Mô hình nghệ sĩ – trí thức

Xét trên đại lượng lớn, mỗi thời đại sẽ sinh ra một/hơn một mô hình nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ) tương ứng tiêu biểu. Tuy nhiên, do quyền lực ý hệ, trong số một/hơn một mô hình đó, sẽ có một mô hình duy nhất được lựa chọn làm đại diện, ở vị trí trung tâm, những mô hình còn lại trở thành thứ yếu, ngoại biên. Nhưng rồi cũng lại do sự biến thiên của lịch sử, vai trò trung tâm/ngoại biên có thể có sự đắp đổi, luân phiên, không thứ tự, và tùy thuộc.

Thực ra khi đặt vấn đề mô hình nghệ sĩ, chúng tôi vẫn nghĩ, suy cho cùng, nghệ sĩ chính/chỉ là nghệ sĩ mà thôi với tất cả phẩm hạnh cần thiết của nó. Tuy nhiên, khái niệm “nghệ sĩ” luôn mang tính lịch sử, không có  nghệ sĩ chung chung, đúng với mọi thời. Chính vì thế mới sinh ra khái niệm mô hình nghệ sĩ mà ở đó mỗi mô hình mang một nội dung xã hội tương đối xác định.

Có thể nhìn lịch sử văn học Việt Nam nói chung, và nền thơ nói riêng qua các mô hình nghệ sĩ, từ đó sẽ gợi lên một số vấn đề thuộc về sự sáng tạo và chất lượng nghệ thuật.

Nhà lý luận phê bình Văn Giá

1. Trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại, các tác giả văn học, chủ yếu là các nhà thơ được hình dung theo một số kiểu tác giả như: nghệ sĩ-thiền sư, nghệ sĩ –nhà Nho (được hình dung qua ba kiểu: hành đạo, ẩn dật, tài tử[1]). Đến thời thơ văn yêu nước cuối XIX đầu XX, nền văn học xuất hiện một mô hình khác: nghệ sĩ – chí sĩ. Ở đây, khái niệm “chí sĩ” nhằm chỉ những người mang tinh thần yêu nước, chống xâm lược, không chịu làm nô lệ, lấy thơ ca để nói chí, kêu gọi ý thức và sức mạnh đoàn kết  dân tộc. Với những tấm gương xuất sắc như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng…, các nhà nghệ sĩ này được gọi là “nhà thơ chí sĩ”, tiếp tục mô hình nghệ sĩ nhà Nho hành đạo của văn học trung đại trong bối cảnh mới.

Sang thập niên thứ ba của thế kỷ XX, khi các điều kiện đô thị, văn hóa, tư tưởng, con người cá nhân phát triển dưới sự ảnh hưởng của phương Tây, văn học cũng thay đổi theo. Các chủ thể sáng tạo văn học thời kỳ từ những năm 1930 trở đi đã hầu như đoạn tuyệt với tinh thần “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” của văn học trung đại. Họ tiến hành theo đuổi “mỹ văn”, văn học được là văn học, văn học thuộc nghệ thuật ngôn từ. Phong trào Thơ mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn, các nhà văn hiện thực giai đoạn 1930-1945 ý thức rất rõ công việc sáng tạo văn học, đề cao tính nghệ thuật, đưa nghệ thuật lên bình diện thứ nhất, hoặc ít nhất là song hành với tính xã hội. Văn xuôi Tự lực văn đoàn chống lễ giáo phong kiến cổ hủ, khẳng định con người cá nhân, tự do các nhân, cổ súy lối sống văn minh và các giá trị nhân văn tiến bộ. Thơ mới cũng vậy, đề cao cái tôi cá thể, khát vọng tự do, tình yêu, tôn thờ tiếng Việt…Thời đại mới sinh ra mô hình nghệ sĩ mới: nghệ sĩ độc lập. Ở những con người này, tinh thần tự do sáng tạo được xem như một tiêu chuẩn và phẩm giá cao nhất. Họ được quyền lựa chọn đứng riêng hoặc nếu có tham gia một đoàn thể, nhóm phái nào đó cũng cốt để sao cho việc được sống và viết, biểu đạt lý tưởng của mình một cách tự do nhất.

Trong giai đoạn từ 1930-1945, Đảng cộng sản được thành lập và dần dần xác quyết vai trò kiến thiết xã hội mới, nên có một bộ phận các văn nghệ sĩ đi theo lý tưởng này. Nhiệm vụ của các văn nghệ sĩ là ca ngợi tuyên truyền đường lối cách mạng, chiến đấu chống kẻ thù, xây dựng xã hội mới, biến văn nghệ trở thành công cụ và phương tiện của cách mạng. Từ bài thơ “Là thi sĩ” (1942) của Sóng Hồng đến câu nói của Hồ Chủ tịch: “Văn hóa nghệ thuật là mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (1952) đã dần xác nhận một danh xưng mới: “Nghệ sĩ- chiến sĩ”. Khi công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp thắng lợi, từ sau 1954 ở miền Bắc chủ trương xây dựng nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa và là duy nhất, không chấp nhận bất kỳ các trường phái, trào lưu, phương pháp văn nghệ nào khác. Có thể nói, kéo dài suốt từ sau năm 1945 đến công cuộc Đổi mới được khởi xướng (1986), toàn bộ nền văn nghệ chính thống của chúng ta là sản phẩm trọn vẹn của các chủ thể sáng tạo thuộc mô hình “Nghệ sĩ/Nhà văn/Nhà thơ-chiến sĩ”. Những nghệ sĩ thuộc mô hình này đề cao lý thuyết phản ánh, lấy phản ánh hiện thực làm phương pháp sáng tác duy nhất, lấy nội dung tư tưởng xã hội làm giá trị cao nhất, không chấp nhận con người cá nhân, không thừa nhận những trào lưu văn nghệ hiện đại của thế giới…Trong khi đó, ở miền Nam từ 1954 đến 1975, đã có một nền văn học thực sự phát triển với khá nhiều thành tựu đa dạng, đặc sắc. Đây là một khu vực văn học đã và đang được nghiên cứu trở lại, dần được đánh giá một cách khách quan, khoa học và công bằng hơn.

2. Trở lại với ý tưởng ban đầu đã nói, mỗi thời đại có thể sản sinh ra một vài mô hình nghệ sĩ, trong đó có một mô hình được/bị kiến tạo ở vào vị trí trung tâm. Vào thời kỳ Lý- Trần chẳng hạn, bên cạnh mô hình nghệ sĩ-thiền sư vẫn có mô hình nghệ sĩ-hoàng đế/ quân vương/tướng lĩnh. Ngay cả mô hình nghệ sĩ-thiền sư này vẫn kéo dài sang triều đại nhà Lê khi mà Phật giáo đã chuyển giao vai trò quốc giáo sang Nho giáo, mở ra thời kỳ ba mô hình nghệ sĩ nhà Nho kể trên. Hay trong mô hình “nghệ sĩ-chiến sĩ” tiêu biểu của thời 1945-1986, nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng vượt thoát để trở thành nhà thơ phi đại chúng hóa ở thời điểm ông chủ trương thơ không vần; nhà thơ Nguyễn Duy cũng lại vượt thoát để tồn tại như một nhà thơ “Hiện – đại – cổ – điển”[2]. Đặc biệt, trong giai đoạn từ sau 1954 đến 1986, xét riêng ở phía Bắc, ngoài mô hình “nghệ sĩ –chiến sĩ” cũng đã xuất hiện một dòng ngoại biên, ngoài lề: các nhà văn/thơ trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm hoặc có liên lụy đến nhóm này. Cũng từ đây, nền thơ đã bắt đầu có sự phân hóa cả trên cấp độ lớn (toàn thể) và cả cấp độ nhỏ, như bộ phận ngoại vi chẳng hạn. Do sống và viết trong những hoàn cảnh đặc biệt, không hội nhóm, không xuất bản, không tuyên ngôn, không/ít tiếp xúc với bạn văn và độc giả, nên về cơ bản, mỗi tác giả có chí hướng tạo nên một chi lưu riêng. Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung; sau chút là Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng, mỗi người ít nhiều đã tạo nên một KHÁC BIỆT. Một khi người nghệ sĩ vì điều kiện nào đó, họ duy trì được khoảng cách với số đông/ phong trào cộng với tài năng, họ đủ mạnh đứng độc lập. Nhìn sang văn học miền Nam 1954-1975, xét riêng trong lĩnh vực thơ, cũng có một số gương mặt đủ mạnh xác lập cho mình một tiếng nói khác biệt như Thanh Thâm Tuyền, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Mỗi người một vẻ, họ đều là những nghệ sĩ độc lập.

Tất cả những đặc điểm và phẩm hạnh của các mô hình nghệ sĩ kể trên, tuy  biến thiên theo lịch sử nhưng thực ra không hề biến mất, chúng  chuyển hóa, tích hợp, góp phần xác lập những mô hình khác tương thích. Thí dụ ngày hôm nay, vẫn cần tiếng nói nhập cuộc, ưu thời mẫn thế của mô hình nghệ sĩ –nhà Nho hành đạo và mô hình nghệ sĩ-chiến sĩ. Hay tinh thần của mô hình nghệ sĩ độc lập thời nào cũng cần để thúc đẩy cho sự tìm tòi và sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật mới. Tuy nhiên, khi được chuyển hóa và tích hợp, chính chúng cũng thay đổi cho phù hợp, không còn giữ nguyên như trước nữa.

Tôi nghĩ rằng, ngày hôm nay đã có đủ cơ sở thực tiễn văn học và các tiền đề lý thuyết để gọi tên lên một mô hình khác: “Nghệ sĩ-trí thức”. Trong bối cảnh thời đại đang chuyển động dữ dội theo hướng ngày càng phức tạp hơn; các đe dọa từ chiến tranh, khí hậu, môi trường, dịch bệnh, nghèo đói ngày càng khốc liệt; sinh mệnh con người,  quốc gia/dân tộc ngày càng bất trắc thì vai trò của trí thức trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tiếng nói của lực lượng trí thức nếu được coi trọng sẽ có khả năng điều hướng xã hội theo cách anh minh nhất. Văn học, nghệ thuật là một trong các lĩnh vực tất yếu của xã hội, nên không thể tách rời khỏi khung cảnh chung. Theo đó, các nghệ sĩ cũng phải chuyển đổi khác trước trong một tư thế và nội lực sáng tạo mới, với một tư thế và cốt cách trí thức.

3. Theo tôi, mô hình nghệ sĩ-trí thức ít nhất đòi hỏi cần có được một số phẩm chất tối thiểu dưới đây:

Thứ nhất, phải có một vốn liếng tri thức sâu rộng, đặc biệt là nền tảng triết-mỹ. Đây là điều mà ai ai cũng nói tới, nhưng để trở thành một ý thức mạnh mẽ, một thực hành thường xuyên trong đời sống và trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật thì đang còn rất khiêm tốn, và còn nhiều điều đáng bàn. Lâu nay vẫn nghe nói rằng nền văn học của chúng ta là nền văn học suy tư tưởng thì cũng không nên tự ái. Tư tưởng ở đây cần được hiểu là tư tưởng-thẩm mỹ, những suy tư sâu rộng về nghệ thuật và cuộc đời, về các giá trị thực sự cần theo đuổi. Nó không chỉ đơn giản là chuyện phản ánh, tố cáo, chống tiêu cực…Nó cần trầm tư vào số phận con người trong mối liên hệ với thế giới tự nhiên, với tha nhân, với lịch sử…

Thứ hai, cần có tiếng nói truy vấn, phản tư về đời sống và về chính mình theo cách của văn học, nghệ thuật. Một trong những chức năng của trí thức là phản tư, phản tỉnh, không để cho xã hội ngưng trệ, tự bằng lòng, hoặc rơi vào tình trạng phản bội các giá trị nhân văn cao quý. Nghệ sĩ sinh ra để thao thức và khiến người khác thao thức cùng. Xét theo tinh thần này, nền văn học của chúng ta đang còn khá khiêm tốn. Ở một phía, chúng ta đang tự trói buộc nhiều thứ, trong đó có nỗi sợ hãi thường trực, thâm căn cố đế; sợ ai đó, cái bóng nào đó. Ở phía khác, chúng ta đánh mất khả năng cảm thông một cách thật lòng và sâu xa với nhân quần, với tha nhân; ngược lại, tự phụ quá mức với cái tôi vô lối. Chưa một nền văn học nào, chưa có một tác giả nào trở nên thật lớn, kiệt xuất khi đánh mất mối dây liên hệ với cuộc đời, với tha nhân.

Thứ ba, nói tới tư cách trí thức là nói tới ý thức tự vượt các giới hạn; ở trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là ý thức làm khác/mới, cách tân. Nó ngược lại với sự lặp lại lười biếng, cùn mòn, thiếu cá tính sáng tạo. Sinh thời, GS. Hoàng Ngọc Hiến đã nói ở đâu đó rằng, trong văn chương, chỉ cần có một chút khác/mới so với trước đó và cùng thời đã là quan trọng. Trong sự đổi mới, có những cách tân lớn như thay đổi hệ hình, có những cách tân nhỏ như một xu hướng, một lối viết… chẳng hạn. Dù thế nào cũng đáng quý. Một nền văn học luôn được thôi thúc bởi sự tìm kiếm, cách tân, làm khác, làm mới thường trực, chắc chắn sẽ có những thành quả xứng đáng.

Hiện nay nền văn học của chúng ta không phải không có ít nhiều thành tựu, nhưng chưa đủ mạnh để xác lập một tư thế văn chương đĩnh đạc trong cộng đồng văn chương thế giới. Một nền văn học “tự sướng” sẽ làm tê liệt kỷ luật và khát vọng sáng tạo. Điều này trái ngược với tinh thần trí thức. Phản biện và tự phản biện chính là sự bảo đảm cho sự sống còn của nghệ thuật, và không chỉ nghệ thuật…

Tôi không là người bi quan. Nền văn học nào rồi cũng sẽ có cách đi riêng của nó. Tuy nhiên, nếu mô hình nghệ sĩ-trí thức (nhà văn-trí thức) được ý thức như một mô hình chủ đạo của hôm nay, tôi hy vọng nền văn chương sẽ chuyển động theo hướng tích cực hơn.

Tháng Giêng, Quý Mão 2023

PGS-TS VĂN GIÁ

 ________________________________

[1] Xem trong “Loại hình học tác giả văn học-Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam” của Trần Ngọc Vương, Nxb Giáo dục, 1995.

[2] Xem trong “Nguyễn Duy – Nhà thơ hiện đại Việt Nam (thực hành phân tích diễn ngôn văn học)” của Lã Nguyên, Nxb KHXH, 2021; tr.167. Khái niệm này được Đỗ Lại Thúy đưa ra lần đầu tiên trong bài viết “Tô Thùy Yên là hiện tại”, Tạp chí Sông Hương, số 364, tháng 6-2019; sau được đưa vào trong cuốn “Thơ rìa mắt”, Nxb HNV, 2021 dưới nhan đề: “Tô Thùy Yên đãng tử”. Dĩ nhiên, những định danh của hai tác giả này được quy chiếu từ góc nhìn hệ hình; còn các mô hình như trong bài viết này được quy chiếu từ nội dung xã hội học tác giả.

 

Theo Vanvn.vn

Các tin khác:

Louvre - Bảo tàng nghệ thuật danh giá nhất thế giới

ĐỖ NGỌC DŨNG

Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, với khối kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác, tinh hoa nghệ thuật vô giá của Pháp và thế giới. Nơi đây được chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1793.

ĐỖ NGỌC DŨNG

Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, với khối kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác, tinh hoa nghệ thuật vô giá của Pháp và thế giới. Nơi đây được chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1793.

Là một họa sĩ, từ lâu cái tên bảo tàng Louvre tôi đã được nghe nhắc nhiều lần, cũng được biết sơ sơ qua màn ảnh nhỏ. Vì thế, chuyến Tây Âu lần này, là cơ hội để tôi được đặt chân đến địa chỉ văn hóa đặc biệt này.

Một ngày nghỉ tự do ở Thủ đô Paris, nhờ sự hỗ trợ của cán bộ sứ quán đặt vé qua mạng trước đó hai ngày, chúng tôi đã có mặt tại sân chính mang tên Hoàng đế Napoleon của bảo tàng, ngước nhìn xung quanh là ba tòa nhà dài tráng lệ với nhiều tượng và phù điêu được trạm trổ tinh xảo. Không may cho chúng tôi, lúc này trời bắt đầu mưa nặng hạt, nhưng cùng với dòng người kiên nhẫn xếp thành 4 hàng dài cả trăm mét, để vào bảo tàng qua 2 cửa của mô hình Kim tự tháp bằng kính.

Qua tìm hiểu được biết: Louvre đầu tiên được xây dựng như một pháo đài để bảo vệ thành phố khỏi những cuộc tấn công theo mệnh lệnh của hoàng đế Phillipe-Auguste. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử xã hội Pháp, đến thế kỉ thứ 16, Louvre được trùng tu làm cung điện hoàng gia và sau đó vào năm 1793, nó được điều chỉnh và chính thức trở thành một bảo tàng nghệ thuật hàng đầu ở Paris. Louvre còn trải qua một cuộc đại trùng tu nữa ở giữa thế kỷ 19, để nó có diện mạo đẹp như ngày nay.

Louvre đúng như một cung điện đồ sộ với tổng diện tích là 210.000 m2, trong đó diện tích trưng bày là 60.600 m2. Cấu trúc độc đáo bao gồm 3 tổ hợp kiến trúc tinh xảo.

Louvre không chỉ độc đáo bởi các sưu tập hiện vật trưng bày mà còn độc đáo ở kiến trúc, điêu khắc, đặc biệt sự góp mặt của mô hình Kim Tự Tháp bằng kính (Pyramid) nằm ở chính giữa sân Napoléon của bảo tàng. Kim Tự Tháp bằng kính này do Kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa Leoh Ming Pei thiết kế, bắt đầu xây dựng năm 1983 và hoàn thành vào năm 1989 (dưới thời Tổng Thống Francois Mitterand). Bao bọc xung quanh Kim tự tháp chính là bảy đài phun nước hình tam giác hướng lối vào cho khách tham quan xuống tiền sảnh dưới tầng hầm.

Qua Kim tự tháp bằng kính, ánh sáng chiếu xuống sáng rõ những phòng trưng bày phía dưới và ở mỗi cánh Kim tự tháp đều có cửa riêng dẫn khách.

Không gian nghệ thuật bên trong

Dù dưới thời đệ nhất đế chế Pháp, nhờ những cuộc chinh phạt của Napoleon, nhiều tác phẩm nghệ thuật và hiện vật khảo cổ có giá trị được chuyển về Louvre. Tuy nhiên sau thất bại của Napoleon trong trận Waterloo, nhiều cổ vật được trở về với những quốc gia chủ nhân của nó.

Bảo tàng Louvre hiện đang lưu giữ khoảng 380.000 hiện vật, trong đó tại hệ thống trưng bày chỉ trưng bày, giới thiệu khoảng 35000 tác phẩm chia thành 8 bộ sưu tập tương ứng với 8 phần trưng bày. Là những bộ sưu tập khổng lồ về hiện vật từ cổ xưa nhất của Ai Cập cổ đại đến thế giới hiện đại, nghệ thuật Hy Lạp, La Mã, nghệ thuật Hồi giáo, hội họa, điêu khắc tạo hình và trang trí… Ngoài 8 bộ sưu tập chính, Louvre còn một khu trưng bày lịch sử của chính cung điện và một bộ sưu tập nghệ thuật Châu Á, Phi, Mỹ và Châu Đại dương.

Khu vực phương Đông cổ đại; gồm 100.000 hiện vật của nền văn minh cổ thuộc các nước Trung Cận Đông từ 8000 năm trước Công nguyên cho đến thời kỳ Hồi giáo.

Khu vực Ai Cập cổ đại; gồm 50.000 hiện vật giới thiệu chứng tích về các nền văn minh nối tiếp hai bờ sông Nin, từ thời Tiền sử tới thời Cơ đốc giáo.

Khu vực Hy Lạp, La Mã và Etruria cổ đại; với 45.000 hiện vật, dành cho các tác phẩm của ba nền văn minh Hy Lạp, La Mã và Etruria.

Khu nghệ thuật Hồi giáo; với 10.000 hiện vật, bao gồm các hiện vật được lấy cảm hứng từ Hồi giáo, trải dài suốt 1300 năm lịch sử của ba châu lục.

Khu vực hội họa; gồm 11.900 hiện vật, giới thiệu tất cả các trường phái phương tây từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19.

Khu vực điêu khắc; gồm 6.500 hiện vật là những tác phẩm thời Trung cổ, thời Phục hưng và hiện đại.

Khu vực nghệ thuật họa hình; gồm 137.479 hiện vật là những tác phẩm vẽ trên giấy, tranh phấn màu, tiểu họa, bản in, bản khắc, in thạch bản… và các chất liệu gỗ, da…

Khu vực nghệ thuật trang trí; gồm 20.704 hiện vật gồm các đồ vật của thời Trung cổ đến nửa đầu thế kỷ 19, hiện vật đa dạng, đồ trang sức, thảm đồng hồ, với nhiều chất liệu đồng, kim loại quý, ngà voi…

10 kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng của bảo tàng

Louvre có hàng ngàn kiệt tác nghệ thuật vô giá nhưng hãy tạm chọn ra 10 tác phẩm tiêu biểu nổi tiếng nhất và có lẽ xếp theo thứ tự như sau:

1. Bức tranh “Mona Lisa” (hay còn gọi là La Giocondo) của đại Danh họa Leonardo da Vinci. Đây là một trong những bức chân dung nổi tiếng nhất thế giới, được vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ dương tại Florence vào thế kỷ 16, trong thời kì Phục hưng Italy.

Lịch sử bức tranh Mona Lisa được vẽ từ năm 1503 đến 1506 (thế kỷ 16), khi Leonardo da Vinci đang đi tìm người bảo trợ cho bức tranh. Tuy nhiên, Ông đã không vẽ xong bức tranh này nên không được trả tiền, và cuối cùng ông mang theo nó khi đến Pháp 10 năm sau đó. Bức tranh này được đưa vào bộ sưu tập của vua Francis I, người bảo trợ cuối cùng của Da Vinci và là một trong những tác phẩm nguyên bản được trưng bày ở bảo tàng Louve từ năm 1797 theo thông kê của bảo tàng, mỗi năm có hàng chục triệu du khách đến đây để chiêm ngưỡng bức tranh thần bí này.

Mấy chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian, thậm chí còn bị lạc nhau khi mải mê xem những tác phẩm nguyên bản trưng bày trong bảo tàng. Đặc biệt là mãi mới tìm đến được nơi lưu giữ bức tranh này ở tầng 2 khu trưng bày. Cũng như mọi du khách chúng tôi cố gắng để có bức ảnh kỉ niệm trước bức tranh nổi tiếng này, mặc dù tất cả đều phải đứng cách bức tranh tầm trên 3m bởi một hàng rào đặc biệt.

2. Tượng thần chiến thắng "Nike of Samothrace" hay "Winged Victory". Đây là một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ bằng đá cẩm thạch, mô tả nữ thần Nike, vị thần tượng trưng cho chiến thắng. Bức tượng được nhà ngoại giao người Pháp Charles Champoiseau phát hiện năm 1863, tại đảo Samothrace, phía Đông Hy Lạp, trong tình trạng bị vỡ thành nhiều mảnh. Các mảnh vỡ được gửi về Paris, ghép lại và trưng bày ở bảo tàng Louvre. Mặc dù không còn nguyên vẹn nhưng Tượng thần chiến thắng Samothrace vẫn được xem như một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng bậc nhất.

3. Bức họa "Chiếc bè của chiến thuyền Méduse" (Le Radeau de la Méduse/ The Raft of the Medusa) của danh họa Théodore Géricault- một trong những người khai sáng ra chủ nghĩa lãng mạn trong hội hoạ. Đây là bức tranh làm bùng nổ một vụ scandal chấn động nước Pháp và cả thế giới những năm đầu thế kỷ 19. Bức tranh mô tả một nhóm người tuyệt vọng cùng cực trên một chiếc bè đang trôi nổi lênh đênh giữa biển khơi, đang vẫy gọi cầu cứu một con tàu xuất hiện nhỏ xíu ở tít đằng xa phía chân trời trong sự tuyệt vọng. Théodore Géricault vẽ bức họa này năm ông 27 tuổi. Phần máu trong tranh là kết quả tìm tòi không ngừng nghỉ của Géricault trong nhiều nhà xác.

4. Bức cẩm thạch "Psyche Revived by Cupid’s Kiss" (Psyche hồi sinh sau nụ hôn của Thần Ái tình). Tuyệt tác về tình yêu đích thực này được tạo ra vào năm 1787 bởi nhà điêu khắc tài hoa người Ý Antonio Canova theo trường phái Tân cổ điển. Trên một nền đá cẩm thạch, Canova dựng lại câu chuyện tình thần thoại của Thần Ái tình (kích thước xấp xỉ người thật) và nàng Psyche. Nữ thần Venus khiến Psyche bất tỉnh và ngủ vùi cho tới khi thần Cupid tới hôn lên môi Psyche. Sau đó nàng công chúa trần gian này uống một ly nước tiên và có thể sống bất tử với Cupid như những vị thần khác.

5. Bức họa "Death of Sardanapalus" (Cái chết của Sardanapalus) của Eugène Delacroix. Bức họa vẽ năm 1827 lấy đề tài từ vở kịch thơ “Sarnadapalus” của Byron. Vở kịch này lấy bối cảnh Assyria thời cổ với nhà vua anh hùng do đắm chìm trong một cuộc sống kiêu sa dâm dật, lại chuyên quyền tàn bạo. Sau đó vị vua này ra lệnh tiêu hủy toàn bộ tài sản của ông khi ông biết quân đội dưới quyền thất bại. Danh họa Delacroix chọn phần hay nhất của câu chuyện để vẽ - khi tất cả các thê thiếp và nàng hầu bị đem đi giết. Bức họa có đủ tính bạo lực, xa hoa quyền thế và gợi dục, núp dưới lớp vỏ "tranh lịch sử". Hiện bức tranh này được xem là tác phẩm đẹp nhất của viện bảo tàng mỹ thuật Louvre, hàng ngày nó hấp dẫn vô số người đến xem.

 

6. Tranh sơn dầu "Liberty Leading the People" của danh họa Eugène Delacroix, vẽ năm 1830. Cuộc cách mạng tháng 7 của dân chúng Paris đánh đuổi vua Charles X chính là điều thôi thúc Delacroix vẽ bức họa này. Ông đặt cô gái nửa lõa thể xinh đẹp vào vị trí nổi bật nhất của bức tranh, để cho nàng một tay đưa cao lá cờ tam sắc tượng trưng cho tự do, còn tay kia thì siết chặt khẩu súng có lưỡi lê tượng trưng cho cách mạng. Goethe từng ca ngợi Delacroix là người đã thực hiện “Sự hòa hợp một cách kỳ lạ giữa thiên đường và nhân gian”. Hình tượng của vị Nữ thần Tự do này làm say mê nhiều người nhất trong hội họa của nước Pháp. Nó đã cùng với Khải hoàn môn và tháp Eiffel trở thành tượng trưng cho nước Pháp và nền văn hóa Pháp.

7. Tranh "The Moneylender and His Wife" của danh họa Quentin Metsys, vẽ năm 1514. Quentin mô tả chính xác tới từng chi tiết mọi nét tính toán của người chồng tham lam làm nghề cho vay tiền và người vợ "cùng hội cùng thuyền". Người ta có thể thấy hai con ngươi mắt họ đếm từng đồng xu và cẩn thận ghi chú trọng lượng của chỗ vàng trên bàn.

8. Tượng thần Vệ Nữ, ra đời khoảng 130-100 trước Công Nguyên. Từ tượng điêu khắc Venus de Milo này mà người ta được biết những tượng điêu khắc bên trời Tây Âu đã dùng làm tiêu chuẩn để tạc đàn bà khỏa thân. Khuôn mặt thụ động trung dung, khác hẳn với đường cong mềm mại uyển chuyển của thân hình, điển hình khuôn mặt Hy lạp.

9. Bức họa nổi tiếng "The Coronation of Napoleon I and Coronation” của Josephine in the Cathedral of Notre-Dame de Paris on 2 December 1804" của Jacques-Louis David, vẽ năm 1806- 1807. Bức tranh vẽ về lễ Đăng quang của Napoleon, rộng 10m và cao 6m- là một trong những kỉ lục tuyệt vời trong lịch sử hội họa nước Pháp.

10. Tranh sơn dầu "La Grande Odalisque" của Jean Auguste Dominique Ingres, vẽ năm 1814. Bức tranh vẽ một vị cung phi với những chi tiết thon dài có chủ ý của họa sĩ. Nhiều người đương thời cho rằng họa sĩ Ingres đã miêu tả một nàng cung phi có hình thể thiếu tính hiện thực trong giải phẫu. Bức tranh đã gặp phải nhiều chỉ trích trong lần ra mắt đầu tiên.

Bảo tàng Louvre đã đi vào lịch sử như là một công trình kiến trúc độc đáo, một biểu tượng của nước Pháp. Và đã được du khách thế giới đánh giá là một trong những công trình kiến trúc có nhiều cái nhất:

- Là bảo tàng lớn nhất thế giới.

- Là cung điện của nhiều triều đại nhất.

- Là biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có nhất.

- Là bảo tàng sở hữu nhiều bộ sưu tập khổng lồ, những kiệt tác vô giá nhất.

- Là bảo tàng được truy cập nhiều nhất thế giới (qua website).

- Là bảo tàng đón nhiều khách tham quan nhất thế giới.

- Là bảo tàng có kiến trúc độc đáo nhất.

- Là bảo tàng có kim tự tháp bằng kính độc đáo nhất.

- Là bảo tàng phát sáng nhất (nhờ sử dụng 3200 bóng đèn led kết hợp với sự phản chiếu từ 673 tấm kính của kim tự tháp kính).

Hàng năm Bảo tàng Louvre đón hàng chục triệu lượt khách du lịch từ khắp mọi nơi trên thế giới đến thưởng ngoạn.

Đ.N.D

 

16-20 of 68<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter