PGS.TS. NGÔ VĂN GIÁ
1. Không ai còn nghi ngờ gì nữa, ngôn ngữ văn học là tính thứ nhất của văn học, có ý nghĩa quyết định của mọi tác phẩm văn học. Trong văn chương, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện, mà còn là mục đích, hơn thế nữa, còn là tư tưởng. Chẳng thế mà, trong một số cái nhìn triệt để nhất song cũng cực đoan nhất, ngôn ngữ được xem là toàn bộ văn học, cả ở cấp độ tác phẩm, tác giả lẫn lịch sử văn học nói chung.
Tuy nhiên, đứng trước tác phẩm văn học, do những định chế thời đại, xã hội, thể chế, lịch sử, văn hóa chi phối, lại do kinh nghiệm tri thức thuộc về văn hóa, văn học nói chung, kể cả hoàn cảnh hiện sinh của mỗi cá nhân, nên việc tiếp nhận lại rất khác nhau, thậm chí đối chọi nhau. Đây là vấn đề của tiếp nhận văn học.
Xét cụ thể hơn, ngay cả việc tiếp nhận văn học một cách lành mạnh và cố gắng nhất thì không phải ai cũng chú trọng phương diện ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm văn học, hay nói một cách khác, không xem xét một cách thích đáng tiên đề văn học là nghệ thuật ngôn từ. Bị nhiều động cơ khác chi phối, nên nhiều khi tác phẩm văn học bị đẩy ra khỏi quỹ đạo nghệ thuật, khiến nó chỉ còn là câu chuyện của ý thức hệ hoặc của những quan niệm đơn sơ, thậm chí dung tục.
2. Nhìn một cách khái quát, hướng tiếp cận ngôn ngữ nghệ thuật đối với văn học ở Việt Nam có lịch sử của nó. Có thể hình dung một cách tổng quát qua mấy bước như sau:
Bước thứ nhất, vào thời văn học trung đại kéo dài cho đến hết giai đoạn văn học giao thời (1930), toàn bộ việc tiếp nhận văn học chủ yếu quan tâm tới đơn vị là tác giả, chủ thể sáng tạo văn học. Theo đó, khi đi vào tác phẩm, người đọc chỉ đo xét cái chí cái tình của tác giả, người sản sinh ra nó, tức là một phần thuộc phương diện nội dung. Còn về phương diện nghệ thuật, tất cả cái tài cái khéo của tác giả là ở chỗ chọn câu bẻ chữ, “thôi xao” sao cho tinh, cho giỏi, cho cao siêu, theo phương châm “Hạ bút như hữu thần”, đặc biệt là những “nhãn tự”, “thần cú”. Đến lượt người đọc, chỉ cần phát hiện cái tài khéo trong dụng công chữ nghĩa như thế.
Sau này, vào thời hiện đại, công việc nghiên cứu phê bình và giảng dạy tuy đã có sự chuyển dịch ít nhiều, nhưng như một quán tính kéo dài, phần lớn vẫn chú trọng vào nội dung ý nghĩa của tác phẩm, ý thức dành cho phương diện ngôn từ nghệ thuật không nhiều, thậm chí vẫn bị coi là thứ yếu. Điều này còn do nhiều nguyên nhân khác nữa, sẽ nói thêm ở phần sau.
Bước thứ hai, tính từ quãng sau 1930 đến 1945, văn học dần thoát khỏi tính quan phương, phi ngã, cách luật, ước lệ của văn học trung đại để khẳng định con người cá nhân và cá tính sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ theo tinh thần phương Tây. Do đó, các nhà văn từ chỗ thay đổi quan niệm văn chương đến chỗ thay đổi trong sáng tác, tất yếu dẫn đến sự cách tân ngôn ngữ văn học.
Đứng từ phía tiếp nhận, người đọc giờ đây đã dần di chuyển cái nhìn từ tác giả sang tác phẩm tuy với nhiều lưu luyến với quá khứ. Người đọc đã không chỉ chú trọng đến việc tác giả/ tác phẩm nói gì mà còn quan tâm ít nhiều tới việc nói như thế nào, trong đó có phương diện ngôn từ. Tuy nhiên, nhìn vào các công trình nghiên cứu, phê bình văn học lúc bấy giờ, việc quan tâm phương diện ngôn ngữ vẫn chưa được xem là một trong những trọng tâm của tiếp nhận văn học. Trong các tiểu luận, phê bình, phương diện ngôn ngữ của tác phẩm văn học nếu được nhắc đến vẫn chỉ là việc tiện thể, hoặc nhắc đến cho có, và thường là chung chung, cảm tính, thiếu tính hệ thống và sức thuyết phục.
Mãi sau này, từ quãng sau 1980 trở đi, trong một số công trình nghiên cứu, khi nhìn lại văn học giai đoạn 1930-1945 mới có những đánh giá về phương diện ngôn ngữ tương đối sâu sắc. Thí dụ, một số nhận định cho rằng ở trong thơ giai đoạn này, từ thơ điệu ngâm chuyển sang thơ điệu nói, do đó khẩu ngữ tràn vào thơ, đem cho thơ hiện đại một sinh khí mới. Hay trong văn xuôi, đã hầu như thanh toán xong câu văn biền ngẫu để có câu văn tiếng Việt rất gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày và co duỗi thoải mái, gần với nhịp điệu sống của con người hiện đại. Hoặc, nếu xét theo loại hình ngôn ngữ, rất dễ nhận ra ở cả trong thơ lẫn văn xuôi xuất hiện dày đặc một hệ ngôn ngữ thân thể gắn liền với tính dục... Tất cả đều xuất phát từ quan niệm văn học, quan niệm nghệ thuật của thời đại thay đổi theo hướng hiện đại hóa, phương Tây hóa.
Bước thứ ba, tính từ sau 1945 đến năm 1986. Trong thời kỳ này, văn học Việt Nam bị phân hóa thành nhiều không gian khác nhau: văn học thời chống Pháp trên cả nước 1945- 1954; văn học miền Bắc 1954- 1975; văn học miền Nam 1954-1975[i]; văn học thống nhất từ sau 1975 và ít nhiều tiếp tục kéo sang giai đoạn tiếp theo. Ở đây, có một quan sát dễ thấy, do chủ trương đường lối văn hóa văn nghệ theo phương pháp hiện thực XHCN, chú trọng tính đại chúng, tính ý thức hệ, mục đích tuyên truyền, minh họa, nên văn học cả nước giai đoạn 1945- 1954 và miền Bắc giai đoạn 1954-1975 ít phát triển về mặt ngôn ngữ nghệ thuật. Nền văn học này lại rơi vào một kiểu “quan phương” khác, có phần tiếp nối văn học trung đại, có phần lại mới nảy sinh. Thí dụ gần đây, một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra kiểu ngôn ngữ ký hiệu đặc trưng của nền văn học cách mạng ở miền Bắc mà tiêu biểu là thơ Tố Hữu với những motif sau: ngôn ngữ nhà binh, ngôn ngữ dòng tộc, ngôn ngữ hội hè[ii].
Bước thứ tư, tính từ 1986 đến nay. Trong tầm quan sát của tôi, cùng với sự đổi mới của sáng tạo văn học, việc tiếp nhận văn học, được thể hiện chủ yếu trong nghiên cứu phê bình đã có những thay đổi khá rõ, trong đó có cách tiếp cận phương diện ngôn ngữ trong văn học nói chung và tác phẩm văn học nói riêng.
Cách tiếp cận ngôn ngữ văn học một cách có hiệu quả nhất thuộc về các tác giả khởi lên hướng tiếp cận phong cách học và thi pháp học vào những thập kỷ 80 của thế kỷ XX mà công lao của họ phải tính đến các tác giả tiêu biểu: Phan Ngọc với Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều (1985), Nguyễn Phan Cảnh với Ngôn ngữ thơ (1987), Trần Đình Sử với Thi pháp Thơ Tố Hữu (1987) cùng với một số bài viết của ông về thi pháp truyện Kiều ra đời (sau này được phát triển thành công trình Thi pháp Truyện Kiều, 2002); một số bài viết của GS. Đỗ Đức Hiểu, sau tập hợp thành Đổi mới đọc và bình văn (1999)... Xét trên phương diện thực hành phê bình văn học, vào quãng thời gian này cũng phải kể đến một số tác giả như Đặng Tiến, Chu Văn Sơn, Đỗ Lai Thúy...đã ứng dụng khá tốt cách tiếp cận thi pháp học để khám phá thế giới nghệ thuật của các nhà Thơ Mới (Thơ- Thi pháp và chân dung, Ba đỉnh cao Thơ Mới, Con mắt thơ).
Trước hết cần kể đến hai công trình của hai nhà nghiên cứu ngôn ngữ của Phan Ngọc và Nguyễn Phan Cảnh. Trong công trình của Phan Ngọc, ông dành hẳn ba chương bàn về ngôn ngữ truyện Kiều: Câu thơ Truyện Kiều, Ngôn ngữ Truyện Kiều, Ngữ pháp Nguyễn Du với cách tiếp cận và lý giải độc đáo. Sử dụng các tri thức hiện đại của khoa ngôn ngữ học, tác giả cắt nghĩa các yếu tố kể trên trong tinh thần phong cách học thể loại, cụ thể ở đây là thơ lục bát của thời đại Nguyễn Du. Ông đã xem xét khá cụ thể các khía cạnh như: sự cân đối, hình thức đối chọi trong câu thơ, cách sử dụng tiếng Hán- Việt và thuần Việt trong mối quan hệ giữa chúng, Việt hóa điển cố Hán, ngôn ngữ thông tục, các từ láy âm... Vào thời điểm này, cách tiếp cận và cắt nghĩa như vậy cho thấy một tinh thần khoa học thực sự, chứ không còn là chuyện cảm tính hoặc kinh nghiệm chủ nghĩa, đem lại cho giới nghiên cứu phê bình nhiều cảm hứng thú vị. Một số luận điểm và tri thức của tác giả cho đến nay vẫn còn có giá trị. Tôi cho rằng đến công trình này của Phan Ngọc cho thấy có một bước tiến lớn trong việc tiếp cận ngôn ngữ văn học. Sau này, ông có xuất bản cuốn sách mang tên Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học (Nxb Trẻ, 1995), trong đó có mấy bài bàn về ngôn ngữ văn học và cách tiếp cận nó chủ yếu trên bình diện lý thuyết, như một phương châm cần được quán triệt và cổ súy chứ chưa phải là các ứng dụng cụ thể.
Công trình Ngôn ngữ thơ của nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Cảnh trong tư cách một chuyên luận, đã ứng dụng lý thuyết của nhà ngôn ngữ học R.Jacobson (1896-1984) để trình bày các vấn đề lý thuyết và đây đó có ứng dụng phân tích một số trường hợp thuộc thực tiễn thơ ca Việt Nam. Ở đây, tác giả đã tập trung nhấn mạnh vào vấn đề cấu trúc ngôn ngữ thơ dựa trên hai trục: lựa chọn và kết hợp, theo đó là các khía cạnh tương ứng: trục dọc và trục ngang, biểu hiện và tạo hình, thơ và văn xuôi... cùng một số yếu tố khác của thơ. Công trình này tuy nghiêng về diễn giải và chuyển dịch lý thuyết nhưng tác giả đã cho thấy một số khả năng ứng dụng khá tinh tế trong việc phân tích và cắt nghĩa ngôn ngữ thơ Việt. Cho đến nay, những nội dung khoa học trong công trình Nguyễn Phan Cảnh vẫn xứng đáng làm tri thức nền quan trọng cho ngành nghiên cứu ngôn ngữ văn chương ở Việt Nam.
Nói riêng về thi pháp học với việc phân tích ngôn ngữ văn học. Thi pháp học cho rằng mỗi nhà văn có một quan niệm chắc chắn về hiện thực và con người, từ đó sẽ xây dựng một thế giới nghệ thuật đặc sắc được kiến tạo từ các phương thức và phương tiện nghệ thuật, trong đó đặc biệt là ngôn ngữ, gọi sát hơn là ngôn từ nghệ thuật. Đến lúc này, ngôn từ trong tác phẩm văn học không được xem xét như những đơn tử biệt lập, hoặc như là sản phẩm của tài bẻ câu chuốt chữ như văn học trung đại nữa, mà là kết quả của những lựa chọn có chủ đích, mang tính hệ thống, biểu nghĩa, do hình tượng văn học quy định, làm nên phong cách nghệ thuật, thi pháp nghệ thuật riêng của mỗi tác giả. Hãy nhớ lại, khi khảo sát ngôn ngữ nghệ thuật trong Truyện Kiều, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã tiến hành thống kê, phân tích, so sánh rất cụ thể các phương thức ngôn ngữ mà Nguyễn Du sử dụng như: ngôn ngữ màu sắc, phép đối ngẫu, phép sóng đôi, ẩn dụ, điển cố như những sáng tạo kiệt xuất vừa đa dạng vừa nhất quán do sự lựa chọn thể loại, chủ nghĩa cảm thương và chất trữ tình chi phối. Như vậy, những phát hiện ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều của tác giả Trần Đình Sử đã bỏ xa chủ nghĩa kinh nghiệm thuần túy của tinh thần bình văn điểm sách thời trung đại kéo dài đến tận lúc bấy giờ để xác lập một hướng đi khoa học, thuyết phục[iii].
Thêm một công trình nghiên cứu, phê bình văn học gần đây thực sự có đóng góp cho việc phân tích ngôn ngữ văn chương nhờ cách tiếp cận mới là “Phê bình ký hiệu học- Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ” (NXB Phụ nữ, 2018) của Lã Nguyên. Phạm vi nghiên cứu, phê bình của ông trải rộng nhiều vấn đề, mà tiếp cận ngôn ngữ văn học chỉ là một bộ phận trong tổng thể đã cung cấp cho những người quan tâm tới ngôn ngữ văn chương những tri thức sâu sắc về phương pháp cũng như thành tựu. Điều này thể hiện tập trung trong hai tiểu luận xuất sắc nhất của cuốn sách: Nguyễn Tuân- Nhà văn của hình dung từ, Thơ Tố Hữu- Kho “ký ức thể loại” của văn học từ chương. Ngay sau đó không lâu, ông lại cho ra mắt tiếp chuyên luận: “Nguyễn Duy- Nhà thơ hiện đại Việt Nam (thực hành phân tích diễn ngôn)” (NXB Khoa học xã hội, 2021). Ở đây, ông mở rộng quan niệm về ngôn ngữ văn học: không dừng lại ở các đơn vị từ, câu, đoạn (như là các thành phần ngôn ngữ) hay ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ chủ thể trữ tình, ngôn ngữ nhân vật... (như là ngôn ngữ trần thuật) mà được hiểu như là kết quả của nghệ thuật tổ chức ngôn từ của tác giả, hiện ra qua các motif, có tính khái quát cao. Thí dụ, đối với thơ Nguyễn Duy, ông phát hiện và phân tích ba lớp ngôn ngữ: Ngôn ngữ thế giới quan (ngôn ngữ nhà binh, ngôn ngữ sinh hoạt/ngôn ngữ làng quê), Ngôn ngữ cơ thể, Điệu giọng trữ tình. Như vậy, bình diện ngôn ngữ của văn học được nâng lên tầm ngôn ngữ tư tưởng trong mối quan hệ mật thiết với ngôn ngữ thời đại với tất cả tính chất phức tạp và hay dở của nó. Hướng nghiên cứu này đặt ngôn ngữ nghệ thuật trong toàn bộ diễn ngôn của thời đại mà nhà văn thuộc về, xem xét khung tri thức thời đại chi phối và khả năng vượt thoát của mỗi nhà văn để trở thành độc đáo. Hướng tiếp cận ngôn ngữ văn học theo tinh thần diễn ngôn chính là một nỗ lực làm mới/khác với những gì mà khoa học văn học trước đó ở Việt Nam đã tiến hành. Tuy nhiên, đây là hướng tiếp cận khó, đòi hỏi nắm chắc lý thuyết diễn ngôn và ký hiệu học văn học, lịch sử văn học, thống kê, so sánh và khái quát tốt hòng chỉ ra bằng được những sáng tạo độc đáo của mỗi nhà văn.
Cũng cần phải kể thêm đến một số công trình dưới dạng nghiên cứu hoặc giáo trình trực tiếp bàn về ngôn ngữ văn chương như: Ngôn ngữ thơ Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 2000) của Hữu Đạt, Phân tích phong cách ngôn ngữ trong tác phẩm văn học (ngôn ngữ-tác giả-hình tượng) (NXB Đại học sư phạm, 2004) của Đỗ Việt Hùng - Nguyễn Thị Ngân Hoa, Giáo trình Ngôn ngữ văn chương (NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2011) của Hoàng Kim Ngọc - Hoàng Trọng Phiến. Do tác giả của công trình là các nhà nghiên cứu ngôn ngữ chuyên biệt nên khi đặt vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ văn chương, trong công trình của họ, cơ bản vẫn nặng về phương diện ngôn ngữ phổ quát mà nhẹ về ngôn ngữ văn chương. Cái mà bạn đọc trông đợi ở các công trình này là khi trình bày ngôn ngữ phải đảm bảo thuộc tính nghệ thuật của ngôn ngữ trong văn học thì lại chưa thấy rõ.
3. Một phác thảo sơ bộ như trên về con đường tiếp cận văn học từ ngôn ngữ học chắc chắn còn thiếu, chưa thể phản ánh hết thực tiễn nghiên cứu ở Việt Nam. Tuy nhiên, bằng khả năng bao quát tư liệu và quan sát của tôi, xin đưa ra vài nhận xét, từ đó là những mong muốn nhằm vừa khắc phục vừa góp phần thúc đẩy hướng tiếp cận ngôn ngữ văn chương sao cho có hiệu quả hơn.
Trước nhất, xét trong hoạt động nghiên cứu, phê bình, theo tôi, ngoài những công trình kể trên, chưa có thêm công trình, tiểu luận nào có những đóng góp mới hơn, thuyết phục hơn. Tuy nhiên vẫn cần thừa nhận rằng, do nhận thức về vấn đề ngôn ngữ văn chương trong tổng thể nghiên cứu văn học đã được nâng cao hơn, nên trong các tiểu luận, các chuyên luận nghiên cứu riêng lẻ, tác giả đã có quan tâm nhiều hơn phương diện ngôn ngữ.
Những năm gần đây, có một số nghiên cứu, phê bình văn học đi theo những cách tiếp cận hiện đại khác nhau như phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái, phê bình giới, phê bình văn hóa, phê bình xã hội học văn học... Ở các nghiên cứu này, có người tạm trừu xuất phương diện ngôn ngữ văn học ra khỏi vùng quan tâm của họ; có người đề cập đến ngôn ngữ như một thứ yếu, phụ, thêm vào chứ không phải như một trong những trọng tâm. Theo tôi nghĩ, nếu nghiên cứu văn học mà tước bỏ phần ngôn ngữ cả ở cấp độ tác phẩm/tác giả/thể loại hay cấp độ liên ngành sẽ có nguy cơ biến văn học thành tài liệu minh họa cho các lý thuyết đủ loại, tự xa rời đặc trưng văn học[iv].
Thứ hai, xét trong hoạt động giảng dạy văn học ở các cấp, chủ yếu cấp PTTH và Đại học. Khi giảng tác phẩm, tác giả, thể loại, khuynh hướng, thể tài... thường chưa quan tâm thích đáng tới vấn đề ngôn ngữ, thậm chí còn chiếu lệ hoặc bỏ qua. Nếu như ở đâu đó phương diện ngôn ngữ có được quan tâm, thì phần lớn lại đã bị lạc hậu, khiến người học không hứng thú. Vả lại, có thể chưa hiểu một cách toàn diện và sâu sắc việc dạy văn theo tinh thần đọc- hiểu, nên người giảng mới chỉ dừng lại việc hiểu ngôn ngữ chứ chưa rung cảm thẩm mỹ với ngôn ngữ, sống với ngôn ngữ. Và như vậy, dạy- học văn cơ hồ thất bại.
Thứ ba, đã đến lúc cần phải thanh toán việc phân tích ngôn ngữ văn học, nhất là ngôn ngữ trong tác phẩm văn học theo hướng chiếu lệ/chiếu cố, qua loa, máy móc, dung tục, thiếu tính hệ thống, rời xa hoặc đánh mất đặc trưng nghệ thuật của văn chương và ngôn ngữ văn chương.
Thứ tư, tăng cường mở rộng hướng tiếp cận ngôn ngữ văn học theo cả hai hướng nội quan và ngoại quan. Hướng nội quan quan tâm tới ngôn ngữ văn học như những đơn vị thuộc ngôn ngữ học phổ quát bao gồm ngữ âm, từ, câu, văn bản, các phép chuyển nghĩa, tuy là hướng đi truyền thống nhưng vẫn cần thiết. Tuy nhiên người nghiên cứu không được phép quên đặt nó vào trong hệ thống tư duy và thế giới nghệ thuật của tác giả, liên quan đến quan niệm nghệ thuật, thể loại mà tác phẩm văn học thuộc về. Hướng nghiên cứu ngoại quan là cách mở rộng biên độ tiếp cận, đặt ngôn ngữ văn học vào khu vực thể tài như: tính dục, giới, thân thể, sinh thái, thực phẩm, nhà binh, dòng tộc... Đây là một hướng nghiên cứu đang thổi sinh khí mới cho hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ văn học mà hiện nay đã thấy có một số tín hiệu khả quan bước đầu. Tuy nhiên, ngay cả hướng tiếp cận ngoại quan vẫn không được phép đánh mất đặc trưng thẩm mỹ của văn học và ngôn ngữ văn học.
Trong bối cảnh thực tiễn ngôn ngữ ở nước ta hiện nay, kể cả nói, viết ở cấp độ cá nhân và cấp độ xã hội, trong tất cả các lĩnh vực (văn chương, giáo dục, khoa học, hành chính, truyền thông...) đang xuống cấp nghiêm trọng thì những nỗ lực nghiên cứu và thực hành ngôn ngữ theo các hướng tích cực đều đáng được cổ vũ.
N.V.G
[i] Do khó khăn về tư liệu sưu tầm, nên khu vực nghiên cứu phê bình văn học ở miền Nam từ 1954 đến 1975 chúng tôi chưa khảo sát được kỹ, nên tạm gác lại như một ghi nhớ cần thiết để cần được tiếp tục nghiên cứu.
[ii] Lã Nguyên, “Thơ Tố Hữu-Kho ký ức thể loại của văn học từ chương”, in trong “Phê bình ký hiệu học (Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ)”, NXB Phụ nữ, 2018, tr.188
[iii] Xem thêm bài viết của GS Trần Đình Sử: “Tính ký hiệu của hình tượng văn học”, in trong cuốn “Trên đường biên của lý luận văn học”, NXB Văn học, 2014, tr.136
[iv] Mới đây, GS. Nguyễn Văn Hiệp đã có một tiểu luận mang tên “Ngôn ngữ học sinh thái (Ecolinguistics) và bước đầu khảo sát sách Tiếng Việt tiểu học (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) từ quan điểm của ngôn ngữ học sinh thái” (Tạp chí Ngôn ngữ, số 6-2024) nhằm giới thiệu tầm quan trọng của hướng nghiên cứu này, phương pháp tiếp cận và ứng dụng. Đây là dấu hiệu bước đầu cho thấy nỗ lực của giới ngôn ngữ học ở Việt Nam đang mở rộng biên độ của các quan tâm.