Tác giả: Nhà văn Lê Ngọc Minh
Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 một lần nữa khẳng định: Ngày nay, công nghiệp văn hóa là một một hình thái phát triển quan trọng của nền kinh tế quốc dân, trong đó du lịch văn hóa sinh thái là một cột trụ lương đống, đặc biệt là tại các đô thị lớn, đô thị mới.
Du lịch văn hóa sinh thái càn một “tổng phổ” kiến trúc mạch lạc về không gian, về mặt bằng địa lý. Đó là sự phát triển hài hòa, khang trang, phát triển bền vững của một đô thị hiện đại nói chung và phục vụ hiệu quả cho kinh tế du lịch nói riêng. Nhưng trong điều kiện nước ta, thiên nhiên khắc nghiệt, thiên tai xảy ra liên miên cùng sự tàn phá do các cuộc binh lửa trong quá khứ đã khiến rất nhiều công trình, trong đó đa phần là các công trình văn hóa, lịch sử bị hủy hoại nặng nề… Trong quá trình tái thiết không phải lúc nào, thời nào cũng có cái nhìn viễn kiến, thế nên các đô thị hiện tại đang ngày càng trở nên chật chội, tạm bợ, thiếu vắng những không gian văn hóa lịch sử, sinh thái…
Ngày nay, không ai còn nghi ngờ gì nữa về vị thế vô cùng to lớn của ngành du lịch trong nền kinh tế của một đất nước. Ví dụ quốc đảo Manđivơ (Maldives) ở Ấn Độ Dương, dân số chỉ vẻn vẹn có hơn 500 ngàn người nhưng mỗi năm đón đến gần 1,8 triệu du khách và ngành du lịch của nước này đã đóng góp cho nền kinh tế quốc dân từ 28 đến 30% tổng thu nhập mỗi năm. Ở thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong những ngày nắng nóng đầu tháng 6/2022 vừa rồi, theo tài liệu của ngành chức năng thì có ngày đã đạt tới gần 750 ngàn lượt du khách đến nghỉ mát, đông gấp hơn 6 lần cư dân địa phương. Chắc chắn rằng, không ít trong số du khách này, ngoài việc tắm biển, nghỉ ngơi và thưởng thức ẩm thực… còn có sự quan tâm thăm thú các không gian văn hóa như: đền Độc Cước huyền thoại, chùa Cô Tiên lịch sử, Hòn Trống Mái diễm tình và các rẻo rừng thông mát rợi gió biển trên núi Trường Lệ...
Trong thế giới hiện đại, nhiều đô thị lớn được kế thừa những không gian văn hóa nghệ thuật trứ danh có tuổi thọ nhiều trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi như thành phố Sankt Peterburg của Liên bang Nga với bảo tàng Hermitage, cung điện Mùa Hè Peterhof, dinh thự của Nữ hoàng Ekaterina đệ nhị v.v… Hoặc như thành phố Roma của Italy với trường đấu La Mã, tháp nghiêng, tòa thánh Vatican v.v… Hoặc như gần gũi với chúng ta, có thể kể đến chùa Vàng ở Thailand; Di tích Angcovat ở Campuchia… Tuy nhiên, cũng có những đô thị, người ta tạo lập những không gian văn hóa sinh thái nghệ thuật chỉ mới trong vòng dăm, bảy thập niên trở lại đây hoặc ít hơn nữa. Song, các dự án đó khi hoàn thiện đã nhanh chóng trở thành các địa chỉ nổi tiếng về giá trị không gian sinh thái, về không gian văn hóa nghệ thuật mà thành phố Bibao (Tây Ban Nha) là một ví dụ. Vào những năm đầu thập niên 1970, sau một thời kỳ dài kinh tế Tây Ban Nha bị suy thoái, chính quyền thị trấn Bibao, một đô thị nhỏ ở vùng duyên hải phía tây của nước này đã lập ra quy hoạch phát triển đô thị dài hơi bằng cách xây dựng một bảo tàng nghệ thuật dựa vào các biểu trưng của vùng đất sở tại để phục vụ cho ngành kinh tế du lịch. Chỉ trong vòng hơn hai thập niên, với ba mươi phòng trưng bày trên diện tích sở hữu chỉ chừng 1000m2 đất tự nhiên nhưng với nhiều hiện vật mô phỏng văn hóa sinh thái bản địa độc đáo như: Cá voi khổng lồ, Nhện khổng lồ, Cây neo, Cột hải đăng… và các bí kíp cách thức chế tạo các món ăn địa phương. Thị trấn này nhanh chóng trở thành một điểm sáng của trên bản đồ nghệ thuật và du lịch toàn cầu. Bibao được biết đến như một trung tâm của nghệ thuật thị giác và xúc giác bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế đáng ngưỡng mộ của một thành phố hiện đại đầu thế kỷ XXI. Nhiều bộ phim truyện của các nhà làm phim Tây Âu và Bắc Mỹ đã chọn Bibao làm bối cảnh ghi hình.
Nhân nói chuyện phim ảnh, xin dẫn thêm một ví dụ về bối cảnh quay bộ phim Nàng Dae Jang-geum ở ngoai ô thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã được gìn giữ và khai thác thành địa điểm du lịch văn hóa sau khi bộ phim có tiếng vang lớn. Trường quay bộ phim nói trên đã giúp ngành du lịch và phim ảnh Hàn Quốc thu về 17,5 triệu USD mỗi năm. Một số bối cảnh đã xuất hiện yếu tố tâm linh, trong đó, vị trí mà nàng Dae Jang-geum nhận được lá thư hiếm hoi của người mẹ nghèo từ quê gửi đến, đã trở thành địa chỉ cầu mong vận may của du khách. Ai đến trường quay này tham quan đều không quên buộc vào chuỗi dây chăng chéo hàng ba một mẩu giấy, trong đó ghi điều nguyện ước của mình.
Qua vài ví dụ trên đủ thấy các giá trị lịch sử, văn hóa, sinh thái… khi được quy hoạch thành các không gian điểm nhấn biểu trưng cho các đô thị, thì sẽ đóng góp cho kinh tế du lịch rất lớn, đóng góp cho việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người bản địa rất lớn. Nhìn lại ở nước ta, trong hơn ba chục năm trở lại đây, khi nền kinh tế đất nước chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, việc xây dựng các không gian văn hóa trong kiến trúc đô thị hiện đại đang trở thành một xu thế đầy hấp lực và không ít các địa chỉ dạng loại này đã nhanh chóng trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch sở tại. Chúng ta có thể thấy những địa chỉ đó ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), ở thành Phố Hồ Chí Minh, hoặc ở Đà Nẵng… Thêm một điều đáng ghi nhận nữa là trong các dự án đó đa phần đã được xã hội hóa bởi các doanh nghiệp, doanh nhân, những chủ đầu tư căn cơ, trường chí và trường vốn. Thế nên nhiều công trình được xây dựng tương đối nhanh và cũng nhanh chóng khẳng định vị thế thành công khi đưa vào sử dụng, ví như trường hợp của Không gian Văn hóa Việt ở thành phố Thanh Hóa. Năm 1994, thị xã Thanh Hóa được nâng cấp lên thành phố. Nhân dịp này, những ý tưởng kiến tạo một Không gian văn hóa Việt trong khu đô thị tương lai được nẩy sinh đầy cảm thức lãng mạn. Đó là bên cạnh các dãy chung cư cao tầng, khu nhà liền kề khang trang, các biệt thự đa chủng loại modern cùng hệ thống trường học, siêu thị, chợ dân sinh, khu văn hóa thể thao…. Đây sẽ là một Không gian Văn hóa Việt mang đặc trưng dấu ấn xứ Thanh. Đến năm 2014, khi thành phố Thanh Hóa được nâng cấp lên đô thị loại I, thì Không gian Văn hóa Việt cũng được hoàn thành và trưng bày hiện vật trên diện tích 16.000m2. Trong đó có một bảo tàng trưng bày hơn 1000 cổ vật của nền văn minh Đông Sơn với niên đại trên dưới 2000 năm. Đó còn là một vùng mô phỏng thiên nhiên kì thú gồm những cây đa, cây sanh, cây si, cây lộc vừng trăm tuổi đến một nghìn năm trăm năm tuổi, những thảm hoa hồng nhiều chủng loại được chăm trồng công phu. Cùng đó là những tòa nhà cổ được dựng bằng các loại thiết mộc đến những dãy nhà tranh tre lợp kè, lợp bổi, vách thưng, nền đất ẩn mình bên trong những vạt tre ngà óng ánh nắng mai… Đặc biệt ở đây còn có hai tấm phản đá trọng lượng mỗi phiến khoảng 50 tấn, được ghi vào sách guinet Việt Nam.
Tuy nhiên không phải công trình nào cũng thành công, cũng tạo được dấu ấn hấp lực, thậm chí có những dự án chết yểu hoặc phải chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Lý do chính là vì các tác nhân kiến tạo ra các công trình bất thành đó chưa đủ tầm nhìn xa về chiến lược phát triển đô thị văn minh hiện đại; thiếu kiến văn về lịch sử văn hóa bản địa, thiếu tri thức, cảm thức về môi trường sinh thái. Mặt khác, một số ngành liên quan đến văn hóa, du lịch cũng chưa tận dụng, chưa bảo tồn kịp thời các bối cảnh phim ảnh, các bối cảnh lễ hội, festivals… để biến chúng thành các cảnh quan phục vụ du lịch, phục vụ nghiên cứu lịch văn hóa nghệ thuật. Ví dụ trường quay phục hiện toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ, năm 1954, diện tích gần 4km2 và khu dịch vụ gần một trăm phòng ở, nhà câu lạc bộ, khu thể thao hiện đại… được người Pháp xây dựng tại Sơn Tây để quay bộ phim Điện Biên Phủ đã không được giữ lại để khai thác du lịch như nhiều nước đã làm và hái ra tiền.
Việc xây dựng các Không gian Văn hóa - Lịch sử, Không gian Sinh thái - Môi trường trong các đô thị hiện đại nhằm thỏa mãn nhu cầu dân sinh sở tại và thu hút khách du lịch là rất cần thiết, song các dự án này chỉ có thể phát huy tác dụng lâu dài, chỉ có thể là sức hút du khách tiềm tàng khi tạo ra được những nét độc đáo văn hóa lịch sử và sinh thái bản địa không pha lẫn với bất cứ nơi nào. Đồng thời, cũng rất mong muốn rằng, ngay từ khi kiến tạo nên ý tưởng dự án, chủ đầu tư cần có tiên lượng tốt, các chuyên gia thực hiện dự án phải am hiểu sâu rộng về từng lĩnh vực trưng bày trong thiết kế bố cục. Mọi thứ lai căng với văn hóa và môi trường sinh thái bản thổ đều không mấy hứa hẹn thành công!
Nguồn Văn nghệ số 39/2022