Con đường lớn… đòi hỏi phải có những nhân cách lớn

Tác giả: Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

(Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Giao thông vận tải)

Huế, tháng 8 năm 2021

Kính thưa Bộ trưởng

 Những ngày này cách đây 62 năm, tôi là cậu học sinh Trường Kỹ thuật Giao thông vinh dự được đón vị Bộ trưởng GTVT về dự lễ tốt nghiệp. Lời huấn thị của ông có câu:

“Nhà trường đã cho ra thêm một mẻ thép tốt. Thép ra lò tốt, làm cầu cống sẽ vững bền… Con đường trước mắt rất rộng rãi, không ai hạn chế, tha hồ…”.

Đó là ngày 31/7/1959. Ít ngày sau, mấy trăm “thanh thép” vừa ra lò, trước khi tung ra mọi nẻo đường đất nước, lại có đặc ân được mời lên Trụ sở Bộ, nghe Thứ trưởng Lê Dung, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành nói chuyện…

Có thể Bộ trưởng sẽ hỏi, cái lão nhà văn nhắc chi kỷ niệm xa xưa nguội ngắt đó với tư lệnh một ngành kinh tế luôn “nóng bỏng” trong dư luận cũng như trên nghị trường? Quả là có vô số chuyện muốn được thưa cùng Bộ trưởng, nhưng bao nhiêu quân tướng đang chờ xin ý kiến tư lệnh, trang báo cũng có hạn, nên chỉ xin được nêu mấy điều như sau:

1.- Tôi nhắc kỷ niệm xưa, không chỉ là cách tự giới thiệu; mà muốn đề cập đến vấn đề cốt lõi của bất cứ ngành nghề nào, với bất cứ “tư lệnh” nào. Đó là quan niệm, thái độ của người lãnh đạo biết đưa lên hàng đầu yếu tố CON NGƯỜI; với ngành công nghiệp ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật thì con người được chú trọng trước hết phải là tầng lớp trí thức, cán bộ khoa học kỹ thuật. Sự trọng thị của các vị lãnh đạo Bộ GTVT với lớp kỹ thuật viên trẻ hơn 6 thập kỷ trước đã thể hiện tầm nhìn đó.

Thực ra, đây là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng với ngành GTVT, có lẽ do tôi đã cống hiến 15 năm tuổi trẻ trên những con đường, những nhịp cầu “nối những bờ vui”, nối hai miền đất nước, tôi cứ nghĩ con người với con đường còn có sự gắn bó đặc biệt về mặt tinh thần, gần như là thiêng liêng. Chẳng phải con người từ lúc lọt lòng mẹ cho đến ngày rời trần thế đều có con đường chung thủy nâng bước ta đi. Biết bao nhiêu là thơ, nhạc đã ca tụng con đường đưa em đến trường. “Con đường chim sẻ”, “Con đường phượng tím” chứng kiến tình yêu đôi lứa, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, và hệ trọng hơn cả lại là con đường “phi vật chất” – “đường lớn chúng ta đi” – “Bí quyết thắng lợi của một cuộc chiến đấu có khi chỉ là một con đường”! Và nói đến con đường, làm sao có thể quên hàng vạn nam thanh nữ tú đã hy sinh tính mạng vì sự nghiếp nối thông mạch máu của Tổ Quốc.  Chính những ngày tháng này, 53 năm về trước 24-7-1968 - 10 cô gái đã hy sinh cùng lúc tại ngã ba Đồng Lộc. Trước đó, ngày 3-7-1966, 9 chiến sĩ TNXP đại đội 759 anh hùng, đồng đội của tôi đã hy sinh tại đoạn đường hiểm yếu dưới chân đèo Mụ Giạ. Còn nhiều, rất nhiều những cuộc chiến bi tráng như thế và hơn thế nữa…

Vì thế, tôi đã viết những dòng sau đây kết thúc cuốn sách kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GTVT (“Ký sự “Những người mở đường ngày ấy” – NXB GTVT, 2015): “...Đi trên những con đường lớn hôm nay, chúng ta cảm thấy một niềm tự hào, đồng thời mỗi người như cũng bị thôi thúc phải biết vươn tới một cách sống cao đẹp, dám vượt qua những cám dỗ tầm thường. Con đường lớn đi tới tương lai của dân tộc, cũng như những con đường lớn của ngành GTVT, đòi hỏi phải có những nhân cách lớn…”.

Kính thưa Bộ trưởng, vậy mà buồn thay, kế tục một sự nghiệp vẻ vang như thế, lại có những kẻ bị truy tố vì tội đục khoét công trình. Mới nhất là vụ “36 bị can “rút ruột” đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sắp hầu toà” (theo Báo CAND ngày 19/4/2021). Liệu có thể nói rằng đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”? Thật không vui nếu phải nhắc lại nhiều vụ án trước đó trong ngành GTVT. Và Bộ trưởng có biết không, mỗi khi có tin một công trình lớn của ngành GTVT khởi công, bên cạnh niềm vui mừng đất nước ngày càng “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” là lời bình nghe thật đau xót: “Ngon rồi! Mấy ngàn tỷ, tha hồ đớp!”. Đau xót và phẫn nộ, vì những “con sâu” ấy đã làm người ta quên nghĩ tới công lao của hàng vạn công nhân, kỹ sư “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” suốt ngày dãi nắng dầm mưa trên những công trường lầm đất bụi.

Tôi cũng biết tệ nạn tham nhũng đang diễn ra khắp mọi lĩnh vực, chứ không chỉ trong ngành GTVT. Nhưng với trọng trách và truyền thống vẻ vang của người đi trước mở đường, tôi đề nghị Bộ trưởng công khai tuyên bố ngành GTVT quyết giữ đội ngũ của mình là những thanh thép không hoen rỉ với những biện pháp kiểm tra, những quy chế trách nhiệm chặt chẽ nghiêm ngặt nhất. Riêng tôi, đề nghị Bộ trưởng cho thực hiện hai việc sau đây:

- Trong lễ khởi công các công trình, thay vì các diễn văn sáo mòn, người (hoặc nhóm người với tên tuổi cụ thể) chịu trách nhiệm chính đọc lời thề trước nhân dân, trước vong linh các liệt sĩ đã hy sinh trên mặt trận GTVT, với cam kết bảo đảm chất lượng công trình và chịu sự chế tài (ví như tự bỏ tiền túi sửa chữa hư hỏng, không được nhận lương hưu khi “hạ cánh”…) nếu không thực hiện đúng.

- Gắn bảng ghi tên người thiết kế, thi công và giám sát công trình, nhằm gắn trách nhiệm cho từng cá nhân (để không thể đổ lỗi cho tập thể chung chung), đồng thời đây cũng là cách tôn vinh những con người có công tô đẹp thêm đất nước bằng những công trình mới, nâng cao sức lưu chuyển trong mạch máu của Tổ Quốc.

 2.- Tôi đã khá dài dòng do nhắc lời vị Bộ trưởng “ngày xưa” về “mẻ thép tốt… làm cầu cống sẽ vững bền”; cũng tương tự như tôi đã viết “con đường lớn… đòi hỏi phải có những nhân cách lớn…”  Nay xin được mạnh dạn nêu một vấn đề có tính vĩ mô về cơ cấu lại ngành GTVT. Điều này, tôi đã cảm nhận khi nhìn những chiếc xe siêu trọng kềnh càng cõng gần chục ô tô con chạy từ Nam ra Bắc, trong khi đường sắt thiếu hàng để chở và đường biển, đường sông không được phát triển. Tham khảo ý kiến một chuyên gia ngành GTVT, ông cũng nêu ý kiến cần tái cơ cấu thị phần vận tải do hiện nay vận tải đường bộ đang chiếm hơn 90%. Một đất nước có bờ biển dài trên 3000km, sông ngòi chằng chịt, bề ngang bé có chỗ chưa đến 50km mà vận tải hành khách, hàng hóa đều chất lên xe đò, xe tải nặng, xe container chạy Bắc- Nam làm cho cầu đường chóng xuống cấp, tai nạn giao thông tăng, đất chiếm dụng cho đường bộ quá lớn, chi phí logistic quá cao so với khu vực, với thế giới là điều quá phi lý. Lợi nhuận của vận tải đường bộ không đủ để chi cho đầu tư sửa chữa, khôi phục. Muốn vậy phải tái cơ cấu đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung cho đường sắt, đường thủy nội địa và đường biển ven bờ, pha sông biển, giảm đầu tư cho đường bộ, kể cả đường bộ cao tốc.

Quả là phi lý khi đường sông, đường biển là của trời cho, hầu như không phải đầu tư xây dựng lại không được tận dụng – tất nhiên là vẫn phải chi phí xây bến cảng, nạo vét luồng lạch, nhưng tốn kém ít hơn nhiều lần so với tiền đầu tư cho một con đường.

Đó là chưa nói đến quỹ đất là thứ tài sản không thể đẻ ra thêm, việc giải phóng mặt bằng cho một con đường mới không chỉ tốn rất nhiều tiền mà làm xáo trộn đời sống hàng triệu con người, làm xấu môi trường sinh thái. Cũng chưa nói đến việc khôi phục vận tài hành khách ven biển và trên những dòng sông sẽ đem lại cho con người những giờ phút thư dãn, được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên còn hơn những liều thuốc bổ! Trong tự truyện “Số phận không định trước”, tôi đã nhớ lại tuổi thơ từng được hưởng những đêm trăng thơ mộng trên chuyến đò dọc xuôi dòng sông Phố từ Hương Sơn về thành Vinh…

Tuy vậy, vấn đề đặt ra đụng chạm đến rất nhiều lĩnh vực và thay đổi một quan niệm, một thói quen là không dễ. Nếu Bộ trưởng thấy vấn đề đặt ra không hẳn là phi lý thì có lẽ trước mặt cần tổ chức một hội thảo các chuyên gia để bàn luận thêm rồi cho làm thí điểm…

3.- Thưa Bộ trưởng;

Có một việc nhỏ, nhưng quan hệ đến hàng triệu con người, diễn ra hàng ngày trước mắt thiên hạ, có thể gọi là hiện tượng “vô pháp” ngang nhiên khắp phố thị. Tuy không hoàn toàn là chuyện của ngành GTVT, nhưng ngành GTVT là chủ nhân quản lý những con đường, nên theo tôi, cần có tiếng nói trước tiên và “quyết liệt”.

 Đó là việc những chiếc xe ô tô đậu cả dãy bên đường – không phải đỗ một lúc khi ghé thăm ai đó, mà là đỗ “suốt ngày dài lại đêm thâu”. Chủ nhân những chiếc xe đó, do nhà không có chỗ để xe, nên lấy mặt đường - tài sản chung của nhân dân - làm chỗ để xe riêng của mình!

Như thế, về hình thức xem ra “ngay hàng thẳng lối” nhưng bản chất sự việc là “vô pháp” – không coi trọng pháp luật: Không được phép chiếm dụng mặt đường (cũng như mọi tài sản công cộng khác) vào mục đích cá nhân. Tại sao chủ xe ô tô được “tự do” đỗ dưới đường suốt ngày đêm, trong khi một số nơi lại xua đuổi “quyết liệt” một gánh hàng rong hay một xe máy đỗ tạm dưới đường? Chẳng lẽ luật pháp né nhà giàu?

Đây là chuyện gây bức xúc trong xã hội đã lâu, nhưng chưa tìm được giải pháp thích hợp, rồi thì với quan niệm “dĩ hòa vi quý” (đại thể là “thông cảm cho nhà người ta chật hẹp không có chỗ đậu xe”…) nên tình trạng nói trên ngày càng phổ biến, khi “thiên hạ” đang đua nhau mua ô tô!

Việc lấn chiếm mặt đường làm chỗ đậu xe còn gây ra những tác hại khác như hạn chế tốc độ lưu thông trên đường, thậm chí là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, nhất là ở những tuyến đường hẹp.

Để khắc phục tình trạng tắc nghẽn ở các thành phố cần nhiều giải pháp khác nữa, trong đó việc dành đủ quỹ đất cho giao thông đô thị phải thực hiện nghiêm từ bước quy hoạch; ở đây, tôi chỉ nêu vài ý kiến nhằm hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng “vô pháp” nói trên; theo tôi, Bộ GTVT (có thể cùng với ngành Công an, Quản lý đô thị) cần chủ động kiến nghị nhiều biện pháp, áp dụng từng bước và tùy theo điều kiện cụ thể:

- Trước hết, vận động chủ xe ô tô tìm (thuê) chỗ đậu hàng ngày tại nhà dân hoặc cơ quan có diện tích chưa sử dụng.

- Vận động các doanh nghiệp đầu tư xây nhà cho dân thuê gửi ô tô.

- Cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định người muốn mua xe ô tô phải cam kết có chỗ đậu ô tô riêng và báo cho chính quyền địa phương biết để theo dõi việc thực hiện.

Rất mong những ý kiến của ông già từng được Bộ GTVT tặng Kỷ niệm chương trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GTVT sẽ được Bộ trưởng lắng nghe…

Nguồn:Báo Văn nghệ số 31/2021

 

Các tin khác:

1-5 of 82<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter