Công lý, công bằng cho cả những bức tượng

Tác giả: Võ Khắc Nghiêm

Công cuộc đổi mới đất nước đã có những tác động mạnh mẽ vào mọi hoạt động của đời sống toàn dân, trong đó những cải cách tư pháp đã góp phần bảo đảm cho sự công bằng trong phát triển sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trong cơ chế thị trường, đưa sức tăng trưởng kinh tế đất nước tăng cao trong nhiều năm liền, kể cả năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, Việt Nam vẫn tăng trên 2,8%. Tuy nhiên vẫn còn những vụ án oan xô đẩy số phận những người lao động, những nhà doanh nghiệp đến đường cùng. Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm, gia đình tan nát sau khi đã kêu oan kiệt sức, may nhờ cán bộ trại giam cảm thông, gửi đơn đến cấp cao nhất mới được minh oan, từ đó tìm ra thủ phạm. Vụ ông Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh bị vu khống, hai lần tòa tuyên án tử hình dù không hề buôn ma túy. Vụ Bùi Minh Hải ở Đồng Nai vô tình rơi đồng hồ ở gần nơi có người chết mà phải nhận tù chung thân. Sau nhờ tìm ra thủ phạm từ một vụ án giết người khác, anh Hải mới được tha, được bồi thường gần 60 triệu đồng… Vụ giết người trong vườn điều ở Bình Thuận là vụ rất nổi tiếng, đẩy cả một gia đình 9 người vào vòng tù tội từ lời khai của Huỳnh Văn Nén. Việc điều tra xét xử kéo dài suốt 12 năm vẫn không chứng minh được Nén và 9 người trong gia đình nhà vợ phạm tội, buộc  cơ quan điều tra phải kết luận họ vô tội và bồi thường trên một tỷ đồng…

Có rất nhiều vụ án dân sự kéo dài tới 20 năm, kể cả xét xử phúc thẩm cũng hoãn đi hoãn lại, đến nỗi có người phải quỳ lạy, xin được xử ngay, như vụ ông Trần Hữu Sỹ, 79 tuổi ở Đồng Nai. Vụ xử ông Lương Hữu Phước ở Bình Phước vi phạm an toàn giao thông 3 năm tù giam, tuyên án buổi sáng, buổi chiều ông Phước đến trụ sở tòa nhảy từ lầu 2 tự sát. Trước đây cũng Hội đồng này xét xử vụ tranh chấp 39,5 m2 đất đã khiến ông Võ Chánh tự sát…

Gần đây vụ án tử tù Hồ Duy Hải được xử giám đốc thẩm rất uy nghiêm với 17 vị thẩm phán, nhưng chỉ cho luật sư tranh luận 20 phút, còn bị cáo thì không hề xuất hiện vì “đã nhận tội đến 25 lần” như lời Chánh án Tòa Tối cao trình bày trước Quốc hội về vụ án này, biện minh cho cái thớt được mua từ chợ về làm vật chứng nhận diện, nhưng dấu vân tay và việc xét nghiệm máu tại hiện trường  thì… không nhắc đến. Vụ án đang được Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra lại, không biết kết quả sẽ thế nào, nhưng nhiều luật sư đã nhận định rằng các quan tòa của ta khi xét xử thường đã coi bị can có tội mà không hề mang tâm thức “suy đoán vô tội”. Theo nguyên tắc này thì cho dù bị can có nhận tội đến một nghìn lần mà không có đủ chứng cứ thì vẫn phải xử vô tội. Những vụ án oan gần đây được xóa án, xin lỗi, bồi thường hầu hết đều có dấu hiệu bức cung mà nhận bừa, mong được khoan hồng… may mắn nhờ tìm ra được chính thủ phạm đã nhận tội từ một vụ án khác, hoặc nhờ chính người thân của bị can kỳ công tự điều tra… Tuy nhiên không thể phủ nhận những đổi mới quan trọng của ngành tư pháp, những kết luận sáng suốt của các tòa phúc thẩm tối cao đã tạo thêm niềm tin vào công lý, công bằng của nhân dân, nhất là trong những vụ án tham nhũng lớn, những vụ tranh chấp kinh tế lớn và hàng vạn vụ án dân sự xét xử có lý, có tình. Với gần 100 triệu dân, án dân sự tồn đọng nhiều là điều khó tránh được khi mà luật pháp còn chưa hoàn chỉnh, thiếu những quy định chi tiết xử phạt vi phạm trong ứng xử, lối sống, cách thức làm ăn trong cơ chế thị trường có nhiều tranh chấp… mà cán bộ, nhân viên tòa án các địa phương chưa chuyển biến kịp.

Thời bao cấp thường có sự thống nhất cao giữa Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án. Nhưng ngày nay khá nhiều vụ án bị trả điều tra lại hai ba lần vẫn chưa thể xử được là chuyện bình thường. Vai trò của luật sư cũng được quan tâm nhiều hơn, việc tranh tụng tại tòa đã diễn ra khá sôi nổi, thẳng thắn và khá hiệu quả trong những vụ án lớn, như vụ AVG, chính luật sư đã tác động gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son lo bồi hoàn 3 triệu USD để bị cáo được giảm án…

Trong một bối cảnh thực tế như vậy, việc đề xuất chọn đặt tượng vua Lý Thái Tông tại khu trụ sở mới của Tòa án Nhân dân Tối cao, xem đó như biểu tượng của ngành Tư pháp, đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội. Tất nhiên đó chỉ mới là đề xuất, và rất may là Tòa án Nhân dân tối cao đã không chấp nhận ý kiến đề xuất đó. Ai cũng hiểu rằng biểu tượng của công lý không thể là một ông vua, dù có nhiều công xây dựng luật pháp, xét xử công minh như Lê Thánh Tông, người đã hoàn thiện bộ luật Hồng Đức được bắt đầu từ thời Nguyễn Trãi - Lê Lợi. Ấy là chưa nói đến việc riêng vua Lý Thái Tông dù có nhiều thành tựu trong xét xử án, thì vẫn để lại những thị phi không đáng có trong đời thường, ví như câu chuyện liên quan đến cái chết của nàng Mỵ Ê, vợ của tướng Chiêm Thành thua trận bị bắt… Việc nàng Mỵ Ê nhảy xuống sông tự sát, về sau thi hào Tản Đà đã có bài thơ khá hay nhắc lại chuyện này: “Thuyền ai than thở một người cung phi”...

Nước ta chưa có biểu tượng về công lý, song nhiều quốc gia phương Tây thì đã lấy hình tượng Nữ thần Công lý, một tay cầm thanh kiếm, một tay cầm chiếc cân, ý nghĩa sâu sắc và rất đẹp. Ngành Tòa án hoàn toàn có thể chọn một biểu tượng mang tính tượng trưng như vậy, hoặc mở cuộc thi sáng tác biểu tượng công lý của riêng nước ta. Điều đó sẽ có ý nghĩa hơn là đơn phương chọn một ông vua cụ thể, đại diện cho tầng lớp phong kiến, vào vị trí đó.

Nhân đây thiết nghĩ cũng cần nói thêm đôi điều về việc dựng tượng ở ta thời gian vừa qua. Tình trạng tùy tiện xây tượng diễn ra khá nhiều nơi, nhất là tại những công viên, khu danh lam thắng cảnh… Thậm chí có nơi còn dựng cả tượng phu nhân của các chủ dự án… Trong khi không ít huyện nghèo còn phải xin trợ cấp mà nhiều địa phương vẫn xây dựng những cụm tượng đài tốn kém hàng chục, hàng trăm tỷ đồng… Và cũng không thiếu những những cụm tượng vừa khánh thành đã hư hỏng, xuống cấp…

Đất nước còn nghèo, không nên mượn việc xây đài dựng tượng để tỏ ra “có văn hóa”, cho dù đó là tượng những vĩ nhân cũng nên cân nhắc, tiết kiệm. Và nếu có xây dựng thì càng phải lưu ý việc chống tham nhũng, lãng phí vì đó thường là những công trình có chi đầu tư phí rất lớn. Cần phải biết giữ công lý, công bằng cho cả những bức tượng…

Theo nguồn: Báo Văn nghệ

Các tin khác:

1-5 of 82<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter