Truyện ngắn của Quang Bách
Tháng ba âm lịch. Cái rét nàng Bân đã lâu lắm rồi mới lại hiện hữu. Ông bà Điền vừa được mừng song thọ tuổi 80, đang định về quê sửa lễ tạ ơn ở dòng họ vì đã được ba chữ Phúc- Lộc- Thọ thì nạn dịch COVID - 19 hoành hành. Công việc đành phải dừng lại. Lý do, bốn đứa cháu nội ngoại, đứa lớn nhất mới học lớp ba, đứa nhỏ nhất đang ở lớp mầm non 4 tuổi, sau ba đợt nghỉ học liên tiếp kéo dài, được bố mẹ chúng nhờ trông nom giúp. Hai thân già thấm đẫm mệt mỏi song vẫn phải kiên trì, nhẫn nại, luôn tỏ ra là người có kinh nghiệm trong việc trông con, giữ cháu để các con trai, gái, dâu, rể yên lòng với nhiệm vụ nơi công sở.
Trong bốn chồi lộc non tơ, theo lời cưng nựng của chàng rể vui tính chỉ có một búp non là bé gái Thảo Nhi, 7 tuổi đang học lớp hai đỡ phải nhắc nhở, dè chừng. Còn lại ba mầm nụ đầy tương lai hy vọng kia không lúc nào ông bà không phải để mắt hoặc luôn mồm nhắc nhở. Tuấn Anh 8 tuổi, học lớp 3, luôn bày trò nghịch ngợm, leo trèo khiến cho Đức Minh, Ngọc Luận đang học lớp mầm non 4 tuổi đua đòi, nhiều phen ngã bươu đầu, sứt trán. Hơn thế nữa, mỗi khi bị Tuấn Anh dọa nạt, trêu tròng lại kêu gào, hò hét inh ỏi cả nhà.
Trông coi các cháu đã vất vả song việc nhắc nhở các cháu ăn nghỉ lúc buổi trưa hàng ngày còn vất vả hơn nhiều. Khẩu vị từng cháu khác nhau. Đáp ứng, chiều chuộng, dỗ dành cho suôn sẻ bữa ăn, giấc ngủ làm ông bà tốn công, tốn sức rất nhiều. Buổi tối, khi bọn trẻ đứa nào về nhà nấy, cái lưng ông mới ê ẩm, nhức buốt. Hai đầu gối của bà mới đau đớn, khó chịu, mâm cơm dọn ra, mỗi người mới một lưng mà đã thấy miệng đắng ngắt không nuốt nổi. Thương con cháu, ông bà động viên nhau gắng hết sức mình, chắc chắn những ngày dịch bệnh gian nan sẽ qua đi.
Hai vợ chồng nhà Thanh Thỏa đều công tác ở Bệnh viện huyện, hàng xóm liền vách với ông bà Điền, hoàn cảnh quá neo đơn. Những ngày đi làm bình thường, Thỏa đều nhờ ông bà Điền trông nhà, nhắc nhở các con khi bố mẹ chưa về kịp. Vốn yêu mến trẻ, ông bà coi các cháu hàng xóm như nội ngoại của mình, đặc biệt, những đứa con nhà Thanh Thỏa khi bố mẹ chúng đã có lời nhờ. Thằng lớn 8 tuổi, học lớp ba, thằng bé 6 tuổi học lớp một. Có những ngày thứ bẩy, chủ nhật, bố mẹ phải trực cơ quan, chúng ở nhà ông bà Điền từ sáng đến tối. Được ông bà chăm sóc, nhắc nhở nhiều khi còn cho thêm đồng quà, tấm bánh nên chúng rất quý mến, gần gũi. Có điều các con ông bà không thích thế. Người phản ứng quyết liệt phải kể đến con dâu và con gái. Các chị cho rằng bố mẹ bị lợi dụng lòng tốt, đến một lúc nào đó, khi trái ý, những người khát máu tanh lòng ấy sẽ phủi tuột tất cả. Vì thế, ông bà luôn gặp phải những lời trách móc, giận hờn từ phía con gái, con dâu. Họ cho rằng các thứ quà bánh ngon lành đem kính biếu bố mẹ, tự nhiên người dưng được hưởng. Các cháu nội ngoại nghe theo lời bố mẹ, thỉnh thoảng đến thăm ông bà đều tỏ ý lạnh nhạt, ghen tỵ. Ông bà giải thích đó là tình cảm hàng xóm láng giềng. Hơn nữa còn thể hiện tình thương yêu giữa con người với con người trong cuộc sống hàng ngày. Song tất cả những lời giải thích ấy đều trở nên vô nghĩa, khiến ông bà nhiều khi cũng phải kìm lòng để thuận chiều với quan niệm của con cháu, mong sao được yên ổn cửa nhà.
Dịch bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ai cũng lo lắng cho sức khỏe của mình và mọi người xung quanh. Nhiều nỗi lo cùng ập đến gia đình nhà Thanh Thỏa, nhiệm vụ nặng nề đặt lên vai cán bộ ngành Y tế với việc phòng chống dịch bệnh COVID- 19, đồng thời với việc chăm sóc nuôi dạy con trong khi bố mẹ liên tục vắng nhà. Nhờ vả gia đình nội ngoại thì không thể, bởi hai quê ở hai tỉnh khác nhau, cách xa nơi vợ chồng Thanh Thỏa đang cư trú hàng mấy trăm cây số. Thuê người trông nom con ư? Lương tháng của hai vợ chồng không cho phép, mà biết thuê ai trong lúc tình hình xã hội đầy ắp lo âu dịch bệnh. Chỉ còn một cách, đánh liều sang nói khó với ông bà Điền, hy vọng nỗi bế tắc may chăng được giải tỏa. Tuy nhiên, Thỏa vẫn rất lo và thiếu tự tin khi đem ý định này bàn bạc cùng chồng. Thanh trầm ngâm suy nghĩ rồi đắn đo bảo vợ:
- Ông bà rất tốt, thực sự yêu quý trẻ con. Song anh vẫn thấy ngại ngùng bởi thái độ khinh khỉnh của các con ông bà trong mỗi lần hàng xóm liền kề chạm mặt nhau.
Sáng ấy, trời xuân se lạnh, lắc thắc mưa bụi giăng màn, đường ngõ thưa thớt người xe qua lại. Cửa cổng mỗi nhà đều đóng, khép. Không khí lặng lẽ, tĩnh mịch. Vợ chồng Thanh Thỏa rụt rè cùng nhau sang nhà ông bà Điền. Ông lúi húi sắp xếp lại bãi đồ chơi ngổn ngang, lộn xộn giữa nhà. Bà tất bật chuẩn bị rau, thịt cho bữa cơm trưa. Bốn cháu nội, ngoại tung tẩy, đùa nghịch, hò reo ồn ào từ trong nhà ra hè rồi xuống sân. Ông Điền ngồi vào ghế, Thanh Thỏa cùng khép nép bên hàng ghế đối diện, ngập ngừng mãi rồi câu chuyện gửi con cũng lọt tai chủ nhà. Phong thái khoan hòa, bao dung, độ lượng, cùng nụ cười hiền hậu, giọng ông Điền thong thả:
- Được rồi, anh chị cứ yên tâm làm tốt công việc chống dịch như chống giặc. Cứ để các cháu ở nhà, chúng tôi trông nom, săn sóc giúp. Già rồi, chả làm được việc gì trong lúc toàn dân đang trong cơn nước sôi lửa bỏng thế này, tạo điều kiện để anh chị hoàn thành tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc, chúng tôi cảm thấy vui vẻ, thoải mái lắm.
Giữa lúc ấy, bà Điền từ bếp đi lên, ngồi cạnh chồng, giọng chân tình, xởi lởi:
- Các cháu cứ đưa con sang đây, đừng lăn tăn, e ngại. Ban ngày 4 đứa cháu nhà chúng tôi, thêm hai đứa nhà anh chị cũng chẳng chật chội khó khăn gì. Vả lại, các cháu đều đã qua thời kỳ phải ôm ấp, bế ẵm. Đứa nào cũng biết tự ăn, tự ngủ. Riêng buổi tối, các cháu nội ngoại chúng tôi đều về với bố mẹ. Hai cháu nhà anh chị nếu ăn nghỉ ở đây cũng thoải mái, chỉ có một điều...
Bà Điền đắn đo một lúc và như thấy nói ra điều này sẽ càng làm cho khách yên lòng hơn để toàn tâm, toàn ý cho công việc khó khăn vất vả trước mắt. Bà nhẩn nha tiếp tục câu chuyện:
- Nếu các con tôi, có ai nói gì thì anh chị cũng đừng lấy đó làm băn khoăn, lo ngại. Mọi việc cứ để chúng tôi dàn xếp, nhất định sẽ êm xuôi...
Sự hòa đồng của trẻ con thường dễ dàng, nhanh chóng. Hùng và Dũng được bố mẹ đưa sang nhà ông bà Điền, thích nghi rất nhanh với môi trường mới. Sáu bạn trẻ không chỉ thân thiện với nhau mà còn biết giúp đỡ, nhường nhịn nhau trong lúc chơi đùa. Vợ chồng Thanh Thỏa còn ý tứ, tế nhị đem thêm bánh kẹo, hoa quả sau khi đã gửi gạo, mì tôm kèm theo thức ăn đựng trong tủ lạnh để các bữa trong ngày ông bà cho các con ăn. Còn nữa, vợ chồng người thầy thuốc trẻ này cũng thống nhất với nhau sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp gửi tới ông bà chút đỉnh thù lao.
Buổi chiều, lúc nắng xế, hướng dẫn xong Tuấn Anh và Hùng làm bài tập toán lớp 3, ông Điền đang lúi húi tưới mấy chậu cây cảnh ngoài sân, bỗng giật mình sau tiếng rơi loảng xoảng kèm theo tiếng trẻ khóc ré lên ở trong nhà, ông vội chạy vào. Bộ ấm chén từ trên bàn rơi xuống đất, mảnh vỡ tung tóe. Cùng lúc Tuấn Anh và Hùng đang ngồi học ở phòng bên cũng vội chạy ra. Hùng vô ý giẫm phải mảnh vỡ, máu chảy đỏ bàn chân. Còn Ngọc Luận, đập mặt xuống đất, môi xưng vều, mặt mũi xây sát, rỉ máu. Đức Minh bập bẹ:
- Ông nội ơi, chúng cháu chơi trốn tìm. Em Ngọc Luận nhảy lên bàn tìm nơi cháu và bạn Dũng ẩn trốn, chẳng may vấp ngã...
Ông bà cuống cuồng, người tìm bông băng, người lấy khăn ngâm nước nóng lau rửa, thấm khô vết sứt sát trên mặt Ngọc Luận. Sót cháu, bà Điền vừa chùi vết máu trên má Ngọc Luận vừa lẩm bẩm "Giỏi nghịch ngợm quá cơ, may mà chưa đến nỗi vỡ toang cái đầu trọc, cái trán giô này ra đấy!" Thằng bé môi mím chặt, mắt chớp chớp như biết mình có lỗi. Trong khi đó ông Điền cũng đã giúp cháu Hùng băng xong vết cứa do mảnh thủy tinh ở bàn chân. Ông nhẹ nhàng giảng giải cho các cháu sự nguy hiểm của trèo nhảy, nghịch ngợm trên bàn ghế, giường tủ trong nhà.
Sự việc chỉ có vậy, tưởng chừng sẽ êm ả, khi gia đình con trai, con gái đến đón con. Bởi ông bà Điền đã chuẩn bị những lời giải thích ngắn gọn, đó chỉ là sự không may của trẻ con hiếu động. Nhưng không, sự việc lại xảy ra theo chiều hướng khác. Con gái đến đón con, nhìn Ngọc Luận đau đớn thì gào lên, giọng chì chiết:
- Ông bà trông cháu thế này à, nuôi bao giờ cho lại! Con đã bảo đừng ôm rơm nặng bụng, mình thương họ ai thương mình? Chỉ tại hai thằng nhãi ranh kia đến đây bày trò nghịch ngợm nên cháu ông bà mới ra nông nỗi này đây. Từ mai dẹp, dẹp hết... không bợ đỡ gì cả, ông bà bảo thẳng cô chú Thanh Thỏa có con phải có trách nhiệm với con ...!
Cùng lúc chị dâu đỗ xịch xe máy trước sân. Nghe rõ đầu đuôi câu chuyện liền bồi đắp thêm cho sự tức giận của em chồng. Chị nói với hai mục đích, một, để bố mẹ chồng bớt đi sự dễ dãi, thương xót người dưng, hai, đề phòng hôm nay con em cô bị tai nạn, biết đâu ngày mai lại chả đến lượt con mình.
- Em con nói đúng bố mẹ ạ! Ông bà tuổi già sức yếu không thể cùng một lúc trông nom cả 6 đứa trẻ đâu. Hôm nay chỉ bươu đầu sứt trán cháu mình, ngày mai con hàng xóm chẳng may gãy chân tay hoặc chảy máu não, dập gan, lách thì sao? Thương người khó đến thân. Tối nay bố mẹ cháu Hùng, Dũng về ông bà cứ nói thẳng là không trông được.
Trước lời lẽ chua ngoa, đanh đá của con gái, con dâu, ông bà Điền không nói gì thêm. Hai người lặng lẽ nhìn nhau. Cuối cùng bà Điền cất giọng điềm tĩnh, nhẹ nhàng:
- Hai đứa đưa con về đi. Bố mẹ sẽ cân nhắc kỹ. Ngần này tuổi đầu, trong lúc nạn dịch quái ác hoành hành bố mẹ biết việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Sáng mai các chị cứ đưa con đến đây như mọi ngày ...
Nói rồi bà xuống bếp, tiếp tục công việc của bữa cơm chiều.
Khu cách ly tập trung dành cho những người nằm trong quy định chống dịch COVID- 19 là một trường Cao đẳng dạy nghề. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt, vui chơi, giải trí... đầy đủ, thuận tiện, nội quy nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người cách ly điều trị cách ly tại đây. Tạm xa gia đình, ăn nghỉ tập trung ở nơi dành riêng cho cán bộ y tế trở thành yêu cầu bắt buộc. Không còn cách nào khác, vợ chồng Thanh Thỏa đành phải muối mặt, một lần nữa sang nhà ông bà Điền nói khó, gửi hẳn con, nhờ ông bà chăm sóc cho đến khi được rời khỏi khu vực cách ly. Biết rằng làm như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn, phiền hà cho ông bà. Song chỉ có vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề.
Trước những lời lẽ khẩn khoản chân tình của vợ chồng Thanh Thỏa, ông bà Điền rất lấy làm xúc động. Ông bà hiểu được đây là sự dũng cảm, hy sinh của những cán bộ ngành Y trên tuyến đầu chống dịch. Không quản ngại tuổi cao sức yếu, không để ý tới những lời chì chiết, nhiều lúc tỏ thái độ khiếm nhã của các con, ông bà Điền vui vẻ nhận lời và hứa sẽ hết lòng giúp đỡ gia đình vợ chồng người thầy thuốc trẻ, luôn bảo ban săn sóc hai cháu Hùng, Dũng, thường xuyên quét dọn, trông coi nhà cửa, không để xảy ra sự việc gì đáng tiếc, mong muốn họ yên tâm hoàn thành xuất sắc trọng trách ở nơi khó khăn nguy hiểm.
Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh COVID- 19 đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cộng đồng dân cư và mỗi gia đình, nhận thức được đây là việc làm có ý nghĩa lớn lao, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc. Được cơ quan cho phép làm việc ở nhà, gia đình con trai, con gái ông bà Điền không đưa con đến nhờ bố mẹ trông giúp và hy vọng rằng bố mẹ sẽ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn không phải vất vả, khó nhọc vì đàn cháu hiếu kỳ, nghịch ngợm. Ngược lại, ông bà Điền không muốn mình nghỉ ngơi, an nhàn trong lúc này. Việc giúp đỡ người có trách nhiệm đẩy lùi dịch bệnh cũng là góp phần làm giảm nhẹ nguy cơ xã hội. Từ đó, ông bà coi việc chăm sóc hai cháu Hùng, Dũng cũng như trông nom các cháu nội ngoại của mình. Không có sự phân công cụ thể nhưng ông bà tự giác mỗi người một việc. Bà thường xuyên qua lại, quét dọn, thu xếp nhà cửa, sân hè, giặt phơi quần áo cho các cháu. Ông đón các cháu sang nhà mình, tìm cách chuyện trò, hướng dẫn vui chơi để các cháu đỡ nhớ bố mẹ. Riêng cháu Hùng, ông còn hướng dẫn ôn tập môn Toán và Tiếng Việt lớp ba. Thỉnh thoảng ông cháu cùng nhau nhổ cỏ, bắt sâu ở mấy luống rau trước cửa nhà. Vì thế, những ngày giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh không trở nên tẻ nhạt, gò bó đối với ông bà và hai đứa nhỏ.
Con trai, con rể ông bà Điền cùng công tác ở Sở Công thương. Con rể, Lê Hoàng Kình làm Trưởng phòng nghiệp vụ. Con trai, Bùi Ngọc Động là lái xe lâu năm. Hai người cùng có mặt trong chuyến đi công tác dài ngày tại thành phố Hồ Chí Minh. Họ trở về đúng dịp dịch COVID- 19 bùng phát ở Vĩnh Phúc. Cả hai phải vào khu vực cách ly nơi vợ chồng Thanh Thỏa đang làm việc, những ngày đầu cảm thấy bức bối, chật chội, nhớ vợ con, gia đình đến nôn nao. Nhiều lúc có ý định tự bỏ về song nghĩ đến trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên nhà nước nên họ kiên trì ở lại, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cách ly. Cán bộ y tế và những người có trách nhiệm ở đây đều rất tận tình, chu đáo. Kình, Động đều nhận ra bác sỹ Thanh, điều dưỡng viên Thỏa là người quen. Khi lên phòng bác sỹ khám bệnh hoặc lúc tập trung nghe điều dưỡng viên hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khỏe cho mình, Kình và Động cảm thấy tâm trạng bớt đi sự trống trải, hẫng hụt. Một lần, nhân lúc khám bệnh xong, bác sỹ Thanh mạnh dạn nói chuyện với con rể, con trai ông bà Điền việc vợ chồng mình đã gửi con tại nhà ông bà để đi làm nhiệm vụ. Bác sỹ Thanh cứ băn khoăn mãi vì sự phiền hà ông bà quá mức và chưa nói chuyện được với đông đủ các thành viên trong gia đình. Nghe xong câu chuyện, Kình và Động cảm thấy băn khoăn, trăn trở. Có gì đó như hối tiếc, ân hận... vì đã có lần cùng với vợ con phản đối việc bố mẹ tự ý chăm lo, săn sóc hai đứa con của vợ chồng bác sỹ Thanh Thỏa. Chần chừ, đắn đo một lúc, Động, chân tình nói:
- Thôi, chuyện cũ qua rồi. Hôm nay gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt thế này, anh em mình càng hiểu nhau hơn. Chúng tôi sẽ gọi điện cho ông bà kể về sự gặp gỡ tình cờ giữa chúng ta và dặn ông bà hết lòng chăm sóc hai cháu để vợ chồng bác sỹ yên tâm với công việc.
Cuộc nói chuyện giữa ba người tuy ngắn ngủi nhưng đầy ắp tình thân thiện, cởi mở. Họ nhìn nhau bằng ánh mắt cảm thông, chia sẻ.
Cùng lúc, kẻng báo hết giờ khám bệnh buổi chiều vang lên. Họ cùng nhau xuống sân tham gia hoạt động thể dục thể thao với mọi người. Không khí cuối chiều ở khu vực cách ly tập trung thật sôi nổi, rộn ràng.
Q.B