Kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt nam (21/6/1925- 21/6/2021): Nhà văn và nghề báo

Tác giả: Thanh Thảo

 Ngày 21 tháng 6 hàng năm là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhưng những người làm báo thì cứ gọi nôm na là “Ngày nhà báo Việt Nam”.

Tôi làm báo đến nay cũng đã trên 50 năm, nhưng bao giờ tới ngày 21/6 cũng cảm thấy lòng vui vui. Năm nay dịch bệnh, có thể ngày 21/6 anh chị em nhà báo ít gặp nhau, nhưng là nhà báo, thì chỗ hay gặp nhau nhất là trên mặt báo, gặp nhau qua những bài viết. Gặp nhau qua những hoạt động nghề nghiệp. Ngày chưa có dịch bệnh, cánh nhà báo hay gặp nhau buổi sáng ở quán cà phê, để trao đổi thông tin. Cách “họp báo bỏ túi” như thế rất hữu ích cho nghề báo. Tôi biết, nhiều nhà báo đã thành danh từ những quán cà phê nhỏ với những cuộc”họp báo bỏ túi” nhẹ nhàng vui vẻ mà lợi hại ấy.

Nhưng nghề báo không chỉ toàn vui vẻ.

Trừ một số ít nhà báo bị “nghiệp quật” do dính chuyện làm “săng-ta”, lem nhem tiền bạc, còn thì không ít nhà báo lương thiện nhiều khi đã phải buồn vì nghề. Không phải buồn vì nghề báo, mà buồn vì những khó khăn hay trắc trở mình gặp phải khi hành nghề báo. Điều đó cũng dễ hiểu. Vì thế giới đã xếp nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm nhất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và nhà báo là người có thể gặp nguy hiểm khi hành nghề.

Vậy mà ta thử tính xem, trên thế giới hiện nay có bao nhiêu nhà báo? Con số ước tính sẽ làm ta ngạc nhiên, vì số lượng nhà báo trên toàn thế giới lớn quá. Ở Việt Nam, chỉ tính những nhà báo “có thẻ”, con số đã tới mấy vạn người. Số người viết báo không có thẻ thì còn hơn rất nhiều... Thế nhưng chưa có ai tính được hiện nay cả nước có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ thường xuyên tham gia viết báo?... Tôi nghĩ con số ấy thì lại hơi ít.

Ngày xưa, thời Pháp thuộc, nhà văn rất nghèo. Nên nhiều nhà văn đã phải làm thêm nghề báo để kiếm sống. Như thế, so ra, làm nhà báo còn đỡ nghèo hơn. Nhưng hồi ấy, cũng nhờ những nhà văn nhà thơ nổi tiếng tham gia viết báo để… kiếm sống, mà báo chí ngày ấy tuy không nhiều nhưng chất lượng lại cao. Khi

nhà văn nhà thơ viết báo, là họ viết với tất cả cảm xúc của mình, khả năng nhạy cảm của mình, và cả sự tinh quái hay hài hước mà nghề văn cho họ. Nhiều bài báo của những bậc thầy nghề văn ngày ấy như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng… đã trở thành những bài báo kinh điển. Tham gia vào rất nhiều chuyên mục, từ bình luận tới phóng sự điều tra, các nhà văn nhà thơ ngày xưa ấy đã làm phong phú làm hấp dẫn cho những tờ “nhật trình” hay tạp chí, và qua báo chí, tên tuổi các nhà văn ấy càng nổi tiếng, càng gần gũi với người đọc, dù là đọc báo hay đọc văn.

Bây giờ, nếu so số lượng nhà văn “có thẻ” của Việt Nam, con số đã hơn nghìn, nhưng số nhà văn thường xuyên tham gia viết báo trên tổng số nhà văn lại không cao. Có lẽ bây giờ nhà văn có nhiều việc khác để làm, như kinh doanh, chơi chứng khoán, đào tiền ảo, và nhất là… viết facebook, nên số nhà văn trung thành với nghề báo không nhiều. Và nói thật, nếu bây giờ chỉ viết các báo thuộc dòng văn nghệ, những tờ báo tuổi tên lớn mà tiền nhuận bút lại bé, thì quả thật, viết theo dòng báo ấy chỉ còn khá ít nhà văn theo đuổi. Đó là những nhà văn hoặc là trung thành với văn nghệ, hoặc là khó viết cho những tờ báo vừa đời sống vừa bình dân khác, nơi văn nghệ, nói như nhà thơ Xuân Diệu cách đây mấy chục năm, chỉ là mấy cọng hành ngò trang hoàng cho bát phở hay bát bún thêm đẹp…

Tôi biết có một nhà văn, anh Lê Hoài Lương ở Quy Nhơn - Bình Định, nhiều năm nay vẫn cặm cụi viết cho nhiều loại báo. Cách viết của anh Lương khá linh hoạt, nhiều bài báo hay, nhưng theo anh nói với tôi, thì thu nhập cũng thấp. Đúng là khó. Vì nhà văn khi tham gia viết báo, ngoài phần vì những bức xúc thời cuộc, những câu chuyện đời muốn kể ra cho mọi người nghe, còn có phần… kiếm nhuận bút để sống. “Hẻo lánh lắm anh ơi!”, có lần nhà văn Lê Hoài Lương kêu lên với tôi như vậy…

Có lẽ những nhà văn như Lê Hoài Lương không nhiều, nhưng cũng không phải là không có.

Bản thân tôi, chính thức trở lại với nghề báo từ năm 1994, viết đủ thể loại, không từ nan bất cứ đề tài nào báo yêu cầu, không quản đêm hôm vất vả, nhưng thu nhập cũng rất trồi sụt. Với nghề báo, tôi chỉ dám nhận mình là người làm thuê, không có tham vọng gì lớn, chỉ mong bài được in, và báo trả nhuận bút cho mình, thế thôi.

Vậy mà nếu bây giờ, có ai bảo tôi: Anh đừng viết báo nữa, tôi sẽ kiếm cho anh một việc làm khác thu nhập tốt hơn, chắc tôi sẽ cười cười và… từ chối. Tôi yêu nghề báo. Và muốn được gắn bó với nghề báo suốt đời, cho tới khi nào tôi còn viết được.

Đó cũng là chút tâm nguyện nhân ngày “Nhà báo Việt Nam” 21 tháng 6.

 

Nguồn Văn nghệ số 25/2021

Các tin khác:

41-45 of 81<  ...  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter