Về lá đơn của nhóm biên soạn sách giáo khoa và câu hỏi đặt ra cho Bộ Giáo dục & Đào tạo

Từ lá đơn của nhóm biên soạn sách giáo khoa

Ngày 27 tháng 8 năm 2020, Tập thể tác giả Sách Giáo khoa Toán 2 Bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Pgs-Ts Trần Diên Hiển, Chủ biên; Nguyễn Đình Khuê, nguyên Chuyên viên cao cấp; Pgs-Ts Đào Thái Lai; Ts Phạm Thanh Tâm; Ts Nguyễn Thị Kiều Oanh; Ths Nguyễn Thúy Vân, đã có đơn gửi đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; bày tỏ về những bất đồng trong việc thực hiện hợp nhất hai bộ sách Vì sự bình đẳng dân chủ trong giáo dục và Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo Tập thể tác giả, lý do để họ gửi đơn lên các cấp có thẩm quyền là vì những thỏa thuận giữa 2 nhóm tác giả biên soạn môn Toán 2 không hiểu vì lí do gì đã không được thực hiện một cách nghiêm túc. Thay vì mỗi nhóm biên soạn đóng góp 50% nội dung bản thảo môn Toán 2 như đã thỏa thuận tại cuộc họp ngày 07/7/2020, thì nhóm tác giả biên soạn Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục chỉ được lựa chọn 7/175 tiết trong bản thảo Toán 2. “Sáu tác giả (trong đó có một đồng chủ biên) được phân chia viết 7 tiết trong số 175 tiết là một trò hài hước”. Tập thể tác giả nhấn mạnh trong đơn.

Mặt khác “Công ty Dịch vụ xuất bản Gia Định đã chuyển bản thảo sách Toán 2 cho các cơ quan chức năng để tổ chức thẩm định, trong khi Tập thể tác giả chúng tôi (kể cả đồng chủ biên và các tác giả) không hề được biết bản mẫu sách đưa đi thẩm định như thế nào (theo thông lệ thì chủ biên phải kí xác nhận sách mẫu trước khi nộp cho Hội đồng thẩm định)”. Tập thể tác giả viết.

Từ những vấn đề trên đây, Tập thể tác giả Sách Giáo khoa Toán 2 thẳng thắn đề nghị:

- Rút 7 tiết ra khỏi bản mẫu sách Toán 2 (của Công ty Gia Định tổ chức biên soạn)

- Rút tên 6 tác giả ra khỏi danh sách tác giả trong bản mẫu Sách Giáo khoa Toán 2 của Công ty Gia Định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 9/2/2021, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ký Quyết định 709/QĐ-BGD&ĐT và Quyết định số 718  phê duyệt danh mục Sách Giáo khoa lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông năm học 2021-2022. Theo đó, bộ sách Toán 2 của Công ty Gia Định đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo thẩm định dùng trong năm học 2021-2022. Hiện tại các bản mẫu đã được tung xuống cơ sở và các Nhà xuất bản đã và đang tiến hành từng bước giới thiệu sách cho địa phương trong cả nước để họ lựa chọn. Qua đơn thư của Tập thể tác giả Sách Giáo khoa Toán 2, nhiều thầy cô giáo, phụ huynh bức xúc đặt ra câu hỏi: Tại sao Công ty Dịch vụ và xuất bản Gia Định lại toàn quyền quyết bản thảo Sách Giáo khoa Toán 2 mà chưa có ý kiến thống nhất của Chủ biên cũng như Tập thể tác giả? Tại sao bản mẫu Sách Giáo khoa không có chữ kí của Chủ biên (Pgs-Ts Nguyễn Diên Hiển) và tập thể tác giả biên soạn? Tại sao chưa có chữ kí xác nhận chủ biên và nhóm tác giả mà sách vẫn được Hội đồng thẩm định phê duyệt? Các cấp có thẩm quyền sẽ giải quyết ra sao ý kiến của Tập thể tác giả Sách Giáo khoa Toán 2 khi họ đề nghị rút 7 tiết trong bản mẫu sách và rút tên 6 tác giả khỏi sách Toán 2 (do Công ty Gia Định tổ chức biên soạn)? Vai trò quản lí nhà nước về Sách Giáo khoa của Bộ Giáo dục & Đào tạo ra sao mà để xẩy ra tình trạng bất cập, lộn xộn trên đây?

Đến xã hội hóa sách giáo khoa

Năm học 2020-2021, thực hiện xã hội hóa Sách Giáo khoa, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ Sách Giáo khoa lớp 1, trong đó có 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục và 1 bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Bộ chưa kịp vui mừng thắng lợi của xã hội hóa sách giáo khoa vì lần đầu tiên trong Lịch sử Giáo dục Việt Nam có 5 bộ sách cùng song hành, thì bỗng nhiên hai trong số bốn bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng, dân chủ trong giáo dục “không cánh mà bay”. Báo Pháp luật Việt Nam số 59 ra ngày 28/2/2021 bất ngờ: Chuyện lạ có thật: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam “hô biến” hai bộ sách và thấy đó là hiện tượng “bất thường”. Cái chết yểu của hai bộ sách đã khiến cho các cơ sở giáo dục năm học 2020-2021 lựa chọn hai bộ sách trên đây cảm thấy hoang mang. Vì mỗi bộ sách có hệ thống và sự tiếp nối. Nhưng lo ngại lại nằm ngay ở chính vấn đề an ninh sách giáo khoa. Mới một năm mà hai bộ sách biến mất. Lấy gì đảm bảo rằng những năm tiếp theo các nhà xuất bản vẫn duy trì tổ chức biên soạn và xuất bản Sách Giáo khoa, các tác giả biên soạn vẫn mặn nồng, say mê với thế hệ trẻ, khi mà bản thân họ không được tôn trọng, đối xử công bằng và khách quan; khi mà các yếu tố quan trọng cho an ninh sách giáo khoa không được tính đến.

Xã hội hóa Sách Giáo khoa không phải mạnh ai nấy chạy mà cần có sự quản lí chặt chẽ, tạo điều kiện từ phía Bộ Giáo dục & Đào tạo, cần được đối xử công bằng. Gần đây có ý kiến cho rằng khi phát hiện ra sạn trong sách Tiếng Việt thì Bộ Giáo dục & Đào tạo đối xử “nhất bên trọng, nhất bên khinh” nhất là không chỉ đạo các bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhặt sạn kịp thời!

Xã hội hóa là cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh là động lực cho sự phát triển ; nhưng cạnh tranh không lành mạnh gây ra khủng hoảng. Khủng hoảng truyền thông vừa qua khi nhặt sạn cho sách giáo khoa là điều cần phải điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Có lẽ tiên lượng được những vấn đề của xã hội hóa sách giáo khoa, nên trong Nghị quyết số 88/2014/QH 13 về việc Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tại điều 2, khoản 3, điểm 9 ghi rõ: “Để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa”. Nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn không có bộ sách giáo khoa được tổ chức biên soạn từ Bộ Giáo dục & Đào tạo. Vì vậy, những lo lắng về vấn đề an ninh sách giáo khoa là hiện hữu.

Câu hỏi đang chờ trả lời từ Bộ chủ quản.

 

Theo nguồn: Báo Văn nghệ

Các tin khác:

21-25 of 81<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter