Khắc, nhất là khắc nét, dường như là một sức mạnh đặc biệt của người Việt Nam chúng ta. Có thể nói, đây là một thứ “văn hiến thị giác”, một thứ bản năng tự nhiên mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được. Nó là kết quả của những dòng xoáy di cư, cộng cư, những biến động lịch sử, những quá trình tiếp xúc và biến đổi thẩm mỹ, được tổng hợp trong một hệ thống triết lý, những quy thức, mang đậm dấu ấn thế giới quan, nhân sinh quan, đức tin, bản lĩnh, cảm xúc, sự dũng cảm và niềm vui sống của người Việt Nam.
Cái truyền thống này có lịch sử xa xưa nhất, đã trải dài hàng ngàn năm, và ở thời kỳ cận-hiện đại, lại có thêm một số diễn biến mới, khi người Việt Nam tiếp xúc với người châu Âu, và qua người châu Âu, tiếp xúc với cả thế giới.
Về các thể loại- chất liệu hội họa Á Đông, ở thế kỷ 20, chúng ta không chỉ có thêm tranh lụa, tranh sơn mài, mà ngay cả tranh sơn khắc cũng có thể được xem như một thành tựu đáng kể. Sự ra đời và phát triển của tranh sơn mài kích thích mối quan tâm đến sự phát triển của tranh sơn khắc cũng là lẽ đương nhiên, cho dù đây là hai thể loại gần như khác hẳn nhau, và sơn khắc thường bị định kiến như một thứ nghệ thuật thiên về thủ công mỹ nghệ, làm hạn chế sức sáng tạo của người họa sĩ.
Vào đầu những năm 1940, bậc thầy hội họa sơn dầu Tô Ngọc Vân chưa sáng tác tranh sơn mài, nhưng một số bản hình mẫu của ông đã được Trịnh Vân thể hiện bằng sơn khắc. Trong các tranh sơn mài Việt Nam khi ấy, các họa sĩ cũng vận dụng cả kỹ thuật đắp- khắc, đặc biệt Nguyễn Khang, và kể cả Nguyễn Gia Trí cũng dùng kỹ thuật khắc để vanh mảng khi cần thiết.
Điều này phần nào phản ánh tình trạng dao động của các họa sĩ Việt Nam trước sự đa dạng của chất liệu, đặc biệt sau khi ngôn ngữ của hội họa sơn mài về căn bản đã được hoàn thiện kể từ cuộc triển lãm lớn đầu tiên chuyên về sơn mài diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12 năm 1940.
HUỲNH VĂN THUẬN – Học tập chính sách thuế nông nghiệp. 1952-2016. Sơn khắc. 86x110cm. Sưu tập Phạm Văn Thông, Hà Nội
HUỲNH VĂN THUẬN – Kéo bừa thay trâu. 1954-2016. Sơn khắc. 56×96,5cm. Sưu tập Phạm Văn Thông, Hà Nội
Huỳnh Văn Thuận học khóa 13 (1939-1944) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đây cũng là khóa cuối cùng của trường được học trọn vẹn 5 năm trước khi trường giải thể vào ngày 9 tháng 3 năm 1945 vì Nhật đảo chính Pháp. Cũng giống như một số khóa học trước đó, khóa nào hầu như cũng tập trung thế mạnh vào một chất liệu, hoặc lụa, hoặc sơn mài, ở khóa của Huỳnh Văn Thuận, sở trường của các họa sĩ thường rất mạnh về nghệ thuật khắc và đồ họa.
Trên thực tế, Huỳnh Văn Thuận bắt đầu ở chất liệu sơn dầu. Thời còn ở Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định (1937-1939), ông đã có một bức sơn dầu khá đẹp, vẽ một cây thị tỏa bóng rợp xuống một cái sân nhà. Năm 1940, ông vẽ bức sơn dầu “Buổi sáng ở Hàng Xanh”, hiện lưu ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1943, ông vẽ bức sơn dầu “Thành Huế” gửi tham dự Salon Unique, được chọn in trên tạp chí Indochine. Tranh sơn dầu của Huỳnh Văn Thuận nổi bật ở hình mảng to rộng và nghệ thuật diễn tả ánh sáng điêu luyện. Kỳ thực đó là một lối vẽ khá mới, mà nếu tiếp tục với sơn dầu, ông có thể đi rất xa.
Tuy nhiên, thay vì như vậy, Huỳnh Văn Thuận đã lựa chọn con đường khác để trở thành một họa sĩ thuần túy “đồ họa”, với các chất liệu chì, thuốc nước, khắc gỗ, và nhất là sơn khắc.
HUỲNH VĂN THUẬN – Suối rừng Tây Nguyên. 1986-2010. Sơn khắc. 93x211cm. Sưu tập Phạm Văn Thông, Hà Nội
HUỲNH VĂN THUẬN – Ngày mùa ở hợp tác xã Vĩnh Kim. 1960. Sơn khắc. 81x121cm. Sưu tập Phạm Văn Thông, Hà Nội
Đối với ông, tranh vẽ bằng bút chì chính là cơ sở để phát triển sự nghiệp, và vì vậy tranh vẽ bút chì hoàn toàn có thể được xem như là những tác phẩm đích thực có thể lập nghiệp cho một họa sĩ. Vả lại, cùng với thuốc nước, cây bút chì cũng rất phù hợp với sở thích vẽ và bố cục tại chỗ trước cảnh thực, việc thực, con người thực của ông. Đôi khi, những bức tranh vẽ bằng bút chì do ông sáng tác phải được nhìn qua kính lúp mới thấy hết vẻ đẹp công phu, tinh tế.
Từ nền tảng ấy, trong nghệ thuật tranh sơn khắc, Huỳnh Văn Thuận là một họa sĩ tiêu biểu bậc nhất, chuyên sâu bậc nhất. Các tác phẩm quan trọng nhất của ông cũng đều thuộc chất liệu này: Thôn Vĩnh Mốc (1958), Ngày mùa ở hợp tác xã Vĩnh Kim (1960), Định canh định cư (1983-1995)…
Vốn có một nhãn lực mạnh, ông dường như không bao giờ chịu bỏ qua bất cứ chi tiết nào, tiểu tiết nào có thể phục vụ cho những chủ đề, đề tài mà ông theo đuổi.
Để dựng được bản mẫu cho một bức tranh sơn khắc, có khi ông phải mất hàng tháng trời sống ở thực địa, ghi chép tỉ mỉ bằng bút chì và dùng thuốc nước để thâu tóm ấn tượng toàn cảnh và thần thái của nó.
Xem tranh sơn khắc của Huỳnh Văn Thuận, từ trong những không gian bao la, sâu thăm thẳm, người xem vẫn có thể thấy mọi sự vật tường tận đến từng chi tiết, và qua những chi tiết ấy, người ta nghe thấy những giai điệu nên thơ thường nhật của cuộc sống vĩnh cửu, cảm nhận được cả nắng gió, vị nồng của đất, vị mặn hay tiếng rì rào của biển, tiếng róc rách của suối.
Ở đây, phương tiện người họa sĩ sử dụng thực đơn sơ, đầy chất “thổ mộc”, chỉ có dao và đục, nền đen của vóc và mấy màu hết sức thanh đạm, nhưng kết quả đạt được thực kỳ vĩ, thấm sâu vào tâm hồn con người qua triết lý sâu xa mà họa sĩ đã tiếp thu từ các nghệ sĩ nghệ nhân cổ. Có thể vì vậy mà giá trị thực riêng có của thể loại tranh sơn khắc chỉ có một vài họa sĩ đã chứng minh được, và Huỳnh Văn Thuận chính là một trường hợp điển hình.
Thực kỳ diệu, đôi khi, vô vàn nét khắc trong tranh ông, khi nhìn đủ xa thì dường như lại kết thành những mảng màu đồng đều, cô đúc, mạnh mẽ, lấp lánh ánh sáng quý giá, về nguyên lý thể hiện khá gần với phong cách “thư pháp hiện đại” mà Van Gogh đã phát minh ra trên cơ sở kế thừa di sản của nghệ thuật tranh khắc gỗ Nhật Bản thế kỷ 17. Vẻ đẹp này không có “cũ” hay “mới”. Đó là một nghệ thuật không sợ thời gian.
Theo nguồn: Tạp chí Mỹ Thuật