Tác giả: Tạ Minh Châu
Đại hội đại biểu lần thứ X Hội nhà văn Việt nam thành công với một Ban chấp hành có nhiều gương mặt mới và đủ số lượng đã làm các hội viên cảm thấy khá yên lòng và hy vọng sẽ có những điều đổi mới. Hoạt động của Hội có khởi sắc hay không một phần quan trọng phụ thuộc vào trí tuệ, tầm nhìn, sự năng nổ sáng tạo, quyết tâm và sự đoàn kết của Ban chấp hành. Song mười một con người dù cố gắng đến mấy cũng không thể nghĩ ra mọi chuyện, làm tốt mọi thứ, đáp ứng được mọi mong mỏi của các hội viên. Vì vậy ở một chiều ngược lại, sự đóng góp của từng nhà văn cũng không kém phần quan trọng. Sự đóng góp thiết thực nhất là chính bằng những tác phẩm của mình. Càng có nhiều tác phẩm hay, xứng tầm với thời đại, càng có một cuộc sống đẹp, đầy tính nhân văn và trách nhiệm với xã hội thì danh hiệu “nhà văn” lại càng được trân trọng và đó cũng là đóng góp của các nhà văn làm cho uy tín của Hội nói chung được nâng cao.
Ngoài công việc chính của mình là sáng tác, thiết nghĩ mỗi hội viên cũng nên dành một sự quan tâm nhất định cho ngôi nhà chung của chúng ta, tới hoạt động chung của Hội. Mỗi sáng kiến, gợi ý, mỗi góp ý chân thành, xây dựng đối với các hoạt động của Hội, đối với Ban chấp hành nếu được nghiêm túc lắng nghe, cân nhắc và đưa vào thực hiện khi mang tính khả thi thì chắc chắn sẽ làm cho hoạt động của Hội thêm phong phú. Trước và trong Đại hội cũng đã có những ý kiến rất trách nhiệm và xây dựng. Để tiếp tục dòng chảy đó, để tránh sau 5 năm đến kỳ đại hội lại mới có dịp nói ra, nên chăng báo Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội nên khích lệ và đăng nhiều hơn ý kiến của các nhà văn đóng góp cho hoạt động của Hội cả về đối nội và đối ngoại. Đây sẽ là một kênh tham khảo bổ ích cho Ban chấp hành trong suốt cả nhiệm kỳ.
So với nhiều hội khác, Hội nhà văn có một cơ sở vật chất hơn hẳn. Chúng ta có một Bảo tàng với diện tích khá rộng, trưng bày các hiện vật liên quan đến các nhà văn. Làm được như vậy cũng đã là tốt. Song có lẽ chúng ta cũng nên có một Thư viện Hội nhà văn. Thư viện này phải thật sự là cuốn bách khoa toàn thư về từng hội viên của Hội. Tiểu sử, quá trình sáng tác, tất cả các tác phẩm và những bài viết liên quan đến từng tác phẩm của nhà văn đó phải được sưu tầm và hệ thống đầy đủ. Có như vậy, độc giả muốn đọc hoặc nghiên cứu sâu về một nhà văn, một tác phẩm nào đó, họ sẽ nghĩ ngay tới Thư viện Hội nhà văn. Đối với các nhà nghiên cứu, với các sinh viên văn khoa và cả với các nhà văn muốn đọc tác phẩm của nhau thì đây sẽ thật sự là một địa chỉ đáng tin cậy. Chỉ cần các hội viên khi có tác phẩm mới đều gửi tặng thư viện, Hội chi một ít tiền mua bổ sung cho đầy đủ các tác phẩm của họ, phân công người chuyên theo dõi, sưu tầm các bài viết trên các báo và tạp chí về từng tác phẩm của mỗi hội viên. Làm như vậy qua một thời gian chắc chắn chúng ta sẽ có được một thư viện đầy đủ nhất về các hội viên của Hội nhà văn từ trước tới nay.
Có thể nghiên cứu đặt Thư viện ngay trong Bảo tàng hiện nay để bạn đọc vừa đọc được sách vừa xem được các hiện vật trưng bày.
Nhiều hội nhà văn ở nước ngoài đều có thư viện riêng của họ. Còn chúng ta có nên và có làm được không có lẽ cũng là điều nên suy ngẫm.
Nguồn: Báo Văn nghệ online