Nhà văn: Họ là ai?

Tác giả: Cao Chiến

Trong bài viết này, “nhà văn” là đại từ chung chỉ người viết văn xuôi và thơ. Có một câu hỏi đã cũ như trái đất: nhà văn, họ là ai? Cũ bởi không dưới một lần người ta đã nói về nó. Trong Đại từ điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb Văn hóa - Thông tin, HN 1998, tr.1227-1228) có hẳn định nghĩa nhà văn là “người chuyên sáng tác văn xuôi, có tài năng và đã có tác phẩm giá trị được thừa nhận”. Tưởng thế là kịch đường tàu rồi, chẳng còn gì nói nữa. Nhưng với tôi thì chưa đủ. Từ nhỏ tôi đã vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ nhà văn. Chao ôi, mấy từ văn nhân thi nhân cứ gọi là đẹp long lanh. Trong suy nghĩ của tôi, từ tận đáy lòng, họ là những thực thể gần như vô nhiễm.

Gần đây, sau Đại hội nhà văn Việt Nam, danh xưng nhà văn lại nóng lên. Người trong giới tự sướng, kẻ ngoại giới thì soi. Gì cũng soi. Ồn ào, chen lấn bỏ phiếu cũng soi. Im lặng, chẳng ý kiến ý cò gì cũng soi. Nghĩ theo hướng tích cực sở dĩ nhà văn bị soi bởi họ được yêu quá. Không yêu thì mặc xác, ai thèm soi. Lại có người hô nhà văn cao quý nhưng việc tôn vinh chưa xứng tầm, người khác phụ họa nên cấp thẻ hành nghề cho văn nhân, như nghề báo; và thứ này nữa, mới đây chừng dăm bảy bữa, câu chuyện trang Web của Hội Nhà văn Thành phố nọ lại sốt… Cái việc làm nóng đại loại là vậy!

Rốt lại thì nhà văn họ là ai? Tôi vẫn trung thành với tư tưởng văn nhân là thực thể gần như vô nhiễm, nhưng thêm chút khảo dị. Thiết nghĩ nhà văn là hạng người không giới tính, nữ có thể nhập thân thành nam nhi và ngược lại, sự xáo trộn này đôi khi kích thích nhà văn sáng tạo, lạ thế; thứ nữa là văn nhân không có tuổi. Lão già da dẻ nhăn nhúm, tay chân lẩy bẩy, nói như ai đó nhỉ, tôi không nhớ, rằng già thì còn kết tinh sáng tạo gì nữa, phải vậy không? Văn nhân già, trong văn họ yêu phơi phới. Nguyễn Xuân Khánh với Đội gạo lên chùa, Marguerite Duras với Người tình, và mới đây là Gánh gánh gồng gồng của Xuân Phượng, đều tám chín chục cả. Sáng tạo không có tuổi. Văn nhân không có tuổi. Trong văn và ngay trong đời thường, đứa ba mươi gọi lão bảy mươi cộc lốc cái bút danh, lão bảy mươi nhăn răng cười hề hề, sao đâu. Lại nữa, năm sinh năm chết của văn nhân cũng chỉ vài dòng số cụt lủn, ai thèm lưu tâm, thường người ta chỉ nhớ tác phẩm. Tôi nói văn nhân không giới tính và không tuổi là vậy!

Văn nhân dị biệt với phần còn lại của thế giới. Tôi nói thế này, họ là những kẻ bất phàm. Với người bình thường, cơm no, lăn đùng ra đánh một giấc thẳng cẳng là hạnh phúc. Văn nhân hẳn cũng muốn vậy nhưng bị lão trời già hành. Nhăn nhó vật vã suốt đêm, tưởng gì té ra vật vã tứ thơ, câu thơ, một hai con chữ; lại nữa, chuyện thiên hạ tự nhiên vơ vào làm chuyện của mình, rồi khóc cười âm ỉ. Bao đồng đến thế là cùng!

Ai cũng có thể thành người của hội nhà văn, miễn là đáp ứng điều kiện theo Điều lệ. Có tiền là có thể in sách. Nhà xuất bản chỉ làm một việc là cấp phép, tùy số lượng trang in mà ra giá. Bởi vậy tôi ngạc nhiên khi có người cắc cớ bản thảo gửi mãi chẳng xin được phép. Viết cao siêu quá chăng? Hay la lối gì? Sách không ra được tựu chung chỉ có vấn đề như vậy. Làng nhàng đã có biên tập sửa lỗi. Không ra được sách tốt nhất là nên tự xem lại mình, tiên trách kỷ hậu trách nhân là vậy. Nghịch lý ở đây là người giỏi có thể không vào được hội, vì họ không có sách. Vài triệu, vài chục triệu với người này là muỗi, nhưng với người kia có khi hơn cả gia tài. Biết sao được, cuộc chơi nào chả thế!

 

Vẻ như nhà văn chả cần cho ai nhưng dứt khoát là không thể không có họ. Họ ghi lại ký ức thời gian khiến cho mọi thứ có hồn vía. Bà lang vườn có thể vò nắm lá nhọ nồi hạ sốt cho con bệnh trong khi đợi bác sĩ. Già làng có thể lấy điều hơn lẽ thiệt hóa giải khúc mắc chẳng phiền đến luật sư. Giả như thi hào Homer không gảy cây đàn lia kể về cuộc chiến thành Troia thì nghìn năm sau ai biết Hector, Achilles. Văn nhân là thế, không ai thay được. Thế này còn hơn cả tôn vinh!

Trong mắt tôi nhà văn đồng nghĩa với bao dung chia sẻ, thiếu một trong hai phẩm chất đó họ chỉ còn là thợ viết. Nghe hóng diễn đàn văn chương có người đề xuất cấp thẻ hành nghề nhà văn, kiểu như nghề báo, nghề y, nghề luật, cho oách! Văn là nghề cực nhọc làm say đắm lòng người khiến bao trái tim tan chảy. Chưa có thống kê về chỉ số yêu bền vững, tôi nghĩ chỉ số này ở văn nhân rất mong manh. Văn nhân cô đơn lắm. Chưa lấp đầy khoảng vắng này khoảng vắng khác đã mở ra. Cứ thế họ đi trong cuộc đời. Nhập môn nhiều phá giới cũng lắm, cơ man là thối, rụng, cuối đường lác đác dăm ba bóng hình đã là may mắn.

Các tin khác:

6-10 of 81<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter