Sáng tạo: Các tự sự của những nhà bác học lớn

 

(Tiếp theo Tạp chí Mỹ thuật số 339&340 tháng 3-4/2021)

Các nhà bác học lớn là những người đã có những sáng tạo mà ai cũng công nhận. Sao không hỏi họ ? Vấn đề khó ở đây là không phải nhà bác học nào cũng là một nhà tâm lý học hay một nhà nhận thức học (épistémologique), siêu lý thuyết (metathéorie) cho nên họ khó mà nói về việc họ đã sáng tạo qua những quá trình tâm lý và tư duy như thế nào. Huống chi, nếu thuyết Kubie là đúng, thì những người sáng tạo lớn đều sáng tạo trong hai giai đoạn của tiền ý thức, là những giai đoạn họ theo dõi không chi tiết lắm, hoặc họ đã quên và rất dễ lẫn lộn cái mình đã từng suy nghĩ với cái bây giờ mình đang suy nghĩ về những suy nghĩ của mình lúc đó. Hội đồng trao giải thưởng Nobel của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã đặt thành quy chế rằng, một nhà bác học khi nhận giải thưởng Nobel phải viết một diễn văn trong đó có kể lại hoàn cảnh, động cơ và quá trình mình đã sáng tạo như thế nào. Cùng với lời giới thiệu của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển và bài diễn văn của người được nhận giải, tiểu sử của người này cũng được in ra trong tập gọi là Thuyết trình Nobel (Nobel lectures) do Nhà xuất bản Elsevier công bố. Theo tôi, đọc các Thuyết trình Nobel đều rất hay, rất bổ ích, dù ta không có ý định trở thành những nhà bác học lớn, mà chỉ muốn có những sáng tạo nhỏ, góp phần của mình vào sự nghiệp cách mạng thì cũng nên đọc. Tuy nhiên, trong tập đó, vì những lý do này nọ, ít bài diễn văn nhắc lại một cách trung thực, và tỉ mỉ rằng mình đã sáng tạo như thế nào. Tôi chỉ chọn mấy trường hợp sau đây mà tôi cho là có ý nghĩa.

1. Trường hợp của H.Poincaré

Viết về Poincaré, tôi vẫn chọn sự sáng tạo của ông về các hàm Fúcxian, vì tự ông đã viết về vấn đề này một cách đầy đủ, trung thực và cởi mở (1908). Đoạn này đã được sao lại toàn văn trong quyển lịch sử toán học của ông Collette nên các bạn có thể tham khảo trực tiếp. Chỉ có hai điều tôi không thể làm, vì tôi muốn giữ cho bạn đọc cái cố gắng và cái thú vị của việc tự mình lao động một ít trên những vấn đề khái niệm. Một là tôi không giải thích về các hàm Fúcxian, vì hiện nay nếu ai đọc một quyển hiện đại về hàm biến phức, như của Stoicow (chương 3) hoặc quyển Moderne Analysis của Whittaker và Watson, hoặc quyển Abrégé d’histoire des mathématiques của Dieudonné (trang 69) thì vấn đề sẽ dễ dàng và rõ ràng quá, không cần đến Poincaré mới khám phá ra nó. Hai là Poincaré đã dùng các từ “có ý thức” (conscient) và vô ý thức (inconscient) không theo nghĩa mà ta đã dùng trên đây. Tôi sẽ dịch nguyên văn các đoạn của Poincaré về những khái niệm này, dành việc làm khớp các khái niệm ý thức, tiền ý thức, tiềm thức, vô ý thức cho độc giả tự mình làm lấy. Như vậy, sau đây sẽ trích dịch nguyên văn một số đoạn của Poincaré. Poincaré sinh năm 1854, vào Bách khoa năm 1873, ra trường Mỏ năm 1877, và làm kỹ sư mỏ ở Caen cho đến 1879 lúc ông được phong giáo sư ở Trường Đại học Caen, rồi Paris (1881). Sau đây là một số điều ông đã viết về việc ông đã khám phá ra các hàm Fúcxian.

HENRI POINCARÉ (1854-1912)

Sau 15 ngày thất bại và muốn chứng minh không tồn tại những hàm như vậy, ông mô tả đêm không ngủ trong đó ông chứng minh rằng ý kiến đó là sai.

“Một hôm tôi uống cốc cà-phê đen, trái với thói quen của tôi. Không ngủ được. Các ý kiến xô đến tấp nập, tôi có cảm giác chúng va chạm nhau cho đến khi có hai ý móc nối với nhau thành một tổ hợp vững. Sáng dậy tôi xác nhận sự tồn tại của một lớp những hàm Fúcxian từ các chuỗi siêu hình học. Chỉ còn lại việc viết lại các kết quả. Cần vài tiếng”.

“… Ở đây có sự song song tồn tại của ý thức và vô ý thức. Tôi có cảm giác rằng ta chứng kiến lao động vô ý thức của bản thân, ló ra trước ý thức bị kích thích cao. Ta thấy một cách mơ hồ cái gì phân biệt hai cơ chế đó”.

Sau đó Poincaré tìm một biểu thức khác cho các hàm Fúcxian.

“Tôi muốn biểu diễn các hàm này biến thương (quotient) của hai chuỗi: ý này hoàn toàn có ý thức và có suy nghĩ. Sự tương tự với các hàm elliptic đã hướng dẫn tôi. Tôi tự hỏi: các chuỗi này, nếu tồn tại, sẽ có những thuộc tính gì ? và tôi xây dựng không khó khăn lắm các chuỗi mà tôi gọi là Fúcxian (têta). Khi đó tôi rời khỏi Caen để tham gia một lộ trình địa chất của trường mỏ. Các sự biến của lộ trình làm tôi quên cả các việc toán học. Đến Cutăng (cách Caen vài chục km), chúng tôi lên một ô-tô ca để đi tham quan. Nhưng khi đặt chân lên bậc leo lên xe, tôi chợt thấy không có chuẩn bị gì cho việc này, rằng các biến đổi mà tôi đã dùng để định nghĩa các hàm Fúcxian là đồng nhất với các biến đổi của hình học phi ơclit (Lôbasépxki)”.

Về Caen, đầu óc thảnh thơi, ông kiểm tra lại kết quả này.

“Tôi đi vào những vấn đề số học không kết quả rõ ràng và không cho rằng chúng có liên quan đến các nghiên cứu trước đây của tôi. Chán ngấy vì sự bất lực này, tôi đi nghỉ vài ngày ở bờ biển. Một hôm, dạo chơi trên một vách đá, ý đến với tôi, ngắn ngủi, đột ngột, và đúng ngay rằng các biến đổi số học của các dạng toàn phương tam phân (ternaire) không xác định là đồng nhất với các biến đổi của hình học phi ơclit”.

Về sau ông nghiên cứu những trường hợp tổng quát hơn là một lần nữa với một cố gắng có ý thức kiên trì, ông chỉ đạt kết quả nhờ một sự ngẫu nhiên và không có chuẩn bị trong khi đang làm nghĩa vụ quân sự.

Ông nhấn mạnh vai trò của lao động không ý thức, hiệu lực của những ý đồ đột ngột, trước và sau những giai đoạn suy nghĩ có ý thức. Ông thêm rằng các ý mới khi xuất hiện không thể là những quy tắc máy móc hay những công thức đại số sẵn có, vì các thứ này đều là nghiêm ngặt và phức tạp, đòi hỏi kỷ luật và sự chú ý thuộc lao động có ý thức. Ông thừa nhận rằng đêm không ngủ của ông là một đêm kích thích (trái ý muốn) vì ông chứng kiến, mà không can thiệp có ý thức vào lao động không ý thức của bản thân mình.

2. Trường hợp viện sĩ Xêmiônốp

Viện sĩ Xêmiônốp được giải thưởng Nobel năm 1956 về các phản ứng dây chuyền trong hóa học, một vấn đề hóa lý rất hóc búa. Ông không những là một nhà chuyên môn giỏi, mà còn là một người lãnh đạo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, một thầy giáo được học trò rất kính phục, một nhà hoạt động xã hội, một nhà duy vật biện chứng nhuần nhuyễn, một nhà lịch sử khoa học uyên bác. Ông đã viết và nói khá nhiều về công trình của ông, đặc biệt lúc ông nhận giải thưởng Nobel và nhấn việc ở Liên Xô ý thức được việc tiến quân vào cách mạng khoa học – kỹ thuật là một phong trào của toàn Đảng, toàn dân. Ông không nói nhiều đến “ủ” và “lóe”, và dành nhiều công phu phân tích giai đoạn chuẩn bị, vận dụng lịch sử của vấn đề, so sánh cách làm của những người đi trước, và nói khá kỹ về việc “thực hiện” một sáng tạo như thế nào. Theo tôi, những bài nói chuyện của ông về phản ứng dây chuyền đều rất bổ ích cho những anh chị em làm khoa học dù cơ bản hay ứng dụng, dù về hóa học hay về khoa học xã hội.

3. Trường hợp của Tomonaga, Schwinger và Feynman

RICHARD FEYNMAN (1918-1988)

Ba ông này nhận giải thưởng Nobel năm 1965 về điện động lực học lượng tử, nhưng mỗi người với động cơ, phương pháp, quá trình mỗi khác. Để tránh trùng lặp nhau, họ nói rõ mình đã suy nghĩ như thế nào về cùng một vấn đề. Đặc biệt thú vị cho những người sáng tạo trẻ là bài Thuyết trình Nobel của Feynman. Ông là một học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh rất xuất sắc; nhưng qua bài của ông, người ta thấy ông đã dần dần mới hiểu những điều mà những người khác cho là rất dễ, đã phạm những hiểu lầm như thế nào, và trong đời sống khoa học của ông, tuy ngắn ngủi (sinh năm 1918, ông đỗ tiến sĩ 1942, nhận giải thưởng Albert Einstein năm 1954 và 1962, giải thưởng Laurence 1962 và giải thưởng Nobel năm 1965), ông đã sai và sửa sai nhiều lần như vậy; đã “ủ” và “lóe” nhiều phen như vậy và đã hoàn thiện phương pháp “tái chuẩn hóa” nổi tiếng, mà phải để đến 1971, nghiên cứu sinh người Hà Lan Gerad’t Hooft mới làm lại được cho các tương tác yếu.

Trên đây tôi đã tự hạn chế trong vật lý học là bộ môn trong đó tôi có một ít hiểu biết về việc và người. Các bạn thuộc các ngành khác có thể tìm nhiều điển hình tốt trong các Thuyết trình Nobel mà đã có các tập về vật lý, hóa học, sinh lý học và y học cho các năm 1901-1962.

 

Tạ Quang Bửu

Theo nguồn: Tạp chí Mỹ Thuật

Các tin khác:

26-30 of 97<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter