Lại nghĩ về “an cư lạc nghiệp”…

Tác giả: Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều…

Lời ta thán ấy vốn xuất xứ từ cảnh phận người con gái lấy chồng xa, cũng khác nào cảnh người trai lên Đông xuống Đoài lập nghiệp gặp lúc gian nan cơ cực, chiều chiều nhìn ngọn khói lam giăng lên từ những mái bếp nồng nàn củi lửa lòng dạ tránh sao nỗi khắc khoải thương cha nhớ mẹ vọng cố hương? Nay loài người trong cơn đại dịch Covid-19, trông cảnh di dân trai gái vợ chồng nườm nượp chạy bằng tất cả những phương tiện có thể, ngày đội trời, đêm chiếu đất đau đáu “nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều”, càng bội phần thấm thía điều “an cư lạc nghiệp”.

Việt Nam vốn là một quốc gia được định danh nền văn minh lúa nước, Thái Bình quê tôi lại là tỉnh thuần nông, từ  địa lý đến phong tục, tập quán canh tác… đều biểu trưng rõ nét cho chiếc nôi văn hóa văn minh nông nghiệp. Vào thời Đổi mới, công nghiệp phát triển mạnh mẽ ở các thành phố lớn bé, nhất là ở các tỉnh và thành phố miền Nam. Do sức hấp dẫn đồng lương cao với đa dạng nghề nghiệp kiếm tiền, nên lớp thanh niên và trung niên rời làng lên phố và vô miền Nam làm ăn rất nhiều; kể cả không ít phụ nữ đã lên chức bà cũng khăn gói rời quê lên phố hoặc “Nam tiến” làm “ô-sin” để… đổi đời. Tưởng được vậy đã có thể bỏ qua điều “an cư” chỉ lo tròn câu “lạc nghiệp” tại miền đất hứa đó. Nào ngờ cơn đại dịch thế kỷ ập sđến làm đảo lộn tất cả! Mới hay chưa an cư thì lạc nghiệp làm sao? Nhất là gặp nạn can qua, dịch giã… Và thế là cùng tắc biến, trong cơn đại dịch kinh động đất trời, con người như trẻ thơ bừng tỉnh. Vợ chồng con cháu bồng bế dắt díu nhau chạy về quê nương thân. Giới lãnh đạo thì bừng thức bâng khuâng nhìn ra những khoảng đồng bát ngát mênh mông mà tự vấn phải quy hoạch thế nào, gieo trồng, nuôi nấng, thu vén đầu vào đầu ra, chế biến, bảo quản ra sao để tăng thu nhập, có bát ăn bát để cho dân nước mình thoát cảnh ly quê?

Câu khẩu hiệu “Ly nông không ly hương” ra đời, nghe đâu khởi từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, quả là mang tầm nhìn chiến lược, có tính dự báo. Song để biến khẩu hiệu thành công ăn việc làm, thành ra kết quả thiết thực hẳn cũng vô cùng khó khăn trầy trật. “Gian nan là nợ anh hùng phải vay”, càng khó khăn càng cần đến tài thao lược với tấm lòng vì dân vì nước của các nhà lãnh đạo. Tuy vậy, từ ước mong đến hiện thực là một thôi đường dài, có khi dài dằng dặc. Thôi đường đó chạm đại dịch Covid-19 càng thêm nỗi lao lung. Qua khoảng cách lộ ra khoảng trống. Lộ ra khoảng “mù mờ” chưa dễ được lấp đầy. Như lời ông Bộ trưởng Lê Minh Hoan gần đây đã nêu trước Quốc hội vấn đề sản xuất nông nghiệp còn nhiều điểm “mù mờ” của cả mục tiêu lẫn giải pháp: “… nền sản xuất, nuôi trồng, tiêu dùng đến trung tâm phân phối mù mờ. Người nông dân mù mờ về nhu cầu thị trường, tiêu thị, sản lượng, quy chuẩn chất lượng… Người kinh doanh nông sản mù mờ về nơi sản xuất, khiến việc kết nối tiêu thụ gặp nhiều khó khăn… Người tiêu dùng mù mờ về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp tiêu thụ mù mờ về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Còn cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp cũng mù mờ về thông tin thời vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Nhiều điểm mù gặp nhau nên rất khó dự báo”. Ông Bộ trưởng nói trúng. Bởi vì có những điểm mù mờ đó nên bấy nhiêu năm nông nghiệp nông thôn và người “nông dân mới” vẫn còn luẩn quẩn loanh quanh, cây thì vừa trồng đã chặt, hàng thì mới bội thu được giá đã lại bị mất thị trường, ế đọng tại cửa khẩu đường biên, thật khó vươn ra đường lớn biển rộng. Rất mừng là ông Bộ trưởng đã nhận thấy, đã thẳng thắn nêu ra.

Vậy thì phải tháo gỡ thế nào cho những điểm mù mờ trở nên thông thoáng và hiệu quả? Việc có vẻ không quá khó, là phải bắt đầu quy hoạch lại thật bài bản khoa học từ khâu ươm mầm gieo hạt, nuôi nấng chăm lo… cho tới khâu chế biến, bảo quản và mở mang thị trường tiêu thụ. “Cần có cơ chế khuyến khích hợp tác xã, tổ hợp, hộ gia đình đầu tư công nghiệp nhỏ, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp mà lại phải gắn với bảo vệ môi trường…”. Thời gian đôi vụ tứ mùa một năm qua đi nhanh lắm. Dăm ba năm, thậm chí tuổi một thế hệ có đoạn thời nhìn lại chưa làm nên cơm cháo gì đã tiêu phí đi đâu. Chưa nói đến lớp tuổi thuộc “dân số vàng, dân số bạc” cả ngàn năm mới xuất hiện một đôi lần. Chưa nói tới điều to lớn muôn thuở vững âu vàng của nòi giống Tiên Rồng. Ở đây, dân ta chỉ thưa thốt điều lo toan gần gụi, thiết thân, là chuyện gì có thể chờ chứ cái bụng đang đói, việc cần chi tiêu ngay cho con cháu học hành, chăm lo sức khỏe khi ốm lúc đau thì không đuổi cũng phải dồn chân, chẳng nên để nhẩn nha, nghỉ ngơi thêm nữa…

Người quê lúa Thái Bình lại vừa qua một vụ thu hoạch. Những chiếc liềm chiếc hái, cái quang  gánh cùng với những dần sàng nong nia thúng mủng… nay đã gác lên gành bếp như một hiện vật bảo tàng, vì sức cơ giới máy gặt đập, máy vận chuyển đã ghé vai đỡ việc rất nhiều. Người nghỉ cho đất thở một đoạn ngày rồi lại bước vào cầy bừa vỡ ải, để rồi qua đoạn sương giá mùa Đông, đợi tiết Lập Xuân chân người làng lại theo nhịp chuyển chiếc máy cấy xuống đồng, vào vụ gieo trồng mới. Lại “trông trời trông đất trông mây/ trông mưa trông nắng...”. Thất bát thì đói, cơ mà bội thu cũng chưa dễ đã no! Chưa “no” bụng vì tâm còn nhiều điều “lo” tính. Vả nữa, nói ra cũng thấy cảm hoài, ngày nay cuộc sống của người thiên hạ ở xứ tân tiến họ tính đến chất lượng sống bằng việc được hưởng thụ những sản phẩm công nghệ giá trị cao của thời đại @, thời 4.0 văn minh hiện đại cơ đấy!

Người nhà quê mong được ông Nhà nước giúp sức làm sao cho diện tích đất nông nghiệp ở khắp các dải đồng nơi thôn làng không có tất đất nào bỏ hoang hóa, cần phải được quy hoạch với quy mô lớn hơn, với quy trình và dây chuyền công nghiệp hiện đại hơn, để tận dụng gieo trồng, chăn nuôi cây, con, củ, quả đạt năng xuất cao nhất, chất lượng nhất... Chỉ đạt vậy mới mong giúp người làm nông nghiệp thoát cánh lái buôn nội địa và ngoại biên nhăm nhe mua non, bán ép. Lo không toàn, chưa mở được đường sang các thị trường xa rộng, thì mãi chỉ làm miếng mồi vặt cho thương lái cò kè bớt một thêm hai. Lại còn kia dịch Covid-19 biết bao giờ mới dứt? Và ai lường hết được sau con Covid-19 này còn con Covid nào nữa không? “Đường xa ngẫm nỗi sau này mà kinh”, cứ như cụ Nguyễn Du viết câu Kiều dành riêng cho con cháu đoạn thời gian này vậy! Hiểm họa trong cõi con người ngày một khôn lường! Những cuộc di dân đi-về vừa diễn ra, nếu không khéo lo toan thì sẽ còn tái diễn và… tiếp diễn!

Tôi muốn được nói to lên đôi điều ước, cũng là điều ngàn xưa ông cha lưu nhắc rằng: Ngót 100 triệu con Hồng cháu Lạc trong ngày tháng năm này đang nhận mang trước lịch sử dân tộc hai nỗi lo toan vĩ đại và nhất định phải làm thành công, đó là: Ly nông không ly hương và An cư, lạc nghiệp!   

Một mái ấm với ông bà, bố mẹ, cháu con… quây quần sớm tối, điều bình thường mà rất mực lớn lao! Chưa xây dựng được mái ấm gia đình đúng nghĩa, nhân dân còn phải xuôi ngược Bắc Nam tìm chốn mưu sinh, tìm nơi an trú… thì đất nước chưa thể yên hàn…

Nhà dân chưa yên ấm thì thế và lực của Nhà nước chưa thể lớn mạnh, vững bền!

Lại nhớ câu Việc nhân nghĩa cốt để yên dân! Chân lý ấy, lẽ sống ấy định đã ngàn năm, phải đâu một buổi?

 

Theo nguồn: Báo Văn nghệ

Các tin khác:

21-25 of 82<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter