“Hai cái bụng” của người quản lý văn nghệ

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại

Thời Chiến quốc (475-221 Tr.CN), Trung Quốc có nhiều nước, nước nào cũng muốn xưng hùng, xưng bá. Vì vậy, việc trước tiên cần tìm người tài, vua phải tỏ ra mình có lượng hải hà thu được nhân tâm thiên hạ. Bấy giờ, Điền Cương làm vua nước Tề, thuộc vùng Sơn Đông ngay nay, lấy hiệu là Tề Tuyên Vương. Các mưu sĩ tiến cử với ông ta trong nước có một kẻ sĩ tên là Nhan Súc. Tề Tuyên Vương tìm đến nhà Nhan Súc. Vua bảo: “Súc lại đây”. Nhan Súc cũng bảo: “Vua lại đây”. Có người sợ Súc phạm thượng sẽ bị chém đầu. Nhan Súc nói: Vua gọi Súc mà Súc lại thì Súc là người hoặc ham, hoặc sợ quyền thế. Súc gọi vua mà vua lại thì vua là người quý trọng hiền sĩ. Để nhà vua được tiếng quý trọng hiền tài có tốt hơn chăng? Vua Tuyên Vương nghe vậy, bèn than: “Người quân tử ai mà dám khinh! Quả nhân cam chịu lỗi. Nay quả nhân xin làm đệ tử để tiên sinh dạy bảo cho…”. Trên đây là câu chuyện có tính chất kinh điển về thái độ cần có của người lãnh đạo đối với người trí thức, xưa gọi là kẻ sĩ. Thời khai sinh nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ chí Minh cũng có rất nhiều động thái nghĩa cử đối với các bậc nhân sĩ trí thức yêu nước, cả Nho học và Tây học, nhằm thu phục các vị đi theo cách mạng, tham gia sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Trong lĩnh vực quản lý văn hóa-văn nghệ cũng có nhiều câu chuyện rất sinh động. Chẳng hạn trường hợp ông Tố Hữu đã vận động, thuyết phục được Nguyễn Tuân đến với cách mạng, với kháng chiến. Trong hồi ký của mình, Nguyễn Tuân kể: “Sau chiến dịch sông Thao trở về, ông Chính Hữu - lúc này là chính trị viên Trung đoàn Thủ đô - hỏi tôi: “Sao cậu lại không vào Đảng nhỉ?”. Tôi hỏi lại: “Có cần thiết và có thể vào Đảng được không?”. Chính Hữu khẳng định lại: “Cậu nên vào Đảng”. Như vậy người đầu tiên gợi cho tôi ý nghĩ cần phải vào Đảng là Chính Hữu. Tính cách của tôi và Chính Hữu hoàn toàn trái ngược nhau: Tôi thì ngổ ngáo, ngang ngạnh mà Chính Hữu thì hiền lành, chuẩn mực. Vậy mà tôi có thể rất quý và tin Chính Hữu vì tôi nghĩ Chính Hữu hiểu tôi, không nhìn tôi về những cái bề ngoài. Đầu năm 1950, theo dự định thì Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Tưởng là hai người giới thiệu tôi vào Đảng. Nhưng đến ngày tổ chức lễ kết nạp 8/4/1950, Nguyễn Đình Thi bận đi dự Đại hội liên hoan thanh niên thế giới ở Bu-ca-rét, anh Tố Hữu ở T6 (mật danh của Ban Tuyên huấn Trung ương) về dự lễ và nhận luôn là một trong hai người giới thiệu tôi. Thế là trên bước đường cách mạng của tôi, anh Lành là người trong từng giai đoạn đã có những tác động tế nhị và quan trọng. Nhớ hồi đầu cách mạng, một hôm Hoài Thanh đến phố Cầu Mới nói với tôi: “Nhà thơ Tố Hữu muốn gặp anh, anh thấy thế nào?”. Tôi trả lời: “Tôi đã đọc và cũng thích thơ Tố Hữu. Kể ra gặp nhà thơ xứ Huế ấy mà cùng nhau đàm đạo văn thơ cũng rất hay đấy!”. Hoài Thanh nói: “Anh Tố Hữu muốn bàn công chuyện với anh đó!”. Chả là hồi này tôi còn e ngại, ngủng ngẳng với cách mạng, chưa thật sự theo Việt Minh. Chắc anh Tố Hữu đoán biết điều đó nên muốn gặp tôi để lôi kéo tôi đi làm cách mạng. Tôi định thử anh Lành chơi, bèn nói với Hoài Thanh: “Thế thì ta hẹn gặp nhau ở Thủy Tạ nhé!”. Hẹn thế vì tôi biết hồi này Thủy Tạ là nơi đi lại của những phần tử khá phức tạp. Nào Tây đầm, nào tay chân của các đảng phái phản động đều tụ tập ở đây ăn uống... Không ngờ anh Lành lại nhận lời. Anh đã gặp tôi, cùng chạm cốc ở Thủy Tạ. Tôi thấy anh Lành có bản lĩnh, chịu chơi, tôi bắt đầu nể anh, từ chỗ có tình cảm với anh Lành tôi có tình cảm và theo cách mạng. Tiếp theo đó là việc anh Lành tổ chức cho tôi cùng một số anh em văn nghệ sĩ theo bộ đội Nam tiến. Rồi đầu kháng chiến, tôi về Thanh Hóa, anh Lành cũng dẫn dắt tôi cùng Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Lương Ngọc, Chu Ngọc… xúm vào làm tờ báo Chống giặc. Việc tôi từ Thanh Hóa lên Việt Bắc rồi đến Đại hội văn nghệ toàn quốc, được cử làm Tổng thư ký, tôi nghĩ là đều có sự sắp xếp của anh Lành…”. Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin, rồi Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, từng là lính của tướng Trần Độ thời bộ đội. Có lần ông Hợp được ông Trần Độ kể cho nghe câu chuyện như sau: Khi ông Độ làm Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ của Ban Tuyến huấn Trung ương, nhiều người “phản ánh” là ông Hoàng Trung Thông hay “la cà” rượu chè, cần phải góp ý. Ông Độ sinh năm 1923, chỉ hơn ông Thông hai tuổi. Ông Độ rất nổi tiếng trong quân đội, trong giáo dục thanh niên nhưng trong văn học, ông Thông nổi tiếng hơn nhiều. Ông Độ đem ý kiến của mọi người trao đổi với ông Thông. Ông Thông nói với ông Độ: “Trước hết tôi cảm ơn anh. Nhưng tôi cũng muốn nói với anh và qua anh đến với những người phê bình tôi: Nhờ sự “la cà” mà tôi biết thực tế cuộc sống đang diễn ra điều gì, lòng dân đang như thế nào, để may ra tác phẩm mình còn có người đọc. Còn các anh lúc nào cũng ở trong bốn bức tường, không tường xây cũng tường thép (ô tô). Đi cơ sở thì kẻ đưa người đón, chỉ gặp “đồng chí” mà không gặp đồng bào. Chỉ nghe nhiều lời siểm nịnh mà ít trung ngôn. Như thế là các anh đang mất, mất thực tiễn, mất lòng tin của dân... Mất cả tỉnh táo và sự lương thiện của mình... Ông Độ thừa nhận với ông Hợp rằng ông Hoàng Trung Thông là người tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc, trung thành với lý tưởng của Đảng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa văn nghệ của đất nước. Hoàng Trung Thông đã thể hiện quan điểm của ông trong tham luận tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III (1983) “Tính chiến đấu trong công tác lý luận phê bình chính là thể hiện tính không khoan nhượng trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng và văn nghệ. Người làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình không những chỉ là người lính gác mà còn là người lính xung kích”. Theo Hoàng Trung Thông, người quản lý văn nghệ không chỉ biết bảo vệ nguyên tắc mà còn phải có tấm lòng với văn nghệ sĩ, có bản lĩnh để bảo vệ cái đúng; Đồng thời phải có kiến thức, có uy tín chuyên môn để anh em khâm phục. * Có người từng nêu câu hỏi: Vì sao Đảng ta luôn luôn coi trọng Văn hóa - Văn nghệ, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đầu tư nhiều tiền của cho hoạt động sáng tác văn học-nghệ thuật mà dường như ít có tác phẩm có giá trị. Có vấn đề gì về quản lý không? Tôi nghĩ, việc chưa có nhiều tác phẩm hay là do nhiều nguyên nhân, trong đó, hẳn có nguyên nhân quản lý. Mấy chục năm gần đây, gần như ai muốn viết gì thì viết, không có sự đòi hỏi bắt buộc, cũng không được tạo điều kiện hết sức như hồi cách mạng còn khó khăn. Chẳng lẽ, quản lý như trước lại hay hơn bây giờ ư? Tôi không dám chắc điều ấy, nhưng chắc chắn rằng: Người quản lý văn nghệ phải có hai cái bụng: Một bụng chữ để người ta phục và một bụng liên tài, thành tâm để người ta quý, người ta theo…

 

Các tin khác:

21-25 of 81<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter