Thành công trong tiểu thuyết cánh cung đỏ của nhà văn Hà Lâm Kỳ

NGỌC BÁI

 

Thành công lớn nhất của nhà văn Hà Lâm Kỳ là sự công phu dựng lại những nhân vật có thật ngoài đời, những chiến sĩ cách mạng một thời hoạt động trên đất Yên Bái. Đó là các ông Hoàng Quốc Việt, Ngô Minh Loan, Trần Đức Sắc, Trần Huy Liệu, Đào Đình Bảng, Trần Quý Kiên, Hoàng Mẫn Tuệ, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Phúc, Nguyễn Quang Trạch, Trần Quang Bình, Nguyễn Đức Quỳ, Nguyễn Duy Thân, Mai Văn Ty, Đào Duy Kỳ… những cán bộ Việt Minh đầu tiên xuất hiện trên đất Yên Bái.  Đặc biệt những chức sắc của chế độ cũ như Chánh tổng Trần Đình Khánh (đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I), Đặng Bá Lâu, Hoàng Văn Cừ, Sa Văn Bút được cách mạng giác ngộ, đã có nhiều cống hiến lớn lao cho đất nước. Tiếp sau là lớp người trẻ trung nhiệt huyết, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, với sự thành tâm sâu sắc như Đào Tiến Lộc, Bùi Đức Lạc, Nguyễn Đăng Long, Hoàng Minh Lưu, Hà Thị Thuần, Hoàng Đình Lợi, Bùi Đức Lương.... Người thật đã thành người mẫu trong tiểu thuyết. Ấy là chưa kể tới nhiều tên người trong cộng đồng các dân tộc ở Yên Bái tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến. Những nhân vật phải khoác tên bí mật, tiện lợi cho hoạt động che mắt bọn mật thám, bọn phản động. Những địa danh quen thuộc được tác giả đưa vào tiểu thuyết minh chứng cho các sự kiện đã từng xảy ra trên đất Yên Bái. Phải nói các nhân vật được tác giả tái hiện có nhiều nét chung mang đặc điểm của thời kỳ những năm đầu cách mạng, trên mảnh đất Yên Bái...

Bằng 2 tập, tiểu thuyết Cánh cung đỏ, theo tuyến tính có thể thấy rõ nhà văn Hà Lâm Kỳ đã xây dựng tác phẩm, từ thời nhen nhóm ngọn lửa cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết các dân tộc theo Việt Minh, cho tới thời kỳ cách mạng thành công, với biết bao cam go thử thách mà những chiến sĩ cách mạng trải qua. Đó là nơi từng có dấu chân của nghĩa quân Nguyễn Quang Bích, thời Cần Vương chống thực dân Pháp. Nhắc tới điều này để thấy dụng ý của tác giả, làm nổi bật truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Bí quyết thắng lợi của cách mạng là khéo tuyên truyền vận động những người đã nung nấu tinh thần yêu nước, bất bình với thực dân phong kiến, đoàn kết các dân tộc cùng chống các thế lực phản động ngoại xâm. Xác lập niềm tin. Niềm tin chính là sự liên kết chắc chắn nhất. Điều quan trọng là trung thành với cách mạng, chịu khổ và trải qua nhiều gian nan nguy biến. Vận động và tổ chức hoạt động là việc sống còn của những người cách mạng. Những địa danh Nang Sa, Linh Thông, Bách Lẫm, Tuần Quán… trở nên quen thuộc, linh thiêng. Khắp dải đất từ Hiền Lương, Minh Quân, Giới Phiên đến Động Lâm, Lương Ca, Đại Lịch vào tới Văn Chấn, Nghĩa Lộ… vượt qua tai mắt của mật thám và đám người còn duyên nợ với chế độ cũ không dễ. Ấy vậy mà các chiến sĩ cách mạng đã thuyết phục được từ chánh tổng, lý trưởng, phó lý, kỳ hào ngả theo cách mạng. Tác giả đã phản ánh không khí sục sôi đấu tranh của người dân theo cách mạng.

Hà Lâm Kỳ đã công phu sưu tập tài liệu, dày công tra cứu và gặp nhiều nhân chứng, ghi chép, kiểm chứng, thu thập các tư liệu lịch sử. Công việc ấy đòi hỏi thời gian, cẩn trọng và sắp xếp khoa học. Cấu trúc tiểu thuyết theo “trục xương cá” sự việc đến đâu thì nhân vật xuất hiện đến đó. Khối lượng nhân vật nhiều nên tác giả không đủ điều kiện khắc họa sâu cá tính từng người. Có cảm giác tác giả không quên từng tên tuổi nhân vật, vì thế sự dàn trải là điều khó tránh. Chất anh hùng ca trong tiểu thuyết được nhấn mạnh. Lý giải sự nghiệp cách mạng là của nhân dân. Nhân vật điển hình là nhân dân. Số đông là sức mạnh. Không có nhân vật điển hình xuyên suốt tiểu thuyết. Có lẽ do phải tải quá nhiều nhân vật nên tác giả không xây dựng được nhân vật điển hình.

Phải có trí tưởng tượng phong phú, cân nhắc từng lời nói, cử chỉ của nhân vật, tạo các tình huống để nhân vật tung hoành trên các trang viết. Đây là các nhân vật lịch sử, nên viết sao cho trung thực khách quan, là yêu cầu lớn đặt ra với nhà văn. Những cuộc biểu tình, bãi công, đấu tranh đòi tăng lương, khởi sự từ hội ái hữu… đã liên kết những người dân lao động, mà vai trò tổ chức ngầm của Việt Minh là chủ yếu. Điều quan thiết là tác giả đã bám sát các sự kiện cách mạng xảy ra trên đất Yên Bái, làm tăng thêm tính thuyết phục với người đọc. Qua tác phẩm, người đọc hiểu hơn về các sự kiện xảy ra trên đất Yên Bái những năm đầu của cách mạng. Tác giả đã kể về những lần tù chính trị ở căng Nghĩa Lộ, tù chính trị ở Sơn La, được người dân giúp đỡ chỉ đường, đã giúp nhiều thanh niên dân tộc trở thành nòng cốt gây cơ sở cách mạng.

 Viết về lịch sử quê hương là thiện chí và mong muốn của tác giả, thể hiện  trong giọng văn tươi vui náo nức của Hà Lâm Kỳ: “Sáng đầu mùa hè, nắng trời tràn khắp thung lũng khu căn cứ làng Vần. Các cán bộ cốt cán các châu các phủ gần như có mặt. Nhà ông Trần Đình Khánh vẫn lặng lẽ xưa nay, giờ sôi động hẳn lên. Đội du kích võ trang Âu Cơ chia các trung đội luyện tập ngay cánh đồng Cây Gạo và cửa Hang Dơi... Một số canh gác đầu các trục đường đề phòng quân bảo an Nhật quấy rối. Các dõng binh của lý trưởng làng Vần cũng được bổ sung vào nhóm cảnh giới. Xã đoàn Hoàng Văn Các làm theo yêu cầu của ông chánh tổng, đã kịp đem mấy chục khẩu súng góp cho đội du kích ngay trước cuộc họp” (trang 120).

Rất dễ nhận thấy, trong tiểu thuyết Cánh cung đỏ, tác giả kể về hoạt động của nhân vật nhiều hơn, rất ít khắc họa tâm trạng nhân vật. Điều này nhà văn Hà Lâm Kỳ chắc chắn ý thức được. Có lẽ đấy vừa là sở trường vừa là sở đoản của nhà văn khi xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết.

Gắn bó với Yên Bái, viết về Yên Bái, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã thành công trong một số tác phẩm viết cho thiếu nhi. Anh đã có công dựng hình tượng người anh hùng thiếu niên Hoàng Văn Thọ và quê hương Đại Lịch. Với Cánh cung đỏ Hà Lâm Kỳ đã có nhiều đóng góp cho đề tài truyền thống kháng chiến ở Yên Bái. Qua tác phẩm thấy được lao động nghệ thuật nghiêm túc của tác giả.

Điều người đọc còn cảm thấy tác giả xử lý chương cuối (tạm kết), hơi thừa thãi. Chẳng khác gì kịch đã đóng màn, lại có người ra thưa với khán giả điều quên chưa nói hết! Dẫu vậy, tiểu thuyết Cánh cung đỏ đã hoàn thành xứ mạng của mình, đóng góp xứng đáng cho kho tàng văn học Việt Nam thời hiện đại

 

N.B

Các tin khác:

1-5 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter