Người nặn tượng Bác Hồ

Cách mạng tháng Tám đã mở ra một chân trời xán lạn cho các nghệ sĩ, trong đó có tôi. Con đường nghệ thuật chói chang ánh sáng cách mạng khiến tôi không khỏi xúc động. Tôi đắm mình trong nguồn ánh sáng trong trẻo ấy và nhận thấy nghề điêu khắc của mình đã đến lúc cần đến như một thứ vũ khí.

Trong cuộc đời nghệ thuật, tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc, khó nói hết xúc động của tôi về kỷ niệm sâu sắc nặn tượng Bác Hồ những ngày đầu cách mạng. Có lẽ tôi là người nghệ sĩ đầu tiên đã có may mắn được nặn tượng Bác.

Tôi quên sao được một buổi sáng tháng 5 năm 1946, một buổi sáng mùa hè rực rỡ, Hà Nội chói lọi màu nắng, màu hoa phượng đỏ, anh Nguyễn Đình Thi mang tới cho tôi một tin vui khá bất ngờ. Hội Văn hóa cứu quốc cử tôi và hai anh Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung vào nặn tượng và vẽ chân dung Bác tại Bắc Bộ Phủ.

Niềm vui quá lớn khiến tôi lặng đi một phút. Anh Nguyễn Đỗ Cung thì cuống quýt đi mượn dây lưng, để ăn mặc chỉnh tề hơn. Chả là thường ngày anh quen mặc quần soóc không thắt dây lưng!

Lúc này chính quyền cách mạng non trẻ đang đứng trước những thử thách lớn lao. Thù trong, giặc ngoài, đảng phái phản động chỉ rình cơ hội để bóp chết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa đầy một tuổi. Bác Hồ, người thuyền trưởng thiên tài đang lèo lái con thuyền đất nước qua cơn bão tố, hàng ngày phải giải quyết bao nhiêu công việc phức tạp, vẫn vui lòng dành cho chúng tôi một đặc ân lớn.

Ngày ngày tôi và hai anh Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung được phép vào nơi Bác làm việc ở Bắc Bộ Phủ, ghi chép ký họa từ sáu đến tám giờ. Cứ đúng tám giờ là các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam lại tới báo cáo, trao đổi công tác với Bác.

Phòng làm việc của Bác thoáng đãng, sàn gỗ đánh xi bóng. Tôi xin mang theo một cái giá khá nặng và một cái hòm gỗ thông đựng đất sét. Thấy căn phòng quá sạch sẽ, tôi lúng túng không dám bước vào, Bác biết ý, cho người kiếm một cái chiếu “để cô Kim để giá và hòm đất”.

Bác ung dung ngồi đọc báo, trên chiếc bàn rộng của Bác đặt hàng chồng báo các loại, trong nước, nước ngoài.

Đứng trước Bác, tôi cảm thấy tài năng nghệ thuật của mình bé nhỏ quá. Tôi nghĩ: Liệu rồi mình có đủ sức miêu tả một phần nào cái vĩ đại của Bác qua bức tượng bán thân mà mình sắp sửa làm bằng cả tâm huyết và lòng kính yêu lãnh tụ hay không? Tôi vừa mừng vừa sợ cứ loay hoay đứng ở xa, đo miệng Bác, tai Bác, râu Bác. Bác rất tinh ý tế nhị, khoát tay cho phép tôi cứ tự nhiên, đừng quá dè dặt.

Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim đang sáng tác tác phẩm

 

“Bác Hồ ngồi làm việc”. Hà Nội 1960

Tôi sử dụng chiếc com-pa mượn của anh Lương Xuân Nhị để đo tỉ mỉ, thận trọng, đây là một công trình nghiêm túc, phải làm hết sức mình.

Mỗi ngày hai tiếng, được làm việc cạnh Bác, tôi thấy thì giờ trôi đi rất nhanh, thời gian lại rất gấp. Lúc này là đầu tháng 5/1946, Bác chuẩn bị lên đường sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp.

Buổi đầu tiên, Bác mời thuốc lá thơm các anh Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung. Bác cười bảo tôi: “Ngày mai, sẽ mời cô ăn kẹo”. Vào ngày thứ mười, trái với lệ thường, ba nghệ sĩ chúng tôi được vượt giờ quy định khoảng hai mươi phút. Bác cười vui bảo ba người: “Hôm nay tôi làm thêm giờ, phải có bồi dưỡng đấy nhé”.

Trước khi vào phòng Bác, ba người thường ngồi đợi ở căn phòng bên cạnh. Phòng này thông sang phòng làm việc của Bác bằng một cái cửa, nhìn qua khe cửa có thể thấy giày, dép của Người đi bên phòng ấy. Bác quen đi đôi giày vải Cao Bằng. Mọi lần ngồi chờ, chúng tôi cứ nhìn thấy đôi giày ấy qua khe cửa là biết Bác đã tới, liền đẩy cửa xin phép vào. Một lần đợi mãi, chẳng thấy đôi giày, mà chỉ thấy đôi dép cói đi đi lại lại. Bỗng Bác mở cửa vào. Té ra hôm ấy Bác đã thay giày, đi đép.

Sau hơn hai mươi ngày miệt mài lao động, tôi hoàn thành tượng Bác, tác phẩm quan trọng trong cuộc đời nghệ thuật của tôi. Trong Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1946 tổ chức tại Nhà hát lớn, bức tượng Bác được đặt ở một vị trí quan trọng… Cũng trong triển lãm này tôi còn một tác phẩm khác: Bức tượng “Tự vệ Thủ đô”; đó là một anh Việt Minh sao vuông, nhân vật thời đại rất Hà Nội. Tôi đã nặn theo mẫu một công nhân nhà in báo Sự thật (nay gọi là báo Nhân dân). Bức tượng cỡ lớn, phải làm việc cật lực như người… thợ đấu… Trong số những bức tượng của tôi sáng tác từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, những tác phẩm về Bác chiếm một vị trí quan trọng. Tôi đã tập trung nhiều suy nghĩ, để nhiều rung động, đầu tư nhiều sức lực vào những điêu khắc ấy.

Bức tượng bán thân Bác mà tôi sáng tác năm 1946 hiện đang bày ở Viện Bảo tàng Cách mạng. Tác phẩm ấy là niềm vinh dự lớn lao mà cách mạng đã dành cho tôi, là kỷ niệm thiêng liêng về Bác.

Sáu năm sau, năm 1952, ở chiến khu Thái Nguyên, tôi lại làm một bức đắp nổi về Bác Hồ với niềm kính yêu vô hạn đối với Bác. Ở rừng, thiếu chất liệu, anh em đã đi vào tận suối sâu tìm đất mang về cho tôi hoàn thành tác phẩm. Bức phù điêu này, tôi vẫn trân trọng gìn giữ, coi đó là vốn quý của gia đình.

Năm 1960, bức tượng “Bác ngồi làm việc” ra đời ghi thêm những suy nghĩ, rung cảm mới của tôi về đề tài Bác Hồ.

Đến năm 1970 và 1971, tôi tiếp tục sáng tác hai bức tượng bán thân Bác, trong đó có một bức “Bác Hồ năm 1930”.

“Bác Hồ” bao giờ cũng là đề tài vô cùng phong phú, là nguồn cảm hứng vô tận trong những sáng tạo của tôi. Tôi đặt nhiều trí tuệ, tình cảm vào đề tài kỳ diệu này và bao giờ cũng cảm thấy mình không đủ tài năng để thể hiện thành công như mong muốn.

Trong năm 1972, tôi đã phác thảo lần thứ hai bức tượng Bác để thực hiện trong năm sau. Đây là bức tượng toàn thân, cao hai mét. Tôi đã suy nghĩ nhiều về phong thái ung dung tự tại của Bác, và cái áo bông khoác ngoài vừa tăng thêm đường nét uyển chuyển, vừa gần gũi thân thuộc, phần nào nói được tính giản dị của Bác.

Mỗi lần đứng trước bức phác thảo, tôi lại bồi hồi nhớ lại những lần được gặp Bác. Bác hồi đầu cách mạng, râu tóc còn đen, đôi mắt sáng như hai ngôi sao. Bác sau hoà bình 1954 mái tóc đã bạc, mắt vẫn sáng như xưa. Tôi quên sao được thái độ ân cần của Bác khi gặp Bác trong Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1957, vừa trông thấy tôi, Bác đã hỏi ngay: “Cô Kim đấy à? Dạo này cô có còn phải đo đo (Bác giơ tay phác một cử chỉ) như trước nữa không?” Sau bao nhiêu năm trời, những chi tiết như vậy Bác vẫn nhớ.

Sự quan tâm của Bác đối với văn nghệ sĩ thật là sâu sắc chu đáo. Muốn đền đáp công ơn ấy, tôi nghĩ rằng không còn cách nào khác là để tâm trí vào nghệ thuật, dùng nghệ thuật của mình phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

 

    NGUYỄN THỊ KIM

(Nhà báo Lê Hoàng ghi)

Theo nguồn: Tạp chí Mỹ Thuật

Các tin khác:

26-30 of 97<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter