Thanh Thảo
Đó là lời thốt tự đáy lòng của một thầy giáo người Anh đang dạy tiếng Anh ở TP. Hồ Chí Minh. Ông qua Việt Nam đã rất nhiều năm để dạy tiếng Anh ở Trung tâm ngoại ngữ, nhưng đại dịch đã khiến nhà trường phải đóng cửa, và ông mất việc làm. Ở nhà trọ, không có tiền dự trữ, ông lâm vào cảnh tay trắng. Cực chẳng đã, thầy giáo người Anh phải viết lên một tấm bảng đề nghị được giúp đỡ, và ông cầm tấm bảng ra đường phố. Nhưng ông không ngờ, có một điều kỳ diệu đã xảy ra...
Những người Việt mà ông chưa hề quen, khi biết hoàn cảnh của ông, đã nhiệt tình và thân ái giúp đỡ ông. Không chỉ là tiền bạc, những người Việt còn kết nối với nhau để tìm và giới thiệu cho ông việc làm trong thời khó khăn. Rất nhiều việc làm đã đến với người thầy giáo tiếng Anh. Rất nhiều người đã tìm đến tận nhà trọ của ông để giúp đỡ và chia sẻ. Xúc động đến nghẹn ngào, người thầy giáo từ Anh quốc đã thốt lên: “Người Việt quá nhân từ. Tôi đã ổn rồi, xin hãy giành sự giúp đỡ cho những người khác còn khó khăn.”
Ở đây, có hai đức tính thật đẹp hiện lên từ hai phía: về phía thầy giáo, đó là lòng tự trọng, không hề tham lam, và biết nghĩ đến những người đang có hoàn cảnh khó khăn như mình. Và một phía khác, là tấm lòng nhân hậu của những người Việt chưa hề quen biết, là tình yêu thương mang dấu ấn Việt Nam đã được hun đúc tự nghìn năm. Đây không chỉ là “Người trong một nước phải thương nhau cùng”, đây là tình người không phân biệt, là tình nhân loại bao la và cảm động được thể hiện bởi những người Việt hết sức bình thường.
Biết được câu chuyện này, chúng ta có tự hào mình là người Việt? Tôi nghĩ, niềm tự hào ấy là chính đáng. Ở con người, có những tài sản ẩn giấu trong ngày thường, bỗng hiện lên như những thỏi vàng trong thời khó khăn hay hoạn nạn. Tài sản ấy là lòng nhân từ. Đó là điều Đức Phật đã răn dạy từ mấy nghìn năm trước. Đó là điều Bác Hồ cùng với những đồng chí Việt Minh của mình đã làm để cứu giúp những phi công Đồng Minh bị rơi máy bay trong những tháng ngày cuối cuộc Thế chiến thứ hai. Ngay tại vùng rừng núi Việt Bắc, ngay trong lúc gian khó nhất. Những phi công người Mỹ đã vô cùng biết ơn Việt Minh, và đó là điều họ ghi nhớ sau hàng nửa thế kỷ.
Tôi chợt nhớ, mình đã đọc một tiểu thuyết cực hay của văn hào người Anh Graham Greene. Tác phẩm đó có tên “Người Mỹ trầm lặng”. Đó là một nhân vật lính Mỹ qua Việt Nam thời chiến tranh để làm tình báo, và là một trường hợp đặc biệt. Còn bây giờ, khi người thầy giáo từ Anh quốc xa xôi đã đến Việt Nam để dạy học, làm một việc hoàn toàn khác với nhân vật người Mỹ trong cuốn tiểu thuyết của Greene. Và điều ông gặp tại Việt Nam trong đại dịch Covid-19 mang tên “Người Việt nhân từ”, một cái tên vô cùng ý nghĩa không chỉ với ông, một người ngoại quốc, mà còn với chúng ta, những người Việt Nam.
Khi mỗi người Việt mang được tài sản vô giá này trong trái tim, trong tâm hồn, thì chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi thử thách, dù cam go nhất.
Cảm ơn người thầy giáo từ Anh quốc, trong khó khăn, đã nhìn ra được tài sản quí giá ấy của người Việt chúng ta.
Theo nguồn: Báo Văn nghệ