Tác giả: Trần Bảo Hưng
Đạo đức xã hội ở một bộ phân dân cư đang xuống cấp nghiêm trọng. Điều này thì ai cũng thấy và cũng cảm nhận được. Nhưng sự xuống cấp đạo đức của một số học sinh, sinh viên của thế hệ trẻ là điều đáng lo ngại nhất, vì trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai.
Chúng ta rất đúng khi xác định gia đình, nhà trường, xã hội là ba môi trường góp phần tạo nên đạo đức của học sinh, trong đó gia đình là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất. Gần đây đạo đức của nhiều học sinh xuống cấp, người ta có xu hướng đổ tất cả trách nhiệm cho nhà trường, điều này chưa đúng và có phần oan uổng cho các thầy cô giáo. Hiện nay quan hệ của gia đình ở một số địa phương đang hết sức lỏng lẻo và đạo lý truyền thống đang bị băng hoại một cách nghiêm trọng. Khi con cái có khi không còn tôn trọng, chăm sóc ông bà, cha mẹ, khi anh chị em ruột đánh chửi nhau, thậm chí chém giết nhau vì đồng tiền, vì quyền thừa kế, khi vợ chồng không còn tin tưởng nhau, việc ngoại tình xảy ra như cơm bữa… thì trẻ em trong môi trường ấy, chịu sự giáo dục của những con người ấy đứng đắn, tử tế làm sao được! Khi không ít bố mẹ dạy con “đồng tiền là tiên, là phật”, trong thế gian này “không ai cho không ai cái gì”, khi lòng vị tha, giúp đỡ đồng loại… bị coi là ngu ngốc, dại dột… thì đạo lý truyền thống, hệ thống đạo đức được truyền dạy trong nhà trường trở nên hài hước và là những tín điều không đáng tin. Rồi người lớn văng tục, chửi bậy, ra đường không tôn trọng luật lệ giao thông, nếu có xô xát thì giải quyết bằng nắm đấm, bằng luật rừng… trong khi đó lại bảo các em phải ứng xử có văn hóa, phải có lòng vị tha, giúp đỡ người yếu thế, già cả… thử hỏi các em có tin và làm theo không?
Nhà trường đứng thứ hai trong vai trò giáo dục và tạo nên nền tảng đạo đức cho các em. Nhưng khi có thầy giáo, cô giáo (những người lớn) lại không thực hiện đúng điều mình đã rao giảng (thậm chí còn làm điều ngược lại) thì có thể bắt các em làm theo được không? Tâm lý của thế hệ trẻ, của học sinh thường coi thầy cô giáo là những người mẫu mực, là tiêu chuẩn cần phải noi theo. Khi học sinh đổ vỡ niềm tin ở những thần tượng của mình thì chúng trở nên manh động và có ý thức làm những điều ngược lại với những gì chúng được răn dạy. Khi quan hệ thầy trò là thiêng liêng (đứng thứ hai trong giá trị đạo đức của chế độ phong kiến “quân - sư - phụ”) trở nên quan hệ thương mại, mua bán (tuy không phải là tất cả) thì không thể bắt học sinh “kính thầy” được.
Sống trong một môi trường xã hội và môi trường giáo dục bị xô nghiêng, bị lệch chuẩn, không biết tin cậy vào ai, vào điều gì thì học sinh hư hỏng, đánh bạn, chửi bậy, đi bụi đời… là điều dễ hiểu. Trong hoàn cảnh này lời dạy của tiền nhân “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” là hoàn toàn chính xác. Và từ đây có thể rút ra kết luận “trẻ con hư hỏng là do người lớn hư hỏng”, nền tảng đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng thì hy vọng làm sao trẻ em có thể đứng đắn, tử tế được. Hiểu được điều này chúng ta sẽ không chỉ trách móc trẻ em, đổ tội cho nhà trường khi con em của chúng ta hư hỏng. Hãy tự nhìn nhận lại đạo đức của mình, hãy sống là những người tử tế… khi đó mới có hy vọng dạy dỗ được con em của mình nên người tử tế. Những người hư hỏng tuy chỉ là những “con sâu”, nhưng hậu quả trong giáo dục trẻ em thật là to lớn.
Gần đây chúng ta luôn đề cao vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội. Điều này hoàn toàn đúng bởi một lẽ tự nhiên: trẻ con luôn luôn phóng đại những cái xấu điều tốt của người lớn và cấp dưới cũng luôn luôn phóng đại những điều tốt và tính xấu trong ứng xử và xử lý công việc của cấp trên. Do vậy chọn được người đứng đầu xứng đáng (nói rộng ra là cấp trên) trong hệ thống chính trị là hết sức quan trọng và có tính chất sống còn. Chưa nói về đạo đức, trước hết nói về chuyên môn: không ít cơ quan, tổ chức nhà nước viện nghiên cứu… vì chọn những kẻ không đủ tâm đủ tầm đứng đầu nên đã xảy ra thảm họa. Như một lẽ tự nhiên kẻ đứng đầu không giỏi giang sẽ chọn người phó kém hơn mình, rồi những cán bộ của người phó lại kém hơn người phó… cứ thế cả một cơ quan sẽ lựa chọn, sẽ nương theo nhau mà sống và làm việc và tất yếu là cơ quan ấy không hoàn thành nhiệm vụ. Cách đây 50 năm một cơ quan nghiên cứu khoa học rất có tiếng trong giới, nhưng gần đây đến cả viện trưởng người ta cũng không còn biết tên nữa. Thảm họa xảy ra khi cơ quan này suốt nửa thế kỷ qua có một quy ước không thành văn: không lấy người giỏi vì không bảo được, không lấy người kém vì không làm được việc, chỉ lấy người trung bình thôi. Cứ thế, thế hệ sau luôn kém hơn thế hệ trước, và cái viện danh tiếng này đã chìm nghỉm trong hệ thống nghiên cứu của nước ta, bởi vì không phải người giỏi nào (khi đi học) cũng làm việc được (khi ra trường) huống hồ lại không thu nhận họ về, thì thất bại là cầm chắc. Có một câu phương ngôn không biết của ai, của nước nào: người giỏi là người có thể quản lý, lãnh đạo được những người giỏi hơn mình!
Đó là mới chỉ nói về chuyên môn. Còn về đạo đức nếu cấp trên xấu một thì cấp dưới xấu mười. Không chỉ vì xu hướng “phóng đại” như trên chúng tôi đã nói, mà bởi vì kẻ xấu biết cấp trên đã “ăn bẩn” thì không bao giờ dám xử trí chúng. Một kẻ ăn bẩn sẽ có một mối liên minh tự nhiên những kẻ ăn bẩn dưới quyền. Một kẻ xu nịnh sẽ có một đội ngũ trùng điệp những kẻ xu nịnh. Một ông thủ trưởng một cơ quan khi đã nghỉ hưu mới nhận ra rằng: những kẻ ngang ngạnh, hay có ý kiến trước những chủ trương, quyết định của mình (mà ông rất ghét), khi về hưu ông mới biết đó là những người tốt. Còn kẻ xu nịnh, khi ông quyết định sai chúng vẫn xuýt xoa: anh quyết định thật sáng suốt, sau khi ông về hưu chúng mới lộ rõ dã tâm. Chúng không bao giờ đến nhà ông, gặp ông chúng không thèm chào. Bây giờ ông mới thấy những người “ngang ngạnh” kia, dám phản biện ý kiến của ông là những người tử tế. Do vậy muốn diệt trừ kẻ xu nịnh, thì việc đầu tiên là phải không có những lãnh đạo thích xu nịnh. Gần đây chúng ta thấy một chủ trương rất đúng là chống “chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển” cương quyết không đưa những kẻ này vào vị trí lãnh đạo, nhưng cách chống hữu hiệu hơn là chống những người đứng ra bao che, lo lót, là hậu thuẫn cho những kẻ chạy chức, chạy quyền kia. Chống hết những người này thì những kẻ “chạy” kia cũng tự nhiên biến mất.
Tựu trung lại phải chọn cho được những người đứng đầu, những cấp trên thật sự có đức, có tài. Chúng tôi cho rằng trong các cơ quan, tổ chức, những kẻ xấu có rất ít, mà phần lớn là những người có tài năng, đạo đức vừa phải, họ sẽ “gió chiều nào che chiều ấy”. Nếu người lãnh đạo, người đứng đầu tử tế họ sẽ chuyên cần làm việc, bằng không thì ngược lại. Đã có một câu chuyện ở một cơ quan mà tôi được chứng kiến: Người đứng đầu cơ quan có nhiều sai lầm, nhưng khi bỏ phiếu tín nhiệm vẫn được 100% phiếu. Cũng người lãnh đạo ấy, khi cơ quan thanh tra, cấp trên về yêu cầu bỏ phiếu, thì 100% cán bộ, nhân viên trong cơ quan lại đề nghị phải kỷ luật.
Trở lại tình hình đạo đức xã hội xuống cấp – một vấn đề rất nghiêm trọng và rất nan giải. Muốn giải quyết được vấn đề này cần một hệ thống biện pháp cả kinh tế, xã hội, văn hóa… và phải rất kiên trì. Ở đây chúng tôi chỉ nêu một định đề (cũng có thể coi là một giải pháp): trẻ con hư hỏng là do người lớn hư hỏng; cấp dưới hư hỏng là do cấp trên hư hỏng và ngược lại.
Nguồn Văn nghệ số 42/2020