Cảm nhận về tiểu thuyết "Xóm chợ" của Nguyễn Hiền Lương

HOÀNG VIỆT QUÂN

 

Đọc xong cuốn tiểu thuyết đầu tay "Xóm chợ" của Nguyễn Hiền Lương (N.X.B Quân đội nhân dân, 2016) viết về đề tài chiến tranh và cách mạng, tôi mừng cho anh và có đôi điều cảm nhận như sau:

1. Trước hết tôi thấy hiển hiện khá rõ, cụ thể về cái xóm chợ Bảo Hà trong quá trình hình thành sau khi tuyến đường sắt liên vận Hải Phòng- Hà Nội- Vân Nam (Trung Quốc) do Pháp xây dựng hoàn thành vào năm 1906, có nhà ga Bảo Hà, đi kèm là nhà dây thép (bưu điện), nhà đèn (trạm phát điện). Sự kiện này làm cho Bảo Hà có thêm một tầng lớp cư dân mới, tự nhiên hình thành nên phố ga Bảo Hà, tất yếu hình thành một cái chợ cóc, ban đầu chỉ là nơi bán gạo, thịt, cá, đậu phụ, rau… phục vụ cho các gia đình ở phố ga, dần dần có thêm mấy sạp hàng xén, hàng sắt, hàng xáo, hàng muối mắm, thuốc lào, hàng ăn đến các ki ốt bán buôn… thành một trung tâm dịch vụ thương mại cả vùng. Cái chợ cóc nhỏ bé này phát triển kéo gần ra đến gần Đền ông Hoàng Bảy, hình thành nên một khu dân cư tổng hợp, thường thì có khoảng hơn 50 hộ, cao điểm có lúc lên đến 70, 80 hộ nửa quê, nửa tỉnh gọi là dân xóm chợ Bảo Hà. Xóm chợ hồi đó bé nhỏ, nuôi nhiều chó bởi bọn đạo chích, trộm cướp thường qua lại ngang nhiên hoành hành mà quan Tây và lính trên đồn không làm gì nổi. Một cái chợ miền núi như thế hình thành dưới thời Pháp thuộc là lẽ đương nhiên rồi, không có gì phải bàn. Lại nữa, những người tụ tập ở đây làm ăn, buôn bán toàn là dân tứ chiếng, nghèo khổ từ dưới xuôi, mỗi người một hoàn cảnh, thân phận , cũng là một lẽ đương nhiên. Họ có mặt tốt như tác giả mô tả là: "…dân xóm chợ Bảo Hà, tuy là dân tứ xứ, mỗi người một nghề, một nghiệp ở mãi với nhau, va chạm thì có nhưng độc ác đến như cha con Lý Khà thì không". Điều đáng nói ở đây là những con người đó trong quá trình vận động cách mạng của Việt Minh đều hưởng ứng đi theo Việt Minh, mỗi người tham gia một cách, góp phần làm nên Cách mạng tháng 8/1945 thành công, góp sức chống quân Tàu Tưởng và bọn Việt Nam Quốc dân đảng phản động, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến ngày toàn thắng. Nguyễn Hiền Lương đã khắc họa khá thành công những con người "bé nhỏ" trong giới tiểu thương, thợ thuyền, người nhà đền miền núi ủng hộ và tham gia kháng chiến với tấm lòng thương người, yêu nước một cách tự nhiên, tự giác.

2. Nhân vật chính là Hoan, cháu năm đời dòng họ Nguyễn ở Phù Sa, được coi là họ đầu tiên đến vỡ đất lập làng ở bãi bồi sông Hồng và là họ có nhiều chữ nhất làng. Bố là cụ Đỗ Xường dạy học chữ Nho và giữ chân tiên chỉ, chuyên coi mặt tế lễ, hương ẩm của làng. Mẹ là cụ Đạo quê tận Thanh Miện, Hải Dương, gia đình khá giả, vì mến anh Đỗ Xường mà về làm dâu Phù Sa. Các cụ sinh được 4 trai, 3 gái, anh cả bị mù từ bé, lớn lên làm nghề lang y, bói toán, anh hai gánh chức hộ lại, anh ba ở nhà làm đay, ruộng vườn. Hoan là con thứ tư, nhanh nhẹn, tháo vát nhất nhà, được cha cho ăn học trên tỉnh đã lấy được bằng sơ học yếu lược, chuẩn bị lên học lớp Nhì thì bị đuổi học vì tàng trữ tài liệu cấm. Cụ đồ sợ con phẫn chí làm liều nên vội hỏi con gái ông trưởng bạ làng Hào bên cạnh, tên là Tám, ngoan hiền, nhỏ nhắn về làm vợ Hoan. Cụ còn cắt cho Hoan 2 sào thổ cư sát nhà thờ họ Nguyễn làm đất ở, cũng có ý sau này giao việc hương hỏa nhà thờ họ cho Hoan. Gia cảnh nhà Hoan như vậy không đến nỗi nào, thuộc gia đình gia giáo, có nền nếp, tuy không giầu có nhưng cũng khá ổn định, có vai vế trong làng. Nhưng số phận con người dưới chế độ thực dân phong kiến đâu dễ được yên thân, nhất là với chàng trai trẻ như Hoan vốn ghét bọn quan lại cường hào, dốt nát, ác độc như cha con Lý Khà. Tác phẩm của Nguyễn Hiền Lương sớm cho ta biết tính cách chàng trai trẻ Hoan vốn không sợ cha con Lý Khà, anh thường tìm cách chọc tức thằng Khòa, mặc dù biết bằng con đường mua bằng cấp và mua quan mà nó lên làm thầy ký ở tòa sứ trên tỉnh, cậy thế làm càn, ghẹo gái, bất chấp người làng. Cái mầm mống phản kháng sâu sa trong anh khiến anh luôn bị thằng Khòa trả thù, lúc bắt giam, lúc đánh đập, còn vu anh là cộng sản, buộc anh phải trốn về quê ngoại. Một lần trở về, bắt gặp thằng Khòa ngủ với con gái trong lều của những người vớt cá bột, "tự nhiên máu uất trong người Hoan lại trào lên", anh nhổ cọc rào đánh nó, tưởng nó chết, Hoan lao xuống sông bơi ra ngoài bãi giữa sông, tuyệt đường về làng. Anh có ngờ đâu thằng Khòa không chết, song cha con hắn giả đò làm đám tang và bắt vạ gia đình anh, cướp đất của anh, gây chuyện khiến ông đồ uất ức mà chết.

Hoan nhớ ông cậu tên Mừng phiêu dạt lên Yên Bái đã mấy năm, hình như đã lấy vợ là người dân tộc ở vùng chợ Ngọc, Thác Bà, làm nghề sơn tràng, lại được ông già thuyền chài khuyên bảo, giúp anh xuôi về Tân Đệ, cho ít tiền để trốn lên mạn ngược, tìm cậu. Từ đó là cả một quá trình lưu lạc đất khách quê người trên mạn ngược chẳng tìm thấy cậu Mừng đâu, nhưng anh luôn gặp những người tốt bụng, cưu mang giúp đỡ. Đó là lão quét chợ Ngọc tên Đùng cho Hoan ăn ở cùng lều, cùng quét chợ để hỏi thăm tin tức ông cậu. Có người mách ông cậu Hoan đã sang làm ăn bên mạn sông Hồng. Thế là Hoan lại khăn gói quả mướp chia tay ông Đùng và ra đi, được lão Đùng cho ít tiền làm lộ phí. Đó là bà lão Thỏa ngoại sáu mươi, không chồng không con, không họ hàng thân thích, có quán bán thuốc lào, muối mắm, cá khô, mộc nhĩ, nấm hương ở phố chợ Bảo Hà. Bà vốn là dân Vĩnh Bảo- Hải Phòng, chỉ vì đi lễ đền Đức Ông Hoàng Bảy mà mến đất Bảo Hà bèn ở lại đây luôn. Bà Thỏa có tính thương người, tình cờ gặp Hoan trên tàu, thương hoàn cảnh anh, đưa anh về giúp việc trong nhà, bảo với hàng xóm đấy là cháu họ dưới quê, nhà đông miệng ăn mà đất đai chật chội nên bà đón lên ở cùng, nhận làm con nuôi. Vì vậy, "cuộc sống của Hoan diễn ra êm đềm trong sự vui vẻ cưu mang của bà lái Thỏa và sự chia sẻ của những người dân xóm chợ" (tr. 45). Lão Cúc làm nghề rèn, cô Thình tráng bánh cuốn ở chợ… mỗi người một cá tính nhưng đều chịu khó, chăm làm và là những người hàng xóm tốt bụng, rất quý Hoan. Tuy vậy Hoan vẫn không nguôi nhớ gia đình và những gì diễn ra ở quê: "Ngày đi làm thì thôi chứ tối đến là lại bần thần, trằn trọc, thở dài" (tr. 45). Điều đó không qua mắt mẹ nuôi. Bà lái Thỏa nghĩ ngay đến việc phải lấy vợ cho Hoan, tìm cách làm mối cho anh lấy cô bé Yên bán hàng xén ở chợ, con nuôi ông bà đội Long, cũng là chỗ thân tình. Việc lấy Yên bị trì hoãn vì có nhiều lý do, chủ yếu là do Hoan luôn nghĩ về vợ con ở quê và giúp bà Thỏa gánh thuốc, muối vào các bản trong huyện Văn Bàn bán hoặc đổi lấy trứng, nấm, măng của đồng bào các dân tộc về bán ở chợ Bảo Hà. Bà Thỏa mất, Hoan ở một mình, mọi người trong xóm quan tâm tới anh nhiều hơn. Đây là chặng đường đầu của Hoan trên đường lưu lạc đất khách quê người, đậu lại bên chợ Bảo Hà, chăm lo làm ăn. Hiền Lương đã mô tả sống động hình ảnh những người lao động xóm chợ Bảo Hà - họ là những tiểu thương, buôn bán nhỏ lẻ, là thợ thủ công chăm chỉ làm ăn nhưng có tấm lòng thơm thảo, cưu mang, đùm bọc, tối lửa tắt đèn có nhau trong hoàn cảnh xung quanh có nhiều rối ren, phức tạp của đời sống xã hội dưới chế độ thực dân phong kiến. Những đoạn văn kể chuyện Hoan đưa hàng vào bán ở vùng các dân tộc thiểu số ở huyện Văn Bàn gợi nhiều bản sắc văn hóa dân tộc. Đó không chỉ là những ngạc nhiên bỡ ngỡ, lạ lẫm đối với riêng Hoan mà còn là những trang giúp bạn đọc khám phá thú vị về phong tục tập quán, văn hóa dân gian các dân tộc Thái, Mông, Tày ở Văn Bàn. Ở những cảnh này, Nguyễn Hiền Lương đã khéo đặt Hoan- người Kinh vào sống với bà con các dân tộc thiểu số có nhiều phong tục tập quán khác lạ, có tấm lòng quý khách, thông qua cái ngơ ngác ngờ nghệch của Hoan để giải mã các tập tục tự nhiên, không hề gò ép chắp vá, thậm chí buồn cười trước cái "ngố" của chàng trai người Kinh vào vùng dân tộc thiểu số.

Ở chặng đường đời tiếp theo, Nguyễn Hiền Lương mô tả cảnh Hoan gặp Việt Minh, được giác ngộ cách mạng, trở thành Đảng viên, từ đây cuộc đời của anh thay đổi hẳn, gắn liền với phong trào cách mạng ở Văn Bàn và Bảo Hà. Việc Hoan "ở lại Bảo Hà với người bán hàng rong", việc Hoan lấy Yên, con gái nuôi của ông bà Đội Long cũng đều do tổ chức sắp đặt, yêu cầu, kể cả việc giả làm mật thám cho địch và bị bà con xa lánh, khinh thị, cho đến thời kỳ thành lập Đội du kích vũ trang cần vũ khí, anh mới hiện diện mình là Việt Minh, thuyết phục lão Cúc thợ rèn giúp đỡ. Thật không ngờ lòng yêu nước của bà con xóm chợ vốn âm ỉ lâu nay có dịp được thổi bùng. Lão Cúc tận tình rèn dao kiếm, còn trực tiếp đưa anh đến thuyết phục cụ Từ thủ nhang, lão Xá quét đền, bà Đồng The cho giấu vũ khí ở đền Đức Ông Hoàng Bảy, từ đó mà hình thành một đường dây sản xuất, cất giấu, vận chuyển vũ khí từ Bảo Hà vào Văn Bàn, thành lập được Tổ Việt Minh cơ sở ở xóm chợ Bảo Hà hoạt động có hiệu quả. Nạn đói đầu năm 1945, tình cờ anh gặp vợ con (chị Tám, thằng Doành) trong đoàn người trôi dạt lên Bảo Hà, được bà Đội Long cưu mang giúp đỡ, phân việc, hai người vợ cảm thông quý mến nhau, chịu khó tảo tần lo toan mọi việc để Hoan yên tâm hoạt động. Từ đó cảnh nhà, việc nước luôn được đan cài trong tác phẩm. Hoan đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh với quân Nhật khi chúng tràn vào hất cẳng Pháp, phối hợp với du kích truy kích địch, giải phóng Bảo Hà ngày 6/8/1945, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời do anh làm Chủ tịch, thành lập Đội tự vệ vũ trang Bảo Hà do anh phụ trách, góp phần làm nên Cách mạng tháng 8/1945 trong tỉnh và cả nước. Tiếp theo là cuộc đấu tranh với bọn Tàu Tưởng và bọn Việt Nam Quốc dân đảng phản động cướp phá chính quyền, rồi kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Ở chặng đường này, Nguyễn Hiền Lương diễn tả các sự kiện và đời sống nhân dân dưới ách thống trị của bọn Việt Nam Quốc dân đảng, bọn Pháp tái chiếm khá cụ thể, có ý nghĩa tố cáo tội ác dã man của chúng, đề cao sự bền bỉ, thủy chung với cách mạng, đức tính chịu đựng gian khổ, hy sinh của cán bộ cách mạng và quần chúng yêu nước. Có lúc Hoan phải giả chết để đi thoát ly, sau này anh chỉ huy một trung đội Giải phóng quân từ Yên Bái về Bảo Hà, mọi người mới biết anh còn sống. Có lúc anh trở về Văn Bàn, tham gia tổ công tác địch vận của Huyện ủy, bám địa bàn Khánh Yên Hạ, Én Bơ, Chiềng Ken lên tới Nậm Tha trong hoàn cảnh bị quân Pháp khủng bố gắt gao, xây dựng được cơ sở, lập được đội du kích vùng cao Gia Lan, mở rộng thành một khu du kích rộng lớn, đánh địch kiên cường, lập được nhiều chiến công. Trong khi đó, theo lời kêu gọi của chính phủ, gia đình anh ở Bảo Hà thực hiện tiêu thổ kháng chiến, tản cư ra khỏi Bảo Hà, hết ở Phố Ràng lại luồn rừng xuống bến Cóc, theo đường sông Chảy vào Lục Yên, cuối cùng định cư ở một xóm bãi gần chợ Ngọc (Yên Bình), được ông Khản cất vó bè tận tình đùm bọc, giúp đỡ. Hoan chiến đấu ở mặt trận Văn Bàn, cùng đồng đội lần lượt tiến công các đồn địch, giải phóng Văn Bàn, Bắc Hà, tham gia chiến dịch sông Thao, chiến dịch Lý Thường Kiệt 1951, chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ 1952. Sau ngày chiến thắng, đơn vị cho Hoan nghỉ phép về tìm gia đình. Hỏi thăm, đi tìm mãi, khi đến chợ Ngọc mới gặp vợ, đoàn tụ với gia đình, kết nghĩa anh em với ông Khản kéo vó bè. Sau đó trở về đơn vị, Hoan đi nhận nhiệm vụ mới: Tiễu phỉ ở Mù Căng Chải, Than Uyên, rồi cả đại đội được biên chế vào Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ, về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Năm 1956, do sức khỏe giảm sút, Hoan được xuất ngũ, trở về với gia đình ở bãi Ngọc (Yên Bình). Rồi đưa cả nhà về thăm quê Phù Sa với bao kỷ niệm, lại lên Bảo Hà, khấn mộ mẹ nuôi và đứa con nhỏ, lần lượt đi thăm hỏi bà con xóm chợ. Trở về bãi Ngọc, Hoan tham gia các công tác địa phương, lúc làm chủ nhiệm hợp tác xã, lúc làm Chủ tịch xã, rồi làm Bí thư Chi bộ xã đến ngày nghỉ hẳn. Yên vẫn bán hàng ở chợ Ngọc, sinh thêm những đứa con chăm ngoan, học giỏi. Tám vẫn nội trợ, chăm sóc con cái cho đến khi thoát li làm cán bộ huyện. Ông bà Đội Long về già đi theo tổ tiên… Nhìn chung về cuối đời là cảnh kết thúc có hậu: Gia đình đoàn tụ, hạnh phúc, Hoan tận tình cống hiến cho xã hội đến lúc về già, thường qua lại thăm quê, thăm xóm chợ Bảo Hà, Văn Bàn, bày tỏ lòng tri ân với bà con đồng đội.

Nhân vật Hoan có tính cách, là một nhân vật khá tiêu biểu cho những người Kinh bị áp bức dưới chế độ cũ ở miền xuôi, lưu lạc lên miền ngược làm ăn kiếm sống, đi theo cách mạng trở thành cán bộ nòng cốt trong thời kỳ đầu cách mạng và là một chiến sĩ dũng cảm, ngoan cường trong các cuộc kháng chiến cứu nước ở miền biên viễn xa xôi Tây Bắc của Tổ quốc. Nguyễn Hiền Lương đã dựa vào cuộc đời người cha mình để tạo dựng nên nhân vật Hoan khá thành công, tuy nhiên cũng vì thế mà có phần bị lệ thuộc, không tránh khỏi việc kể chuyện dài dòng, có chỗ không cần thiết. Xoay quanh quãng đường dài lưu lạc ấy của Hoan với bao điều may mắn, tác giả có dịp dựng nên những người lao động nhỏ bé, bình dị trên nhiều vùng đất, nhất là bà con xóm chợ Bảo Hà có tấm lòng thương người, nhân ái, có tấm lòng yêu nước nồng nàn, sâu đậm, chính họ là những người quan trọng giúp cho cách mạng, cho kháng chiến đi đến thắng lợi.

3. Kết cấu của tiểu thuyết "Xóm chợ" theo trật tự thời gian, lối kể, trần thuật đan xen miêu tả tâm trạng, tình huống theo thể thức truyền thống. Tôi cho rằng chương 1 và gần hết chương 2, chương 6 là không cần thiết. Ở chương 1, chương 2 tác giả có phần sa đà vào việc chép sử Bảo Hà và chép sử di tích đền Bảo Hà thờ ông Hoàng Bảy. Đây là việc làm của các nhà sử học và các nhà nghiên cứu di sản, nghiên cứu văn hóa dân gian. Giá như tác giả đặt nhân vật tiểu thuyết hoạt động trong bối cảnh lịch sử cụ thể ở Bảo Hà và đền thờ ông Hoàng Bảy, nhân đó giới thiệu về lịch sử Bảo Hà và Đền Bảo Hà một cách tự nhiên thì hợp lý hơn, người đọc không cảm thấy thừa. Ở phần nói về giải phóng Văn Bàn, Bảo Hà trong những ngày Cách mạng tháng 8/1945, tác giả cũng có phần lạm dụng chép sử về Chiến khu Vần- Hiền Lương, quả cũng không cần thiết. Chương 6 - chương kết thúc tác phẩm xem ra có hậu quá, không cần thiết. Tác giả chỉ nên dừng lại ở chương trước, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp toàn thắng là đẹp, người ta cũng đủ hiểu nước nhà độc lập thì gia đình đoàn tụ, hạnh phúc, không cần phải kể thêm nhiều việc hậu chiến nữa. Tôi cho rằng sở dĩ có những chương, những đoạn như thế là bởi tác giả tiếc tư liệu đâu biết rằng nó làm cho cuốn tiểu thuyết bị kéo dài, thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh những hạn chế kể trên, tôi rất mừng cho Nguyễn Hiền Lương đã xử lý các tình huống và dẫn dắt câu chuyện ở phần chính khá tốt, làm nổi bật được chủ đề và giá trị tư tưởng của tác phẩm. Điều đó đã mang lại thành công cho tác phẩm với Tặng thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2017, Giải thưởng VHNT Yên Bái 2017. Đó là những ghi nhận xác đáng cho Tiểu thuyết “Xóm chợ” của Nhà văn Nguyễn Hiền Lương- một trong số ít những tiểu thuyết của Yên Bái viết về đề tài chiến tranh, cách mạng.

                                                                      H.V.Q

 

Các tin khác:

1-5 of 81<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter