Nhớ mãi nhà văn Tùng Điển- Người truyền lửa đam mê

NGUYỄN THỊ BÌNH 

Chiều nay (11/7/2022), tôi bàng hoàng khi nhận được tin sét đánh: Nhà văn Tùng Điển, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Giám đốc Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học Nghệ thuật Việt Nam vừa rời cõi tạm. Tôi không thể tin nhà văn- người mà tôi rất yêu mến, kính trọng đã ra đi đột ngột như vậy. Lúc này, cảm xúc trong tôi thật bộn bề, lẫn lộn khó diễn đạt thành lời. Một khoảng trống khó lấp đầy trong lòng tôi. Vô cùng thương tiếc một nhà văn, một con người, một nhân cách mà tôi rất ngưỡng mộ.

Có lẽ do cái duyên văn chương, tôi được quen biết nhà văn Tùng Điển chừng hơn mười năm trở lại đây. Tôi nhớ, ngày ấy Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình có đăng truyện ngắn “Tôi và hai người lính Tây” của nhà văn Tùng Điển. Tôi đọc thấy hay, hấp dẫn, giọng văn và cấu tứ lạ, nên đã viết lời bình cho truyện ngắn này. Sau đó ít lâu, nghe đồng chí Chủ tịch hội VHNT Ninh Bình nói: Tùng Điển đã đọc và rất thích bài viết của tôi, trong khi tôi chỉ biết tác giả tên Tùng Điển chứ không hề biết ông là ai (vì tôi mới vào Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình). Cuối năm đó, trong dịp Hội VHNT Ninh Bình tổ chức tổng kết một năm hoạt động, nhà Văn Tùng Điển có về dự, lúc ấy nghe phần giới thiệu khách mời, tôi mới biết tên tuổi, nhà văn và thú thực cũng thấy hơi ngại. Ngại vì một người không tên tuổi như tôi lại “dám” viết về tác phẩm của một nhà văn lớn, có chức sắc... Đến giờ giải lao, nhà văn Ninh Đức Hậu cùng nhà văn Tùng Điển xuống dưới hội trường gặp tôi và giới thiệu, tôi là tác giả bài bình “Tôi và hai người lính Tây- Một câu chuyện đậm tính nhân văn”. Nhà văn Tùng Điển lúc ấy cười thật hiền hậu, bắt tay cảm ơn tôi và “tếu”: “Anh cứ nghĩ người viết phê bình chắc phải vừa già vừa xấu cơ, không nghĩ lại trẻ và đẹp như em”. Tôi đỏ mặt xấu hổ, nhưng cũng vui vì ông đã giúp tôi xóa tan khoảng cách của một người lãnh đạo với cấp dưới. Tôi tự tin hơn và bớt đi sự e dè, mặc cảm. Cảm nhận ban đầu của tôi là ông rất dễ gần, dễ mến và có sức thu phục lòng người. Sau này, càng được diện kiến ông, tôi càng thấy ông là người tỉ mỉ, tận tụy, chu đáo, chân tình, cởi mở. Tôi trộm nghĩ, người như ông chỉ cần được gặp một lần sẽ để lại ấn tượng mãi mãi.

Từ đó, tôi và ông trở nên thân thiết hơn. Thi thoảng anh em vẫn gọi điện hỏi thăm nhau. Nhưng có lẽ gần năm nay tôi và ông không liên lạc, nhiều lần tôi định gọi điện cho ông nhưng cứ chần chừ lại thôi… Cho đến hôm nay, nghe tin buồn về ông, tôi thấy ân hận và thật sự choáng váng, cứ ngỡ mình đọc nhầm, nghe nhầm.

Nhớ lại những kỷ niệm cũ, ông thường là khách mời trong các kỳ Đại hội, tổng kết, hay các đợt mở trại sáng tác của Hội VHNT Ninh Bình chúng tôi. Mỗi lần gặp, ông đều hồ hởi, chân tình, hỏi thăm tôi đủ chuyện, từ chuyện sức khỏe, gia đình đến chuyện viết lách… cứ như người thân lâu ngày gặp lại. Tôi còn có may mắn được tham dự 4 khóa lớp Bồi dưỡng Lý luận Phê bình do Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Khóa học nào, lớp chúng tôi cũng được nghe ông giảng về lĩnh vực văn xuôi. Không chỉ chú trọng đến vấn đề chuyên môn, ông còn luôn có ý thức truyền lửa đam mê cho chúng tôi, khích lệ động viên chúng tôi đổi mới và dấn thân trong “nghiệp” viết. Mỗi lần gặp ông, chúng tôi như thấy mình được tiếp thêm năng lượng, cảm thấy yêu nghề, yêu cuộc sống hơn và tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa...

Là một nhà văn có thâm niên trong nghề nghiệp, tác phẩm của ông có thể chưa thật nhiều nhưng rất chắc chắn và chất lượng. Đặc biệt, khá nhiều tác phẩm của ông đạt giải thưởng của hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội và các giải thưởng khác. Năm 2017, ông vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật- Đây là sự đánh giá xứng đáng với những cống hiến không biết mệt mỏi của ông, cho nền Văn học Nghệ thuật nước nhà.

Tôi rất thích văn phong ngắn gọn, giản dị đôi khi pha chút dí dỏm của ông, nên thường tìm đọc các truyện của ông đăng trên các Báo, Tạp chí và viết lời bình. Không biết có phải để động viên tôi hay không, nhưng bài viết nào của tôi cũng được ông khen rằng, sâu sắc, tỉ mỉ và rất hiểu ông, hiểu những điều ông ký thác trong tác phẩm, rằng hiếm có người hiểu được ông như vậy… Bài gần đây nhất tôi viết cho ông, là viết về tiểu thuyết Người cũ. Đúng như tên tác phẩm, truyện viết về những chuyện cũ và… Người cũ. Đó là những chuyện vừa thật, vừa ảo ở Sân 51 Trần Hưng Đạo (Trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) liên quan đến những người cũ- Họ là những văn nghệ sĩ nổi tiếng: Nguyễn Tuân, Đặng Thai Mai, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Hoàn, Vũ Giáng Hương “… Đã một thời gian dài phủ bóng xuống sân 51 Trần Hưng Đạo”. Nhưng không chỉ có thế, Người cũ kể về Những người chân đất đã làm nên lịch sử của huyện Thanh Trì (Ngoại thành Hà Nội), như ông Vũ Xuân Tròn và bao người nông dân khác; Truyện kể về Hai người lính Tây, rất am hiểu văn hóa Việt. Hay những chuyện kể về cô Ngưu- Người thiên cổ đầy oan khuất, nhưng cũng rất nhân từ…Tất cả những chuyện ấy, được nhà văn kể lại bằng giọng điệu nhẩn nha, điềm tĩnh, nhẹ nhàng, như một cuốn phim quay chậm về cảnh cũ, người xưa nay còn vang bóng.

Giống như con người thực ở ngoài đời, truyện của nhà văn Tùng Điển viết rất nhân văn. Trong Người cũ nhất là phần “Người thiên cổ”, đất nước Việt Nam, văn hóa của người Việt được nhìn nhận qua con mắt thằng Tây lùn một cách đúng mực và khách quan. Là kẻ đi xâm lược, nhưng nó luôn tự hào vì trong nó có một nửa dòng máu là người Việt. Cái cách nó xưng hô và cư xử với cha con cô Ngưu, kể cả việc nó trừng trị, xẻo tai thằng Nhỡ vì sự phản bội ân nhân, cùng lý lẽ của nó khi bị cô Ngưu xúc phạm, gọi nó là Tây lai… cho thấy nó rất hiểu văn hóa của người bản địa. Không có ý ngợi ca, nhưng ta vẫn phải thừa nhận, ở một khía cạnh nào đó, Tây lùn không phải là hoàn toàn xấu. Nó rất hiểu đạo lý của người Việt và biết cách cư xử đàng hoàng với kẻ yếu- cha con cô Ngưu. Điều đó cho thấy cách nhìn hiện thực tỉnh táo, công bằng, khách quan của tác giả. Tuy nhiên, kẻ đi xâm lược kết cục vẫn phải bị trả giá cho những tội ác mà chúng gây ra. Tây lùn cùng đồng bọn cũng bị tiêu diệt trong đêm ta tập kích sân bay Gia Lâm.

“Người thiên cổ” là phần lôi cuốn nhất của tiểu thuyết. Phần vì cốt truyện hấp dẫn, li kì, nhưng cái chính do giọng kể mạch lạc, khúc chiết, câu văn ngắn, câu kể và tả đan xen, khi thì dồn dập, lúc khoan thai làm cho mạch truyện được xâu kết chặt chẽ có lý, có tình. Ngôn ngữ nhân vật phù hợp, cách xưng hô (nó, ông, cô nhà, chú Huề…), cách gọi tên đúng với thành phần xuất thân của nhân vật (ông Chánh, cô Ngưu, bà Ngưu, cụ Nhẫn, cô Nụ, thằng Tây lùn, thằng sếp Vượng, thằng Nhỡ…) Tất cả đều góp phần khẳng định bản chất nhân vật. Đặc biệt, tác giả khá dụng công trong việc khắc họa ngoại hình, làm nổi bật tâm lý, tính cách nhân vật. Chân dung thằng Nhỡ là một ví dụ tiêu biểu. Nếu ai đã đọc, dù chỉ một lần, sẽ nhớ mãi chân dung của một kẻ phản phúc. Có thể nói, mọi chi tiết miêu tả ngoại hình của thằng Nhỡ, đều góp phần “tố cáo” tính cách không đàng hoàng của nó: “Mặt mỏng, môi mỏng, mặt mũi xiêu vẹo, con mắt láo liên luôn đảo quanh nhìn trộm, đôi tai mỏng dính vểnh lên rình rập, nhất là cái cằm cứ dài ra, nhọn như lưỡi cày…dáng người mỏng tong teo, khuôn mặt dài và nhọn như con bọ muỗm…” Đúng là: “Trông mặt mà bắt hình dong”, những đường nét “đặc biệt” ấy, được láy lại nhiều lần như chạm khắc vào lòng người đọc bộ mặt của một kẻ vong ân, bội nghĩa.

Là nhà văn có nghề, qua Người cũ, Tùng Điển làm sống lại một thời kì lịch sử đã qua, mà nhân vật phần đa là Người cũ- những đồng nghiệp hoặc anh em, họ hàng thân thuộc, đã gắn bó cùng Tôi qua những tháng năm chiến tranh gian khổ. Chỉ qua hơn trăm trang sách, quy mô tiểu thuyết không lớn, số lượng nhân vật không nhiều, nhưng kết cấu truyện chặt chẽ, điểm nhìn trần thuật đa dạng, tính cách nhân vật được khắc họa rõ nét, phải chăng nhà văn đang hướng tới một sự cách tân trong tiểu thuyết?

Điểm qua về tiểu thuyết Người cũ để càng hiểu thêm con người nhà văn Tùng Điển - một người luôn được đồng nghiệp và mọi người tin yêu, ái mộ… Xin vĩnh biệt nhà văn. Mong ông siêu sinh tịnh độ, an nhiên miền cực lạc. Tôi tin nhân cách và gia tài văn chương mà nhà văn để lại, sẽ còn mãi với hậu thế và tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ mai sau.

 

                                                        N.T.B

 

Các tin khác:

1-5 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter