Chuyện “biên tập” ở tạp chí mỹ thuật

 

Tính đến năm 2022, là tròn đúng 10 năm tôi bắt đầu vào làm việc cho Tạp chí Mỹ thuật (tháng 2/2012), và cũng tình cờ là đúng dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Tạp chí Mỹ thuật (1977-2022). 10 năm là 1 chặng đường không dài cũng không ngắn, nó đủ để người ta gắn bó và có nhiều kỷ niệm cả vui lẫn “buồn” ở cơ quan này. Nhớ hồi mới vào làm tại Tạp chí, tôi chỉ mới là một anh cử nhân Ngôn ngữ học (ngành học chuyên về tiếng Việt) cũng được xem là khá gần với ngành báo chí, xuất bản, biên tập “hồn nhiên” bước vào tòa soạn ở 44B Hàm Long. Nói thật hồi đó, mỹ thuật với tôi vẫn còn là thứ gì lạ lẫm và mới mẻ, các kiến thức về mảng này gần như chưa từng được học, mặc dù bản thân cũng là một người yêu thích nghệ thuật.

Thời gian đầu, vừa vào làm quen với con người và công việc mới, vừa tập viết từ những bài ngắn nhất như tin mỹ thuật. Mặc dù tôi đã từng học một khóa đào tạo về báo chí trong nhà trường nhưng thực tế luôn khác hơn so với lý thuyết.
Tổng biên tập hồi đó là họa sĩ Đặng Thị Bích Ngân, cô vừa kiêm nhiệm là Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật lẫn Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật. Người trực tiếp hướng dẫn và dìu dắt tôi khi mới vào nghề lúc đó là Trưởng ban Biên tập Bùi Hoàng Anh mà nay đã là Tổng biên tập Tạp chí được sáu năm. Biết tôi là dân “không chuyên”, chị giao cho tôi những bản bông cũ để tôi đọc và tập cách làm quen sửa bông, sửa market và quen dần với cách làm việc của Tạp chí. Tôi vẫn còn nhớ quyển sách hướng dẫn nghiệp vụ biên tập trong đó các ký hiệu biên tập mà vẫn còn được sử dụng đến hiện tại. Tôi học hỏi được từ chị cách làm việc chuyên nghiệp, quyết liệt và sôi nổi mỗi khi cả phòng tập trung làm market Tạp chí. Tổng biên tập Hoàng Anh cũng là một người đam mê và hết mình hiếm có với nghề, giai đoạn Tạp chí Mỹ thuật từ 2016 đến 2020 có thể được xem là ấn tượng và đặc biệt nhất kể từ khi thành lập. Ấn tượng và đặc biệt trên nhiều phương diện như số trang lần đầu được nâng lên đến 228 trang vào các số Tết (mọi người hay nói vui là cầm Tạp chí như cầm một cuốn sách nhỏ), và số trang in bản thường là 128 trang (trước đó chỉ là 64 trang), nhiều tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc danh tiếng Việt Nam cũng như thế giới trong các bộ sưu tập tư nhân mà ít người biết tới hoặc có biết những chưa từng một lần tận mắt chứng kiến cũng được đưa lên Tạp chí, lần đầu Tạp chí hợp tác với một nhà đấu giá có tiếng nước ngoài là Aguttes. Đây là dấu mốc quan trọng về phương diện quan hệ quốc tế. Và còn rất nhiều thứ nữa không kể hết ra được. Thật tự hào khi được đóng góp một phần công sức của sự thành công trong giai đoạn đó của Tạp chí.

Qua thời gian công tác, tôi dần có thêm kinh nghiệm và cải thiện hơn về mặt kiến thức chuyên môn mỹ thuật nhờ đọc thêm tạp chí và sách. Tuy nhiên, thời gian đầu thì phải nói là khá khó khăn. Lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển từ giai đoạn mỹ thuật Đông Dương (1925) cho đến hiện tại là gần 100 năm. Để nhớ được hết tên các họa sĩ, các tác phẩm nổi bật và phong cách sáng tác của họ không phải điều đơn giản còn chưa nói đến phải nhớ các chủ nghĩa, trào lưu… trong nghệ thuật hay mỹ thuật nói chung. Tôi còn nhớ hồi đầu sửa bông tạp chí, có bài viết của một tác giả có nêu tên họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh trong bài, nhưng “ma xui quỷ khiến” thế nào mà tôi tự cho cái tên Phi Hoành mới là đúng vì đinh ninh mình đã đọc ở đâu đó nên sửa toàn bộ tên Phi Hoanh trong bài thành Phi Hoành. Kết quả khi ra tạp chí, bài viết bị phát hiện ra lỗi và phải đính chính trong số kế tiếp, một bài học nhớ đời của tôi cho đến tận sau này. Hay có lần trong bài viết của nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Ngọc Khuê, ảnh bài này bị nhầm sang một bài khác vì nội dung bài viết khá giống nhau mà bác Khuê gửi nhưng chỉ sử dụng một bài. Và thế là… lại có một “tai nạn nghề nghiệp” nữa. Mỗi lần như vậy, tôi tự nhắc nhủ bản thân phải cố gắng và rèn luyện tính cẩn thận hơn nữa để không có những trường hợp đó xảy ra nữa.

Ban Biên tập Tạp chí Mỹ thuật đang hoàn thiện bản market Xuân Tân Sửu 2021

Tạp chí từ năm 2015 đã in gộp 2 tháng 1 số, ra vào ngày 15 các tháng chẵn. Bài vở thì phải tổng hợp muộn nhất là ngày 15 các tháng lẻ để còn có thời gian làm market. Người làm market trước năm 2015 là họa sĩ Phạm Cao Tùng dưới Nhà xuất bản Mỹ thuật, sau đó chị An Bình (hiện đang là Trưởng ban Biên tập) đảm trách công việc này đến giờ. Việc người trong cùng một cơ quan trực tiếp trình bày sẽ thuận tiện hơn, không phải “hẹn hò” anh Tùng mỗi khi cần làm việc chung với nhau. Bải vở tạp chí thì được gửi đến từ các cộng tác viên, người là họa sĩ, người là nhà báo, có người lại là nhà nghiên cứu nên chất lượng bài viết khá phong phú và đa dạng. Có một số bài “đinh” và quan trọng thì Tạp chí phải đặt người viết như Nguyễn Bá Đạm, Nguyễn Hải Yến, Quang Việt, Ngô Kim Khôi, Phạm Công Luận, Lê Thiết Cương, Hà Vũ Trọng, Trần Hậu Yên Thế, Phan Cẩm Thượng, Trịnh Quang Vũ… Có một thực tế, người viết gửi bài đa phần không phải là dân viết chuyên nên bài viết của họ theo dạng mạch cảm xúc, có gì viết nấy, không quan tâm lắm đến chính tả và ngữ pháp nên nhiều khi đọc và sửa những bài đó thực sự là viết lại gần như một bài mới. Giả dụ như nhà phê bình mỹ thuật, thầy Lê Quốc Bảo luôn mang đến tạp chí một tập bản viết tay chữ thầy, vì thầy đã cao tuổi không thạo máy tính nên ban biên tập luôn phải có người đánh bài cho thầy. Người đánh máy kiêm luôn người “dịch” chữ và nhiều chữ thì chỉ có thầy mới đọc được. Đánh xong bài mới được một khâu đầu tiên, sau đó thì còn phải biên tập lại toàn bộ, phần sửa chi chít chữ đỏ nhiều hơn chữ đen, nhiều khi nhìn cũng không biết bắt đầu từ đâu nữa. Phần thông cảm cho thầy đã cao tuổi, viết được bài gửi đã quý, phần mới thấy rằng nghề biên tập có những “góc khuất” mà không phải ai cũng biết, một “nghề làm dâu trăm họ”. Đúng và đẹp là chuyện bình thường còn có lỗi sai thì… lại “bất bình thường”.

Năm 2020, nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt nghỉ hưu ở Nhà xuất bản Mỹ thuật, Tạp chí đã mời ông về hợp tác. Nói là mời cũng không có gì quá bởi trong giới mỹ thuật hiện nay, người như Quang Việt không nhiều. Ông hoàn toàn có thể đồng ý nhận lời làm việc tại bất kỳ Nhà xuất bản hay tờ báo chuyên nghệ thuật nào, nhưng vẫn đồng ý nhận lời làm cho Tạp chí cũng một phần bởi chữ “tình”. Hơn 30 năm gắn bó cả sự nghiệp cho cả Nhà xuất bản lẫn Tạp chí, rời bỏ đi cũng không phải là điều dễ dàng có thể làm. Từ ngày có ông, công việc biên tập tại Tạp chí cũng trở nên chuyên nghiệp hơn nữa, bởi ông là người rất kỹ tính đến độ khó tính. Các bản in bông cuối cùng ông đều đọc hết sau đó có sửa gì thì sửa rồi mới được đem đi in. Cũng đúng thôi, làm nghề biên tập hay nói vui với nhau là thà sửa đến 10 cái bông còn hơn là phải đi “chữa cháy” khi báo ra bị in sai. Làm biên tập mà tối về không nằm “mơ” về những con chữ thì vẫn chưa phải làm biên tập đúng nghĩa. “Sinh nghề tử nghiệp”, các cụ nói không sai, mỗi người được quyền chọn cho mình một nghề và sống hết mình với nó. Tôi vẫn sẽ chọn nghề này khi bất chợt có ai đó hỏi tôi rằng có chọn lại nghề không nếu có thể ?
H.C.

Nguồn: Theo Tạp chí Mỹ thuật

 

Các tin khác:

1-5 of 102<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter