Văn chương và bạn đọc

 

Tác giả: Lê Hoài Lương

Mới đây, rảnh rỗi chuyện nghỉ dạy mùa dịch, có nhà điêu khắc đến thăm bạn là một nhà thơ, chụp hình chung rồi viết kèm mấy dòng trên phây, đại ý sao lâu quá không thấy anh in tập thơ nữa sau một tập thơ khá ấn tượng cách đây gần 30 năm. Cuộc trò chuyện có đoạn: in để làm gì, có ai đâu mà tặng, mà tặng họ có đọc không, và mấy người đọc? Chủ phây thêm dòng cảm thán hình tượng: “cất công bỏ tiền xuất bản tập thơ có khác gì ném một cành hồng dưới đáy giếng và chờ một tiếng vang”. Rồi, thấy tội thơ, v.v… Nhiều chia sẻ đồng cảm. Cũng có một nhà thơ phản bác rằng viết vậy là xúc phạm người khác, vì in thơ chỉ để kỷ niệm, tặng nhau cho vui, đâu ai nghĩ chuyện tạo tiếng vang?

Chuyện không mới. Ngót trăm năm trước, Tản Đà tiên sinh từng phổ cái nỗi niềm bằng bài thơ dài Hầu trời, vừa than “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” vừa “tự sướng” rằng “Chư tiên ao ước tranh nhau dặn/ Anh gánh lên đây bán chợ Trời!”. Là gánh tất tần tật các kiểu văn thi sĩ này khoe đấy, hay lắm, giá trị lắm mà bọn trần thế không chịu mua. Ngông và lỡm mình cho vui thôi. Sau chút, Nguyễn Bính còn thẳng thắn đến riết róng: “Nhất khuyên đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con.”

Như giá thịt heo sau mùa dịch tả Châu Phi, như giá hải sản, hoa, trái cây… mùa Cô-vít thôi mà, chuyện cung cầu. Thời hàng trăm tờ báo, tạp chí xuất bản đều có trang thơ, rồi thơ nở rộ trên các trang cá nhân tương tác… Có người than, rằng trên mấy diễn đàn văn chương lớn bây giờ thơ (văn) hay ít quá.

Thực ra, văn chương (nghệ thuật) hay thời nào chả hiếm.

Cũng mới đây, trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giao lưu với độc giả chủ đề “Hội chợ sách La Habana và câu chuyện văn hóa đọc Cuba anh hùng” được báo VN.net (2/5/2020) lược ghi lại với cái tít: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Phải tới hội sách như tới tham dự một lễ hội”. Từ vị trí công việc trước đây và bây giờ là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Á- Phi, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông đi nhiều nước, tham gia giao lưu văn hóa, hội sách trên 50 quốc gia, nhưng nhà thơ chọn nói về Cuba, đất nước bị cấm vận triền miên mà sau 30 năm trở lại, ông vẫn thấy người dân nơi đây “ý thức về sách, coi sách như di sản lớn nhất của nhân loại”. Ông kể gặp cặp vợ chồng đi một ngày đường để tới hội sách chờ mua sách cho gia đình đủ dùng cả năm, dù họ thường xuyên thiếu lương thực thực phẩm. Nhà thơ nhắc lại thời chiến tranh, những người lính đều có sách trong ba lô và văn hóa đọc, khát đọc không thua bất kỳ dân tộc nào, rồi giờ, “chúng ta đã đi qua vẻ đẹp văn hóa ấy để bước vào cuộc sống mà đôi khi chúng ta không xác định được chúng ta là ai”. Và ông so sánh (với Cuba), vừa ao ước vừa như tiếc nuối: “Tôi chưa thấy người Việt Nam chuẩn bị tới ngày hội sách như chuẩn bị tới một lễ hội hay một nghi lễ nào đó”.

Vấn đề phát triển kinh tế không thể “quên” văn hóa, tầm quốc gia hay gia đình không bàn ở đây. Nhắc lại vài chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chỉ nêu một hiện trạng chung về chuyện đọc sách.

Đâu đó người ta viết, kể, cũng nhiều, rằng ở các nước văn minh, nhịp sống dù hối hả nhưng mỗi người đều sẵn trong túi xách cuốn sách, đọc lúc chờ tàu, trên xe. Đọc như một nhu cầu, một thói quen, chưa cần nâng lên thành văn hóa. Một ngày nào đó, tôi tin, Việt Nam cũng hình thành nhu cầu này, không phải trở lại chuyện sách là người bạn, thiêng liêng trên đường ra trận như trong chiến tranh nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể, mà là cần, sách là cần thiết. Vì lợi ích chính người đọc.

Với người cầm bút, đọc cũng là học, cả cái dở của người khác. Nhưng nhiều người viết bây giờ chỉ đọc mình. Chưa nói mua sách, cả báo, tạp chí được tặng theo chế độ, chẳng mấy khi giở ra nếu không có bài mình. Họ đọc bài mình, như con chồn hương, thỉnh thoảng ngoặc cái đuôi lại hít hà. Cũng chẳng có gì đáng trách cả. Mỗi người đều có nhu cầu riêng. Chuyện cầm bút, hưởng thụ càng khác nhau.

Có một thực tế: ngoài chuyện đọc tương tác qua lại trên các trang cá nhân, những bài viết điểm sách trên báo ít người đọc, trừ tin, bài phát hiện chuyện… đạo văn! Mà chuyện đạo, nhái (văn chương, nghệ thuật, công trình nghiên cứu…) gần đây quá nhiều, đến mức dân chúng không buồn nói, viết về nó nữa... Đạo, nhái đã thành bình thường, người vướng phải từ kẻ học hàm học vị đến các nhà tên tuổi, đến thế hệ rất trẻ.

Chuyện in ấn tràn lan, kém chất lượng khiến bạn đọc nản. Chuyện đạo, nhái các kiểu khiến người đọc nghi ngờ khi gặp một bài hay. Người cầm bút đàng hoàng, cẩn trọng sẽ thấy tổn thương chung nhưng người vướng chuyện đạo, nhái sẽ trả giá, ít nhất là lấy lại niềm tin nơi bạn đọc.

Nhiều người bảo văn chương giờ chán quá, ít tác phẩm hay. Tôi không nghĩ vậy. Chính thời này mới có nhiều tác phẩm hay vì được mở rộng các biên độ sáng tác và giao lưu. Chuyện nở rộ in ấn quảng bá, đạo nhái tràn lan, vàng, rác lẫn lộn, cũng bình thường - ai có bộ lọc tốt sẽ tìm thấy cái mình cần. Bộ lọc nào sản phẩm nấy, quy luật tự nhiên thôi, đừng lo…

Văn chương là một nghề như bao nghề khác trong xã hội. Nó làm ra hàng hóa: những tác phẩm. Chẳng việc gì biến nó thành sang quý hơn vốn có. Người tiêu dùng sẽ mua cái họ cần. Có hàng souvenir, hàng thị trường, hàng độc, hàng lạ. Ai năng lực nào thì lựa chọn sản xuất nấy. Nghĩ viết cho vui, cả cho sang nữa (nếu coi nhà văn nhà thơ sang hơn các nhà khác), rồi in tặng bạn, giao lưu, cũng tốt, lương thiện thôi mà. Nghĩ viết “để đời” thì cứ, chẳng ảnh hưởng tới ai. Thời gian và bạn đọc sẽ công bằng sàng lọc.

Bạn đọc - người mua hàng, chắc chắn mãi còn, và càng lúc càng thông minh trong lựa chọn…

Theo nguồn: Báo Văn nghệ 

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter