Về một địa danh có nguy cơ biến mất

Tác giả: Nhà thơ Lê Va

Việc tách, nhập các đơn vị hành chính xưa nay không có gì lạ. Nhưng lạ và tiếc ở chỗ mỗi lần tách, nhập không tránh khỏi mất đi tên của một số địa danh gắn với lịch sử và văn hóa lâu đời của vùng đất ấy. Hơn nữa, có những địa danh chưa kịp nghiên cứu sẽ có nguy cơ mất vĩnh viễn…

Trước khi tỉnh Mường Hòa Bình được thành lập (1886), vùng Lương Sơn thuộc huyện Mỹ Lương (thuộc trấn Sơn Tây) có 7 tổng, 49 xã, thôn. Các tổng đó là: Cao Bộ, Phương Hương, Mỹ Lương, Dã Cát, An Lạc, Kim Bôi và Minh Lương. Khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Mỹ Lương được chia tách làm 3 huyện. Vùng phía Tây được giữ lại chữ Lương lại có nhiều núi nên đặt là huyện Lương Sơn hay châu Lương Sơn (miền núi gọi châu, miền xuôi gọi là huyện). Phần còn lại có sông Đáy chảy dọc được giữ lại chữ Mỹ, trong đó nửa phía trên của sông Đáy đặt là huyện Chương Mỹ và phần phía dưới sông Đáy đặt là huyện Mỹ Đức cho đến nay.

Khi chưa có đường số 6, từ đồng bằng lên xứ Mường theo đường bộ được bắt đầu từ Xuân Mai, chủ yếu theo đường mòn, đường rừng. Từ Xuân Mai (xưa gọi là Phương Hai) vào Kim Bôi là một trong vài ngả chính từ vùng xuôi vào vùng lõi xứ Mường. Con đường này đi qua xóm Cời xã Tân Vinh, sang Cao Răm, vào Bắc Sơn, ra Bãi Chạo rồi tới thị trấn Bo (nơi có chợ Bo lớn tương đương chợ Bờ thời ấy). Bằng con đường này, những thương gia từ Thăng Long kẻ chợ mang hàng hóa vào bán hoặc trao đổi sản vật với bà con người Mường. Còn bà con người Mường vùng Kim Bôi thường đi chợ Đồn ngoài Lương Sơn theo phiên.

Quá trình hình thành chợ Đồn tóm tắt như sau. Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đã đóng một đồn ở khu vực mường Cời thuộc vùng Kệ Sơn nhằm án ngữ con đường từ Xuân Mai vào Kim Bôi. Trong gia phả dòng họ Đinh Công gốc Mường Động ghi rõ: năm Đinh Mùi – 1788, ông Đinh Công Trinh đã 41 tuổi, tuy được Tây Sơn trọng dụng nhưng ông luôn nhớ nhà Lê. Tháng 10 (1788) ông Trinh bỏ trấn Hưng Hóa trở về quê hương. Quân ông Trinh về đến Kệ Sơn thì gặp quân Tây Sơn do Tư mã Đổng Lý đóng đồn tại đây. Thừa lúc sơ hở, ông Trinh cho quân bắt 2 con voi của quân Tây Sơn đem về giữ ở làng Chiềng Động…

Xin nói thêm, miền núi tỉnh Hòa Bình từ xa xưa có các loài thú quý hiếm như hổ, gấu, lợn rừng… nhưng tuyệt nhiên không có tài liệu nào nói rừng núi Hòa Bình có voi. Tuy nhiên hiện Bảo tàng Di sản văn hóa Mường Hòa Bình của nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Thanh Bình đóng tại phường Thái Bình, Tp. Hòa Bình lại đang lưu giữ một số phần xương và răng voi. Ông Bình sưu tầm được phần xương voi này từ vùng Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình và không lý giải được tại sao lại có xương voi ở đất Hòa Bình?. Cho đến khi gia phả dòng họ Đinh Công khai mở, thì sự xuất hiện voi ở núi rừng Hòa Bình có thể là do ông Đinh Công Trinh bắt hai con voi của quân Tây Sơn và việc quân Tây Sơn đóng đồn ở Kệ Sơn cũng như xuất xứ của chợ Đồn - Lương Sơn đã giải đáp thắc mắc trên.

Nhà thơ Lê Va- Ảnh: internet

Khi giang sơn về tay Nguyễn Ánh, nhà Nguyễn tiếp tục duy trì đồn binh ở đây. Thời Pháp thuộc, đồn binh này nâng quy mô lớn hơn và những người lính đồn được điều từ nơi khác đến. Nhà thơ Mai Ngọc Vũ, năm nay đã vào tuổi 80 còn thuộc bài thơ viết về tâm trạng người lính đồn in trong sách “Tân Quốc văn” thời Pháp thuộc:

Ba năm trấn thủ lưu đồn/Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan/Chém tre đẵn gỗ trên ngàn/Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai/Miệng ăn măng trúc măng mai/Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng?/Nước giếng trong, con cá nó vẫy vùng!

Như vậy, ngày xa xưa ấy, lính đồn đã phải thực hiện nghĩa vụ 3 năm. Đồn là cơ sở chính còn các trạm lẻ gọi là bốt. Trong 3 năm nghĩa vụ “trấn thủ lưu đồn” ấy, ngoài việc quân cơ, người lính đồn cũng phải “chém tre, đẵn gỗ trên ngàn”, cũng kiếm “măng trúc măng mai”... và chỉ biết làm bạn với “những giang cùng nứa” chứ “lấy ai bạn cùng”. Trong cảnh cô đơn ấy, người lính đồn so mình với con cá, nhưng là con cá trong giếng. Cũng như người lính đồn hưởng cái trong lành của núi rừng, nhưng lại gò bó trong khuôn khổ của đồn bốt, khác nào con cá vẫy vùng ở nước trong nhưng lại bó hẹp trong giếng. Sự xuất hiện hình ảnh giếng nước ở đây càng chứng tỏ những người lính đồn là người miền xuôi được điều đến, chứ miền núi là mó nước, nguồn nước chứ không dùng giếng nước.

Thế rồi, để những người lính yên tâm đóng đồn không chỉ 3 năm mà là lâu dài, họ được phép đưa vợ con đến hoặc lấy vợ người sở tại. Từ một thân một mình giờ họ có gia đình và làm nhà ở quanh đồn. Hàng ngày những người vợ lính ra khỏi khu vực đồn tìm mua thực phẩm và sản vật miền núi. Có cầu ắt có cung. Bà con người Mường trong vùng mang thực phẩm, lương thực, sản vật rừng ra bán hoặc trao đổi với những người nội trợ của các gia đình lính đồn. Việc trao đổi, mua bán ngày một thường xuyên. Từ chỗ gặp nhau trao đổi, mua bán dọc đường dần hình thành điểm cố định rồi thành chợ. Chợ phục vụ cho các gia đình lính đồn nên gọi là chợ Đồn. Gọi mãi thành quen và cái tên chợ Đồn ra đời là như thế.

Năm 1886, tỉnh Mường thành lập gồm các vùng người Mường thuộc các tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội và Ninh Bình. Lỵ sở tỉnh Mường đặt tại Chợ Bờ nên gọi là tỉnh Chợ Bờ. Từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã xây dựng con đường từ “Hòa Bình đến Phương Hai (Xuân Mai ngày nay), mặt đường rộng 4 mét, dài 35 km. Con đường này hoàn thành vào tháng 3 năm 1901 và vinh dự trở thành đường quốc lộ, là con đường người ta đi lại luôn luôn…” (Trích trang 67 trong “Tỉnh Mường Hòa Bình” của Pierre Grosssin – Nhà xuất bản Lao động, 1994).

Khi có đường quốc lộ từ Hà Nội lên Xuân Mai rồi từ Xuân Mai lên Hòa Bình thì đồn binh đặt tại mường Cời (Tân Vinh) cũng được chuyển ra cạnh quốc lộ (nay là quốc lộ 6). Đồn binh chuyển ra, các gia đình binh lính cũng chuyển ra theo. Xóm nhà binh ở đông được gọi là xóm Chợ Đồn và chợ mở theo xóm vẫn gọi tên là chợ Đồn.

Sau này tại thị trấn Lương Sơn ngoài chợ Đồn còn có phố Chợ Đồn. Ngày nay, thị trấn huyện Lương Sơn mở mang phát triển. Trong tương lai, thị trấn Lương Sơn sẽ thành thị xã Lương Sơn. Các khu dân cư được đổi tên và đặt tên, phố Chợ Đồn được đổi thành Tiểu khu 8. Chợ trung tâm hiện nay là một tổ hợp thương mại dịch vụ đa chức năng được quy hoạch trên diện tích rộng hơn hai hecta thay cho chợ Đồn nhiều năm họp hai bên đường 6 khu trung tâm thị trấn. Như vậy cái tên chợ Đồn không chỉ được đặt tên chợ mà đã từng đặt cho cả một khu dân cư – phố Chợ Đồn, thị trấn Lương Sơn. Rất có thể một bộ phận dân cư thị trấn Lương Sơn hiện nay chính là hậu duệ của những gia đình lính đồn đóng tại mường Cời và làng Chợ Đồn năm xưa.

Việc bỏ tên phố Chợ Đồn hoặc chợ Đồn thiết nghĩ không chỉ làm mất đi cái tên thân thiết với nhiều thế hệ người dân nơi đây, mà vô tình làm mất giá trị văn hóa và lịch sử hình thành và phát triển của một khu dân cư có từ thời trung đại của tỉnh Mường Hòa Bình. Từ đây cũng nghĩ tới việc đặt tên, đổi tên không ít đơn vị hành chính cấp xã, phường của tỉnh trong thời gian qua mang lại không ít điều đáng bàn. Các địa danh từ xa xưa và chỉ ở Hòa Bình mới có thì nay cũng được thay bằng tên gọi ta có thể gặp ở nhiều nơi. Ví như nhắc đến Chăm Mát là người ta biết ngay là ở Hòa Bình. Nay địa danh Chăm Mát không còn nữa. Phường Chăm Mát giải thể để nhập vào hai đơn vị hành chính Thống Nhất và Dân Chủ - những địa danh mà ở rất nhiều địa phương trên cả nước cũng có.

Nếu làm một khảo sát việc đặt tên, đổi tên các đơn vị hành chính trong tỉnh Hòa Bình hiện nay thì không chỉ phố Chợ Đồn, chợ Đồn, phường Chăm Mát mà còn nhiều địa danh hay và ý nghĩa khác cũng bị mất đi. Sự mất đi của những địa danh cổ còn gây vô vàn khó khăn trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa thời trung đại của vùng đất Mường, một giai đoạn dài và quan trọng gần như còn trống vắng trong lịch sử tỉnh Hòa Bình. Tại sao vậy? Vì để tìm tòi lịch sử và văn hóa thời trung, cận đại của vùng đất Mường Hòa Bình, chúng ta sẽ phải nghiên cứu các tài liệu như gia phả, sắc phong dòng họ, thư tịch lưu trữ cấp quốc gia, các thư viện nước ngoài, nhất là tại Pháp. Các tài liệu cổ với các địa danh thời cổ ấy ngày càng xa dần, mất dần bởi sự thay đổi địa danh thiếu cân nhắc như đã xảy ra. Từ đó, lịch sử, văn hóa quý giá thời trung, cận đại của đất Mường Hòa Bình có thể sẽ mãi mãi trống vắng.

 Tiếc thay!

 

Nguồn Văn nghệ số 32/2021

Các tin khác:

1-5 of 82<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter