Minh họa song hành với văn chương, báo chí, tương tác để tạo nên một giá trị văn nghệ đích thực trong đời sống bạn đọc

Họa sĩ BÙI QUANG ĐỨC

 

Vào những năm thập niên 70- 80 của thế kỷ trước, truyện tranh trên báo Thiếu niên do các họa sĩ Huy Toàn, Giang Khích và nhiều họa sĩ vẽ minh họa đã ăn đậm vào tâm thức của thế hệ 6X, 7X thời đó. Nhà nào có điều kiện mới dám đặt cho con cho mình 1 số báo và cứ cuối tuần mong nhận được báo, đọc truyện tranh dài kỳ trên trang 8 với chữ cuối trang (còn nữa). Lớn hơn một chút khi học cấp 3 cũng đặt báo Tiền Phong để đọc và xem tranh minh họa, tranh vui, tranh phê bình… Khi đã là người lính thì Tạp chí Văn nghệ Quân đội là cuốn mình đam mê nhất, không hẳn là được đọc truyện lính mà thích nhất là những minh họa chỉ vài nét đơn giản mà khúc triết, mạnh mẽ và ấn tượng của các họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ, Huy Toàn, Quy- Đê- Hát (Quách Đại Hải)… Mọi người đọc hết, mình xin lại, cắt những minh họa dán riêng hoặc chép lại vào cuốn sổ tay làm kỷ niệm và cũng là những bài học đầu tiên trong “nghề” minh họa của mình.

Minh họa có ngôn ngữ riêng: nếu trong văn thơ không có minh họa như thiếu đi một bộ cánh để bay cao, ngược lại minh họa không có văn, thơ cũng như cánh diều bay mà không có dây kéo. Có thể nói: với mình thì minh họa là cái thú riêng, không muốn từ bỏ dù có bận mấy cũng phải “chiến” khi Nhà xuất bản yêu cầu là đọc và vẽ. Có bạn nói với mình: Cả trang báo toàn chữ là chữ thấy buồn và khô không khốc. Cũng có bạn nói: Mở tờ báo ra thấy minh họa đẹp như cuốn hút người đọc muốn ngấu nghiến lấy câu chuyện và phải đọc ngay để thỏa trí tò mò. Minh họa báo chí không chỉ để trang trí hay lấp đầy chỗ trống của tờ báo, minh họa còn là một nghệ thuật trực quan nhất để người đọc khái quát nội dung đoạn văn đó và trở thành ấn tượng trong tiềm thức người đọc.

Trở lại đam mê vẽ minh họa đến với mình thật tình cờ: Tạp chí Văn nghệ Quân đội là Tạp chí minh họa đầu tiên với một tản văn: “Ngọn khói lên trời” của tác giả Y Phương. Tản văn ngắn, nhưng phải đọc đi đọc lại, thấy được chất mơ màng của ngọn khói, việc thường ngày của người nông dân khép kín trong một ngày có cả sớm trưa chiều tối của mùa xuân. Đọc xong đoạn văn ban đầu thì rất thiếu tự tin, vẽ ra vài ba minh họa theo hướng khác nhau rồi tự mình chọn, hỏi thêm ý kiến vài họa sĩ đồng nghiệp rồi tự mình “chốt” cái mình thích nhất. Khi minh họa được in thì mừng lắm và đó cũng là niềm đam mê minh họa của mình cho đến tận bây giờ. Đúng như nhiều bạn bè thường nói: nghệ thuật minh họa vừa được đọc truyện, đọc văn và lại được vẽ. Vẽ không chỉ muốn thể hiện tính khái quát cao nội dung văn học của mình mà còn rèn cho mình tăng khả năng vẽ hình, khối, nét và mảng. Có những minh họa đã vượt qua giới hạn của minh họa mà còn sẵn sàng thành một bức tranh độc lập. Có người cho rằng minh họa dễ dàng và đơn giản, nguệch ngoạc ai mà chẳng làm được… Nhưng với mình quan niệm đó hoàn toàn sai lầm. Đọc truyện để minh họa là việc bắt buộc. Ở đâu đó có người làm minh họa chỉ căn cứ vào đầu đề câu chuyện, đọc đoạn cuối của đoạn văn…, với mình thì không thể vậy. Đọc truyện và đọc đi đọc lại bao giờ hiểu được tác phẩm văn học đó, tìm ra đại ý của văn học hay hình ảnh ấn tượng nhất mình thích thì mới bắt đầu vẽ, vẽ hình đơn giản nhất để minh họa ra nội dung tác phẩm văn học. Không chỉ có vậy, minh họa cần phân biệt ra các thể loại: Truyện ngắn, thơ, tản văn, truyện thiếu nhi, truyện hài hước, truyện trinh thám, truyện tình cảm… vẽ sao cho hợp lý, thay đổi phong cách vẽ để song hành cùng tác phẩm văn học. Từ đó có thể người đọc xem minh họa đã thấy sự mềm mại mà thâm thúy của thơ ca; thô giáp quấn quýt của truyện ngắn tình cảm; mơ màng bay bổng và ấn tượng của một tản văn… Đến nay mình đã minh họa cho nhiều tờ báo từ Trung ương đến địa phương. Minh họa nhiều nhất là Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương và nhiều Báo, Tạp chí khác. Điều đó đã tạo cho mình nhiều kinh nghiệm quý báu cho đến tận bây giờ.

Ngày xưa làm được một minh họa rất vất vả, hầu hết các tờ báo (Thời kỳ sắp chữ trang báo bằng kẽm chưa có máy vi tính) muốn minh họa thường họa sĩ phải làm bản khắc gỗ rất công phu rồi đến thời kỳ vẽ trên giấy can… Ngày nay kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, có nhiều Tòa soạn, Nhà xuất bản đưa bài đặt minh họa rất gấp theo kiểu “Tối đưa, trưa lấy” họa sĩ chỉ cần vẽ bằng bút rồi scan lên máy tính chỉnh sửa hoặc vẽ trực tiếp bằng phần mềm máy tính hay điện thoại là có được tác phẩm minh họa tinh tế của mình. Tuy nhiên: để có một bộ minh họa “có tâm” thì họa sĩ không thể không đọc truyện, không thể dễ dãi chấm phẩy cho kín diện tích mặt báo mà còn phải không ngừng tăng cường khả năng tìm hình, tìm ý và bố cục cho một bức minh họa. Có như vậy minh họa mới song hành và đáp ứng được nhu cầu xuất bản thời kỳ mới hiện nay.

  Có thể nói: Minh họa báo chí là một nghệ thuật gắn liền và không thể thiếu trong đời sống người đọc từ xưa đến nay. Là người làm minh họa từ lâu, luôn cho mình là một cái thú tao nhã, chân thực mà lan tỏa. Rất hứng khởi và đam mê mới có thể đáp ứng được nhu cầu của các Tạp chí và các Tòa soạn trong thời đại số hiện nay. Người làm minh họa không chỉ là người vẽ hướng đến bạn đọc mà còn là người đọc để vẽ.

B.Q.Đ


Minh họa tản văn “Ngọn khói lên trời”

 

Tạp chí Văn nghệ Quân đội của Bùi Quang Đức

 

Minh họa “Nghe mùa xuân về” Tạp chí Văn nghệ Hải Dương - Tháng 3 năm 2019 của Bùi Quang Đức.

 

Minh họa truyện ngắn “Mối tình đầu” Tạp chí Văn nghệ Quân đội của Bùi Quang Đức.


Các tin khác:

1-5 of 68<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter