Tháng Bảy, nói thêm về một số cây bút đã hy sinh còn ít người biết đến

Tác giả: Thanh Quế

Tôi may mắn được sống, được làm việc một thời gian bên cạnh các anh, hoặc nghe bạn bè kể chuyện về các anh. Các anh đã hy sinh quá sớm, để lại không nhiều tác phẩm lại ít được nhắc đến. Tôi thật sự thấy bức xúc về việc đó, nên hôm nay cầm bút ghi lại một số kỷ niệm và tư liệu về các anh để làm cơ sở cho ai cần nghiên cứu về các anh sau này. Đó là nhà thơ Phan Đình Côn, Nhà báo, nhà văn Đinh Thành Lê và nhà phê bình văn học Hồng Tân.

Nhà thơ Phan Đình Côn sinh năm 1936 tại Quảng Ngãi. Anh tập kết ra Bắc, sau đó công tác ở trong quân đội. Năm 1962, anh cùng các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Chí Trung, Liên Nam vào chiến trường khu 5. Anh được phân công về Ban Văn học, Cục Chính trị, Quân khu V do nhà văn Nguyễn Trung Thành làm trưởng ban.

Phan Đình Côn là một người vui vẻ, cần mẫn trong mọi công việc. Anh cần mẫn trong việc đi phát rẫy, đi gùi cõng, làm nhà. Anh cần mẫn đi thực tế, xung vào những nơi gian khổ, ác liệt, sống với bộ đội, du kích, cán bộ và nhân dân, sát cạnh những đồn bốt, những căn cứ của địch. Anh cần mẫn ghi chép và sáng tác. Phan Đình Côn đã có hàng chục bài thơ đăng báo Quân giải phóng khu V, tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng khu V. Đặc biệt anh có bài thơ Bài ca du kích và Xay thóc được bộ đội và nhân dân khu V rất yêu thích. Thơ anh viết về tinh thần chịu đựng gian khổ, ác liệt cũng như tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân khu V. Anh được những cây bút đàn anh như nhà văn Nguyễn Trung Thành, nhà thơ Vương Linh đánh giá cao, coi anh là một cây bút đầy triển vọng. Anh được Khu ủy khu V tặng thưởng (cùng với một số nhà văn, nhà thơ khác) về thành tích nổi bật trong sáng tác vào dịp Đại hội Văn nghệ khu V, tháng 10 năm 1967. Tuy nhiên, con đường sáng tác của anh phải dang dở. Anh hy sinh anh dũng trong trận giải phóng quận lỵ Minh Long, Quảng Ngãi lần thứ nhất năm 1964.

Nhà báo, nhà văn Đinh Thành Lê tên thật là Lê Ái Mỹ, người Bình Định. Anh tập kết ra Bắc, công tác ở báo Lao động. Năm 1966, anh xung phong vào chiến trường, công tác ở báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ với bút danh Đinh Thành Lê.

Tôi có dịp được chung sống với anh vào cuối năm 1969, đầu năm 1970. Chúng tôi cùng phát rẫy, cùng đi cõng gạo. Đinh Thành Lê rất hiền, ăn nói nhỏ nhẹ và buồn. Anh cho biết, vợ anh - một bí thư đoàn ở nhà máy dệt kim Đông Xuân, Hà Nội - vừa mất vì bệnh ung thư. Anh rất thương vợ. Vợ chồng anh chưa có con. Đinh Thành Lê hay chỉ dẫn cho tôi cách buộc dây gùi khi cõng gạo, cách đặt gùi nghỉ, cách đãi gạo nấu ăn, cách hái rau rừng và chụm củi ra sao để khi nấu không có khói. Anh dạy tôi cách cầm rựa khi phát rẫy để khỏi phồng tay. Anh thường cười nói: “Trông chú lóng ngóng như anh hồi mới vào chiến trường. Tội quá”.

Có đêm nằm mắc võng bên nhau trên đường đi cõng gạo. Anh tâm sự: Anh yêu văn học từ nhỏ. Tuy làm báo nhưng anh vẫn viết thơ, bút ký và truyện ngắn. Bài thơ Quảng Ngãi mùa xuân của anh được đăng Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ và báo Văn nghệ ở miền Bắc. Bút ký Trên một chặng đường dây được đăng ở báo Thống Nhất, báo Lao Động. Anh đang viết truyện. Đi thực tế biết được nhiều truyện hay lắm. Mộng của anh là viết một tiểu thuyết về căn cứ địa Trà My – Sông Trường.

Vào tháng 7/1970, tôi nghe tin anh hy sinh ở dốc Ba Rẫy (Quảng Ngãi) trên đường đi cõng gạo.

Đinh Thành Lê cũng như Phan Đình Côn được Khu ủy 5 tặng thưởng vì có thành tích sáng tác văn học xuất sắc trong dịp Đại hội văn nghệ khu 5 vào tháng 10/1967. Anh ra đi bỏ dở đề cương tiểu thuyết viết về căn cứ Trà My - Sông Trường đang ấp ủ.

Hồng Tân vốn là sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi biết anh từ năm 1963 khi tôi mới bước chân vào học năm thứ nhất khoa Sử tại trường này. Lúc ấy Hồng Tân đang học năm thứ tư. Lớp anh có những người mà sau này là những nhà văn nổi tiếng: Mai Quốc Liên, Bùi Minh Quốc, Trần Nhật Lam, Chu Cẩm Phong… Một lần tôi được nhà thơ Ngô Thế Oanh đưa đến chỗ các anh chơi. Khi nghe giới thiệu chúng tôi cũng có làm thơ, Hồng Tân bắt tay và tự giới thiệu: “Mình là Hồng Tân, dân Sài Gòn, thỉnh thoảng có đâm thọc vào chuyện sáng tác thơ văn của mấy ông tý chút”. Từ đó, tôi với anh hay đi chơi với nhau. Hồi ấy, Hồng Tân đã viết những bài giới thiệu ngắn ngắn về các tập thơ của một số nhà thơ. Dài hơi hơn là bài viết về tập sách phê bình văn học của nhà phê bình lý luận Thành Thế Vỹ và tập thơ Những tiếng thân yêu của nhà thơ Khương Hữu Dụng. Một phần trong tập thơ của Bác Khương là Trường ca Từ đêm 19. Hồng Tân cho rằng, đây là một trong những trường ca sớm nhất và hay nhất trong văn học cách mạng Việt Nam. Trường ca như bản hùng ca, ca ngợi tinh thần anh dũng, bất khuất của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong những năm đầu chống Pháp. Anh nhận định, trường ca này đã được diễn đạt nhuần nhuyễn kết hợp giữa chất Cổ phong (Hán học) và chất Tây học của một nhà thơ vừa giỏi chữ Hán vừa giỏi tiếng Pháp. Anh cho rằng, nhà thơ này sẽ trẻ hóa khi tuổi càng cao, bởi vì trước đây ông lý trí quá, dần dần cái chất “nhà thơ” sẽ trùm lên những thứ đó.

Thực tế về già, Khương Hữu Dụng đã có tập thơ Ông cháu rất hay.

Khi viết về tập thơ Tiếng gà gáy của Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Hồng Tân đã nắm được cái “thần” yêu quê hương đắm đuối của Ca Lê Hiến và tiên đoán rằng khi đi chiến trường, về quê hương, Hiến sẽ phát triển thơ mình trên cái mạch này và sẽ có những bài chín hơn về tư tưởng và nghệ thuật. Tiên đoán ấy càng xác đáng khi sau này Ca Lê Hiến có các bài Dáng đứng Việt Nam, Mặt trời thân yêu, Mùa Xuân Sài Gòn, Mùa Xuân chiến thắng.

Đó là bài viết cuối cùng của Hồng Tân lúc ở miền Bắc. Sau này, Hồng Tân cũng lên đường về Nam vào đầu năm 1965. Hồng Tân muốn vào chiến trường để tắm mình trong không khí chiến đấu của nhân dân, cố gắng tìm hiểu và viết những bài giới thiệu về Văn Nghệ giải phóng. Nhưng anh đã ngã xuống quá sớm, vào tháng 5/1968, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân dân miền Nam, bên cạnh người bạn thân và cũng là người bạn chiến đấu của anh: Nhà thơ Lê Anh Xuân.

 

Nguồn Văn nghệ số 29/2020

Các tin khác:

26-30 of 81<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter