Tác giả: Văn nghệ
Đại dịch toàn cầu Covid-19 đang từng ngày tác động đến diện mạo thế giới trên khắp mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, văn hóa cho đến các mối quan hệ xã hội khác. Có thể nói những thông tin xám xịt về số lượng người nhiễm bệnh, số ca tử vong, số quốc gia vừa được ghi tên vào Top những nước có số lượng người nhiễm bệnh ở mức cao; những sự kiện văn hóa, xã hội, thể thao bị ảnh hưởng bởi đại dịch… đang là những thông tin được quan tâm rộng rãi nhất trong những ngày này. Và không chỉ đón nhận thông tin, người ta cũng đã bắt đầu quen dần với cuộc “sống chung” cùng con virus có nguồn gốc cho đến nay vẫn còn khá mơ hồ và nhiều tranh cãi này, bằng những thái độ ứng xử thể hiện nhận thức, trách nhiệm và văn hóa của mỗi người, mỗi quốc gia. Trong bức tranh còn dở dang và chưa mấy sáng sủa ấy, Vệt Nam là một trong những nước được đánh giá là tích cực hơn cả, khi cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng gồng mình chống dịch. Không ít những câu chuyện, những hình ảnh cảm động về sự xẻ chia tương ái trong những ngày vừa qua làm ấm và thêm vững lòng những người đang gánh nặng trách nhiệm trên vai; những người đang từng ngày từng giờ đối diện với bệnh tật và sinh mạng của con người trên tuyến đầu của “cuộc chiến” này; và cả những người đang kiên trì vật lộn để giữ gìn cuộc sống cho mình và sự bình yên cho cả cộng đồng.
Thực sự xúc động khi được nghe câu chuyện về các nghệ sỹ, bằng trách nhiệm công dân, bằng uy tín xã hội của minh, đã cùng nhau quyên góp, huy động các nguồn lực để giúp Nhà nước, giúp ngành Y tế có thêm điều kiện, phương tiện vượt qua cơn “bão” mang tên Covid-19. Khởi đầu là việc ca sĩ Hà Anh Tuấn quyên góp gần 2 tỷ đồng lắp đặt 3 phòng cách ly áp lực âm cho các cơ sở y tế ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Quảng Ninh. Hành động này ngay lập tức làm lay động lương tâm và ý thức công dân trong nhiều đồng nghiệp của anh, làm dấy lên nhiều hoạt động ý nghĩa tiếp theo, mà những cái tên, những hình ảnh của các ca sỹ, diễn viên Chi Pu, Tùng Dương, Phạm Thùy Dung cùng các nghệ sỹ khác như Thái Thùy Linh, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, Hoàng Thùy Linh, Hồng Nhung, diễn viên múa Linh Nga, hoa hậu Hà Kiều Anh, Hoa hậu Điện ảnh 2016 Sella Trương, nữ ca sĩ và nhà thiết kế Lý Quý Khánh… lâu nay vốn đã được mến mộ trong lòng công chúng bởi tài năng và tâm huyết, thì giờ lại thêm đẹp đẽ bởi lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm với xã hội, với con người. Hành động đẹp đẽ ấy của họ không chỉ là nguồn chia sẻ, động viên, mà còn như những chấm sáng tươi đẹp điểm xuyết cho dịu lại những vất vả, lo toan của các bác sỹ, y tá tại các bệnh viện, các trung tâm khám chữa và điều trị bệnh dịch luôn trong tình trạng làm việc quá tải với bao nguy cơ, bao thiệt thòi và kỳ thị suốt mấy tháng qua.
Bức tranh đẹp đẽ của lòng nhân ái còn là hình ảnh những người lính đã nhường cả chiếu chăn nhà cửa của mình cho những bệnh nhân cách ly để ra rừng lập doanh trại dã chiến; những chiến sỹ công an tranh thủ chợp mắt ngay bên chốt cách ly sau những đêm làm nhiệm vụ; những em học sinh tự bỏ tiền mua khẩu trang và nước rửa tay phát miễn phí cho người dân… Những hành động đẹp đẽ và cao cả đến ứa nước mắt ấy thực sự không đo đếm được. Nó giống như vị muối mặn mòi trong bát canh, tuy không nhìn thấy, song lại làm nên sự trôi chảy của bữa cơm dù xa hoa hay đạm bạc; giống như những mảng màu tươi tắn hài hòa giúp cho bức tranh cuộc sống ấm áp và bình yên hơn trong những ngày mệt nhọc không yên tĩnh này. Nhưng cao hơn nữa, đó chính là một thể hiện âm thầm nhưng quyết liệt một quyết tâm chống dịch của người dân Việt Nam, chung sức đồng lòng với đất nước.
Nếu như mỗi một việc làm tốt giống như một chấm sáng gom góp chắt chiu để làm nên ấm áp, để gọi về những đoàn kết, sẻ chia, một trong những yếu tố quan trọng để làm nên chiến thắng; thì tiếc thay, trong vòng tay đang siết chặt lại bên nhau đầy nhân ái ấy, vẫn có những những kẻ lạc loài. Che giấu bệnh tật, che giấu hành vi đến trở thành nguy cơ lây nhiễm bệnh là một thứ lạc loài. Nên nhớ, với dịch bệnh, ai cũng có thể là nạn nhân. Nhưng đừng để từ nạn nhân trở thành nguyên nhân. Ấy là điều đáng trách. Tung tin giả cũng là một thứ lạc loài. Thích được chú ý, thích được trầm trồ không xấu, nhưng bất chấp thủ đoạn và hậu quả để đạt được cái mục đích phù phiếm ấy thì thành ác, thành tội. Với những người này, lạc loài là bởi đã để bản năng vượt qua ý thức. Cũng giống như vậy là hành vi tích trữ lương thực, hàng hóa. Không phải tất cả những người hối hả đến hoảng loạn đi thu gom tích trữ lương thực những ngày dịch bệnh vừa tái phát vừa qua đều là những kẻ tham lam ích kỷ. Trong số đó có những người vì quá sợ hãi mà làm vậy. Song dù với lý do nào đi nữa, thì khi đặt những hành vi ấy bên cạnh hình ảnh của những hy sinh và sẻ chia vừa nhắc ở trên, sự cố tình đặt mình ra khỏi dòng chảy trong lành của xã hội là điều chắc chắn không thể biện minh.
Và tệ hơn nữa là những kẻ cơ hội, tham lam đến tàn độc, một thứ virus còn nguy hại hơn cả Covis-19 mà chúng ta đang chống trả. Với thứ virus đang đến từ bên ngoài, sự đoàn kết, hiểu biết và quyết tâm sẽ chiến thắng. Còn thứ virus âm thầm sinh sôi trong tâm hồn mỗi con người thì khó hơn nhiều. Ấy là câu chuyện của kẻ giả nhân viên y tế lừa tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 ở Bình Định. Người đàn bà có cái tên mỹ miều Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) nhưng lại là “tác giả” của hành vi có thể gọi là tàn nhẫn vượt trí tưởng tượng của những người tài năng nhất…
Đã có hàng chục người ở Tp. Quy Nhơn và huyện Tuy Phước trở thành nạn nhân khi nghi phạm trong vai “nhân viên y tế dự phòng” đến tận nhà tiêm ngừa. Với giá khoảng 700.000 đồng/mũi tiêm, lợi nhuận bao nhiêu chưa tính, nhưng rõ ràng với sinh mạng một con người, thì sự “đùa giỡn” đến xem thường này là điều không thể chấp nhận được. Hành vi của kẻ lạc loài tên Sương chắc chắn sẽ bị xử lý ở rất nhiều góc độ sai phạm. Song trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh mà cả đất nước, thậm chí là cả thế giới đang gắng sức hôm nay, rõ ràng không thể có chỗ và không thể là cơ hội cho những thứ virus như vậy.
Tin vào chiến thắng cũng là tin vào chính mình. Chúng ta đã làm, đang làm và chắc chắn sẽ thành công. Với sự chung tay của cả xã hội như hiện nay, mỗi người đều cảm thấy sự ấm áp đang được nhân lên, và niềm tin vào một ngày mai bình yên, tươi sáng, không dịch bệnh, không có những kẻ lạch loài, đang đến rất gần…
Nguồn: Báo Văn nghệ số 12/2020