45 năm Tạp chí Mỹ thuật, lịch sử, con người, thời gian và kỷ niệm

 45 năm Tạp chí Mỹ thuật, lịch sử, con người, thời gian và kỷ niệm

 Năm 2017, nhân Tạp chí Mỹ thuật (TCMT) tròn 40 tuổi và 25 năm tôi làm báo ở Tạp chí, tôi đã viết bài “25 năm với Tạp chí Mỹ thuật”. Năm nay, Tạp chí 45 tuổi và tôi lại có thêm 5 năm làm báo cùng Tạp chí.

Gần đây hình như có một vài “xáo động” nào đó. Chúng khiến tôi nhìn nhận khác về những việc mình đã và đang làm, nhất là làm báo. Có lẽ tôi phải chuyển hướng, hoặc chỉ làm sách, hoặc kết hợp làm báo nhưng ở những dạng báo khác, bởi nghề làm báo – với tôi, ít nhất là với tôi – là một nghề rất khó bỏ.

Tôi cảm thấy đây có thể là lần cuối cùng tôi viết về chủ đề mang tính kỷ niệm này, vì nếu có thêm một lần nào nữa, tôi cũng chưa thể hình dung ra mình sẽ tiếp tục viết gì và viết như thế nào.

Trong 5 năm vừa qua, TCMT lại vừa mất thêm ba đồng nghiệp cũ: nhà nhiếp ảnh Đỗ Huy (2017), nhà điêu khắc Trần Tuy (2019), và họa sĩ Hoàng Công Luận (2021). Danh sách những người ra đi ngày càng dài thêm, để lại trong lòng người ở lại biết bao kỷ niệm đầy thương nhớ, buồn vui lẫn lộn, nửa thực nửa hư, xa xăm mà cũng như đang hiện ra ở ngay trước mắt.

I. Lịch sử 45 năm của Tạp chí Mỹ thuật (qua một góc nhìn khác)
1. Niên biểu

– Ngày 16 tháng 5 năm 1977, Phủ Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp giấy phép xuất bản báo chí số 1863 VP15 cho phép Hội Mỹ thuật Việt Nam xuất bản Tạp chí Mỹ thuật.

– Ngày 20 tháng 5 năm 1977, Ban Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam ra Quyết định số 73-BTV thành lập cơ quan Tạp chí Mỹ thuật trực thuộc Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam, do Tổng thư ký Trần Văn Cẩn ký.

– Tháng 12 năm 1977, TCMT của Hội Mỹ thuật Việt Nam ra số đầu tiên.
– Sau 3 số đầu tiên in tại TP. Hồ Chí Minh, từ năm 1980, các số tiếp theo của TCMT mới tiếp tục được xuất bản và phát hành. Thời kỳ Bao cấp kinh phí cho TCMT kết thúc vào năm 1990, và trong năm đầu tiên của thời kỳ chuyển đổi cơ chế này, TCMT chỉ ra được Số 1 (với nội dung và hình thức mang tính chuyên ngành như trước đó).

 

Họa sĩ Mai Văn Hiến. 1996 Ký họa của Trần Tuy

 

Họa sĩ Trần Đình Thọ. Khoảng 1994-1995 Ký họa của Trần Tuy

– Theo giấy phép xuất bản số 299/BC-GPXB của Bộ Văn hóa-Thông tin cấp ngày 8 tháng 6 năm 1990, TCMT đã chuyển tên từ Tạp chí Mỹ thuật thành Tạp chí Mỹ thuật Thời nay, hoạt động theo phương thức tự chủ tài chính, từng bước thích ứng với quy luật của nền kinh tế thị trường – ra hàng tháng, khuôn khổ nhỏ (13x19cm), 104 trang, với nội dung và hình thức hoàn toàn mới, giảm nhẹ tính chuyên ngành, gắn mỹ thuật với đời sống xã hội và tính ứng dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc.

Số 1 của Bộ mới (viết tắt là BM) ra ngày 15 tháng 9 năm 1990. Sau 7 năm đã có 82 số khổ nhỏ được xuất bản và phát hành. Số lượng phát hành ở thời điểm

– Theo giấy phép xuất bản số 1847/BC-BVHTT của Bộ Văn hóa-Thông tin cấp ngày 9 tháng 12 năm 1993, đầu năm 1994 (Tết Giáp Tuất), TCMT ra số Mỹ thuật Thời nay đầu tiên của Bộ mới (1A), khổ 19x25cm – hoạt động theo một cơ chế tài chính đặc thù với sự hỗ trợ của Nhà nước, Hội Mỹ thuật Việt Nam và NXB Mỹ thuật, chủ yếu nhằm phục vụ các nghệ sĩ tạo hình chuyên nghiệp. Từ 1994 đến nay, tùy theo tình hình thực tế, ban đầu ra 4 số/1 năm, rồi 12 số/1 năm, và hiện nay là 6 số/1 năm.

Đồng thời còn có thêm các bộ tạp chí, phụ san khác: Mỹ thuật Thời nay (thời trang), Mỹ thuật Thời nay (đời sống, còn gọi là M), Mỹ thuật Thời nay- Cười, nhưng cũng chỉ được xuất bản và phát hành trong những thời kỳ dài ngắn khác nhau rồi dừng hẳn vào năm 2014.

– Từ năm 1999 đến nay, Bộ mới Mỹ thuật Thời nay mang tính chuyên ngành của TCMT lấy lại tên gọi “Mỹ thuật” ban đầu, và hiện là tờ Tạp chí duy nhất ở nước ta mang tên “Mỹ thuật”.

2. Các Tổng Biên tập

– Huỳnh Văn Gấm (1922-1987), họa sĩ, Tổng Biên tập đầu tiên, từ 1977 đến 1979.
– Mai Văn Hiến (1923-2006), họa sĩ, Tổng Biên tập thứ hai, từ 1981 đến 1982.
– Trần Đình Thọ (1919-2010), họa sĩ, Tổng Biên tập thứ ba, từ 1983 đến 1985.
– Nguyễn Thế Vinh (1926-1997), họa sĩ, Tổng Biên tập thứ tư, từ 1985 đến 1987.
– Nguyễn Quân (sinh năm 1948), nhà phê bình, Tổng Biên tập thứ năm, từ 1987 đến 1989.

– Dương Viên (1931-2020), họa sĩ, Tổng Biên tập thứ sáu, phụ trách duy nhất một số tháng 3 năm 1989.

– Hoàng Công Luận (1930-2021), họa sĩ, Tổng Biên tập thứ bảy, từ 1990 đến 1993 (kiêm Phó Giám đốc NXB).

– Trần Tuy (1942-2019), nhà điêu khắc, Tổng Biên tập thứ tám, từ 1993 đến 2002 (kiêm Phó Giám đốc NXB).

– Trương Hạnh (1944-2006), họa sĩ, Tổng Biên tập thứ chín, từ 2002 đến 2005 (kiêm Giám đốc NXB).

– Nguyễn Hùng (1947-2014), nhà phê bình, Tổng Biên tập thứ mười, từ 2005 đến 2009.

– Đặng Thị Bích Ngân (sinh năm 1959), họa sĩ, Tổng Biên tập thứ mười một, từ 2009 đến 2014 (từ 2010 đến 2014 kiêm Giám đốc NXB, tiếp tục làm Giám đốc NXB từ 2014 đến nay).

– Bùi Hoàng Anh (sinh năm 1973), nhà nghiên cứu-lý luận, Tổng Biên tập thứ mười hai, từ 2015 đến nay.

Các Tổng Biên tập đã từng làm báo trước khi làm Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật: Mai Văn Hiến, Trần Đình Thọ, Trần Tuy, Trương Hạnh. Riêng họa sĩ Mai Văn Hiến từng làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Mỹ thuật ở thời kỳ đầu.

Các Tổng Biên tập từng trải qua công tác xuất bản: Huỳnh Văn Gấm, Hoàng Công Luận, Đặng Thị Bích Ngân, Bùi Hoàng Anh.

Các Tổng Biên tập có quá trình phát triển tại TCMT từ biên tập viên, trưởng ban biên tập và phó tổng biên tập: Nguyễn Hùng, Bùi Hoàng Anh.

 

Một số cán bộ Tạp chí Mỹ thuật những năm 1980: Hàng ngồi, từ trái sang: Cồ Thanh Đam, Trương Hạnh, Nguyễn Hùng, Nguyễn Minh Chi (ngoài cùng, trên cao). Hàng đứng, từ trái sang: Hoàng Công Luận, Nguyễn Thế Vinh, Lan Hương (thứ 4), Lưu Yên (thứ 5, phía sau), Đỗ Huy (thứ 11, phía sau).

3. Các cán bộ, nhân viên làm việc tại Tạp chí Mỹ thuật (xếp theo trình tự thời gian, ngoại trừ các cán bộ đã nhắc trong danh sách Tổng Biên tập).

Tạp chí Mỹ thuật thành lập trước NXB Mỹ thuật 10 năm. Mặc dù có chức năng khác nhau nhưng cả hai đơn vị về căn bản vẫn luôn luôn hoạt động trong cùng một cơ cấu nhân sự và tài chính chung. Vì vậy hầu như ai tham gia công tác Tạp chí, làm báo cũng đều ít hay nhiều tham gia công tác xuất bản, làm sách, và ngược lại. Trong suốt một thời kỳ dài hoạt động của Tạp chí đã được duy trì nhờ nguồn hỗ trợ kinh phí rất quan trọng từ NXB.

Chỉ đến năm 2008-2009, để thích ứng với tình hình mới, Tạp chí và NXB mới tách ra thành hai đơn vị độc lập, đặc biệt về mặt tài chính. Một số cán bộ trước đó làm việc đồng thời cho cả hai đơn vị đã chuyển hẳn công tác hoặc sang báo chí hoặc sang xuất bản, cho dù vẫn có sự xen kẽ nào đó trong những trường hợp cần thiết, hoặc trong việc sử dụng tài sản công, nhất là tài sản về tư liệu do cả hai bên đã cùng nhau tích lũy trước đó. Và đây cũng là một trong những đặc điểm rất đáng chú ý trong lịch sử phát triển của Tạp chí và NXB.

 

Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tạp chí Mỹ thuật (1997) Hàng bên trái, từ gần đến xa: Phan Kế An, Lê Thanh Đức, Trương Hạnh, Hoàng Công Luận Hàng bên phải, từ gần đến xa: Trần Duy, Huy Cận, Phan Khắc Hải (Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin), Lương Xuân Nhị, và Trần Khánh Chương.

Trong danh sách dưới đây, tên của các cán bộ về sau chuyển hẳn sang xuất bản sẽ được viết bằng chữ nghiêng.Lưu Yên (1930-2013, Trưởng Ban Biên tập, nghỉ hưu năm 1991); Cồ Thanh Đam (1955-2010, Trưởng Ban Trị sự); Đỗ Huy (1955-2017, nhiếp ảnh viên, thôi trước năm 1990); Lan Hương (biên tập viên, thôi năm 1994); Nguyễn Minh Chi (hành chính- tài vụ, nghỉ hưu năm 2015); Quang Việt (biên tập viên); Phương Lan (biên tập viên, làm một thời gian ngắn, thôi năm 1994); Cồ Thanh Mai (hành chính-tài vụ); Vũ Thị Hương (bộ phận nghiệp vụ, phát hành); Vũ Bích Hạnh (bộ phận nghiệp vụ, thôi năm 2009); Hoàng Hoa Cương (Phó Ban Biên tập, thôi năm 2004); Nguyễn Trí Dũng (hành chính và bộ phận nghiệp vụ); Nguyễn Dân Hùng (biên tập viên, trình bày báo, làm một thời gian ngắn, thôi khoảng năm 2000); Đỗ Thị Thắm (biên tập viên, làm một thời gian ngắn, thôi khoảng năm 2000); Nguyễn Thu Thủy (biên tập viên, làm một thời gian ngắn, thôi năm 2002); Phạm Cao Tùng (bộ phận nghiệp vụ, thiết kế trình bày); Vũ Phạm Việt Thắng (bộ phận nghiệp vụ, thiết kế trình bày, thôi năm 2012); Nguyễn Quốc Chung (hành chính); Lê Xuân Bình (hành chính, thôi năm 2010); Đặng Văn Hào (hành chính, thôi năm 2009); Vũ Văn Phúc (nhân viên hành chính, hợp đồng kỳ hạn); Đỗ Thị An Bình (bộ phận nghiệp vụ, biên tập viên, trình bày báo); Lê Hồng Trang (hành chính-tài vụ); Hoàng Minh Chính (biên tập viên).

4. Nhân sự hiện tại của Tạp chí Mỹ thuật: Tổng số 4 người.
– Bùi Hoàng Anh (bút danh Hoàng Anh): Cử nhân ngành lịch sử- lý luận- phê bình Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Công tác tại TCMT từ 1996. Tổng Biên tập.
– Đỗ Thị An Bình (sinh năm 1980): Cử nhân ngành sư phạm mỹ thuật Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Công tác tại TCMT từ 2005. Trưởng Ban Biên tập.
– Hoàng Minh Chính (sinh năm 1989): Cử nhân ngôn ngữ học Đại học Khoa học Xã hội, Đại học Huế, thạc sĩ ngôn ngữ học tại Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Công tác tại TCMT từ 2012. Biên tập viên, phóng viên.

– Lê Hồng Trang (sinh năm 1979): Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán Trường Đại học Thương mại Hà Nội. Công tác tại TCMT từ 2010. Phó phòng trị sự.

5. Trụ sở Tạp chí Mỹ thuật

Trụ sở của TCMT sau khi thành lập năm 1977 chỉ là một căn phòng nhỏ ở vị trí gần với Văn phòng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, và cùng nằm trong khu 51 Trần Hưng Đạo của Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Sau đó (trước năm 1990), Tạp chí cùng với NXB Mỹ thuật (thành lập năm 1987) chuyển sang trụ sở mới được xây dựng tại số nhà 44B phố Hàm Long, Hà Nội (trên mảnh đất xa xưa vốn là đoạn cuối con đường đi thông ra phía sau của khu dinh thự cổ 51 Trần Hưng Đạo do Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam quản lý; một thời gian biến thành nhà kho rồi sau đó không sử dụng nữa; quyền sử dụng mảnh đất đã được Liên hiệp giao cho Tạp chí và NXB Mỹ thuật trực thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam trên cơ sở Liên hiệp chấp thuận dùng nó để quy đổi nhằm lấy lại căn phòng mà Tạp chí đang sử dụng ở khu 51 để phục vụ cho mục đích sử dụng khác; cũng bởi xuất xứ như vậy, cho đến đầu năm 2002, ở trụ sở của Tạp chí và NXB vẫn còn có một cửa hậu nội bộ để có thể đi thông được sang khu 51 nằm trên đường Trần Hưng Đạo).

 

Tạp chí Mỹ thuật năm 1992. Từ trái sang (hàng ngồi): Trương Hạnh – Phó Tổng Biên tập, Cồ Thanh Đam – Trưởng Ban Trị sự, Lan Hương – Biên tập viên, Hoàng Công Luận – Tổng Biên tập. Từ trái sang (hàng đứng): Quang Việt – Biên tập viên, Nguyễn Hùng – Trưởng Ban Biên tập, Nguyễn Minh Chi – Kế toán trưởng.

Ban đầu trụ sở có 2 tầng rưỡi với thiết kế khá lủng củng, gập ghềnh. Tổng Biên tập và Ban Biên tập Tạp chí làm việc ở căn phòng lớn phía trước trên tầng 2, các bộ phận khác như trị sự, hành chính-tài vụ, kỹ thuật-thiết kế, hay phát hành thì chung với NXB ở phần còn lại của tầng 2 và toàn bộ tầng 1. Căn phòng lấp lửng giữa 2 tầng dành cho Giám đốc NXB.

Đầu năm 1995, do nhu cầu phát triển của cả hai đơn vị, trụ sở được cải tạo lại, và làm thêm tầng 3 bằng vật liệu nhẹ dành cho Tổng Biên tập và Ban Biên tập Tạp chí từ tầng 2 chuyển lên. Các bộ phận khác thì vẫn chung với NXB ở 2 tầng dưới.
Năm 2002, Nhà nước cấp kinh phí cho NXB và TCMT xây dựng lại trụ sở hoàn toàn mới với kiến trúc và quy mô 5 tầng như hiện nay, kèm theo toàn bộ trang thiết bị để hoạt động. Kể từ đó, Tổng Biên tập và Ban Biên tập Tạp chí làm việc ở tầng 4, và chỉ sau khi Tạp chí và NXB tách ra, các thành phần chức năng khác ngoài biên tập vốn chung với NXB mới dần dần chuyển lên theo.

Năm 2006-2007, Nhà nước lại tiếp tục cấp kinh phí đầu tư thiết kế và lắp đặt thiết bị kỹ thuật chuyên môn cho hoạt động của Tạp chí và NXB.
Có thể nói, việc có được một trụ sở cố định với điều kiện làm việc khá đầy đủ như vậy là vô cùng quan trọng đối với một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hoàn toàn mang tính chất sự nghiệp như tờ Tạp chí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại, sống còn của chính nó.

II. Những con người, thời gian và kỷ niệm

Ngày 1 tháng 6 năm 1992, tôi đến nhận công tác ở TCMT, làm phóng viên, biên tập viên, hoặc viết bài theo chủ đề Tạp chí yêu cầu hoặc các chủ đề tự chọn… Ngày ấy TCMT với tên gọi mới “Mỹ thuật Thời nay” hoạt động chưa đầy 2 năm. Tám tháng trước đó, trong số tháng 9 năm 1991, tôi đã có bài đăng trên Tạp chí, viết về Picasso, đăng ngay ở trang đầu. Đó cũng là bài báo đầu tiên trong đời viết lách của tôi.

TCMT ngày ấy nghèo lắm, có cùng trụ sở với Nhà xuất bản Mỹ thuật (NXB), tuy hai nhưng thực ra là một, thậm chí chung cả sổ lương, và chung nhau cả cái… “nghèo”, đến tiền xây dựng trụ sở vẫn còn nợ đâu rất nhiều triệu đồng. Tiếng là trụ sở chính ở 44B phố Hàm Long (Hà Nội), nhưng trên thực tế ngày ấy, mọi hoạt động của Tạp chí từ đặt bài, nhận bài, biên tập, in và phát hành chủ yếu lại tập trung ở phía Nam, thông qua địa chỉ 98 Sương Nguyệt Anh (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) tức văn phòng phía Nam của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 1990 đến 1993, chú Hoàng Công Luận và anh Trương Hạnh phải thay phiên nhau vào tận trong đó để “đọc bài”, sinh hoạt “vạ vật”, nhiều đêm còn phải ngủ võng…

 

Họa sĩ Trương Hạnh 1997. Ký họa của Trần Tuy

 

 

Họa sĩ Hoàng Công Luận. 2001 Ký họa của Trần Tuy

 

Cái nghèo của Tạp chí và NXB ngày ấy cũng dễ hiểu: Năm 1990, năm BM (bộ mới) của TCMT gắn theo chữ “Thời nay” ra đời, cũng đúng vào năm nước ta nghèo nhất thế giới (GDP chia theo đầu người chỉ gần suýt soát 100USD). Vì vậy, việc nhận tôi vào làm ngày ấy, đối với Tạp chí, thực chất chỉ là việc “cùng bất đắc dĩ”.
Hôm đầu tiên tôi đến gặp anh Trương Hạnh – Phó Tổng Biên tập Tạp chí kiêm Giám đốc NXB Mỹ thuật – để chuẩn bị làm thủ tục, tôi thấy anh cười như “mếu”. Mà “mếu” cũng phải, vì anh là người chịu trách nhiệm chính chuyện “cơm áo gạo tiền” cho cả hai cơ quan. Mới 48 tuổi mà mái tóc để khá dài của anh đã đầy sóng trắng, tựa như mốt tóc của thanh niên ngày nay. Anh già trước tuổi tới mức anh Đỗ Huy chỉ kém anh có 11 tuổi mà loáng quáng thế nào lại gọi anh là chú, mãi về sau vẫn không sửa được.

Làm ở TCMT được mấy tháng, do nhu cầu của NXB (chưa có biên tập viên), anh Trương Hạnh “ngầm” kéo tôi sang. Rồi từ bấy đến khi nghỉ hưu (2019), rốt cuộc tôi vừa làm xuất bản vừa làm báo, không bỏ được bên nào; riêng làm báo thì đến giờ phút này đã tròn 30 năm, làm xuất bản cũng 30 năm nhưng thiếu đâu vài tháng! Giờ nghĩ lại thấy buồn, thương và nhớ anh Trương Hạnh quá! Anh quá tốt với tôi. Anh đã ra đi ở tuổi 62, khi vẫn còn đương nhiệm Giám đốc NXB.
Từ trước tới nay, có thể nói, tất cả mọi người trong cơ quan đều yêu quý và tin tưởng tôi, nhưng người hiểu tôi, tin tưởng và trân trọng tôi nhất chắc chắn là anh Trương Hạnh. Đối với bất cứ công việc gì, nhỏ to, khó dễ, giữa anh và tôi dường như bao giờ cũng chỉ cần chính thức “gặp nhau” đúng hai lần: một lần “giao” và một lần “nhận” (giao công việc, nhận kết quả). Tôi là cấp dưới, quân của anh, nhưng anh rất hay nói lời “cảm ơn”. Có lần tôi “giận” anh, anh nhờ người sang tận nhà tôi, rủ tôi đi uống; gặp tôi anh cười “hà, hà, hà”, vui lắm – đúng là một ông anh. Về mặt nào đó, anh Trương Hạnh là người khá “cổ điển”, rất giống anh Trần Tuy, ngay ngắn, nhẹ nhàng, nhã nhặn. Anh lại là người có “uy”, biết ứng xử linh hoạt trước các lề lối, phép tắc; duy nhất chỉ trong thời kỳ của anh, mặc dù tôi không có bằng cấp, tôi vẫn hai lần được cấp thẻ nhà báo, trong suốt hơn 10 năm (dạo ấy tôi còn trẻ, có thẻ thì vẫn hơn là không có, khá hãnh diện, chứ về sau không thẻ tôi còn làm được nhiều việc hơn).

 

Nhà phê bình Nguyễn Hùng. 2002. Ký họa của Trần Tuy

 

Nhà điêu khắc Trần Tuy. 1997 Ký họa của Hoàng Công Luận

* * *

Trên thực tế, chú Hoàng Công Luận – Tổng Biên tập, là người giới thiệu tôi với TCMT, và người ủng hộ, xúc tiến việc nhận tôi về Tạp chí là anh Nguyễn Hùng– Trưởng Ban Biên tập. Riêng chú Luận, tôi chỉ được làm việc với chú hơn một năm. Mùa hè năm 1993, tháng 6, Tạp chí và NXB tổ chức đi nghỉ mát ở Quảng Ninh để tiễn chú về nghỉ hưu. Chúng tôi chọn đi nghỉ ở Quảng Ninh có lẽ bởi hai lý do: thứ nhất, Quảng Ninh là nơi chú Luận đã từng công tác ròng rã trong suốt 19 năm (từ 1958 đến 1977); thứ hai, Quảng Ninh cũng là nơi chú Luận vốn có nhiều mối quen biết, đặc biệt với ông họa sĩ Phạm Phi Châu khi ấy đang làm “quan to”, mà nhờ thế chúng tôi có thể có được một số điều kiện ưu đãi.
Năm ấy tôi 34 tuổi, nhưng mới chỉ được đi tắm biển lần ấy là lần thứ hai, và đấy cũng là lần đầu tiên tôi được thấy vịnh Hạ Long, đến thăm cả đảo Titov, đảo Khỉ… Chuyến đi của chúng tôi còn được anh Thuyên – người Mỹ gốc Việt, chồng tương lai của biên tập viên Lan Hương – ghi lại bằng rất nhiều bức ảnh đẹp. Ồ, về sau xem lại những tấm ảnh ấy thấy mọi người đều khác quá, trẻ nhưng gầy quá, trong đó có một vài người đã đi xa…
Chúng tôi đi Quảng Ninh bằng chiếc Toyota 16 chỗ (thường gọi là “Cá mập”), thuê của Hội Sân khấu, do anh tài xế tên Lâm lái. Tối đầu tiên ở Hạ Long tôi đi dạo với anh Lâm, trời nóng kinh khủng. Được phân ở cùng phòng với chú Hoàng Công Luận, linh tính thế nào tôi muốn về ngủ sớm, khoảng gần 9h tối tôi đã về. Về tới nơi, y như rằng đã thấy chú Luận nằm tùm hum trong màn, mặt “khó đăm đăm”, có lẽ vì ánh sáng đèn làm chú khó chịu. Chú bảo tôi: “Có tắm thì tắm nhanh lên nhé. Rồi mau tắt đèn đi”. Ôi chao, mệt quá! Mà nếu muốn đi ra ngoài nữa chắc cũng không xong. Thế là đã lâu lắm rồi tôi phải cố nằm yên trong bóng tối sớm đến thế. Căn phòng lại chỉ có quạt trần, không máy lạnh, tiếng quạt chạy hết tốc độ, vô hồn vô cảm, càng làm cho cái đêm hè ấy trở nên oi bức, bức bối. “Nghỉ mát mà thế này ư?” Hì hì.
Chiều hôm sau, chúng tôi đến chỗ nghỉ chân mới, cũng bình dân dân dã từa tựa như chỗ hôm trước. Xe dừng, mọi người đã xuống hết để nhận phòng, bỗng nhiên không thấy Lan Hương đâu. Tìm một lát thì ra bạn ấy vẫn ngồi trên xe, không chịu xuống, đòi tìm chỗ nghỉ khác. Anh Trương Hạnh có vẻ hơi bực, liền ra đứng nhìn chằm chằm vào mặt Lan Hương qua cửa kính ô-tô, không nói câu nào. Rồi cũng ổn, Lan Hương đành phải “chấp nhận”…
Ngày thứ hai chúng tôi đi tham quan nhiều nên khi về ai cũng mệt, cơm xong ai cũng muốn đi ngủ sớm. Tôi còn đi ngủ trước cả chú Hoàng Công Luận. Vừa chập chờn, tôi đã nghe tiếng chú hỏi: “Này anh chàng, sao ngủ sớm thế?” Ối chao ơi, hình như muốn “ngoan” cũng khó!
Trên đời này, nếu cần phải nói tôi hiểu ai nhất, thì tôi sẽ xin trả lời ngay, một trong những người tôi hiểu nhất chính là chú Hoàng Công Luận. Cách đây 2, 3 năm, tôi có viết bài “Hoàng Công Luận- người thích hát Quốc tế ca”. Gặp tôi, anh Tô Ngọc Thành bảo: “Cậu viết đúng đấy, rất ra ông Hoàng Công Luận”. Khi chú Luận mất, để khóc chú, Hoàng Anh đã post lại bài viết ấy trên Fb của Tạp chí Mỹ thuật. Bài viết đã nhận được từ bạn đọc nhiều lời bình luận hay, khiến tôi cũng rất tự hài lòng về tình cảm của tôi đã dành cho chú.

  

Họa sĩ Lưu Yên. 2002 Ký họa của Trần Tuy

  

Nhà báo Hoàng Anh. 1997 Ký họa của Trần Tuy

* * *

Anh Nguyễn Hùng thì làm việc cùng tôi lâu hơn, đến 17 năm. Tôi bắt đầu làm ở TCMT được đúng một tuần thì chị Mùi vợ  anh sinh thằng cu Minh – đứa con độc nhất của anh chị. Vì vậy tôi rất nhớ tuổi thằng Minh, “bao giờ” cũng bằng đúng tuổi làm báo của tôi, ít nhất là cho đến bây giờ. Ngày ấy gia đình anh Hùng chị Mùi vất vả quá, cứ bấn lên, có thằng Minh mới được mấy ngày thì anh Hùng phải nhập viện. Hôm tôi cùng chú Hoàng Công Luận vào thăm anh, hai chú cháu cũng chỉ có mấy quả cam xanh làm quà. Phòng anh Hùng nằm tối hôm trước vừa có người chết, dấu vết của cái chết vẫn còn in trên tường, anh bèn đưa chú Luận và tôi ra ngồi nói chuyện ở chiếc ghế đá ngoài vườn hoa. Cảnh vườn hoa bệnh viện vắng vẻ, buồn lắm, về tôi cứ bâng khuâng mãi.
Anh Nguyễn Hùng thực ra bị lao, lao do thời trẻ anh thiếu “điều độ”, mãi 43-44 anh mới lấy vợ. Tạm khỏi một thời gian anh lại “uống”, uống vô hồi kỳ trận, lại sẵn có tôi làm bạn, hai anh em càng ngày càng tâm đắc. Năm 2014, nghỉ hưu được 5 năm thì anh Hùng mất. Hôm tiễn anh đi, biết tôi và anh vốn cùng một tổ “Lưu Linh”, gặp tôi, chị Mùi vợ anh hài hước hỏi: “Mày vẫn còn sống kia à?” Hì hì.
Đúng ra thì ở TCMT, cả chú Hoàng Công Luận, anh Trương Hạnh cũng đều là “bạn rượu”, “bạn bia” của tôi. Riêng anh Hạnh ban đầu còn cùng tôi làm “bạn thuốc lào”, sau anh bỏ, tôi thì đến nay vẫn hút. Anh Trần Tuy thì “chán” thật, không rượu mà cũng chẳng bia, hay nói đúng hơn, anh có “uống”, nhưng là uống “Bò húc”, và chỉ ghiền thuốc lá. Mỗi khi ngồi chơi với anh Tuy, không có thuốc lào, tôi cũng đành phải hút thuốc lá theo anh. Biết vậy nhưng anh vẫn hay “trịch thượng” hỏi: “Cậu cũng biết hút thuốc lá à?” Ôi trời!

* * *

 

Họa sĩ Cồ Thanh Đam. 2002.Ký họa của Trần Tuy

  

Nhà báo Quang Việt. 1997 Ký họa của Trần Tuy

Chín năm là thời gian anh Trần Tuy làm Tổng Biên tập TCMT, cũng là 9 năm giữa anh và tôi có rất nhiều kỷ niệm. Anh làm việc ở trên tầng 3, tôi thì không có chỗ làm việc (thật đấy, trong suốt 10 năm đầu). Vì vậy, hai anh em lại thường gặp nhau ở chân cầu thang, dưới tầng 1, nơi tôi hay ngồi để hút thuốc lào. Cái bóng của anh Tuy hay lướt qua tôi thuộc lắm, hình như lúc nào anh cũng hơi vội, nhưng thỉnh thoảng chợt thấy tôi, anh lại dừng lại trao đổi với tôi đôi điều gì đấy, hoặc nhắc tôi: “Cậu có bài gì hay hay thì đưa tớ đăng nhé”… rồi anh lại lướt đi.

Trước khi anh Trần Tuy về Tạp chí (cuối 1993), mãi về sau tôi mới được nghe nói, bên “Tổ chức”, nhất là về phía Hội Mỹ thuật Việt Nam và TCMT, có chọn ra 2 “khả nhân” thay chú Hoàng Công Luận nghỉ hưu: hoặc là ông Nguyễn Ngọc Dũng, PGS.TS. nghệ thuật học (đang làm hiệu phó Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp), hoặc là anh Trần Tuy (đang công tác tại Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật).
Vào ngày ấy, với ông Nguyễn Ngọc Dũng thì tôi đã quá biết, thậm chí còn rất thân. Trong khi với anh Trần Tuy thì tôi mới chỉ được biết tiếng. Ngay từ bé tôi đã được xem tượng gốc sắn của anh Trần Tuy tại cuộc triển lãm chung với ông Tạ Tấn.
Nếu bây giờ tôi được phép nhận định một cách “khách quan” thì ý kiến của tôi sẽ là như thế này:

Anh Trần Tuy làm Tổng Biên tập TCMT thì thích hợp hơn, vì có anh Tạp chí mới có được một phong cách riêng mà trước đó chưa từng có, rất đời, thậm chí rất vui tươi, mà cũng không kém phần học thuật. Tờ báo rất ấm áp! Hài hòa giữa báo “bao cấp” và báo “thị trường”.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng thì lại khác, không khéo ông lại biến TCMT – một tờ báo của Hội – thành một tờ báo nghiên cứu, lạnh lẽo, khô khan, giống như những bài giảng của ông trên TV cùng trong thời gian ấy vậy.
Mà cũng “may” cho ông Nguyễn Ngọc Dũng, không về làm Tổng Biên tập Tạp chí, ông lại có một cơ ngơi dạy về design to tướng trong Viện Đại học Mở, “tiền của cứ vào ùn ùn như nước”. Một lần gặp tôi, ông Dũng bảo: “Tao mà về chỗ mày không biết chừng được mấy năm tao về hưu chết đói”.
Sau khi anh Trần Tuy nghỉ hưu, lại trải qua một trận ốm, anh vẫn tiếp tục làm điêu khắc, vẽ, thỉnh thoảng còn viết bài cho TCMT. Hễ có dịp tôi lại đến thăm anh. Khi anh mất, tôi có ngay một bài viết tựa đề “Ký họa anh Trần Tuy”, để khóc anh.

* * *

Nhân dịp này, tôi muốn nhắc đến chú Lưu Yên, nguyên Trưởng Ban Biên tập của TCMT- một quý ngài rất đáng yêu và tài năng. Chú về hưu trước khi tôi về Tạp chí, nhưng cũng như chú Hoàng Công Luận, tôi đã được biết chú trước đó từ rất lâu.
Khi chú Luận lên làm Tổng Biên tập, cả chú Luận và chú Yên đều đã đến tuổi nghỉ hưu. Chú Luận muốn giữ chú Yên ở lại thêm vài năm, song thực đáng tiếc, chú đã từ chối, nếu không có thể tôi và chú ít nhiều đã có thời gian làm việc cùng nhau.
Trong một buổi tọa đàm tôi ngồi gần chú, tôi cứ giục chú phát biểu. Chú ngần ngừ rồi cũng đứng lên, vừa vỗ nhẹ vào vai tôi, vừa mở đầu bằng một câu: “Tôi thì không biết nói, nhưng anh bạn này cứ bắt tôi nói”. Nghe vậy, tôi buồn cười quá, bèn trêu chú: “Thế là biết nói rồi còn gì nữa”. Cả hội trường ồ lên, vỗ tay động viên chú. Rốt cuộc ý kiến phát biểu của chú rất hay, ai ai cũng gật gù tán thưởng.
Có mấy lần tôi đến thăm chú Lưu Yên ở tận dưới đường Trương Định, trong một khu tập thể kiểu cũ ở phố Nguyễn An Ninh. Lần nào cũng như lần nào, tôi chỉ vừa đến được một lát, chú đã lại lôi chiếc xe đạp “độ” nhỏ xíu ra cửa, rủ tôi đi uống bia, hình như là bia “vi sinh”, uống với đậu phụ chấm mắm tôm, rau kinh giới – luôn luôn là như thế.
Và cứ mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ tới “ánh hào quang” của quý ngài Lưu Yên thời xa xưa, chễm chệ trên chiếc xe máy Peugeot màu xanh, trông rất oách.
Chú Lưu Yên là bạn chí cốt của chú Hoàng Công Luận. Về chú Yên, chú Luận vẫn thường khuyến cáo tôi: “Cái anh chàng Lưu Yên giỏi, nhưng-mà-lười”. Bản thân tôi cũng thấy hình như đúng là như vậy.

Chú Yên vẽ rất đẹp, thích vẽ tranh nhỏ, thị hiếu của chú rất tốt, viết cũng khá – khó có thể nói khác. Một người như chú có lẽ chăm cũng chẳng để làm gì.

 

Nhà thơ Phù Hư

* * *

Sẽ là thiếu sót nếu tôi không nhắc đến anh Đỗ Huy- nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp duy nhất đã từng công tác ở TCMT. Anh chỉ làm ở Tạp chí có một thời gian trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Theo nhà nhiếp ảnh nổi tiếng – ông Lê Vượng, về chụp tranh, ở nước ta, Đỗ Huy là tay chụp số một, nhất là chụp tranh sơn mài. “Riêng về chụp sơn mài, so với Đỗ Huy, Tây chỉ đáng xách dép”, ông Lê Vượng nói. Dù làm việc ở Tạp chí không cùng thời với anh Đỗ Huy, nhưng tôi với anh vô cùng thân thiết. Nhiều đận anh rất khó khăn, tôi luôn tìm việc cho anh làm, phần nào giúp anh. Vì đa mang, “nhiều tập”, anh khá long đong. Anh ra đi bất ngờ ở tuổi 62, chỉ sau mấy tháng lâm bệnh, để lại vợ còn quá trẻ, con còn quá thơ, “cùng ông bố vợ kém con rể đâu như mấy tuổi”. Thực đáng thương, một nghệ sĩ hào hoa tài hoa như anh…

* * *

Ồ, anh Cồ Thanh Đam! Tháng 9 năm 1991, lần đầu tiên tôi đến TCMT (để lấy báo biếu, số báo có bài đầu tiên của tôi, như tôi đã kể ở trên) – người đầu tiên tôi gặp là anh Cồ Thanh Đam. Cho đến thời điểm ấy, ở TCMT, ngoài chú Hoàng Công Luận, chú Lưu Yên, tôi chưa biết ai, kể cả anh Trương Hạnh, anh Nguyễn Hùng. Về anh Trương Hạnh, tôi chỉ nghe nói anh là chồng của chị Phương Liên – con ông Đỉnh bà Hương bạn của bố mẹ tôi, và là chị cả của cô Thảo bạn tôi.

Ngày ấy anh Cồ Thanh Đam trông rất thư sinh, tôi vẫn còn nhớ như in cái ánh loang loáng lóe lên từ cặp kính của anh dưới ánh đèn nê-ông vào hôm đầu tiên tôi gặp anh. Anh về Tạp chí đâu như từ những năm 1980, và là một trong mấy người về sớm nhất và ở Tạp chí lâu nhất.

Sau thời gian dài làm Trưởng Ban Trị sự của cả NXB lẫn Tạp chí, từ năm 2006 anh Cồ Thanh Đam làm Giám đốc NXB. Vai trò của anh ở Tạp chí chỉ dứt hẳn kể từ khi Tạp chí và NXB tách ra “ăn riêng”, khoảng 2008-2009, một bên là “sự nghiệp có thu, tự chủ tài chính” (NXB), một bên là “sự nghiệp” (Tạp chí).

Trong mắt tôi, anh Đam rất hiền. Anh tuổi Mùi, hợp với tôi tuổi Hợi. Nhưng trước đây ở cơ quan lại có người chê anh “đáo để”, thậm chí “ghê gớm”, và cứ khăng khăng cho rằng anh không phải cầm tinh “con 35”, mà là con khác, “ngựa” chẳng hạn…
… Vào một đêm mùa đông giá rét cuối năm 1999, tôi cùng anh Đam đi trông in TCMT ở nhà in. Số tháng ấy rất quan trọng và cần có ngay vào sáng sớm hôm sau. Nhân thể hai anh em vừa được thăng chức: anh Đam lên Phó Giám đốc NXB, tôi lên phó phòng biên tập xuất bản (ờ, cái phòng không có trưởng cũng không có nhân viên) – anh và tôi vừa trông in vừa tranh thủ ra quán đánh chén “ăn mừng” đến hai, ba lần, hết đến hơn triệu đồng (tương đương khoảng 10-15 triệu bây giờ), uống cả rượu Tây.
Những lần đi công tác xa nhất của tôi, tôi đều đi cùng anh Đam. Chuyến công tác cuối cùng là vào hè năm 2008, đi Hòn Gai, có cả anh Đỗ Huy cùng đi. Khi ấy anh Đam đã bị ốm, chưa đầy 2 năm sau thì anh mất, ở tuổi 55.
Ở cơ quan, anh Cồ Thanh Đam là người “có tiền” sớm nhất. Anh tháo vát, nhưng tiêu hoang, lúc ra đi vẫn nghèo!

 

Một số cán bộ Tạp chí Mỹ thuật năm 1997

  

Tạp chí Mỹ thuật. Xuân Nhâm Dần 2022.Hàng đứng, từ trái sang: Đỗ Thị An Bình, Lê Hồng Trang, Hoàng Minh Chín. Hàng ngồi, từ trái sang: Quang Việt (cộng tác viên), Hoàng Anh

* * *

Tháng 9 năm 2018, trong chuyến vào TP. Hồ Chí Minh 3 ngày để tham dự khai mạc triển lãm tranh của ông Văn Xương (do bạn Y Lan con gái ông tổ chức), qua anh Lý Đợi – nhà báo, tôi đã được gặp lại anh Phù Hư – cộng tác viên thân thiết và quan trọng nhất của TCMT thời kỳ đầu những năm 1990.
Sau gần 25 năm không gặp, hai anh em vẫn nhận ra nhau ngay, trò chuyện hết sức thân mật, cùng nhau ôn lại biết bao kỷ niệm xưa cũ của một thời làm báo.
Tôi vẫn nhớ có lần chú Hoàng Công Luận bảo tôi: “Không biết thế nào mà bọn mình lại tìm được cái anh chàng Phù Hư. Nếu ảnh mà là ‘Phù Thịnh’ thì mình lấy đâu ra người giúp mình”.
Anh Phù Hư sinh năm 1951 tại Hải Dương, từ nhỏ sống ở Huế, sống tại Sài Gòn từ 1972 đến nay. Anh từng có thơ đăng trên các báo Khởi hành, Văn, Thời tập, Đứng dậy, và Tạp chí Mỹ thuật Thời nay…

Trong câu chuyện với tôi hôm ấy, anh Phù Hư luôn nhắc đến chú Hoàng Công Luận– “một trí thức rất có trình độ”, anh Trương Hạnh – “một nhà quản lý giỏi”, rồi chú Lưu Yên, anh Nguyễn Hùng, cô Lan Hương… Trước khi chia tay, anh tặng tôi tập thơ của anh, xuất bản năm 2012, nhan đề “Ngậm thẻ qua sông”, cùng lời đề tặng và các thông tin về địa chỉ.
Cuối năm ngoái (2021), không biết bằng cách nào, anh Phù Hư hay tin chú Hoàng Công Luận mất. Anh gọi cho tôi hỏi thăm, còn báo thêm tin ông Vũ Hạnh – một nhà văn lớn của miền Nam, từng là cộng tác viên của TCMT Thời nay, khổ nhỏ – cũng vừa mới mất trong năm vì Covid-19, thọ 95 tuổi.

* * *

Đầu năm 2015, đúng đêm giao thừa Ất Mùi, sức khỏe tôi đột nhiên có biến, tưởng đã xong. Bác sĩ bảo tôi: “Do rượu!” May tôi được ông Trời thương, “phạt cho tồn tại”.
Năm nay tôi 63, nhiều lúc muốn quên đi nhiều chuyện.
Thiên nhiên và cuộc sống con người gần đây thay đổi quá nhiều, quá nhanh, có khi chỉ qua một khoảnh khắc con mắt ta đã nhìn thế giới gần như khác hẳn.
Bài viết này chỉ nhằm ghi lại về một thời đã xa, với những con người đã từng nỗ lực, say mê làm ra một tờ báo có tên gọi Mỹ thuật. Chứng nhân của cái thời ấy nay không còn nhiều, có lẽ không đủ đếm trên một bàn tay. Nếu tôi không ghi lại thì ai sẽ là người ghi đây, và đợi bao giờ mới ghi?

Hà Nội, ngày 8 tháng 6 năm 2022

Quang Việt

Tài liệu tham khảo (phần lịch sử):

Trần Khánh Chương- Mỹ thuật Hà Nội thế kỷ XX. NXB Mỹ thuật, 2012.
Phần viết về lịch sử của tác giả trong bài này, nếu có chi tiết hoặc con số nào chưa chính xác, tác giả xin được bạn đọc cảm thông, lượng thứ và chia sẻ thông tin, vì có một số nội dung tác giả chỉ viết hoàn toàn theo trí nhớ, chứ không có tài liệu để tham khảo.

Theo Tạp chí Mỹ thuật

 

Các tin khác:

Phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022

Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày 19-5 - Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Trong niềm xúc động và tự hào về sự nghiệp và cuộc đời cao đẹp của Người, chúng ta chọn ngày đặc biệt này để tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật...

6-10 of 97<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter