MỘT GÓC NHÌN VỀ TRUYỆN NGẮN “VÁCH GỖ” CỦA NGUYỄN THỊ NGỌC YẾN

HÀ LẦM KỲ

 

“Vách gỗ”- một truyện ngắn, được in trong tập sách cùng tên “Vách gỗ”, NXB Hội Nhà văn 2021 của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Yến.

Dòng họ Hoàng Văn (Dân tộc Tày) giao trọng trách cho Nhếnh, đích tôn duy nhất, là phải có con trai để không thể đứt mạch cây gia phả. Nhếnh còn trẻ, lần chần, nhưng vợ Nhếnh là Nín, với tư cách dâu trưởng tộc thì lại lặng lẽ “nằm đếm tiếng gà cho đến sáng”, nghĩ cách bù đắp sự vô sinh mà vẫn đáp ứng yêu cầu của các bô lão gia tộc. Và Nín đã tìm ra cách tháo gỡ, mà theo cô, đó là một giải pháp có tình có lý nhất.

Với sự thật lòng và khéo léo, Nín đã thuyết phục chồng đón bạn gái (Pùa) về ở cùng. Thậm chí, tự tay Nín sắp đặt một phòng “hạnh phúc” thứ hai trên nhà sàn dành cho Pùa và Nhếnh. Hai căn buồng chỉ cách nhau một vách gỗ mỏng. Nhếnh hiểu vợ nhưng không đành bước vào phòng Pùa, mà vào phòng Nín, tới mức Nín phải nói thẳng: “Pùa về đây rồi, anh đừng để cô ấy phải tủi thân. Cô ấy đến đây cũng là vì mình” (trang 13). Và quả thực, Pùa hiểu điều đó, hiểu sự thu xếp thỏa thuận, chu đáo, ngay thật của cả Nín và Nhếnh. Nhưng sự chủ động, là Nhếnh, thì Nhếnh lại chưa sẵn sàng. Pùa cảm thấy “bẽ bàng” cho lòng tốt của mình, và cả lòng tốt của Nín- Chị bạn thân nữa.

Rồi một đêm, khi Pùa lao xuống suối nước gần nhà để giải tỏa những chất chứa trong lòng thì Nhếnh đã chứng kiến tất cả. Nhìn “Ngực Pùa căng đầy, phập phồng dưới ánh trăng” khiến “Mặt Nhếnh nóng bừng, các mạch máu đua nhau chạy rần rật khắp cơ thể”. Ngay sau đó khi trở về nhà, “Pùa vừa ngả đầu xuống gối, bỗng giật mình thấy Nhếnh đứng trước cửa buồng. Nhếnh cởi áo ngoài, đứng bần thần một lúc rồi mới lên giường”. Mọi cử chỉ, động tác của Nhếnh không qua được đôi tai nhạy cảm và con mắt trông chờ của Nín. Nhưng Nín đã là người vợ thật lòng, người vợ tự nguyện dám vượt qua rào cản để sắp đặt tất cả dành cho chồng vì dòng họ, vì gia tộc thì có gì mà phải ngần ngại? Còn Pùa? “Nhiều đêm Pùa gần như thức trắng, lắng nghe từng tiếng động, từng tiếng thở phía bên kia vách gỗ” (trang 14). Giờ thì “trống ngực Pùa đập thình thịch”. Bên kia vách gỗ, Nín không ngủ, không thể ngủ, mà tỉnh táo hơn cả mọi lần, chờ Pùa, chờ Nhếnh, và chờ một cuộc tình mạnh mẽ để có một sinh linh nhỏ bé trong hy vọng. Nhếnh! Pùa giật mình. Sự háo hức bỗng chốc lại chững lại trong giây lát. Ai hiểu? Ai sẽ tha thứ cho Pùa? Pùa vớt vát trong không mong muốn: "Anh sang với chị Nín đi, kẻo chị ấy sẽ...”! Con người có bản năng, khi hòa nhịp nó trở thành mạnh mẽ, “Sự kháng cự của Pùa trở nên vô nghĩa”. Một sự vô nghĩa mà chính Pùa hằng chờ đợi. Còn Nín, những phút “Sàn nhà rung lên từng chặp. Nín gần như ngừng thở. Có cái gì đó như đang đè nặng vào ngực Nín. Cảm giác vừa đau đớn, vừa mừng rỡ cùng lúc xâm chiếm Nín. Nỗi khát khao của dòng họ Hoàng thế là đã thực hiện được” (trang 16).

Nín dường như bằng lòng với suy nghĩ và việc làm nhân ái theo cách của mình, còn có một hợp thể vật chất, tinh thần đủ điều kiện làm cho cây gia phả vươn thêm từng đốt được hay không, chắc Nín cũng hiểu. Dẫu sao, nỗi đau vô sinh của cô cũng đã được giải tỏa. Truyện ngắn Việt Nam hiện đại, tình tiết như thế này còn hiếm so với ngoài đời. Tác giả khá bạo tay xây dựng sự việc và tâm lý nhân vật trong khuôn khổ và bối cảnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi mà dân trí còn thấp nhưng tình người thì đầy ắp.

Truyện, tưởng như đã có thể kết thúc có hậu nhưng không, tác giả không dừng lại mà đã tự hóa giải trước bạn đọc. Nhếnh, chất con người hiện hữu, trong đêm, anh hút thuốc lào “não ruột”, uống rượu “ồng ộc”, “Thấy mình quá tệ trước hai người phụ nữ nhỏ bé nằm trong hai căn buồng bên kia” (trang 17), anh “bỏ” nhà, đi rừng cùng đám thợ khai thác gỗ. Nhân vật Nhếnh, tính cách Nhếnh lần nữa thay đổi. Một ý nghĩ lóe lên làm anh hào hứng khi bốc những tấm gỗ quý. “Niềm vui khiến Nhếnh quên đi mệt mỏi. Bộ bàn ghế cùng hai chiếc giường mới sẽ được đóng nay mai, chắc hẳn cả Nín và Pùa sẽ vui lắm” (trang 18). Đã rõ. Nhếnh tự giải tỏa mối bế tắc bấy lâu nay bằng cách ba người lớn sẽ được hợp lý hóa, cùng sống chung trong một gia đình? Ý nghĩ có phần ngây thơ của Nhếnh không thành khi Pùa kiên quyết ra đi sau khi kịp giãi bày thật lòng với Nín, và Pùa đã để lại mọi “lễ vật” mà đích thân Nín mua sắm. Bộ quần áo nhuộm chàm, chiếc thắt lưng xanh, đôi vòng bạc... Hành động bỏ đi khi vắng Nhếnh, hẳn Pùa đã suy nghĩ, mặc dù biết Nhếnh sẽ trống trải nhưng hy vọng, và Nín, người chị, người bạn gái tốt bụng, chắc cũng không muốn. Nhưng Pùa phải đi, đi xa, và hoàn lại Nhếnh bằng một lời giải mà cô cho là hữu hiệu. Lời giải ấy: “Bài thuốc chữa vô sinh này của họ Hà bị thất truyền từ lâu, em đã tìm được. Chúc anh chị được hạnh phúc. Em Pùa” (trang 19).

“Vách gỗ” đến đây dường như khép lại? Chưa! Lời giải của Pùa rõ ràng, Nhưng không hiện thực. Cây thuốc quý chỉ mọc trên đỉnh núi quanh năm mây phủ, thuốc phải hái trước khi mặt trời mọc, ba thang thuốc mới hiệu nghiệm, muốn đủ ba thang thuốc vô sinh này, phải đi lại ròng rã hàng tháng... Khó khăn ấy, người miền núi dân tộc như Nhếnh dễ dàng vượt qua. Nhưng, nghiệt ngã, vẫn không thể hiệu nghiệm khi thiếu một “vị” đặc hiệu, mà đó cũng là bí quyết duy nhất là “phải có ngón tay út của một người phụ nữ mắn đẻ đã được đốt thành tro để hoà cùng bát nước thuốc đã được cô lại” (trang 20). Thách thức này, với Nhếnh, với Nín, chắc không thể: Không thể có được một sinh linh xa vời nào đó mà phải đổi đi một phần nhân mạng. Vậy, Pùa là ai? Suy nghĩ vì dòng tộc của Nín, của Nhếnh, chắc không đến nỗi đáng trách. Nhưng việc chọn Pùa (theo tiếng Kinh có nghĩa là nâng đỡ), đưa Pùa vào cuộc, lại là một giải pháp đầy dụng ý của tác giả. Dụng ý ấy thể hiện rõ ở bài thuốc, bát thuốc lá cây của Pùa, phải có tro ngón tay út của người phụ nữ mắn đẻ! Đi giữa hư ảo và hiện thực, dân gian và hiện đại, tâm linh và khoa học, Pùa là ai? Bài thuốc hư thực của Pùa, thực chất là gì? Tác giả có ý để ngỏ, người đọc tự suy xét! Tôi không nghĩ truyện ngắn nào cũng cần có tròn trặn. Nhìn tổng thể, Vách gỗ, là một nghịch lý linh nghiệm… Một tiếng nói từ chối, tôi đồng tình với tiếng nói ấy của tác giả, nếu đúng.

                                                                       

                                                                                                           H.L.K

 

 

Các tin khác:

1-5 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter