MẤY SUY NGHĨ TỪ HỘI NGHỊ TẬP HUẤN “NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN ĐẶT RA ĐỐI VỚI VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRƯỚC YÊU CẦU MỚI”

LƯU KHÁNH LINH

            Vào những ngày đầu thu- khi cái nắng bỏng rát của mùa hè nhường chỗ cho heo may thu se se và dìu dịu cũng là thời điểm Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn “Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với VHNT trước yêu cầu mới” dành cho các anh chị em là cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, văn nghệ sĩ công tác trong các ngành Tuyên giáo, Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Văn học nghệ thuật và báo chí trên cả nước.

            Chương trình tập huấn tại tỉnh Hà Tĩnh được tổ chức gần biển Thiên Cầm- một không gian tựa như “cung đàn trời” của dải đất miền Trung vừa hùng vĩ lại vừa trữ tình. Chính bởi thế; sự lĩnh hội lần lượt 7 chuyên đề đối với 275 học viên diễn ra thật nhẹ nhàng, lan thấm trong tâm thế tự giác và hào hứng tiếp nhận.

             Chuyên đề mở đầu Vấn đề xây dựng hệ giá trị Văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay của GS.TS Hồ Sĩ Quý cho đến các chuyên đề:  Tiếp thu, vận dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay của PGS.TS Phan Trọng Thưởng; Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội VHNT- hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo VHNT của PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Tình hình văn xuôi hiện nay của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng; Từ hội nghị văn hóa toàn quốc 2021- Những vấn đề đặt ra cho hôm nay và nhiều năm tớicủa PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; Âm nhạc Việt Nam trên không gian mạng của PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm và khép lại là Chuyên đề thứ 7: Nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm tự do trong sáng tạo VHNT của PGS.TS Phạm Quang Long. Ngay từ việc sắp xếp thứ tự các chuyên đề cũng là 1 hệ thống trao đổi lý luận gắn với mạch nhãn quan thực tiễn mang tính logic; bởi có cùng nhìn lại vấn đề xây dựng hệ giá trị thì chúng ta mới tiếp thu, vận dụng các lý thuyết đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn đương đại và xác lập những nhiệm vụ để nâng cao giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật cho các tác phẩm của mình.

            Xác định hệ giá trị văn học- nghệ thuật Việt Nam cho giai đoạn hiện nay là khởi tiếp từ “Đề cương văn hóa năm 1943” về một nền văn nghệ Dân tộc, khoa học, đại chúng cũng đồng thời là tiếp tục chủ trương có từ NQTW 5 khóa VIII của Đảng năm 1998 về một nền văn hóa Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong chuyên đề của mình trình bày tại Hội nghị tập huấn, GS.TS Hồ Sĩ Quý đã chỉ ra rất rõ điều ấy. Nói đến văn hóa thực chất là nói đến con người, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Ông lý giải: Trong tầm nhìn dài hạn hoặc theo lát cắt lịch đại, văn hóa làm ra con người và con người là sản phẩm văn hóa. Muốn sửa chữa, khắc phục những hạn chế, bất cập của văn hóa thì xuất phát điểm phải bắt đầu từ con người.Vấn đề ông đặt ra đối với văn nghệ sĩ, người nắm vũ khí sáng tạo ra VHNT, người có trách nhiệm tiên phong đánh thức và gợi mở cho xã hội hình dung con đường đi về tương lai, kích thích mỗi cá nhân tự vấn về văn hóa làm người, trước hết, họ phải phản ánh trung thực đời sống văn hóa, xã hội. Và ông khẳng định: Việc xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam hiện nay, về thực chất là nhằm tìm kiếm các định hướng sáng suốt để VHNT nước nhà phát triển lành mạnh, văn nghệ sĩ sáng tạo được nhiều tác phẩm hay, có giá trị, có ích cho dân, cho đất nước và cho bản thân nghệ thuật.Ông đã đề xuất một phương án cho hệ giá trị VHNT Việt Nam giai đoạn hiện nay là: Nhân dân, Tổ quốc và Tác phẩm. Đây chính là sự gợi mở cho các nhà sáng tạo VHNT nói riêng và nhà quản lý nói chung để có thể phát huy vai trò, thế mạnh của VHNT đối với việc xây dựng, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa con người Việt Nam trong thời đại mới.

            Vậy, với gợi mở, định hướng ấy thì VHNT có bị phong tỏa, kiềm chế tự do trong sáng tác, những vượt biên trong không gian sáng tạo có bị xiềng xích hay không? Chuyên đề “Nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm tự do trong sáng tạo VHNT” của PGS.TS Phạm Quang Long đã cơ bản giải đáp những băn khoăn ấy. Nhìn vào tổng thể của chương trình tập huấn, đây là một chuyên đề hấp dẫn, lôi cuốn từ phong cách trao đổi đến các nội dung được nhìn nhận, đánh giá khách quan, đa diện với nhiều giải pháp đề xuất mạnh dạn, phù hợp xu thế đã được sự tán đồng cùng hiệu ứng đón nhận đầy hào hứng từ đội ngũ văn nghệ sĩ và người quản lý lĩnh vực này.Thực tế cho thấy, tự do sáng tạo luôn được đặt trong mối tương quan với hiện thực trong mối quan hệ thẩm mỹ. Hơn lúc nào hết, đội ngũ văn nghệ sĩ mong muốn được tạo điều kiện về hành lang tư tưởng và pháp lý để sáng tạo những tác phẩm hay, có giá trị, trường tồn với thời gian. Đương nhiên, các tác phẩm ấy phải là của những văn nghệ sĩ có tài, yêu nhân dân, yêu Tổ quốc, yêu nghệ thuật. Bởi nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Một thế hệ nhà văn chỉ thực sự xuất hiện khi họ mang lại một vẻ đẹp mỹ học mới trong ngôn từ, trong hình ảnh, trong cấu trúc và trong tư tưởng cho các tác phẩm của mình… Sự sáng tạo không mang đến những vẻ đẹp mới đồng nghĩa với sự tù đọng và kết thúc. Nhưng sự thay đổi bản chất của văn chương mới chính là cái chết thực sự của văn chương. Nếu văn chương không trở thành ngôi nhà che chở và an ủi những số phận khổ đau, bất hạnh; nếu văn chương không bảo vệ công lý thì văn chương vô dụng, nếu văn chương không mang tới cho con người hy vọng và những giấc mơ làm người đẹp đẽ thì văn chương vô cảm. Sự vô cảm và vô dụng là kẻ thù nguy hiểm của văn chương và giết chết văn chương”. Câu kết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều sao mà tôi tâm đắc đến thế! Văn nghệ cần hướng con người tới sự hoàn thiện về nhân cách, làm cho xã hội đẹp hơn về tính nhân văn, cần nâng con người lên trên cuộc sống hàng ngày, con người trong văn chương vẫn cứ là cái đích con người trong đời sống cần hướng tới. Cho nên, vấn đề tự do trong sáng tác cần được hiểu là sự tự do trên địa hạt văn chương, trên cánh đồng chữ nghĩa nhưng phải là tự do trong quy phạm pháp luật, tự do hành động trong quy phạm chứ không phải tự do chống lại con người. Do đó tự do không đồng nghĩa với vượt ra ngoài mọi khuôn khổ, đứng trên pháp luật, nằm ngoài những quy phạm để trở thành kẻ thù nguy hiểm hay mượn danh tự do rồi giết chết bản chất của văn chương.

            Một vấn đề trong Hội nghị năm nay cũng thu hút được khá nhiều học viên quan tâm, lắng nghe đó là sự quan tâm đầu tư cho văn học trẻ và sự mờ nhạt của văn học xanhtrong chuyên đề “Tình hình văn xuôi hiện nay” của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng. Với Bùi Việt Thắng, ông chọn văn xuôi Việt Nam đương đại nghiên cứu bởi đây là nơi tập trung thể hiện đậm nét gương mặt con người thời đại nhìn từ phương diện văn hóa. Theo nhà nghiên cứu, ngoài những ưu điểm thì hiện nay đội ngũ nhà văn mới chú ý đến mối quan hệ giữa con người và xã hội nhưng ít quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Điều này khiến văn học xanh còn rất khiêm tốn trong bản đồ văn học Việt Nam đương đại. Hơn nữa, sự cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn, cơ chế của văn hóa đại chúng khiến những người cầm bút hiện nay đang chạy theo cuộc đua viết sách bán chạy để đáp ứng nhu cầu thị trường hơn là viết sách hay. Quan sát tình hình văn học nói chung có thể thấy, đối với các thế hệ 4X, 5X, 6X có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển văn học, hiện thời gian viết và bút lực của họ không còn dư dả. Bởi vậy, nếu đầu tư bài bản cho thế hệ người viết 7X, 8X, 9X nhất định sẽ có một mùa màng văn chương trong tương lai. Từ trao đổi của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng tôi giật mình nghĩ đến khoảng trống cây viết trẻ của của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái hôm nay, khi số lượng và tỉ lệ này của chúng ta đang quá mất cân đối, chỉ có 24/157hội viên thuộc chuyên ngành thơ, văn xuôi, văn học dân gian ở lứa tuổi trẻ (chiếm 15%). Do đó, các trại sáng tác thường niên dành cho các cây bút trẻ của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh nhàtrong những năm qua cũng là một trong những đường hướng chiến lược để cổ vũ, động viên và bồi dưỡng lòng say mê cũng như chất lượng sáng tác cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, có lẽ cần hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá về trại sáng tác, về các hội thi tìm kiếm tài năng trẻ và công tác phối hợp để tìm kiếm các nhân tố mới, có kế hoạch trung hạn và dài hạn để xây dựng lớp nguồn sáng tác kế cận, tiềm năng và chất lượng một cách kịp thời.

            Bên cạnh các chuyên đề đã nói ở trên thì“Âm nhạc Việt Nam trên không gian mạng” của PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm cũng là một chuyên đề thời sự, đem đến nhiều sự trải lòng tại Hội nghị. Theo Bộ TT&TT, với dân số 95 triệu người nhưng nước ta có đến hơn 136 triệu đăng kí thuê bao di động (tính đến giữa năm 2018). Đồng thời, Google có báo cáo về hoạt động của người dùng điện thoại Việt Nam cho ra 1 kết quả đầy suy ngẫm. Người Việt Nam online để sử dụng công cụ tìm kiếm chiếm 69%, trong đó có 21% tìm kiếm thông tin về sản phẩm; 20% kiểm tra email; 37% chơi game và đến 77% dùng để xem video (điều ấy có nghĩa là cứ 10 người khi online qua di động thì sẽ có gần 8 người xem video). Tất cả những thông tin ấy cho thấy vấn đề kết nối để tiếp cận âm nhạc bằng phương tiện truyền thông hiện nay là quá dễ dàng, phổ biến và không gian mạng trở thành một môi trường rộng lớn để chuyển tải âm nhạc đến từng người, từng nhà. Công bằng mà nói; những lợi ích mà không gian mạng đem lại cho âm nhạc là vô cùng lớn lao trong sự phát triển nhận thức, tư duy, kĩ năng sống của con người; góp phần tích cực vào sự phát triển của văn hóa âm nhạc với cộng đồng (giới thiệu nhanh nhất, phổ biến rộng nhất và mọi lúc- mọi nơi có thể tiếp cận, sử dụng, thưởng thức những sáng tạo nghệ thuật âm nhạc); cũng góp phần to lớn vào quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên; những thách thức đặt ra với âm nhạc trên không gian mạng là vô cùng lớn lao. Có lẽ, thẩm thấu rõ rệt vấn đề ấy và rất đồng điệu với nội dung chuyên đề nên nhà báo trẻ Thanh Ba- thành viên đoàn công tác Yên Bái đã chọn đề tài ấy trong bài thu hoạch của mình và là một trong những học viên có bài viết xuất sắc nhất của lớp tập huấn.

Các tin khác:

1-5 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter