Miền gái xinh qua tiểu thuyết “Tằng cẩu”

NGUYỄN THẾ QUYNH

 

Dự thảo từ khi viết bút ký “Miền gái xinh” và truyện ngắn “Sao tổn khuống”, đến đầu năm Quí Mão (2023) nhà văn Hoàng Thế Sinh cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Tằng Cẩu”. Dù hư cấu bạn đọc vẫn dễ nhận ra bóng dáng của vùng quê Tây Bắc- Mường Lò gạo trắng nước trong với những con người thuần hậu đẹp nết đẹp người cùng một nền văn hóa giàu bản sắc tộc người Thái đang ngày càng khẳng định giá trị khi xã hội có nhiều biến chuyển.

Mở đầu tiểu thuyết, tác giả đưa bạn đọc đến với không gian Mường Sưa. Vùng đất này quả là giàu và đẹp, ai đã sinh ra và lớn lên ở nơi đây chẳng nỡ rời. Chẳng thế mà một du khách trẻ nước ngoài khi đến Mường Sưa vì mê cảnh, yêu người ngỏ lời với Hoa Ban đưa cô sang Mỹ đã nhận được câu trả lời “Là bên Mỹ không có những dãy núi cao sừng sững như núi Khau Tít phía Đông, núi Khau Phạ phía Tây, núi Pú Lo phía Nam, núi Giàng phía Bắc, với mênh mông rừng xanh, ngạt ngào muôn hoa lá, với ríu rít chim sơn ca hót mỗi sm mai, với bồng bềnh mây trắng mây vàng, đẹp như tranh vẽ. Bên Mỹ không có cánh đồng Mường Sưa trồng cây lúa làm ra hạt gạo Séng Cù thơm ngon, không có cây lúa làm ra hạt gạo Nếp Tan bùi, dẻo ngọt, thơm nức, không có suối Xia trong mát để cho gái Thái xinh đẹp tắm mát mỗi chiều, không có suối khoáng nóng Cò Cọi cho gái Thái xinh đẹp tắm ấm áp mỗi sớm mai, không có rừng hoa ban nở trắng ngần mỗi mùa Xuân về, không có Hội lồng tồng, không có hát giao duyên Hạn khuống, không có múa xòe, không có các tục cúng Xên bản Xên mường, Xên lẩu ló, Xên đông, không có nhiều thứ ăn ngon như mọi người vừa thưởng thức đây, thì em làm sao bỏ được Mường Sưa chứ?”. Cũng như cảm nhận của chính nhân vật Bùi Tắc Kin trong tác phẩm, con người ở đây đẹp “là do con gái Thái ăn hạt gạo, hạt ngô, củ sắn ngọt bùi trên núi cao bốn mùa sương giăng mây phủ, ăn cái rau ngọt, rau lành trên rừng xanh tươi xanh, uống cái nước trong, nước mát của con suối chảy tự nguồn núi cao, tắm cái nước trong nước mát nước ấm chảy từ thăm thẳm lòng đất mẹ, và nữa cả tuổi ấu thơ uống mãi những câu dân ca Thái trữ tình trong lời mẹ ru...”. Còn con trai, nếu không đẹp dáng vẻ thư sinh như Xênh mái tóc xanh dày, gương mặt trái xoan, tràng mày dài rậm, đôi mắt to tròn long lanh, miệng mím mím tươi hồng như miệng con gái, giọng nói và giọng hát của Xênh cũng thánh thót ngọt ngào như giọng con gái” thì cũng mang nét khỏe khoắn như cây, như đá trên rừng Pú Lo.

Nội dung tác phẩm xoay quanh chuyện tằng cẩu (búi tóc). Đây là một tập tục truyền thống của tộc người Thái mỗi khi con gái đi lấy chồng “Con gái mà không được tằng cẩu thì có khác gì cái cây không ra hoa không có quả, bị người đời chê cười, buồn lắm. Và nhất là “cái sự trớ trêu của con gái, chưa tằng cẩu mà đã có con, cái điều cấm kỵ với tộc người Thái, rồi bà biết nói với dân bản thế nào chứ?”. Thật không may hay chính số mệnh đưa đẩy khiến nhân vật chính Lò Nhi Hoa Ban lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu ấy. Cái tên Hoa Ban, nói như Mẹ Nếp “đấy là tên do bố con đặt cho. Bố con bảo, có hoa lúa mới có quả lúa, quả lúa cho hạt gạo nuôi sống con người, cái tên Lò Nhi Hoa Lúa là có ý nghĩa lắm. Còn con là Lò Nhi Hoa Ban, loài hoa mà ai cũng thích, ai cũng cũng yêu, ai cũng say mê ngắm nhìn, loài hoa ban đẹp nhất rừng Tây Bắc đấy. Điển hình cho những gái xinh ở Mường Sưa, Hoa Ban càng lớn càng xinh nên sớm lọt vào ống kính của chàng nghệ sĩ Vỹ Vỹ “Ngắm cô qua ống kính rum cận, anh ô lên một tiếng kinh ngạc và đứng ngây nhìn. Vỹ Vỹ nhìn Hoa Ban đăm đắm, miệng lẩm bẩm, ôi giời, hoa ban là nàng hay nàng là hoa ban chứ, nàng kìa, đầu đội khăn piêu rực rỡ hoa văn, dáng cao, chân dài, eo kíu manh po là cái eo con tò vò thon nhỏ được quấn khéo vòng khăn xanh, ngực căng nức hàng cúc mắcpém bởi hai vú chúm chúm như cây măng vầu mới mọc, mông mẩy trễ dây xà tích bạc óng ánh, gương mặt nàng hồng tươi, mắt bồ câu ướt long lanh, tràng mày rậm dài cong, mũi thẳng, làn môi mọng thắm như hoa đào mùa xuân, nụ cười chúm chím, hai cái mấm bạc gắn bên tai lấp lánh, cái vòng bạc đeo tròn cổ hươu lấp lánh, ơi cái người ấy ơi, nàng Tiên núi ơi, sơn nữ Thái ơ-ơ-ơi, sao em xinh thế, em làm khổ anh rồ-ồ-ồ-ồi...”. Chính vì vậy, ngay từ lúc còn là học sinh phổ thông trung học Hoa Ban đã nổi tiếng với danh hiệu ảnh “Hoa đẹp Mường Sưa”. Được nhiều người yêu và mến mộ như Xênh, Vy Sao bạn học thuở thiếu thời, kĩ sư Lò Như Đin, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vỹ Vỹ nhưng cũng không tránh khỏi tham vọng chiếm đoạt của những kẻ lắm tiền, hám gái như Bùi Tắc Kin, Phỷ. Hoàn cảnh gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ già, chị đi lấy chồng nên ước mơ học đại học nông nghiệp sau này làm cán bộ đành gác lại để theo lớp hướng dẫn viên du lịch. Số phận đưa đẩy khiến cuộc đời cô sao mà lắm truân chuyên: mẹ ốm phải đi viện điều trị và mắc món nợ hai trăm triệu đồng chưa biết ngày nào trả xong; thích làm hướng dẫn viên du lịch để có điều kiện giới thiệu nét đẹp quê hương với du khách trong và ngoài nước nhưng công việc phập phù, thu nhập thấp nên phải vào làm cho trang trại Pú Lo của ông chủ Tắc Kin với vô vàn cạm bẫy; yêu Xênh thì Xênh lại chuyển giới khi theo học Trường Sân khấu- Điện ảnh; yêu kĩ sư Lò Như Đin thì bị Phỷ phá đám, ông chủ Bùi Tắc Kin tìm mọi cách chiếm đoạt và sau này cướp cả đứa con trai dứt ruột đẻ ra; cho đến lúc tưởng như đạt được hạnh phúc đời người con gái Thái là tằng cẩu thì lại bị Tắc Kin cùng lũ tay chân Xế, Mốc cắt mất mái tóc dài… Ngẫm lại đời mình, Hoa Ban đôi lúc không khỏi trách móc ông Trời “Loạng choạng về nhà, suốt đêm Hoa Ban không ngủ, nghĩ thương phận mình bất hạnh, bị ông chủ Tắc Kin cưỡng hiếp, yêu đương chưa hết đắm say, sinh con không được đàng hoàng, sắp đến ngày tằng cẩu thì bị cắt mất tóc, phạ đin ơi, Hoa Ban thầm kêu trong lòng, sao trời không thương người xinh người đẹp, sao trời cứ hại người tốt người hiền?. Muốn lý giải nỗi khổ đời người con gái đẹp là số mệnh chăng mà tác giả sau này cũng để cho đứa con của cô mang tên Lò Như Bun, theo tiếng Thái nghĩa là số mệnh. Song cái quy luật “nhân định thắng thiên” hay thiên lương của con người đã giúp Hoa Ban đứng vững và vượt qua số phận. Sống xung quanh những người tốt như thầy mo Lò Văn Biên, kĩ sư Lò Như Đin, bạn học Vy Sao, Giàng Mỉ Châu…, cô gái đẹp Mường Sưa nhận được nhiều lời khuyên, động viên tinh thần lẫn sự giúp đỡ về vật chất và bảo vệ tính mạng cùng hạnh phúc. Tình yêu với chàng kỹ sư Đin là một mối tình đẹp, trong sáng dẫu rằng để đạt tới viên mãn cũng phải trải qua vô vàn gian nan. Thiện cảm dành nhiều cho cặp đôi này khiến ngòi bút tác giả dễ dàng cảm thương với những đau đớn, vật vã của nhân vật “Giọt máu trong trong người cô không biết là của anh Đin hay của lão Tắc Kin khốn nạn kia? Cô phải tránh xa chốn này, phải nén mình chờ đợi..., phải chịu khổ, chịu đau, chịu nhục nhã, và chờ đợi...”; hay hòa điệu cùng sự ngọt ngào của giấc mộng lứa đôi “Ôi, rừng ban trắng ngần hoa ban làm cho cả cánh rừng sáng bừng và tỏa hương thơm ngào ngạt. Cô buông tay Đin, lững thững bước quanh các gốc cây ban, thỉnh thoảng lại ngẩng lên, vin một cành ban trĩu trịt hoa trắng ngần ấp lên mặt, lên ngực, hít hà mãi cái mùi hương hoa dịu ngọt, ư ư, mùi hương hoa rừng sao mà thơm kỳ lạ, cô khép nhẹ hàng mi và khẽ gọi: "Anh Đin ơi, lại đây với em nào!", Đin chạy đến bên cô, cũng vin một cành ban trĩu trịt hoa trắng ngần, không phải để hít hà hương thơm mà ấp chập lên ngực cô, ô này, như cả một rừng hoa ban trắng ngần nở trên ngực cô, sung sướng quá, cô cười khúc khích, chợt Đin ôm siết cô, đặt lên môi cô cái hôn nồng cháy, cô lịm người, cảm giác cái hôn ngọt ngào và dịu thơm hơn cả hương thơm hoa ban kia, và cô buông cành hoa ban, vòng tay ôm siết lấy cổ Đin, hai người ngả xuống gốc ban, ấm mềm trên mền lá ban rụng, rồi lịm mãi, lịm mãi...”. Kết thúc có hậu là tất yếu khi cái thiện thắng cái ác: tóc Hoa Ban dài trở lại, tằng cẩu được thực hiện trong không khí ấm cúng của lễ cầu mùa, cầu phúc đầu xuân và lứa đôi hạnh phúc vuông tròn “Nghe thằng Như Bun nói thế, Đin cười mủm mỉm, nói nhỏ vào tai Hoa Ban: "Chưa tằng cẩu mà đã sinh ra thằng Như Bun rồi nhỉ?", Hoa Ban cười ngượng nghịu, tay mân mê chiếc vòng bạc bùa hộ mệnh và xoa xoa vồng ngực căng nức như ức chim gâu đực của Đin, cũng nói nhỏ vào tai Đin: "Ghét anh!", rồi ngả đầu tựa vào vai Đin, cảm nhận như tựa vào núi Pú Lo, bình yên và hạnh phúc vô cùng.

Tiêu biểu cho phái mạnh xứ Mường Sưa là chàng trai Bản Ten, kĩ sư Lò Như Đin. Vốn tính hiền lành, nhân hậu lại được bác Tào Liên Khương bên Vân Nam truyền dạy võ nghệ và nhiều bài thuốc quí nên giàu lòng trắc ẩn, sẵn sàng cứu giúp người ngay: ngăn chặn sự manh động của Phỷ quậy phá cuộc trưng bày ảnh của nghệ sĩ Vỹ Vỹ; chiến đấu chống lại lũ côn đồ Xế, Mốc quen thói ức hiếp người lành; không quản gian nan lên rừng tìm cây thuốc Máu Rồng về chữa bệnh cho Mẹ Nếp; cứu Hoa Ban khỏi nanh vuốt ông chủ Bùi Tắc Kin cùng tìm lại đứa con trai cho cô… Ở Lò Như Đin, tình yêu lứa đôi trong sáng nên có sức mạnh để “tam tứ núi cũng trèo, thập bát sông cũng lội, ngũ lục đèo cũng qua”. Thương Hoa Ban, thông cảm với hoàn cảnh của cô mà chia sẻ niềm vui, nỗi buồn khi người yêu gặp nạn “Thương cô, Đin lên Rừng Thiêng Pú Lo đào rễ cây Máu Rồng, đem về sắc cho cô uống mỗi ngày để cô thôi đau đầu và ngủ ngon hơn. Đin lên rừng đào rất nhiều củ hà thủ ô đem về xao vàng sắc đặc cho cô uống, thuốc quí làm cho tóc cô mọc lại, mọc nhanh, mọc dài. Đin lấy nước gạo gội đầu cho cô mỗi sớm mai. Đin ra ven suối Cò Noòng tìm cây hương nhu về gội đầu cho cô mỗi chiều hôm. Đin chảy hoa bưởi gội đầu cho cô suốt mùa xuân. Và lạ thay, cuối mùa xuân thì tóc cô đã dày, xanh mướt như rêu đá, xỏa dài mãi xuống cạp váy”. Rồi sau này chính anh đã trở thành chỗ dựa vững chắc của hai mẹ con trong ngôi nhà hạnh phúc. Không chỉ là người chồng, người cha tốt, Lò Như Đin còn là con người của cộng đồng dân tộc Thái Mường Sưa.Yêu cánh đồng lúa chín trĩu bông vàng thơm mùi hương nếp Tan lả cùng hạt gạo Séng cù; yêu và có trách nhiệm với việc bảo vệ Rừng Thiêng Pú Lo nghìn năm tuôi. Anh cũng là người duy nhất có khả năng thần giao cách cảm để gặp được Pẩu pú Lò Luống với ước mơ dựng lại ngôi nhà sàn lạ làm nơi trú ngụ cho linh hồn cụ và cụ bà Điêu Jỳ Sơn. Đại diện cho cái thiện chống lại cái ác, nhân vật LòNhư Đin hay chính là phát ngôn của tác giả về lòng yêu thương và trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người.

Trong tiểu thuyết “Tằng cẩu”, cái ác luôn hiện diện bằng chính lòng tham của con người. Chỉ một Bùi Tắc Kin cùng lũ tay sai Phỷ, Xế, Mốc mà gây nên bao buồn đau cho dân Mường Sưa. Nhìn vào cái tướng mạo của ông chủ trang trại Pú Lo  Ư, vẻ trẻ trung lắm, cũng điển trai chứ, dáng cao ráo, nước da trắng, mái tóc xanh cắt gọn, chải mượt, xức nước hoa thơm nồng, giọng nói nhẹ nhàng dễ nghe, chỉ tội mặt hơi dài và gãy, răng hơi vẩu tí, nhưng được đôi mắt to sáng ánh lên vẻ thông minh, cái miệng tươi duyên, mũi dài, với đôi mắt kính trắng tròn gọng vàng, ra dáng trí thức hơn là một ông chủ trang trại chuyên nuôi ba ba, nuôi gấu, nuôi ngựa bạch, chuyên xẻ gỗ và xẻ đá” thật khó nhận ra bản chất lưu manh. Nhưng với lòng tham “Nếu có vàng, có thật nhiều vàng thì con người có th mua được rất nhiều thứ mà con người muốn, như mua được nhà lầu, xe hơi, mua được cả chức tước quyền thế cao sang, mua được cả gái xinh gái đẹp nữa ạ!” thì hắn không từ bất kỳ việc làm hay thủ đoạn nào: xẻ gỗ lậu, khai thác phi pháp tài nguyên đá cảnh, bỏ việc nhà nước lao vào con đường kinh doanh bất động sản, rồi “vì đất quanh thị trấn Mường Sưa mua bán mãi cũng hết, Tắc Kin nghĩ ngay việc kinh doanh những gì phù hợp với vùng rừng núi mênh mông và đẹp như tranh vẽ này. Tính toán mãi, Tắc Kin quyết định mua đất rừng dưới chân núi Pú Lo để làm trang trại”. Có thể nói Bùi Tắc Kin là hiện thân của loại người dựa vào kinh tế thị trường, bám vào những nhóm lợi ích để làm giàu bất chính. Và khi trong tay sẵn có đồng tiền dám làm tất cả: xúi giục Phỷ tham gia dắt gái, cho tay chân đánh người chân thực, hại đời bao con gái nhà lành, bắt cóc người cùng phá hoại hạnh phúc gia đình Hoa Ban… Dẫu chưa bị pháp luật trừng trị song lương tâm cắn dứt và chết trong sự đau khổ của kẻ khi sống nặng Tham, Sân, Si. Và thông điệp tác giả cuốn tiểu thuyết muốn gửi đến người đọc là “Cõi trần gian bình yên hay không đều do con người định đoạt cả. Chiến tranh. Hòa bình. Vui. Buồn. Đau khổ. Hạnh phúc. Tất cả đều từ con người mà ra đấy thôi!”. Vậy hướng thiện cũng là xu hướng tất yếu của văn chương khi viết về cái ác.

Đọc Hoàng Thế Sinh ta gặp giọng văn đậm chất thơ quen thuộc. Với không gian nghệ thuật là một vùng quê cảnh đẹp, người xinh, giàu truyền thống văn hóa thì đây lại là lợi thế để tác giả phát huy sở trường. Mường Sưa luôn được miêu tả trong niềm hứng khởi, sự rung động của tâm hồn. Một buổi sớm mùa hạ bầu trời mở ra mênh mang; một mùa thu nắng hây hây vàng tôn thêm cái rực rỡ của cánh đồng Mường Sưa lúa chín trĩu bông vàng… Rồi cảnh thanh bình suối Xia mỗi lúc chiều đổ bóng “Các chàng trai Thái đi mảng nứa, vung rộng vòng chài úp chụp cả bóng núi với mặt trời làm dậy sóng long lanh ánh chiều. Vỹ Vỹ vừa xem quăng chài vừa ngó sang bờ xa, phía bên đồng Mường Sưa, dưới bóng tre xanh, ới kìa, ríu ríu các thiên thần xao noọng đi tắm suối Xia, váy cuốn cao lên đến cổ, lộ chân dài trắng như nõn chuối, cười khúc khích, tóc xanh mượt xỏa dài theo dòng nước xanh”. Nhiều sinh hoạt văn hóa cũng được tác giả dựng lại sinh động với năng lực quan sát kĩ càng như: ẩm thực, giã cốm đêm trăng, hội Lồng tồng và hát giao duyên bên sàn hạn khuống, lễ cầu phúc, cầu mùa, tằng cẩu… Đặc biệt múa xòe vốn là đặc trưng riêng của tộc người Thái “Mở đầu cuộc đón tiếp bằng múa xòe trên nhà sàn. Mười ba sơn nữ Thái gương mặt xinh tươi như hoa ban mùa xuân, tóc xanh buông dài, áo cóm trắng với hàng cúc mắcpém lấp lánh ôm sít eo ong, váy đen quấn khéo khăn xanh với vòng dây xà tích trễ mông mẩy, mắt sáng như sao, các nàng nhón chân trần kéo vòng tròn, và nâng khăn vẫy chào. Ơi kìa, các sơn nữ Thái thật giống các thiên thần mà nhà trời giáng xuống trần gian. Nào trống lên! Tùng tùng tùng! Chiêng nữa, chập cheng chập cheng. Quả nhạc leng keng leng keng. Và khèn bè tí tí tò, tò tí tí tò..., sáo nữa, pí pặp, pí thiu, pí lè, pà pi pà, piu pà piu... Các sơn nữ Thái bắt đầu múa, chân nhún nhẩy, và hình như gót sen còn vương mùi bùn ngấu chua và mùi thơm nức quả lúa chín, tay mềm tung khăn, miệng cười tươi”. Riêng ngôi nhà sàn Thái với cấu trúc ba gian hai chái, cột nhà to cả vòng tay ôm đều làm bằng gỗ chò chỉ, mái lợp rơm rạ phủ dày rêu xanh, hai đầu mái nhà là hai chiếc khau cút căm đã trở thành biểu tượng không thể thiếu của Mường Sưa. Thế nên việc dựng nhà sàn lạ trong rừng Pú Lo và qui ước không bán ngôi nhà cha ông để lại như một thông điệp về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đọc văn anh ta cũng thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ảo và thực. Khi miêu tả tác giả hay gắn nhân vật với những giấc mơ và thông qua đó mà làm rõ tâm trạng buồn vui, thái độ yêu ghét cùng khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Và cũng tỏ ra khá am hiểu về văn hóa của tộc người Thái mà phóng tác hẳn truyền thuyết Nàng Ban mới bao quát nhiều sự kiện nhằm lý giải nguồn gốc hoa ban cùng vùng đất giàu sản vật, lắm lễ hội. Ai đã từng đọc Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) hay có dịp tìm hiểu sâu về dân ca Thái hẳn chẳng ngạc nhiên trước việc tác giả đưa khá nhiều thành ngữ dân gian vào trong tác phẩm như “Cái ngườiNàng dóng đổ xéo nộc cốt canh/ Nàng xé cánh pắn phải pên bók so se (Ngồi xổm thêu được hình chim phượng hoàng/ Ngồi nghiêng quay sợi thành chúm hoa so le) kia mà chẳng ai lấy thì gái bản Cò Lả, gái Mường Sưa này ế hết à”. Hay các bài đồng dao, lời hát khắp “Em ơi, sam síp khuôn mang nả, hả síp khuôn mang lăng (ba mươi hồn đằng trước, năm mươi hồn đằng sau) của anh đã treo ở ngõ nhà em, vía anh đã ém tận chân cầu thang nhà em, anh bặc chàng (chọc sàn) chín lần mà em chẳng dậy mở cửa, anh thổi khèn chín đêm mà em chẳng xuống cầu thang, sao em cứ im lặng thế, khiến anh buồn như mùa đông mây mù lạnh lẽo, em ơi". Không phải là lạm dụng mà tác dụng làm giàu ngôn ngữ nghệ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả thẩm mĩ.

Viết về Tây Bắc- Mường Lò và tộc người Thái, Hoàng Thế Sinh thuộc số ít nhà văn hướng ngòi bút về mảng đề tài miền núi. Bên cạnh giá trị khảo cứu phong tục, tiểu thuyết Tằng cẩu còn là bài ca về những giá trị người và lời cảnh báo về sự băng hoại nếu không chú ý giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

N.T.Q

 

 

Các tin khác:

1-5 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter