Trần Bảo Hưng
Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của nền kinh tế, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thế nhưng có lẽ chính trong những ngày “im ắng” này, lại là lúc chúng ta cần tĩnh tâm nhìn lại những mặt được và chưa được của ngành du lịch, để chuẩn bị cho một thời kỳ mới, thời kỳ “Hậu Covid”, khi mà mọi thứ lúc này đều không còn dễ dàng như trước…
Cách đây khoảng hơn một chục năm, chúng tôi đã có cuộc thảo luận với một số cộng tác viên của một tờ báo du lịch. Hôm ấy có người đã đặt câu hỏi: Bạn hãy nói ngắn gọn thế nào là du lịch? Và tôi đã đưa ra định nghĩa: Du lịch là đi chơi một cách lịch sự, mà lịch sự thì như nhà văn Nguyễn Tuân nói, là Lịch duyệt sự đời!
Tất cả các bạn đều tỏ ra kinh ngạc. Cũng đúng thôi, khi đó đất nước ta còn nghèo, bất cứ điều gì người ta cũng quy ra là ăn và ở. Do vậy nói về du lịch, người ta nghĩ chúng ta có bao nhiêu buồng phòng, đủ tiêu chuẩn, bao nhiêu khách sạn bốn, năm sao, rồi tiện nghi ăn ở thế nào... Điều này đến bây giờ vẫn đúng, nhưng đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Du khách đi du lịch, nhất là khách từ các nước phương Tây, hầu hết là những người dư dả, nếu chỉ cần ăn và ở đủ tiện nghi thì họ đã ở nhà. Đi du lịch là họ muốn có những trải nghiệm những cái mới mẻ, khác lạ với cuộc sống thường nhật. Càng mới lạ, càng khác biệt càng hấp dẫn họ.
Thông thường du khách đến một miền đất mới, thường muốn khám phá, thưởng thức cảnh quan thiên nhiên, môi trường văn hóa với những phong tục tập quán, những sinh hoạt thường nhật của cư dân ở đó. Và đặc biệt muốn được trải nghiệm những sinh hoạt, những lễ hội văn hóa bản địa… Rồi những dư vị của văn hóa ẩm thực v.v… Có nghĩa là những chứng kiến, những trải nghiệm, thưởng thức về văn hóa, tinh thần của nơi mình đến. Yếu tố này càng phong phú, đặc sắc, độc đáo… thì càng có sức hút với du khách, và là yếu tố quan trọng khiến họ muốn quay trở lại.
Nói về cảnh quan, môi trường của du lịch, tôi không tán thành luận điểm có mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Đã có một thời chúng ta ngộ nhận là con người có thể cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ mình và bây giờ chúng ta phải trả giá bằng sự biến đổi khí hậu, bằng sự nóng lên toàn cầu và bằng sự thịnh nộ của thiên nhiên với những trận bão, lũ khủng khiếp… Thực sự ra sự khôn ngoan nhất của con người xưa đã đúng và nay lại càng đúng, là phải nương theo những thuận lợi của thiên nhiên để khiến cho cuộc sống của mình dễ chịu nhất và hạn chế những hiểm nguy, những sự mất cân bằng đối với thiên nhiên. Do vậy cảnh quan, môi trường càng nguyên sơ, càng gần gũi với thiên nhiên bao nhiêu, càng hấp dẫn du khách bấy nhiêu. Người ta đến bán đảo Sơn Chà (Đà Nẵng)1 là để ngắm trời, ngắm biển, ngắm rừng, ngắm voọc chà vá và bao nhiêu thứ kỳ thú khác của thiên nhiên, chứ không phải chỉ để ăn và nghỉ. Cho nên phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái là chỉ thấy cái lợi trước mắt, là cách dễ dàng nhất khiến du khách ngoảnh mặt lại. Đất nước ta có bao nhiêu cảnh đẹp, bao nhiêu cảnh quan kỳ thú khiến người nơi xa đến phải nao lòng. Nhưng điều đáng buồn là tất cả những nơi đó đều bị cày xới để xây dựng nên nhà hàng, khách sạn, là những thứ du khách, nhất là du khách phương Tây, đã thừa mứa... Nói thế không có nghĩa là không xây dựng, nhưng xây dựng phải phù hợp với thiên nhiên và thiết thực với nhu cầu của người đi du lịch.
Về sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán và các lễ hội, với 54 dân tộc anh em, chúng ta có các lễ hội hết sức khác biệt trong một sự đa dạng chung, nhưng rất tiếc là chúng ta rất ít phục dựng, và nếu có phục dựng thì cũng không đầy đủ, bị méo mó và thương mại hóa. Có một điều rất đáng lo ngại là không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà cả trong cuộc sống thường ngày, người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là lớp trẻ, ngày càng sùng bái các lễ hội phương Tây mà quay lưng, ngoảnh mặt với các lễ hội độc đáo của dân tộc mình. Đây thực sự là một thiếu sót rất lớn, một biểu hiện của sự thiếu tầm nhìn trong đầu tư phát triển du lịch.
Với người Việt Nam có bản lĩnh, người ta thường nói: ăn lấy ngon chứ không phải ăn lấy no. Đối với khách du lịch càng phải ứng xử như vậy. Phải làm thế nào để du khách thấy ngon từ khi bước vào quán, không chỉ ngon từ món ăn, mà ngon từ chủ quán, từ người phục vụ, đến cách ăn uống của các thực khách khác trong quán. Đó chính là những nội dung đầu tiên của cái gọi là văn hóa ẩm thực, trước khi nói đến những hấp dẫn, những dư vị độc đáo của món ăn.
Và điều đầu tiên, cũng là điều cuối cùng hấp dẫn du khách chính là những người làm du lịch phải chuyên nghiệp, lịch sự và có văn hóa. Đừng chỉ nghĩ mình đang làm kinh doanh du lịch, mà cần nghĩ rằng mình đang là đại diện của đất nước để tiếp xúc với du khách. Có thể gọi đây chính là một thứ “cẩm nang văn hóa” mà người làm du lịch nào cũng phải nằm lòng…
_________
1. Sơn Chà: Núi có con chà vá, không biết từ bao giờ người ta nói/viết thành Sơn Trà.
Nguồn Văn nghệ số 38/2020