Tết độc lập, niềm vui từ mỗi gia đình

Với gia đình tôi, từ hồi tôi còn học phổ thông ở Hà Nội, Tết Độc lập luôn là ngày Tết thực sự của gia đình, dù hồi ấy còn rất khổ. Ngày 2/9 hàng năm, thế nào thầy tôi (là bố tôi) cũng bàn với má tôi tổ chức trong nhà một bữa “ăn tươi”, như một bữa liên hoan gia đình trong vòng thân mật, để đón Tết Độc lập. Tôi nhớ, ngày đó, khách mời thường xuyên của gia đình tôi là cụ Phạm Quang Lược (còn gọi là ông giáo Lược), người đã dạy thầy tôi những chữ nho đầu tiên, trước khi thầy tôi chính thức đến trường học chữ nho. “Nhất tự vi sư”, thầy tôi kính trọng ông Phạm Quang Lược, một người “hay chữ” trong làng, người thầy dạy chữ nho cho mình, người cùng mình hoạt động cách mạng, và cùng là đại biểu quốc hội khóa 1 năm 1946 với mình. Tôi được giao “nhiệm vụ” đi mời ông Phạm Quang Lược, lúc bấy giờ công tác ở Mặt trận tổ quốc quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. Tôi đạp xe đi mời ông Lược với tất cả sự kính trọng, và cùng ông dong xe đạp về nhà mình ở khu tập thể Ngọc Hà. Đối với tôi, đó là ngày Tết gia đình mà tôi không thể quên được. Cả nhà đều vui, khách mời càng vui, và bữa “ăn tươi” thực sự ngon lành với một đứa trẻ là tôi. Ngày đó, nói “ăn Tết Độc lập” là nói niềm vui tinh thần là chính, chứ chuyện “ăn” thật sự chả có là bao. Bữa “ăn tươi” tươm nhất cũng chỉ một con gà nấu lên cả nhà ăn bún, một con vịt cũng nấu ăn bún, vậy thôi. Nhưng thật vui và thật ấm áp.

Cho tới bây giờ, hơn 60 năm đã qua, nhưng gia đình tôi, từ thời cha mẹ tôi, giờ tới thời vợ chồng tôi, chưa bao giờ quên tổ chức “ăn tết Độc lập” tại nhà, như một niềm vui thân mật của gia đình. Ngày xưa, khách là thầy dạy của cha tôi, thì bây giờ, khách là mấy người bạn thân thiết với tôi. Khi cha mẹ tôi đã mất mấy chục năm rồi, thì ngày 2/9 vừa là ngày tết gia đình, vừa là ngày tưởng niệm Bác Hồ, Người đã qua đời đúng vào ngày 2/9, vừa là ngày chúng tôi thắp hương cho cha mẹ mình. Không khí gia đình trong ngày 2/9 là một không khí đặc biệt, đầy ký ức, kỷ niệm, đầy tình yêu thương, đúng với ý nghĩa là một ngày Tết - Tết Độc lập.

Bây giờ, qua báo chí truyền thông, tôi được biết, bà con người Mông trong ngày 2/9 hàng năm đều lũ lượt kéo về cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) để “ăn Tết Độc lập”. Đó đã thành một tục lệ tuyệt đẹp của người Mông từ bao nhiêu năm nay. Theo lời kể của những già làng, từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã rất trân trọng và coi đó là tết Độc lập của dân tộc mình. Hàng năm, vào đúng dịp 2/9, người Mông từ các bản làng gần xa lại nô nức rủ nhau xuống trung tâm huyện vui ngày tết Độc lập. Trải qua thời gian, nét đẹp văn hóa ấy đã lan tỏa tới nhiều vùng đồng bào Mông sinh sống trong cả nước, thậm chí vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Đối với dân tộc Mông, Độc lập có giá trị tuyệt đối lớn. Khi đã chọn Việt Nam là Tổ quốc của mình, người Mông đã chọn ngày 2/9 là ngày Tết thật sự của dân tộc mình.

Vậy thì ngày 2/9 hàng năm, bên cạnh là một ngày hưởng thú vui du lịch cùng gia đình, bạn bè, thì rất nên là một ngày mỗi gia đình Việt Nam chúng ta đoàn tụ để “ăn Tết Độc Lập” như chúng ta vẫn thường ăn Tết Nguyên Đán vậy.

Cũng qua truyền thông, tôi được biết, ngày Quốc khánh Hoa Kỳ 4/7 hàng năm, người dân Mỹ đã coi đó là ngày Tết của mỗi gia đình mình, và họ đã tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa và thú vị. Đồng thời họ cũng có cách ăn mừng rất độc đáo như: Đốt pháo hoa, Tổ chức các lễ hội, Máy bay biểu diễn trên không, Diễu hành ngoài trời, Dã ngoại cùng gia đình, Xem những trận đấu bóng chày, Trang trí nhà cửa, Tổ chức tiệc ăn uống, họp mặt gia đình với những món ăn phong phú…

Mỗi dân tộc mỗi quốc gia đều có cách “ăn Tết Độc lập” không giống nhau, nhưng chúng ta có thể tham khảo cách ăn Tết Độc lập của người Mỹ, vì nó rất sinh động, và rất vui. Quan trọng nhất, Quốc khánh 2/9, đó là ngày mà mỗi người Việt, dù đang ở đâu, đều có thể tự hào về Ngày Quốc khánh của đất nước mình. Với người Việt, bao giờ ngày Tết cũng là ngày quan trọng nhất, thiêng liêng nhất, và vui vẻ nhất.

Tết Độc lập năm nay, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn lảng vảng đe dọa chúng ta, nhưng niềm vui khi đất nước phục hồi kinh tế, văn hóa sau đại dịch đã lan tỏa khắp đất nước. Du lịch nội địa đã trở lại mạnh mẽ và trở thành món ăn tinh thần và thể chất không thể thiếu của nhiều gia đình. Khách du lịch quốc tế cũng đã bắt đầu tới Việt Nam, sau mấy năm bị dịch bệnh làm giãn cách. Và những bữa ăn tết Độc lập đoàn tụ gia đình cũng diễn ra trên khắp đất nước, trong mỗi gia đình, và tạo nên một không khí đặc biệt ấm áp, chan hòa, yêu thương, không khí của một ngày Tết thật sự. Làm sao chúng ta quên được lời tha thiết trong Tuyên ngôn Độc lập lừng danh thế giới do chính Bác Hồ viết và tuyên đọc trong “Ngày Tết Độc lập” lịch sử của cả dân tộc Việt Nam mình: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.”

Đó là ý nghĩa sâu sắc nhất của Ngày Tết Độc lập Việt Nam.

Nguồn Văn nghệ số 36+37

Các tin khác:

1-5 of 81<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter