Hội họa ngày nay đã phát triển rộng lớn đến mọi tầng lớp người yêu hội họa. Xã hội phát triển đã thúc đẩy một phần không nhỏ từ những năng khiếu tuổi nhi đồng, thiếu niên cho đến những người lớn tuổi… phát triển đam mê để trở thành những họa sĩ chuyên nghiệp hay không chuyên. Nhưng học vẽ như thế nào và học ở đâu, phương pháp môi trường tốt để phát triển tài năng là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Mỗi người tự tìm cho mình con đường để trở thành họa sĩ, nghệ sĩ thỏa mãn đam mê phù hợp với mình bằng nhiều cách, con đường khác nhau như: Học trường lớp chính quy, các trung tâm dạy vẽ theo nhu cầu, học online, hoặc tự học… Nhưng được học rèn luyện trong những môi trường lý tưởng luôn là mơ ước của mọi người. Học vẽ trong môi trường tốt sẽ tạo thành nề nếp, thói quen, và cách làm việc khoa học, hiệu quả, rút ngắn được thời gian và sự trả giá những sai lầm… đạt được hiệu quả mong muốn trong quá trình học tập và rèn luyện. Qua lịch sử hội họa có thể thấy các danh họa cổ điển thường chọn thầy là các họa sĩ nổi tiếng thành danh để học. Trong sự phát triển xã hội xuất hiện những trường Mỹ thuật Hàn Lâm có phương pháp dạy tốt sẽ là cái nôi để đào tạo phát triển những nhân tài hội họa.
Các sinh viên Trường Học viện mỹ thuật Florence trong giờ vẽ mẫu người.
Sinh viên Học viện mỹ thuật Florence đang vẽ một bài tập.
Sinh viên đang vẽ một tác phẩm cỡ lớn ở Trường Học viện mỹ thuật Barcelona.
Bài tập hoàn thành xong của các sinh viên Trường Barcelona.
Học Viện Mỹ Thuật Florence (The Florence Academy of Art) và trường Học Viện Mỹ Thuật Barcelona (Barcelona Academy of Art) ở Châu Âu là những trường đào tạo sinh viên mỹ thuật theo lối hàn lâm. Họ nghiên cứu các phương pháp dạy từ các bậc thầy cổ điển và trường Mỹ Thuật Hàn Lâm, các studio của họa sĩ Hàn Lâm trong quá khứ. Từ đó họ một đúc rút ra giáo trình hoàn chỉnh bao gồm các môn hình họa, bố cục, lịch sử mỹ thuật, giải phẫu, phối cảnh, học chép các tác phẩm của các bậc thầy cổ điển, các lý thuyết… tất cả đều phục vụ cho việc vẽ, hội họa và điêu khắc theo phong cách hiện thực. Điều đặc sắc nhất là họ rất chú trọng đến việc tạo môi trường không gian vẽ là những Studio lớn và nhỏ với hệ thống ánh sáng chiếu mẫu chủ động chứ không dùng phụ thuộc ánh sáng tự nhiên (vì ánh sáng tự nhiên thay đổi liên tục ảnh hưởng đến sự ổn định trong việc quan sát và thể hiện của học viên trong bài vẽ). Ánh sáng rất quan trọng trong hội họa tạo nên vẻ đẹp của hình khối và màu sắc không gian giúp học viên quan sát và cảm nhận thể hiện trong các bức vẽ. Sắp đặt không gian ánh sáng không thay đổi vô cùng cần thiết, sáng tạo trong việc bày mẫu, thay đổi trang phục, tạo dáng mới lạ đẹp như không gian trong tranh… tạo cảm hứng cho học viên học tập và rèn luyện như những họa sĩ, nghệ sĩ thực thụ. Đó là những điều kiện rất tốt học viên cảm nhận và thể hiện sâu bài vẽ. Họ truyền đạt cho học viên cố gắng không sao chép một cách tự nhiên thiếu suy nghĩ sẽ thường đạt kết quả thường là tầm thường và vô hồn, mà thay vào đó áp dụng những lý thuyết “chủ nghĩa hiện thực cấu trúc” nhấn mạnh vào việc quan sát và diễn giải chính xác cấu trúc của tự nhiên. Chương trình học có nhiều khóa học cho nhiều đối tượng, từ những bài chép những bài hình họa Dessin đơn giản giống như học chữ cái A,B,C… rồi sau vẽ mẫu thực… Trong cách học giải phẫu cũng rất sáng tạo. Giải phẫu là một môn khó và dễ gây buồn chán và họ cho sinh viên học bằng cách vẽ và nặn các mô hình xương cơ sẽ giúp học viên dễ cảm nhận hiểu cấu trúc và nhớ lâu…
Học nghiên cứu chép các tác phẩm của các danh họa là một cách học hay giúp người học học được cách phân tích các kiệt tác về ý tưởng, kỹ thuật… và chép là để học phương pháp thể hiện của các danh họa bậc thầy sẽ học được nhiều điều hay trong đó… Trường luôn khuyến khích các giáo viên cải tiến, sáng tạo cách dạy và để học viên có thể phát triển những năng khiếu tố chất bên trong mạnh mẽ nhất, hướng đến tính cá nhân trong mỗi học viên là điều tối quan trọng trong mục đích của họ. Họ hiểu rằng trở thành họa sĩ nghệ sĩ thực sự cần nhiều hơn thế. Môi trường như vậy là rất lý tưởng trong sự khởi đầu học cơ bản tiếp cận với hội họa hiện thực và những thói quen cách làm việc như một họa sĩ nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đó là bước khởi đầu cho nền tảng sau khi ra trường các sinh viên mới trở thành những họa sĩ đi vào con đường sáng tạo hội họa, nghệ thuật riêng của mình.
Theo: Nguyễn Khắc Chinh (Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam)