Trò chuyện cùng Charlotte Aguttes- Reynier: Hội họa Việt Nam những câu chuyện

Giới thiệu từ trang web chính thức: Aguttes là nhà đấu giá thứ tư của Pháp và là nhà đấu giá độc lập đầu tiên, không có cổ đông bên ngoài. Aguttes được thành lập vào năm 1974 bởi Claude Aguttes và hiện đang điều hành với hai con gái của mình – Philippine Dupré la Tour và Charlotte Aguttes-Reynier.  Aguttes là một tổ chức hoạt động gồm 60 người. Vào năm 2018, Aguttes đã vượt qua mốc đấu giá 50 triệu euro, một kết quả chưa từng đạt được bởi một nhà đấu giá độc lập ở Pháp. Năm 2019, Aguttes đã tự phá kỷ lục mới với tổng cộng là 66 triệu euro giao dịch.

Aguttes có một phòng kinh doanh quốc tế nằm ở phía Tây Paris và các văn phòng đại diện ở Brussels, Lyon và Aix-en-Provence. Trong số các nhà đấu giá hiện nay, Aguttes nổi bật hẳn lên bởi các dịch vụ được chuyên môn hóa cao và khả năng đáp ứng linh hoạt. Nhà đấu giá được định vị là nơi quảng bá và bán các tác phẩm đặc biệt từ các bộ sưu tập lớn của Pháp. Trong năm 2019, nhờ có 70% người mua là khách quốc tế, đã khiến cho Aguttes tổ chức được 76 cuộc đấu giá trên 100.000 €, 4 lần bán các lô hàng nhiều triệu euro và đạt 15 kỷ lục thế giới.

Hiện nay, Aguttes được coi là sự lựa chọn hấp dẫn hàng đầu  thị trường nghệ thuật với 15 bộ phận chuyên môn cao: Họa sĩ đến từ châu Á; Tranh và bản vẽ cổ; Nghệ thuật châu Á và Nga; Ô-tô cổ; Đồ trang sức và ngọc trai; Đồng hồ sưu tập; Sách và bản thảo quý hiếm; Nghệ thuật Đương đại, Hiện đại và Trường phái Ấn tượng; Thiết kế, đồ nội thất và tác phẩm nghệ thuật; Rượu và rượu mạnh. Đừng bán mà không hỏi ý kiến chúng tôi!

Ông Claude Aguttes, người sáng lập Aguttes tuyên bố: “Trong một thị trường nghệ thuật chắc chắn năng động hơn thị trường tài chính, nhưng vẫn có tính chọn lọc, chúng tôi đặc biệt tự hào khi thấy sự tiến bộ của sản phẩm đấu giá của mình, nhờ doanh số bán hàng chất lượng và đấu giá quốc tế trong một số chuyên ngành. Sự tiến bộ này trong bối cảnh rất cạnh tranh, phần thưởng cho những nỗ lực không ngừng chuẩn bị và niềm tin rằng chúng tôi dẫn đầu để có được hoạt động kinh doanh, năng lượng và công việc do các nhóm của chúng tôi cung cấp để thành công trong bán hàng, cũng như chất lượng dịch vụ mà chúng tôi phát triển làm hài lòng khách hàng bán hàng của chúng tôi và duy trì niềm tin của người mua quốc tế ”.

 

Ông Claude Aguttes (Người sáng lập Nhà đấu giá Aguttes) cùng với hai cô con gái của mình là

Charlotte Aguttes-Reynier và Philippine Dupré la Tour. Ảnh chụp tháng 12 năm 2020 tại Pháp.

 

Joan Miró (1893-1983). Blue star. Đã bán với giá 11,6 triệu euros tại phiên đấu giá của Aguttes

vào tháng 12 năm 2007 Đây là mức giá kỷ lục thứ 3 cho tác phẩm của nghệ sĩ này

 

 

 

LÊ PHỔ (1907-2001) – Thưởng trà. Lụa. 71×54,5cm. Đấu giá tại Aguttes, ngày 25 tháng 6 năm 2014.

 

 

Hoàng Anh: Thay mặt cho Tạp chí Mỹ thuật, tôi – Hoàng Anh, thân mến gửi lời chào trân trọng tới bà, rất hân hạnh được chuyện trò với bà. Đây là lần đầu tiên tôi trò chuyện với một chuyên gia nghệ thuật của Aguttes. Chúng ta bắt đầu ngay câu chuyện nhé. Bà có thể cho biết phiên đầu tiên mà Aguttes đấu giá tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam?

Charlotte Aguttes-Reynier: Xin chân thành cảm ơn bà vì đã chọn tôi cho cuộc phỏng vấn này. Đây là một vinh dự với tôi.

Niềm yêu thích của tôi với hội họa Việt Nam đã phát triển theo thời gian. Đây là một câu chuyện dài. Từ thời thơ ấu, tôi đã cùng cha tôi, nhà đấu giá Claude Aguttes, đến thăm các viện bảo tàng và các nhà sưu tập. Khi tôi bắt đầu làm việc với bố tôi vào năm 1996, tôi quan tâm đến hội họa nói chung, những bậc thầy vĩ đại thời xưa, đặc biệt là những tác phẩm của thời Phục hưng Ý, và cả hội họa Trường phái Ấn tượng và Hiện đại.

Sau đó tôi đi sâu vào nghệ thuật thế kỷ 20. Ví dụ năm 2007, tôi đã bán một bộ sưu tập rất nổi tiếng với tổng trị giá gần 22 triệu euro, trong đó có 2 bức tranh của Juan Gris, 2 của Picasso, 2 của Fernand Léger, 2 của Henri Laurens. Một sự kiện tuyệt vời!

Những cuộc đấu giá mà tôi tổ chức sau đó có nhiều họa sĩ của thế kỷ 20, không chỉ gồm những tên tuổi kể trên mà còn có Braque, Renoir, Utrillo, Foujita, và đôi khi có cả Lê Phổ, Mai Trung Thứ…

Xin được nói rằng Paris luôn thu hút các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến đây để hoàn thành việc học của mình trong các học viện lớn, để vẽ ở Montmartre, Montparnasse hay Louvre, tất cả đều tạo ra một sự phấn khích không ngừng cho sự sáng tạo nghệ thuật. Do đó, có rất nhiều bức tranh có chất lượng tuyệt vời được thực hiện bởi các nghệ sĩ đến từ các chân trời xa xôi được lưu giữ trong các bộ sưu tập tư nhân xung quanh Paris.

Về tranh của các họa sĩ Việt Nam, các tác phẩm này được mua và lưu giữ bởi các nhà sưu tập châu Âu, nhưng sự am hiểu về danh tính của các họa sĩ này đã bị mất theo năm tháng vì kiến thức này không được lưu truyền lại. Ngày nay, thế giới phương Tây không phải lúc nào cũng nắm vững các quy tắc cần thiết để hiểu và đánh giá đầy đủ văn hóa và nghệ thuật truyền thống phương Đông. Ngoài ra, ở châu Âu, các nhà sưu tập đã giữ những bức tranh hay đồ vật của Việt Nam suốt những năm qua vì tình cảm gắn bó, nhưng không nhận thức được tầm quan trọng hay sự quý hiếm của chúng.

Chuyên môn của tôi về tác phẩm của những họa sĩ châu Á đến Pháp vào đầu thế kỷ 20 này giống như một sự tích tụ tự nhiên, sau đó được thể hiện cụ thể vào năm 2014.

Năm đó tôi phát hiện ra một bức tranh lụa của Lê Phổ – “Thưởng trà”. Nó đã được lưu giữ trong một bộ sưu tập ở Paris trong hơn 50 năm. Tôi đã bị ấn tượng bởi chất lượng rất cao của bức tranh này. Tôi bắt đầu nghiên cứu sâu rộng về bức tranh này, về nghệ sĩ, về sự nghiệp của Lê Phổ… và nó làm tôi mê mẩn.

 

 

LÊ PHỔ (1907-2001) Chiếc lược màu trắng. Lụa. Đấu giá tại Aguttes ngày 16 tháng 12 năm 2016.

 

 

Tác phẩm liên quan: DOMENICO GHIRLANDAIO (1449-1494)- Chân dung Giovanna Tornabuoni. 1489-1490.

Bảo tàng Thyssen-Bornemisza, Madrid.

 

 

 

 

Tác phẩm liên quan: PISANELLO (vers 1395-vers 1455). Chân dung công chúa Este. Khoảng 1440.

 

Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp.

 

 

Hoàng Anh: Kể từ phiên đấu đầu tiên đó tới nay, Aguttes đã đấu giá thành công rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam. Tại sao bà lại tập trung vào các họa sĩ Việt Nam đặc biệt là từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925 – 1945)?

Charlotte Aguttes-Reynier: Sau bức tranh đầu tiên này, tôi quyết định sẽ công bố với nước Pháp tài năng của người nghệ sĩ mà gần như không mấy ai biết đến này.

Nhanh chóng, tôi nhận ra rằng rất khó để phân tách giá trị tác phẩm của Lê Phổ với những người bạn của ông, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu…

Mong muốn của tôi từ năm 2014 là đưa ra ánh sáng phần “Lịch sử Nghệ thuật” bị lãng quên này. Kể từ ngày đó, tôi đã bắt tay vào việc tổ chức các cuộc triển lãm và sau đó là các cuộc đấu giá cho mảng nghệ thuật này. Tất cả các hoạt động này đều được quảng bá rộng rãi trong giới nghệ thuật.

Tôi đặc biệt cảm tình với những tác phẩm được thực hiện trong những năm đầu tiên sau quá trình đào tạo chuyên môn của các họa sĩ. Trong những tác phẩm này, người họa sĩ khám phá những phương tiện mới, phong cách mới, chủ đề mới sau khi đã trải qua thời gian đào tạo chính quy nghiêm túc.

Ví dụ, gần đây tôi đã bán một bức tranh của Lê Phổ – “Cô gái bên hoa mẫu đơn”, một bức tranh được giới truyền thông rất quan tâm. Nó thấm đậm những kiến thức nghệ thuật Lê Phổ học được ở Hà Nội và minh chứng cho những khám phá của nghệ sĩ đối với phương tiện và màu sắc mới. Đây là một tác phẩm bước ngoặt báo trước sự phát triển quan trọng của hội họa Lê Phổ vào khoảng năm 1950. Ông vẫn vẽ trên lụa, nhưng đường nét và bảng màu của ông đang tự giải phóng. Tác phẩm lớn này đã nhận được sự ngưỡng mộ của các nhà sưu tập lớn và lập nên kỷ lục thế giới thứ 2 cho nghệ sĩ.

Ngoài ra, tôi đặc biệt nhớ đến một tác phẩm khiến tôi rất xúc động vào năm 2016. Tác phẩm có tên là “Chiếc lược màu trắng”, được Lê Phổ vẽ ngay sau chuyến đi Ý. Thấm nhuần ảnh hưởng các bậc thầy vĩ đại của thời Phục hưng Ý, chẳng hạn như Pisanello và Ghirlandaio, ông đã vẽ bức chân dung tuyệt vời của một phụ nữ trẻ đứng nghiêng với hậu cảnh. Cũng như nhiều họa sĩ đã ghi lại dấu ấn khi sáng tạo lại các tác phẩm của các bậc tiền bối, Lê Phổ dùng tài năng của mình để bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với họ khi ông lý tưởng hóa vẻ đẹp Việt Nam theo cách riêng của mình.

Tương tự như vậy, gần đây tôi có cơ hội bán một bức tranh rất thú vị của Mai Trung Thứ. Bức tranh đã nằm ẩn dật trong một gia đình kể từ năm 1944. Do đó, nó vẫn giữ được màu sắc nguyên bản và người ta có thể chiêm ngưỡng chất lượng thực hiện tuyệt vời cũng như sự thuần thục hoàn hảo của người nghệ sĩ đối với những giáo lý truyền thống đã học được tại Trường Mỹ thuật Đông Dương.

 

MAI TRUNG THỨ (1906-1980) – Tắm. Lụa. 45,5×29,8cm. Đấu giá tại Aguttes, ngày 6 tháng 10 năm 2020.

 

LÊ PHỔ (1907-2001) – Cô gái bên hoa mẫu đơn. Lụa. 91x71cm. Đấu giá tại Aguttes, ngày 6 tháng 10 năm 2020 với giá 1.1640.000 euros.

 

 

 

VŨ CAO ĐÀM (1908-2000) – Mẫu tử. Lụa. 65×49,5cm. Đấu giá tại Aguttes, ngày 11 tháng 3 năm 2020.

 

 

Hoàng Anh: Theo dõi các phiên đấu của Aguttes về châu Á, tôi thấy tên của các họa sĩ Việt Nam khá phong phú. Nhưng có thể thấy rằng, các danh họa Việt Nam như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm là những tên tuổi xuất hiện thường xuyên. Có phải vì tranh của họ được giới sưu tập hâm mộ thích thú hay cũng có thể vì tranh của họ nhiều và dễ kiếm tìm nên Nhà đấu giá có điều kiện giới thiệu dễ dàng hơn?

Charlotte Aguttes-Reynier: Đúng vậy, những nghệ sĩ này thường góp mặt trong các buổi đấu giá của tôi. Họ là những họa sĩ được phát hiện tại Việt Nam bởi Victor Tardieu, một họa sĩ người Pháp, người đã thành lập EBAI (Trường Mỹ thuật Đông Dương) với sự giúp đỡ của Nguyễn Nam Sơn vào năm 1925. Tardieu đã phát hiện ra tài năng của họ và mở cánh cửa trường học của mình, đào tạo họ một cách bài bản. Sau đó, mỗi người trong số họ phát triển theo cách riêng của mình và xây dựng bản sắc cá nhân. Đây là những nghệ sĩ đến Pháp vào những năm 1930 và chọn sống ở Pháp. Vì các họa sĩ này chuyển sang Pháp rất sớm sau khi học xong, phần hiếm nhất và đẹp nhất trong sự nghiệp sáng tạo của họ chủ yếu được bảo tồn ở Pháp. Với sự kiên nhẫn và niềm đam mê, trong 7 năm vừa qua tôi đã làm việc không ngừng để đưa các tác phẩm này đến với công chúng và để tỏ lòng kính trọng với sự nghiệp của các họa sĩ này, và cũng là để tiếp nối công việc của Victor Tardieu.

Niềm đam mê của tôi cũng khiến tôi chú ý đến tác phẩm của Alix Aymé, một nghệ sĩ lớn người Pháp. Bà đã sống nhiều năm ở Việt Nam và là một nghệ sĩ quan trọng vì ngay từ năm 1927, bà đã dạy nghệ thuật sơn mài cho nhiều sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có Nguyễn Gia Trí với tài năng lừng lẫy.

Nhưng đây không phải là những tác phẩm duy nhất tôi giới thiệu với công chúng mà hoàn toàn ngược lại.

Lịch sử Việt Nam và Pháp có mối liên hệ với nhau và nhiều người Pháp có gia đình sống ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, nhiều người Việt Nam cũng đã chọn định cư tại Pháp trong thế kỷ 20. Rất gắn bó với bán đảo Đông Dương, họ đã mang theo mình những đồ vật, bức tranh làm kỷ vật.

Vì vậy, tôi phát hiện ra nhiều nghệ sĩ không đến Pháp, hoặc đến Pháp trong một thời gian rất ngắn ngủi, nhưng trong thế kỷ 20 tác phẩm của họ cũng đã được đưa đến Pháp.

Ví dụ như các tác phẩm sơn mài rất đẹp của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung, hay một số tranh của Nguyễn Nam Sơn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Văn Đệ, Trần Văn Cẩn… tất cả những tác phẩm này, cũng như nhiều tác phẩm khác nữa…có hình minh họa được đính kèm đã được giao cho tôi đánh giá sau đó triển lãm và đấu giá.

 

NGUYỄN Nam Sơn (1890-1973) – Thiếu nữ cầm quạt. Lụa. Khoảng 1935-1936. 61,5x43cm.

Đấu giá tại Aguttes, ngày 22 tháng 10 năm 2018.

 

LƯƠNG XUÂN NHỊ (1913-2006) – Những cô thợ thêu. Lụa. 37×77,5cm. Đấu giá tại Aguttes, ngày 12 tháng 4 năm 2019.

 

  

 

 

HOÀNG TÍCH CHÙ (1912-2003) & NGUYỄN TIẾN CHUNG (1914-1978) – Phong cảnh Trung du Bắc Kỳ. Sơn mài. 100,5×60,5cm.

Đấu giá tại Aguttes, ngày 25 tháng 6 năm 2018.

 

 

Hoàng Anh: Bà có thể vui lòng cho biết, các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam trong các cuộc đấu giá của Aguttes có nguồn gốc từ các sưu tập cá nhân, các tổ chức ở Pháp hay còn ở nhiều quốc gia khác?

Charlotte Aguttes-Reynier: Như tôi đã nói ở trên, tôi thích khám phá những tác phẩm bị lãng quên và thất lạc trong các bộ sưu tập tư nhân ở Pháp hoặc ở châu Âu. Đây là những tác phẩm có linh hồn, một câu chuyện để kể. Thông thường, các chủ sở hữu biết các họa sĩ… Tôi đến nhà của họ để tìm hiểu chia sẻ các trải nghiệm này và sau đó tiếp tục chuyển tiếp.

Hoàng Anh: Và Aguttes đã làm như thế nào để có thể xác định được tính chân bản, xác thực của những tác phẩm ấy?

Charlotte Aguttes-Reynier: Tôi quyết cố gắng kiểm tra kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật của từng tác phẩm một. Tôi cũng yêu cầu rất cao về lý lịch và truy xuất nguồn gốc.

Trong những năm gần đây, Aguttes đã bán được gần 90 tác phẩm của Lê Phổ và hơn 60 tác phẩm của Mai Trung Thứ và của Vũ Cao Đàm. Vì vậy, trong quá trình bán hàng và tiếp xúc với nhiều mối quan hệ thân thiết của các họa sĩ, với gia đình của họ… tôi đã có thêm kiến thức kỹ thuật và lịch sử về tác phẩm của họ.

Cách đây 2 năm, tôi đã quyết định bắt tay vào xây dựng “Tuyển tập có lý luận” về tác phẩm của từng nghệ sĩ trong số ba nghệ sĩ này. Theo đó, tôi tập hợp thành ba phần riêng biệt tất cả các dấu hiệu tôi tìm thấy trên các bức tranh. Tôi chọn ra các tác phẩm để xuất bản trong tương lai, tôi mô tả chúng, tôi xác định thời điểm sáng tác, tôi phân loại chúng và tôi ghi lại những bức ảnh chi tiết. Đó là một công việc tỉ mẩn nhưng rất thú vị. Ngoài việc giúp cho cá nhân tôi hiểu hơn các tác phẩm này, nghiên cứu của tôi còn nhằm bảo vệ và bảo vệ tác phẩm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm. Tôi rất buồn khi thấy ngày càng nhiều hàng giả xuất hiện trên thị trường, đặc biệt là ở châu Á. Đây là điều rất đáng báo động. Các nhà sưu tập phải hết sức thận trọng và tôi mời mọi người tham khảo ý kiến tôi nếu họ muốn về vấn đề này.

 

NGUYỄN NAM SƠN (1890-1973) – Thôn nữ Bắc Kỳ. Lụa. Khoảng 1935. 65×52,5cm.

Đấu giá tại Aguttes, ngày 26 tháng 3 năm 2018.

 

 

 

NGUYỄN VĂN THỊNH (1906-?) – Những thiếu nữ chơi nhạc. Lụa. Khoảng 1933. 84,5x67cm.

Đấu giá tại Aguttes, ngày 22 tháng 6 năm 2020.

 

 

LƯƠNG XUÂN NHỊ (1913-2006) – Phong cảnh Đông Dương. 65x92cm. Đấu giá tại Aguttes, ngày 11 tháng 6 năm 2019.

 

 

Hoàng Anh:  Hiện nay, đội ngũ các chuyên gia thẩm định của Aguttes đang làm rất tốt. Đứng về quan điểm cá nhân với vai trò một giám đốc nghệ thuật, bà cảm thấy sự thẩm định ấy chắc chắn đến mức độ nào, đạt khoảng bao nhiêu điểm nếu tính trên thang điểm 10?

Charlotte Aguttes-Reynier: Tôi không biết luật ở Việt Nam hay Hồng Kông, nhưng tôi biết luật ở Pháp. Văn bản luật của Pháp ra ngày 3 tháng 3 năm 1981, và được gọi là sắc lệnh Marcus, mô tả chính xác nghĩa vụ của chúng tôi đối với người mua và người bán liên quan đến tính xác thực của tác phẩm và ngôn từ bắt buộc phải dùng trong phần mô tả lô hàng. Khi nhà đấu giá Aguttes mô tả một tác phẩm là chân thực, nó phải được thuyết phục 10/10. Nếu Aguttes mắc lỗi, người mua theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu hủy bán và hoàn lại tiền. Do đó, chúng tôi cực kỳ thận trọng. Chúng tôi không được phép chỉ ra một tác phẩm là xác thực nếu chúng tôi không tin tưởng ở mức 10/10.

Công ty của chúng tôi đã phát triển vững chắc trong hơn 45 năm. Để đạt được chất lượng cao nhất, chúng tôi đã tăng cường đội ngũ của mình với các chuyên gia có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực của họ. Mỗi chuyên gia, ngoài hiểu biết về các tác phẩm, còn biết những nhà sưu tập quan trọng và những nhà phục chế chuyên biệt trong lĩnh vực của họ.

Liên quan đến tranh Việt Nam, tôi có thể khẳng định rằng 100% người mua đã trả tiền cho các tác phẩm họ mua và tôi chưa từng có khiếu nại nào từ năm 2014 về vấn đề tính xác thực.

 

NGUYỄN ĐỨC NÙNG (1914-1983) – Thiếu nữ bên giỏ hoa. Lụa. Khoảng 1936. 45x62cm.

Đấu giá tại Aguttes, ngày 11 tháng 3 năm 2020.

 

 

DIỆP MINH CHÂU (1919-2002) -Cô gái suy tư. Lụa. Khoảng 1943. 78×57,5cm.

Đấu giá tại Aguttes, ngày 9 tháng 12 năm 2019.

 

 

LÊ VĂN ĐỆ (1906-1966) – Rừng nhiệt đới Việt Nam. Sơn mài. 1937. 252x195cm (3 tấm).

Đấu giá tại Aguttes, ngày 9 tháng 10 năm 2019.

 

 

Hoàng Anh:  Ở Việt Nam có một số chuyên gia giỏi có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm về thẩm định. Bởi trên thực tế, các nhà nghiên cứu mỹ thuật người Việt có thể vẫn hiểu văn hóa, lịch sử  Việt hơn.  Tôi nghĩ, nếu Aguttes có lời mời hợp tác họ cũng sẵn lòng. Bà và Aguttes có dự định gì về việc này chưa?

Charlotte Aguttes-Reynier: Tôi rất vinh dự bởi một đề xuất như vậy. Sẽ thật là thú vị nếu tôi được tiếp xúc với nhiều người có liên kết với các họa sĩ cũng như gia đình, bạn bè của họ…hoặc có liên kết với Việt Nam để giúp tôi tăng cường các mối quan hệ và kiến thức.

Hoàng Anh: Aguttes được thành lập năm 1974 bởi cha của bà, ông Claude Aguttes và là nhà đấu giá lớn thứ tư của Pháp. Nhưng Aguttes lại là nhà đấu giá độc lập đầu tiên, không có cổ đông bên ngoài. Theo thống kê số liệu, năm 2018, Aguttes đã vượt qua cột mốc 50 triệu euros. Năm 2019, đạt tổng cộng 66 triệu euros giá trị giao dịch. Năm 2020 là một năm rất đặc biệt của thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhưng qua các phiên đấu tôi thấy doanh thu của Aguttes vẫn có chiều hướng tốt. Bà có thể cho biết Aguttes đã có những kế hoạch gì để ứng phó kịp thời?

Charlotte Aguttes-Reynier: Tôi xin được cải chính một chút thông tin. Có rất nhiều công ty độc lập không có cổ đông bên ngoài ở Pháp nhưng chúng tôi là công ty duy nhất đạt được cấp độ quan trọng này. Thật vậy, chúng tôi đang ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng của Pháp và ở vị trí số 1 với tư cách là một công ty độc lập ở Pháp.

Sau khi tăng trưởng trung bình hàng năm + 30% kể từ năm 2017, cuộc khủng hoảng, liên quan đến đại dịch do Covid-19 gây ra và ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường nghệ thuật, đã ảnh hưởng đến kết quả của nhà đấu giá của chúng tôi vào năm 2020. Tổng kết quả thực hiện trong các cuộc đấu giá, bao gồm cả phí và không bao gồm bán riêng lẻ, giảm -15%.

Con số này chắc chắn phản ánh sự suy giảm tương đối liên quan đến đại dịch, nhưng mặt khác, nó thể hiện sự vững chắc và đều đặn của Aguttes trong những năm qua.

Phần khó khăn nhất vào năm 2020 là thuyết phục các chủ sở hữu tư nhân rằng họ có thể tin tưởng chúng tôi để tổ chức bán hàng bất chấp lệnh phong tỏa. Để bù đắp cho việc thiếu các triển lãm công khai, chúng tôi đã tạo thêm nội dung (video, báo cáo tình trạng mở rộng hơn, ảnh bổ sung, video phỏng vấn, tất cả đều có bản dịch hoặc phụ đề tiếng Việt) và dành nhiều thời gian hơn để tư vấn cho người mua trong quá trình mua hàng từ xa của họ. Tôi cũng đã làm việc để có một dịch vụ tốt hơn cho những ngày bán hàng với một cộng tác viên người Việt Nam, người giúp các nhà sưu tập qua điện thoại trong các cuộc đấu giá (trợ lý đấu thầu).

 

MAI TRUNG THỨ (1906-1980) – Trà đàm. 1971. Lụa. 55,8×55,8cm. Sẽ đấu giá tại Aguttes, tháng 10 năm 2021

 

 

TRẦN VĂN CẨN (1910-1994) – Về chợ. Khoảng 1935. Lụa. 47,5×35,5cm. Đấu giá tại Aguttes, ngày 22 tháng 10 năm 2018.

 

 

 

 

ALIX AYMÉ (1894-1989) – Chuyện trò trong vườn. Khoảng 1935. Sơn mài. 102x157cm.

Đấu giá tại Aguttes, ngày 12 tháng 4 năm 2019 (Kỷ lục thế giới)

 

 

Hoàng Anh: Bà có thể cho bạn đọc Tạp chí Mỹ thuật biết kế hoạch và các dự định năm 2021 của Aguttes? Nhà đấu giá có điều gì đặc biệt dành cho các nhà sưu tập không?

Charlotte Aguttes-Reynier: Hàng năm, tôi tổ chức 4 cuộc đấu giá dành riêng cho các họa sĩ châu Á và Johanna Blancard de Lery tổ chức 4 cuộc đấu giá dành riêng cho Nghệ thuật châu Á. Vào năm 2021, tôi muốn cô ấy phát triển mạnh mẽ hơn về Nghệ thuật Việt Nam. Chúng tôi đang nghiên cứu và xúc tiến dự án này.

Hôm nay, tôi thực sự hân hạnh giới thiệu với quý độc giả xem trước thông báo về một tác phẩm rất quan trọng của Mai Trung Thứ sẽ được chào bán trong phiên “Họa sĩ châu Á – Tác phẩm lớn” vào tháng 10 năm 2021.

Đây là bức tranh gốc mà họa sĩ đã sáng tác và chọn để làm nhiều bản in được phát đều đặn. Kể từ năm 2018, tôi đã cùng với nhà sưu tập làm việc cẩn trọng về chuyên môn kỹ thuật và lịch sử của tác phẩm này. Tôi đã thực hiện một nghiên cứu nghiêm ngặt như thường lệ.  Tác phẩm này có chất lượng đáng ngưỡng mộ. Tôi cũng đã xem xét các tài liệu thú vị chứng minh sự hiện diện của nó trong cùng một bộ sưu tập của Pháp kể từ năm 1999. Tôi sẽ tiếp đón các nhà sưu tập có cơ hội đến Paris trong năm trước tháng 10. Tôi sẽ sẵn lòng giới thiệu bức tranh với họ và tôi cũng sẵn sàng quay video trực tiếp trong những tháng tới. Tôi đang chuẩn bị một video chi tiết ngoài ảnh mà tôi có thể gửi theo yêu cầu. Đây là một tác phẩm lớn được trưng bày ở Paris bắt đầu từ hôm nay.

 

 

Charlotte Aguttes-Reynier (reynier @aguttes.com)  và những bức tranh Việt Nam và vẽ về Việt Nam

Hoàng Anh: Ngoài trường phái của các họa sĩ học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945), chúng tôi còn Khóa Kháng chiến (1950-1954), Khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), các Khóa Cao đẳng và Trung cấp thời chiến, các họa sĩ theo Trường phái Hiện thực xã hội chủ nghĩa và đặc biệt là hội họa Thời kỳ Đổi mới thập niên 1990 với nhiều tác phẩm xuất sắc. Ở Việt Nam hiện nay, các khuynh hướng Mỹ thuật Đương đại đang rất phát triển, được ưa chuộng. Bà có thể cho biết, liệu Aguttes có kế hoạch gì cho nghệ thuật đương đại của Việt Nam?

Charlotte Aguttes-Reynier: Để duy trì sự mạch lạc nhất định, tôi hiện đang nghiên cứu các tác phẩm có lịch sử liên quan đến Pháp. Vì vậy, năm ngoái tôi hân hạnh giới thiệu bộ sưu tập sơn mài rất thú vị của Nguyễn Văn Minh được công chúng đánh giá rất cao.

Hiện nay, tôi đang làm việc với Ophélie Guillerot, một chuyên gia của Aguttes trong Nghệ thuật Đương đại để mở rộng hoạt động của chúng tôi đến những tác phẩm được thực hiện gần đây hơn. Đó là một công việc lâu dài .

Hoàng Anh: Dự đoán của bà về thị trường nghệ thuật Việt Nam so với các thị trường châu Á khác trong năm 2021 và xa hơn nữa?

Charlotte Aguttes-Reynier: Tôi rất lạc quan về sức mạnh của thị trường vào năm 2021. Các nhà sưu tập đang tìm kiếm sự quý hiếm và chất lượng cao, và chúng tôi hiện đang có những tác phẩm nguyên bản và chưa được biết đến ở Pháp – những tác phẩm đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ trong tình trạng rất tốt. Tôi rất vui khi thấy ngày càng có nhiều người có kiến thức sâu rộng trả lời các cuộc gọi của tôi, tham quan triển lãm, tham vấn catalogue, tham gia các cuộc đấu giá… Công việc mà tôi bắt đầu từ năm 2014 này đang bắt đầu đơm hoa kết trái và đây là một sự tôn vinh tuyệt đẹp mà chúng ta cùng đưa đến cho Nghệ thuật Việt Nam. Tôi xin được mời mọi người mới sưu tập gửi cho chúng tôi email của họ. Bằng cách này, chúng tôi sẽ thông báo trước mỗi đợt bán hàng cho họ và tôi sẽ có thể giới thiệu các tác phẩm chính dành riêng cho họ, tư vấn và hướng dẫn họ.

 

NGUYỄN VĂN MINH (1930-2014) – Phong cảnh. 1986. Sơn mài. Đấu giá ngày 11 tháng 3 năm 2020.

 

 

Bức tranh này của Lê Phổ sẽ được đấu trong phiên “Họa sĩ châu Á – Tác phẩm lớn” của Aguttes ngày 8 tháng 3 năm 2021

Hoàng Anh: Trân trọng cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này. Thay mặt Tạp chí Mỹ thuật tôi trân trọng mời bà tới Việt Nam trong thời gian gần nhất (nếu có thể). Chúng ta sẽ gặp gỡ, trao đổi và bàn bạc những kế hoạch phát triển trong tương lai…

Charlotte Aguttes-Reynier: Cảm ơn vì lời mời của bà, điều đó rất có ý nghĩa đối với tôi. Tôi sẽ rất vui được gặp bà và tôi chắc chắn rằng có nhiều kho báu cần được khám phá ở đất nước xinh đẹp của bà. Tôi rất mong đợi được khám phá tất cả những điều này cùng với bà.

Hiện nay, công việc viết “Tuyển tập có lý luận” về Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm yêu cầu tôi đến thăm các bộ sưu tập quan trọng ở Việt Nam. Tôi đã đón nhận và phân loại nhiều tác phẩm của ba nghệ sĩ này tại Aguttes, tôi cần xem trực tiếp những tác phẩm khác vì mục đích này. Tôi cũng xin được mời chủ nhân của các tác phẩm cho tôi biết về bộ sưu tập của họ để tôi có thể lên kế hoạch thăm họ khi có thể.

Tôi cũng rất hân hạnh được một lần nữa đến thăm các bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhận được sự chỉ dẫn của bà.

Tháng 1 năm 2021

    Hoàng Anh

Theo nguồn: Tạp chí Mỹ Thuật

Ghi chú: Các nhà sưu tập, người yêu nghệ thuật muốn tham vấn, giao dịch liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật có thể gửi email cho Charlotte Aguttes-Reynier – reynier@aguttes.com. Trân trọng cảm ơn!

 

Các tin khác:

Phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022

Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày 19-5 - Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Trong niềm xúc động và tự hào về sự nghiệp và cuộc đời cao đẹp của Người, chúng ta chọn ngày đặc biệt này để tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật...

6-10 of 97<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter