Trò chuyện cùng họa sĩ Mộng Bích: Người phụ nữ vẽ lụa đi giữa hai thế kỷ

Đúng hẹn, tôi cùng Hoàng Anh-Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, đến thôn Na, xã Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) vào 8 giờ sáng ngày 29/12/2020. Nắng đẹp, gió thổi mát rượi, chưa có dấu hiệu gì của một trận mưa và rét đậm được dự báo sẽ tràn xuống Bắc Bộ vào buổi đêm. Phía trước làng có hồ nước lớn hình chữ nhật, trong vắt, tỏa bóng lấp lánh một dãy nhà hiện đại như nhà phố. Theo một con dốc nhỏ, ngắn thôi, chúng tôi tới cổng nhà họa sĩ Mộng Bích.

Chà! Cái cổng xinh xắn làm theo lối cổ, ngôi nhà cũng thế, nhưng vẫn mang những nét gì đó rất riêng. Cửa cổng không khóa, và chúng tôi phải tự mở cửa để vào bằng cách thò tay qua hai lỗ nhỏ rút then cài bên trong… Vào tới nơi đã thấy cô Mộng Bích đang ngồi đợi, một mình, ở ngoài hiên. Vui quá! Đã hơn 10 năm tôi mới lại được gặp cô. Lưng cô đã còng hẳn xuống so với trước.

Quang Việt (QV): Ôi! Cô Mộng Bích, cháu rất mừng khi được thấy cô khỏe. Cách đây mấy hôm cô bị mệt phải không ạ?

Mộng Bích (MB): Ừ! Tôi bình thường rồi.

QV: Các họa sĩ vẽ lụa đẹp thì hình như lưng hay còng còng, cô nhỉ?

MB (cười, làm động tác cúi xuống thêm): Cũng có thể, vì khi vẽ cứ cúi xuống như thế này này… “Phát hiện” vui đấy !

QV: Lần gần đây nhất cháu gặp cô là ở nhà cô Thanh Ngọc. Hôm ấy có cả cô Giáng Hương, cô Hồng Hải.

MB: Nhớ chứ. Hôm ấy bọn tôi còn uống bia với nhau. Hì hì.

QV: Từ khi cô chuyển lên sống ở đây, các cô ấy có hay lên thăm cô không?

MB: Cô Thanh Ngọc, cô Hồng Hải, cô Kim Bạch rất hay lên tôi chơi. Riêng cô Giáng Hương thì chưa. Nay cô Thanh Ngọc, cô Giáng Hương đã mất rồi!!!

 

Họa sĩ Mộng Bích. Hiên Vân, ngày 29/12/2020

QV: Hầu hết các tư liệu đều ghi cô sinh năm 1933?

MB: Trước, vì nhiều lý do, người ta hay phải khai bớt tuổi. Chính xác tôi sinh năm 1931, tuổi Tân Mùi. Còn vài hôm nữa, sang 2021, là tròn 90 (cười).

QV: “Đi giữa hai thế kỷ” (Entre deux siècles) là tên cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của cô vừa mới diễn ra vào cuối tháng trước. Tại sao triển lãm của cô lại do L’Espace (Viện Pháp ở Hà Nội) tổ chức?

MB: Là thế này, Bùi Hoài Mai, con trai tôi, khá lắm tài. Mai không chỉ vẽ mà còn làm cả kiến trúc, làm gốm, làm gốm để phục vụ kiến trúc. Đồ gốm của Mai bày bán ở phố Chân Cầm được nhiều người nước ngoài yêu thích. Trong số đó có những người trong Câu lạc bộ Pháp tại Hà Nội. Họ lên đây thăm xưởng gốm của Mai, xem tranh tôi, nghe tôi kể chuyện đi vẽ, thế là họ ngỏ ý muốn tổ chức cho tôi một cuộc triển lãm. Tiếp đó, họ giới thiệu cho ông giám đốc Viện Pháp. Ông giám đốc, dù rất bận, vẫn ngồi nói chuyện và xem tranh với tôi hơn bốn tiếng đồng hồ. Thế rồi, các công việc cho triển lãm được bắt đầu. Chuẩn bị mất gần một năm, đến sát ngày triển lãm, khi cuốn sách về tôi cũng vừa in xong, thì ông  giám đốc Viện Pháp cùng ông bà Đại sứ Pháp cùng đến thăm, trò chuyện trước ngày khai mạc và tặng sách cho tôi.

QV: Về cuộc triển lãm này của cô, cô có hài lòng không?

MB: Có bà bán bánh mỳ dạo đi ngoài đường xem tranh qua cửa kính rất thích bức “cô gái ngồi băm rau cho lợn”, lần nào đi qua cũng ngắm nghía. Nhân dân thích, những người bình dân thích, giao cảm thân tình, là tôi vui rồi.

 

Một góc sân nhà họa sĩ Mộng Bích. Hiên Vân, ngày 29/12/2020

QV: Tại Triển lãm Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam lần đầu tiên năm 1993, bức tranh “Bà già” của cô, vẽ một bà ăn mày, cũng đã được giải nhất.

MB: Hiện tại tôi có 6 tranh lụa ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tranh “Bà già” được giải thưởng, nhưng ông Nguyễn Văn Chung, giám đốc Bảo tàng khi ấy, bảo “không mua”, vì là “tranh phong trào”?!

QV: Trong đời vẽ của cô, cô đã vẽ khoảng chừng bao nhiêu tranh?

MB: Ký họa thì hàng ngàn bức. Tôi chủ yếu vẽ lụa, trong nhà hiện còn hơn 10 bức, có nhiều người hỏi mua, nhưng tôi giữ lại cho các con, các cháu.

QV: Cháu có nghe cô Hồng Hải kể, ngày xưa cụ Nguyễn Tiến Chung rất khen lối cô vẽ lụa?

MB: Hồi học trung cấp ở Trường Mỹ thuật (1956-1960), về hình họa cơ bản, tôi luôn luôn “bét lớp”. Thầy Trần Văn Cẩn hay bảo: Trông người do tôi vẽ cứ lem luốc như vừa ở hầm lò ra. Thầy cũng nhận định: Trong Trường Mỹ thuật [khi ấy] có hai “bản năng” là Siu Dơng và Mộng Bích.

Ngày chúng tôi đi thực tập lần đầu tiên ở Thủy Nguyên, thầy Hoàng Lập Ngôn cũng bảo tôi “vẽ rất rung động… giống như bánh xe quay tít đã rời khỏi trục.”

Anh Việt Hải vẫn còn giữ một số ký họa tôi vẽ từ thời trung cấp. Nhiều lần anh nhắn tôi có muốn lấy lại thì lấy.

Bức tranh lụa cụ Nguyễn Tiến Chung thích là bức “Mẹ con”, cũng là bức tranh lụa đầu tiên của tôi, bày ở Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (toàn quốc năm nào thì tôi không nhớ chính xác). Bức này tôi vẽ năm 1960, đã tốt nghiệp trung cấp, ra trường rồi. Khi xem triển lãm, cụ Nguyễn Tiến Chung gọi cô Hồng Hải đến trước bức tranh, cụ bảo: “Đây là một bức tranh đẹp!”

Cụ Phan Chánh cũng rất thích bức tranh, cụ hỏi tôi: “O vẽ như thế nào?” Rồi cụ nói: “Thế là o nổi tiếng rồi nhé!”

Tôi nhớ ngày ấy cụ Chánh dạy hình họa trong trường. Có lần cụ bảo: “Tôi không được dạy lụa mà dạy hình họa. Chắc vì tôi không phải đảng viên”. Nghe nói có một thời gian cụ Chánh dạy lụa “đại học” (?)

Ở đây cũng nên kể thêm, tôi vẽ bức lụa “Mẹ con” ngày tôi đã tham gia công tác tại Ty Văn hóa Thái Nguyên. Tuy gọi là ty văn hóa, nhưng trên thực tế nó giống như một bộ văn hóa thu nhỏ, rất rất nhiều việc. Vì vậy người ta không ủng hộ việc sáng tác, xem đó là việc cá nhân, có thể vi phạm đến giờ làm việc hành chính… Vả lại, Sở Văn hóa Việt Bắc cũng phản ứng trước hình tượng người mẹ để ngực trần cho con bú trong bức tranh, cho đấy là thứ nghệ thuật “đồi trụy”!

QV: Cô đã rời môi trường không thuận lợi cho nghệ thuật ấy như thế nào?

 

MỘNG BÍCH – Múc nước chống hạn (Hải Dương). 1959. Phác thảo màu nước cho bài tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật

 

MỘNG BÍCH – Mẹ con. 1960. Phác thảo chì trên giấy can

 

MB: Ban đầu theo quy định thì mình vẫn phải theo thôi. Học trung cấp ra phải đi công tác 5 năm mới được thi vào đại học. Ở Thái Nguyên, tôi có tham gia xây dựng Bảo tàng Võ Nhai, sống ở nhà người Nùng, có ông cụ là một trong 41 người từng tham gia Khởi nghĩa Bắc Sơn, tên là cụ Đường Thức… Tôi làm cả bản đồ, căng vải diềm bâu nối vào, vẽ bằng sơn, vân vân.

Có lần, ông trưởng Ty Văn hóa giao tôi vẽ bìa một tập thơ, trong có cả thơ của ông. Chỉ có cái bìa sách nhỏ mà ông ấy bắt tôi vẽ đủ thứ, từ cánh đồng đến nhà máy, ống khói, vân vân và vân vân. Vẽ xong, tôi đề nghị ông ấy ký tên, vì đấy có phải “tác phẩm” của tôi đâu! Thế là, tôi bị người ta phê luôn: “Thái độ chính trị không tốt”.

Việc tôi được đi thi và vào học đại học là do có người làm việc ở báo “Tổ quốc” về tận nơi bênh vực. Lúc tôi đi, ông trưởng ty bảo: “Chúc chị không quay lại nữa”.

QV: Lý do nào cô lại chuyên vào vẽ lụa, chứ không phải sơn dầu hay sơn mài?

MB: Vào đại học (1965), ban đầu tôi được phân học sơn dầu. Tôi nghĩ, học sơn dầu “cũng hay hay”. Ngày Trường Mỹ thuật đi sơ tán ở Hiệp Hòa, tôi đã có cháu thứ hai, nên cũng thêm bận bịu… Ở trường có anh Dung làm người mẫu kiêm nghiền màu làm sơn dầu, chúng tôi thường lấy lá chuối, lá khoai hơ lửa cho mềm để đựng sơn mà anh ấy chia cho học sinh. Vải vẽ thì “préparer” bằng keo da trâu, vẽ rồi muốn dùng lại thì thả xuống nước, ngâm, cọ đi, vẽ cái khác.

Vẽ sơn dầu xem ra vất vả quá, tôi bèn chuyển hẳn sang vẽ lụa.

…Năm 1970, làm bài tốt nghiệp, tôi vẽ tranh lụa “Xưởng dệt Nam Đồng” (dệt thảm), đúng vào thời điểm rất khó khăn: chồng ốm, hai con lên sởi nằm ở Xanh-Pôn, phải mang cả bàn vào bệnh viện để vẽ phác thảo.

Bài tốt nghiệp của tôi được điểm cao nhất. Đang bảo vệ tôi mệt quá ngất đi. May có anh Huỳnh Văn Thuận (có vẽ dệt thảm) bảo vệ tiếp cho…

 

MỘNG BÍCH – Ông già Chăm. 1987. Lụa

 

   

MỘNG BÍCH – Dệt thổ cẩm. 1990. Lụa

 

QV: Cuộc đời thật kỳ lạ! Tuổi trẻ của cô tràn đầy nghị lực, nhưng cũng thật đáng thương.

MB: Nhưng cũng có rất nhiều sự động viên, ủng hộ, giúp đỡ mình nữa chứ. Tôi không thể quên được tình cảm của các thầy đã dành cho học sinh. Thầy Lương Xuân Nhị có lần còn chạy kiếm thuốc cổ truyền cho cháu Linh nhà tôi. Ngày trường đi thực tế ở Sơn Đồng, tôi bị kiết lỵ nặng, thầy Trần Văn Cẩn đã kiếm “mộc nhĩ đen”, chế theo một bài thuốc dân gian cổ truyền rất độc đáo, chữa khỏi cho tôi.

 QV: Tại sao cô đi học vẽ?

MB: Anh cả tôi học cùng anh Doãn Mẫn, có quen nhiều kiến trúc sư, nhạc sĩ, họa sĩ. Anh có đi “hướng đạo sinh”, thích văn nghệ, sau làm văn hóa ở bưu điện. Anh tên là Nguyễn Đình Phác, đã mất. Tôi chịu nhiều ảnh hưởng từ anh tôi, rất thích văn chương, thích đọc “cậu ấm – cô chiêu”…

Thời kỳ học trung cấp mỹ thuật, tôi có viết hai “tác phẩm”. Một là quyển “Truyện cổ Tây Nguyên”, ghi theo lời kể của anh Siu Dơng, được xuất bản. Hai là “Chuyện anh Lở”, kể về người anh nuôi mù chữ chuyên nhờ tôi viết thư cho vợ trong kháng chiến, cũng được in trong một tập truyện ngắn…

Song từ lâu tôi vẫn nghĩ: làm nhà văn khó, vì vốn ngôn ngữ của mình không nhiều. Và đã tự định ra cho mình hai hướng đi: 1, làm phóng viên; 2, làm họa sĩ!

Thiên nhiên, cuộc sống, con người có những hình ảnh quá đẹp, có những khoảnh khắc in đậm trong tâm trí mãi mãi. Một buổi chiều, trong thời gian đi chiến dịch Cao-Bắc-Lạng, ở đèo Bò Đái, đèo Bắc Sơn, tôi đã được thấy hoa kim ngân trắng nổi trên nền dãy núi tím biếc đẹp đến như thế nào! Về sau, khi vẽ trẻ con Chăm ở Phan Rang, thấy chúng quá đẹp, quá đáng yêu, tôi vừa vẽ vừa khóc!

QV: Từ một cán bộ kháng chiến cô đã trở thành một họa sĩ. Cô có thể tóm tắt lại chặng đường ấy của mình, được không ạ?

MB: Trong kháng chiến chống Pháp, tôi công tác ở Cục tiếp tế – vận tải. Giải phóng thì được điều về Ban Liên hiệp Đình chiến Trung ương, bộ phận “nghiên cứu mồ mả” (nghiên cứu cách xây dựng mộ, vì trước đó Tây không làm được), đóng tại Hotel Coq d’or (nay là 16 phố Ngô Quyền)… Thế rồi Bộ Giáo dục cần người, tôi lại sang Bộ Giáo dục một thời gian (1955). Trong thời gian này, tôi “bí mật” theo học vẽ ông Diệp Minh Châu (cùng học với Phương Dung, Lâm Khánh), học ở trong Trường Mỹ thuật.

 

 MỘNG BÍCH – Niềm vui. 2000. Lụa

 

MỘNG BÍCH – Cháu tôi. 2002. Lụa

 

Đến khi thi đỗ, tôi đề nghị Bộ Giáo dục cho đi học, nhưng họ không đồng ý. Họ bảo: “Nếu học y thì được, phụ nữ học vẽ lãng mạn, học làm gì”. Vậy là để đi học, tôi phải thôi công tác, ra ngoài biên chế, phải đi làm thuê, làm những việc lặt vặt để lấy tiền sinh hoạt, chẳng hạn làm phụ động triển lãm…

Tốt nghiệp trung cấp, tôi được phân lên Ty Văn hóa Thái Nguyên (đoạn này tôi đã nói ở trên rồi).

Thời gian tôi công tác ở báo “Độc lập”, sau khi tốt nghiệp đại học, thì lâu hơn. Đây là tờ báo của Đảng Dân chủ, tòa soạn ở 59 Lý Thường Kiệt. Làm việc ở đấy tôi có điều kiện được biết các anh Trần Đăng Khoa, Đỗ Đức Dục…

Khi báo “Độc lập” giải thể , tôi lại được điều sang Viện năng lượng nguyên tử. Ở viện, tôi không biết làm gì, chứ không như anh Băng Sơn (nhà văn, cùng ở báo Độc lập chuyển sang), còn viết được.

Bất đắc dĩ, phó viện trưởng đành ký cho tôi đi Đà Lạt: Vẽ lò phản ứng hạt nhân! Thôi cũng được, ít nhất cũng có chữ “vẽ”, thế là tôi đi, chỉ mang theo một cặp giấy, bút chì, không mang màu.

…Tàu đi đến ga Cà Ná, tôi trông thấy một ông cụ người Chăm, mặc đồ, trùm khăn trắng toát, những cô gái Chăm trong trang phục Chăm, in trên nền trời xanh thẳm, đẹp vô cùng! Tôi bèn điện về cơ quan “cáo ốm dọc đường”, quyết định ở lại Ninh Phước để vẽ người Chăm, và cảnh người Chăm đang làm các nghề truyền thống như gốm, dệt… Ở Phan Thiết có ít hôm mà cái nón tôi đội trên đầu đã rách bươm.

Tôi ở miền Trung khoảng một tháng. Ca sĩ A Mư Nhân, nhạc sĩ Huy Sô (trước anh Sô cùng học nhạc với chồng tôi), nhà điêu khắc Đàng Năng Thọ đã giúp đỡ tôi nhiều.

Về sau, có nhà nghiên cứu về Chăm nhận định: Tranh tôi vẽ người Chăm có tinh thần đúng và đẹp.

QV: Theo cô, bằng chất liệu lụa, cô đã diễn tả được hết cảm xúc của mình hay chưa?

MB: Vẽ lụa thì hình là chính. Tôi vẽ nhiều ký họa, và chú ý cứ vẽ hình cho đẹp, còn màu thì vẽ theo trí nhớ, có thể chưa diễn tả được hết. Gần đây tôi vẽ theo màu thực, đặc biệt ở tranh tĩnh vật, nhưng tất nhiên nó trầm hơn màu thực, có sự thay đổi, sáng tạo thêm.

QV: Phải chăng, lụa “Đà Nẵng” là một yếu tố quan trọng đã tạo nên phong cách của cô trong nghệ thuật vẽ tranh lụa?

MB: Lụa Đà Nẵng sợi nhỏ, trong suốt, đố không đều, bản thân đã mang tính trang trí, lại gợi chất tốt, nên vẽ rất hay. Lụa bây giờ dày, cứng, vẽ lên cũng như vẽ trên vải.

 

 

MỘNG BÍCH – Chân dung Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ. 1995. Lụa. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 

 

Họa sĩ Mộng Bích, nhà báo Hoàng Anh và tác giả Quang Việt chụp ảnh kỷ niệm tại nhà của họa sĩ. Hiên Vân, ngày 29/12/2020

QV: Nhắc đến họa sĩ Mộng Bích là phải nhắc đến bức tranh lụa “Chân dung nghệ sĩ Quách Thị Hồ”, cô nhỉ?

MB: Tôi được vẽ bà Quách Thị Hồ là do nhạc sĩ Lê Yên giới thiệu. Để có được bản hình mẫu (đen trắng) cho bức tranh, tôi đã đến gặp bà Quách Thị Hồ trong suốt cả tuần lễ, lấy ký họa, vẽ nghiên cứu. Đây có lẽ là cái duyên tiền định sâu xa: Bố tôi ngày xưa rất mê ca trù, còn định lấy cô đầu, vì kháng chiến mới chịu thôi.

Bức tranh hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

QV: Thế bây giờ cô thấy tranh lụa ở ta như thế nào?

MB: Lâu nay tôi không xem triển lãm, chỉ thỉnh thoảng xem qua ti-vi. Các kiểu vẽ lụa mới tôi chưa thấy thích, có lẽ lỗi tại tôi, hơi bảo thủ?!

QV: Câu hỏi cuối cùng cháu muốn được hỏi cô, vì sao cô lại chọn sống ở đây, và hình như cô đang ở đây có một mình?

MB: Năm 1993, tôi được giải thưởng cho bức tranh lụa “Bà già” (bức tranh vẽ bà ăn mày ý): 15 triệu. Tôi đã dùng số tiền ấy mua mảnh đất này, 500m2, khi ấy chỉ có căn nhà cấp 4.

Trước tôi sống ở đây với Bùi Hoài Mai. Gần đây Mai bị bệnh, một thứ bệnh giống như bệnh của ông bác học người Anh (tên là Stephen Hawking thì phải), bệnh càng ngày càng nặng thêm nên Mai phải về dưỡng bệnh ở Hà Nội.

Hiện tôi ở một mình, vẫn có thằng cháu nội (con của Bùi Hoài Mai) hàng ngày làm việc ở xưởng gốm gần đây đảo qua. Buổi sáng tôi tự quét sân, dọn dẹp, chưa cần đến người giúp.

Việc sống chết là do số mệnh! Chẳng có gì đáng ngại cả.

 Nói xong, cô Mộng Bích đưa cho chúng tôi xem cuốn “Đại tượng vô hình”, cuốn sách dịch từ tiếng Pháp mà cô đang đọc. Tạm biệt cô rồi mà sao lòng tôi cứ xao xuyến, bâng khuâng. Cuộc trò chuyện với cô dự kiến kéo dài đến 3-4 tiếng, nhưng hóa ra lại quá suôn sẻ, trôi chảy, nhanh gọn, chỉ cần chưa đến nửa thời gian. Trên đường về tôi nói với Hoàng Anh: “Để sống như cô Mộng Bích, không phải một nghệ sĩ đích thực thì không sống được”. Tôi cho rằng, bài phỏng vấn này khó có thể phản chiếu được đầy đủ cái thần thái phải nói là độc nhất vô nhị của cô, vô cùng trong trẻo và thuần khiết, đã tỏa sáng trong suốt cuộc trò chuyện đáng nhớ ấy.

Ecopark, ngày 1 tháng 1 năm 2021 

             Quang Việt

Theo nguồn: Tạp chí Mỹ Thuật

Các tin khác:

26-30 of 97<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter