Một số vấn đề cần quan tâm trong quản lý, Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái (*)

LÒ THỊ HUÂN

Tôi là một người con dân tộc Thái, từ khi sinh ra, lớn lên và trưởng thành đều gắn liền với nền văn hóa dân tộc. Khi thoát ly công tác lại được làm việc tại vùng Mường Lò, một vùng đất mang nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của miền Tây Bắc. Trong quá trình công tác của mình, nhất là khi làm lãnh đạo quản lý, tôi đã nhận thức và ý thức đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời khơi dậy, phát huy sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, trong đó có dân tộc Thái để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc có nguy cơ cao về mai một. Thậm chí có những giá trị văn hóa tiêu biểu đã bị lai căng, pha tạp (Ví dụ như trước đây thị Xã Nghĩa Lộ tổ chức các sự kiện văn hóa thì có những điệu múa, điệu xòe từ động tác Chân, Tay, Hình Thể  đến Đạo Cụ, Nhạc Cụ được sử dụng không phân biệt được đâu là truyền thống của dân tộc Thái, đâu là pha trộn văn hóa dân tộc khác). Với ý thức đó, tôi đã thành lập nhóm để đăng ký thực hiện một số đề tài khoa học cấp tỉnh về nghiên cứu, bảo tồn, lưu truyền một số giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Thái vùng Mường Lò- Nghĩa Lộ- Yên Bái. Qua thực tế của bản thân và nhóm nghiên cứu đi thu thập thông tin, tư liệu, dữ liệu và tài liệu về  Xòe Thái ở một số tỉnh Tây Bắc nói chung, đặc biệt là Xòe Thái ở vùng Mường Lò thuộc huyện Văn Chấn, thị Xã Nghĩa Lộ của Tỉnh Yên Bái nói riêng. Trước thực trạng bảo tồn, phát huy Xòe Thái tại thị Xã Nghĩa Lộ trong những năm qua. Xin được tham góp với về: “Một số vấn đề cần quan tâm trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội đương đại” như sau:

Thứ nhất: Qua quá trình đi thực tế của cá nhân tôi và các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn, lưu truyền 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ- Mường Lò”. Từ gặp gỡ, trao đổi với một số Cụ Cao Niên, người am hiểu, nắm giữ và biết được Xòe Thái (Đến nay nhiều Cụ đã qua đời) cùng với việc tổ chức hội thảo, tổng hợp các thông tin, cứ liệu, tài liệu có được thì phải khẳng định rằng:  Xòe được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng người Thái, nó gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của tộc người Thái. Xòe không chỉ là những tiết mục văn nghệ dân gian đơn thuần, mà giá trị lớn lao của Xòe Thái là được kết tinh từ thực tế phản ánh mọi mặt sinh hoạt đời sống, chuyên chở quan niệm về vũ trụ, âm dương ngũ hành, về mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân và vai trò của con người trong mối quan hệ tổng hòa đó. Chính từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và nhu cầu về đời sống tinh thần của tộc người Thái đã hình thành nên những điệu Xòe, hình thức Xòe, không gian Xòe rất đa dạng, tinh tế và đem lại một sắc thái văn hóa độc đáo. Qua mỗi bước Xòe, nhịp Xòe được hòa quyện với âm thanh trữ tình, sôi động của các nhạc cụ được thẩm thấu ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên, làm cho con người thân thiện, gần gũi, chan hòa với nhau hơn, gắn kết tình yêu người, yêu đời để bước vào cuộc sống lao động, sản xuất, chinh phục thiên nhiên với niềm tin, tình yêu trong sáng lành mạnh (Qua cuộc trao đổi, tiếp xúc với các Cụ Cao Niên người Thái, họ đều rất tự hào và khẳng định trong mỗi cuộc vui của gia đình, của bản, mường không thể thiếu được các điệu Xòe, hầu hết các Cụ đều được tham gia Xòe ở các cấp độ khác nhau). Như vậy có thể nói, qua các điệu Xòe, bước Xòe, hình thức Xòe cùng không gian Xòe chúng ta thấy được cuộc sống của xã hội người Thái từ thủa sơ khai đến quá trình phát triển cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan của họ, tất cả tạo nên một bản sắc, cốt cách văn hóa của tộc người Thái không thể pha trộn. Xòe Thái là tri thức dân gian có tác dụng kích thích phát triển nhận thức của con người, góp phần giúp con người thêm hiểu tự nhiên, sống thuận với thiên nhiên, biết điều chỉnh hành vi lối sống cho phù hợp với đạo làm người. Chính thế, Xòe Thái là tài sản vô giá của dân tộc Thái nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Xòe Thái đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đậm chất dân tộc trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam chúng ta.

Thứ hai: Từ cách tiếp cận để tìm hiểu về nguồn gốc hình thành, phát triển và vai trò, giá trị của Xòe Thái trong cộng đồng người Thái. Đặc biệt là qua đi thực tế tìm hiểu ở một sốTỉnh Tây Bắc, chúng tôi thấy Xòe Thái nói chung và nghệ thuật Xòe Thái nói riêng rất đa dạng, phong phú độc đáo về Điệu Xòe, động tác Xòe (Các động tác của Chân, Tay, hình thể) cùng sự biến hình khi Xòe, việc sử dụng các bản nhạc, nhạc cụ, đạo cụ và hình thức, không gian để Xòe ở mỗi vùng người Thái cũng khác nhau. Do vậy, về thể loại và hình thức thực hành nghệ thuật Xòe Thái của mỗi vùng cũng đa dạng phong phú với những đặc trưng riêng không dập khuôn và đồng nhất như nhau. Ví dụ qua thực tế tìm hiểu chúng tôi thấy: Nhạc cụ chủ đạo để Xòe của một số địa phương ở Lai Châu là Đàn Tính. Ở vùng Nghĩa Lộ- Mường Lò nhạc cụ chủ đạo thường dùng là Khèn Bè, Trống, Chiêng, Tằng Bẳng. Hay về điệu Xòe ở vùng Sơn La có Xòe Vòng là tiêu biểu. Vùng Lai Châu, Điện Biên có Xòe Quạt, Xòe Nón… Ở vùng Nghĩa Lộ- Mường Lò tiêu biểu là có Xòe Khăn… Tại vùng Nghĩa Lộ- Mường Lò Tỉnh Yên Bái, qua thực tế tìm hiểu chúng tôi thấy có nhiều điệu Xòe, nhiều động tác Xòe khác nhau. Tuy nhiên cũng đã có những động tác chưa biết là đặc trưng riêng của điệu Xòe nào, nên khi Xòe các động tác thường bị lẫn lộn, người Xòe thường Xòe theo cảm tính mà không phân biệt được  các điệu Xòe cơ bản. Hay có những điệu Xòe không thể hiện được nét đặc trưng mà bị lai căng pha trộn nét văn hóa dân tộc khác. Đáng chú ý nhất là Những năm trước đây, khi Thị Xã và Tỉnh tổ chức sự kiện Xòe thì các động tác và hình thức trình diễn rất đơn điệu nên hầu như không thể hiện được giá trị nghệ thuật của Xòe Thái. Điều này cũng dễ hiểu vì Xòe Thái cũng như một số giá trị văn hóa đặc thù khác chỉ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng, mà chưa có Sách hoặc công trình nghiên cứu, sưu tầm, lưu truyền một cách công phu, bài bản khoa học, nên người biết và nắm giữ một cách bài bản, sâu sắc cũng rất ít mà tuổi đời của họ rất cao (như nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến ). Chính vì vậy, chúng tôi đã thực hiện đề tài khoa học cấp Tỉnh về “Nghiên cứu bảo tồn, lưu truyền 6 điệu Xòe Cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ- Mường Lò tỉnh Yên Bái”. Để thực hiện đề tài, chúng tôi đã huy động các Cụ Cao Niên, người am hiểu, nắm giữ Xòe Thái ở Mường Lò- Nghĩa Lộ tham gia cung cấp thông tin và truyền dạy các điệu Xòe mà họ đang còn nắm giữ được. Đặc biệt là nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến, Nghệ nhân dân gian Điêu Thị Xiêng đã đồng hành cùng với nhóm thực hiện đề tài. Chúng tôi xây dựng đội ngũ nòng cốt bố trí thời gian trong 3 tháng để học các điệu Xòe, sử dụng nhạc cụ, bản nhạc Xòe từ các nghệ nhân,các Cụ Cao Niên còn nắm giữ Xòe, đồng thời cử một nhóm chuyên theo sát từng buổi học để tổng hợp, ghi chép các động tác, từng điệu Xòe, bản nhạc, đạo cụ, nhạc cụ Xòe … được sử dụng kèm theo. Sau đó cùng với những thông tin, cứ liệu thu thập được, nhóm đã tổ chức hội thảo, thống nhất xây dựng tập bài giảng 6 điệu Xòe Cổ bao gồm các động tác chân, tay, hình thể, nhạc cụ, đạo cụ, bản nhạc được sử dụng. Xây dựng đĩa CD triển khai tập cho 48 đội văn nghệ nòng cốt đủ các thế hệ, tổ chức phổ biến dạy các điệu Xòe cho cộng đồng kết hợp tổ chức hội thi Xòe trên toàn địa bàn. Hiện nay Thị Xã có tập bài giảng và đĩa CD về 6 điệu Xòe Cổ, đây là tài liệu rất quan trọng để giới thiệu và phổ biến Xòe trong dân cư và các trường học. (Lấy tên là 6 điệu Xòe Cổ là vì các điệu Xòe được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng cùng với sự phát triển của tộc người Thái cho đến nay, nên các nghệ nhân cũng như hội đồng khoa học cấp Tỉnh nghiệm thu đề tài đều thống nhất tên như vậy). Qua những thực tế đó chúng tôi thấy rằng mỗi nơi, mỗi vùng sẽ có các điệu Xòe, nhạc Xòe, động tác Xòe, đạo cụ Xòe cùng không gian và các hình thức trình diễn Xòe không đồng nhất nhau. Chính điều đó đã tạo nên sự đa dạng, phong phú trong nghệ thuật Xòe Thái của vùng Tây Bắc nói chung và từng địa phương có người Thái nói riêng. (Ví dụ như chữ Thái của mỗi vùng người Thái ở Việt Nam cũng đã khác nhau về thanh, về âm… ). Đây là những điều hết sức cơ bản, mỗi địa phương cần lưu ý để có các giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái của địa phương mình.

Thứ ba:  Đề xuất một số giải pháp cơ bản về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái trong thời gian tới như sau:

1. Các địa phương cần có cuộc khảo sát, nắm bắt tình hình, thực trạng Xòe Thái và nghệ thuật Xòe Thái tại địa phương mình một cách bài bản, công phu. Từ đó, có chiến lược, có định hướng và giái pháp cụ thể sát hợp với thực trạng địa phương để bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái trong bản sắc văn hóa đặc thù các dân tộc ở địa phương mình một cách bền vững và được cộng đồng dân cư chấp nhận như là nhu cầu đời sống tinh thần của họ. (Kinh nghiệm thực tế ở thị Xã Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái. Từ thực trạng Xòe Thái đã bị mai một, pha trộn và còn rất ít người biết được nguyên bản, nhưng đến nay, đa số người dân ở Thị Xã đều yêu thích Xòe và biết Xòe nhất là thế hệ trẻ, không có cuộc vui nào trong cộng đồng mà không có Xòe, người dân nơi đây coi Xòe là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày của họ. Nghệ thuật Xòe Thái Nghĩa Lộ, Mường Lò - tỉnh Yên Bái đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và điều quan trọng hơn là Tỉnh và Thị Xã đã có định hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy và tổ chức sự kiện văn hóa để gắn bảo tồn, phát huy nghệ thuật Xòe Thái với phát triển du lịch địa phương trở thành hoạt động thường niên hàng năm)

2. Các địa phương cần có kế hoạch cụ thể tập hợp các nghệ nhân, những người am hiểu, người nắm giữ, yêu thích Xòe Thái để viết sách, xây dựng tập bài giảng hoặc có đề tài khoa học nghiên cứu, bảo tồn, lưu truyền Xòe Thái tại địa phương mình. Đây là biện pháp hết sức quan trọng không để Xòe Thái, nghệ thuật Xòe Thái ở địa phương mình, vùng mình bị mai một, lai căng, vay mượn vùng khác mà mất đi giá trị truyền thống đặc sắc nhất. (Qua đi thực tế một số nơi của nhóm làm đề tài Xòe Thái, chúng tôi nhận thấy, ở các vùng hầu hết Xòe chỉ được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người Thái, chúng tôi chưa thấy có công trình nghiên cứu hay cuốn sách viết lại, ghi lại về Xòe Thái một cách bài bản, đầy đủ, khoa học. Trong khi đó những nghệ nhân, người nắm giữ, biết các điệu Xòe, nghệ thuật Xòe truyền thống ở các vùng còn rất ít mà họ đều đã cao tuổi, nếu đội ngũ này không được phát huy để viết sách hay truyền lại thì nguy cơ mai một giá trị truyền thống trong Xòe Thái là thực tế hiện hữu. Đối với Thị Xã Nghĩa Lộ từ khi chúng tôi làm đề tài khoa học, đặc biệt là xây dựng được tập sách và đĩa CD về 6 điệu Xòe Cổ, đồng thời tổ chức truyền dạy cho các thế hệ trong cộng đồng dân cư, trong các trường học trên địa bàn thì nhận thức và ý thức việc bảo tồn, gìn giữ, lưu truyền Xòe trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ được phát huy hơn, góp phần giữ được bản sắc văn hóa truyền thống một cách bài bản và sâu rộng hơn).

3. Mỗi địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về vai trò, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và nghệ thuật Xòe Thái nói riêng để nâng cao nhận thức, ý thức của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình (Nhân dân phải là chủ thể). Quan tâm mở các lớp truyền dạy Xòe nhất là trong thế hệ thanh, thiếu niên. Như ở Nghĩa Lộ hiện nay, từ tập bài giảng, đĩa CD về 6 điệu Xòe Cổ đã được đưa vào các trường học, các đội văn nghệ nòng cốt và các điểm du lịch cộng đồng, rất mừng là 100% trường học và các Xã, Phường trên địa bàn đã triển khai dạy Xòe. Tại các Trường học, Xòe được đưa vào dạy trở thành hoạt động sôi động trong giờ nghỉ giải lao hay trong tiết học ngoại khóa hoặc trong các sự kiện văn hóa, văn nghệ và ngày lễ của Trường. Có Trường còn đưa Xòe đi truyền dạy và giao lưu với các trường Tỉnh bạn. Thông qua đó tạo sự yêu thích và khơi dậy lòng tự hào, tự tôn về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.

4. Hàng năm địa phương cần tổ chức các hoạt động văn hóa, các sự kiện, hội thi Xòe để chính người dân là chủ thể được tham gia trình diễn và đây là dịp để mỗi người dân được tự mình quảng bá và có ý thức bảo vệ, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cũng như giá trị nghệ thuật Xòe Thái. Đồng thời làm tốt công tác quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về văn hóa đặc thù gắn với phát triển kinh tế - Xã hội địa phương mình. Ở Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái hiện nay sự kiện tuần văn hóa- du lịch Mường Lò được diễn ra thường niên hàng năm, kinh phí chi từ ngân sách nhà nước rất ít, các hoạt động chủ yếu đều được xã hội hóa, huy động sự vào cuộc của chính người dân nơi đây, nhất là màn đại Xòe đều do các nghệ nhân, quần chúng nhân dân các thế hệ thực hành trình diễn với khí thế hừng hực của lòng dân và đã trở thành niềm tự hào, niềm đam mê của bà con các dân tộc ở Thị Xã mà không có giá trị vật chất nào có thể so sánh được.

5. Nhà nước cần quan tâm có chính sách ưu đãi, hỗ trợ nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú phù hợp hơn nữa. Các địa phương cần có kinh phí hỗ trợ, khuyến khích động viên những người nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống dân tộc. Hàng năm có kinh phí hỗ trợ mở các lớp truyền dạy, các hoạt động quảng bá tuyên truyền, phục dựng các giá trị văn hóa tiêu biểu có nguy cơ mai một. Cần có giải pháp đồng bộ, bài bản, khoa học để tiếp tục phát huy, nâng cao giá trị Xè Thái trong đời sống xã hội, đặc biệt sau khi nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 (Như ở vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ trong những năm qua công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá đặc thù dân tộc, nhất là văn hóa dân tộc Thái được nhà nước vinh danh: Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Nghệ thuật trình diễn “Hạn khuống” là di sản văn hóa phi vật thể Quốc Gia. Đồng thời địa phương xác lập được ba kỷ lục guinness Việt Nam về: Mâm Xôi ngũ sắc- lớn nhất Việt Nam; Màn Đại Xòe- lớn nhất Việt Nam và Chiếc Khèn Bè Thái- lớn nhất Việt Nam. Chính từ những giá trị văn hóa được tôn vinh đó đã tạo thành sức mạnh, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Thị Xã và cũng là động lực để mỗi người dân có tinh thần, ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong đó có Xòe Thái. Nên trong các hoạt động, sự kiện văn hóa văn nghệ hàng năm của địa phương các tầng lớp nhân dân tham gia rất nhiệt tình, trách nhiệm, việc huy động hàng ngàn người dân tham gia màn Đại Xòe thuận lợi hơn nhiều so với trước đây).

  Các địa phương quan tâm có chính sách, cơ chế hỗ trợ mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng kinh doanh, dịch vụ- du lịch, xây dựng sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu từ các giá trị văn hóa đặc thù trong đó có Xòe Thái gắn với phát triển du lịch sinh thái vùng Tây bắc. Liên doanh, kết nối tua tuyến du lịch để giới thiệu, quảng bá nghệ thuật Xòe Thái ở các địa phương vùng Tây Bắc với các vùng trong nước và Quốc Tế hơn nữa.

  Trên đây là một số vấn đề cần quan tâm trong quản lý, bảo vệ và phát huy nghệ thuật Xòe Thái  trong xã hội đương đại, được đúc rút từ kết quả đề tài khoa học thu được cũng như thực tế ở địa phương chúng tôi trong thời gian qua, xin được tham góp để cùng trao đổi./.

------------

(*) Tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội đương đại” diễn ra tại Hà Nội, 10/2019.

 

Các tin khác:

1-5 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter