ghi nhận trân trọng những đóng góp khiêm nhường của ông cho sự trưởng thành và phát triển của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Trọn vẹn một đời, một nghiệp vì sự phát triển đa dạng và giàu bản sắc của mỹ thuật Việt. Hai vai nặng gánh đường xa cũng đã yên bề sứ mệnh để chuyển giao cho thế hệ đến sau tiếp bước.

Xin ông an nghỉ thanh nhàn

Vắng ai, muôn nẻo đường trần, vắng ai

Phận xưa, nghiệp cũ còn đây

Mắt cười gửi lại theo mây đi, về…

Hà Nội, 21/4/2020

 

Theo nguồn: Tạp chí Mỹ thuật

Các tin khác:

91-95 of 102<  ...  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter