Điểm thi cao “chót vót” - bất bình và chấp nhận

Tác giả: Nhà văn Phạm Thành Hưng

Vừa xem bản tin VTV thông báo điểm chuẩn vào khoa Báo chí trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lên tới 29,9 điểm, tôi giật mình. Chưa kịp tĩnh tâm thì lại giật mình vì chuông điện thoại gọi từ nước ngoài về. Chắc nghĩ là tôi vẫn đang dạy ở khoa Báo chí, nên bạn tôi chất vấn vì sao lại có thứ điểm chuẩn cao chót vót đến vậy, nghề báo ở Việt Nam sao đắt đến vậy? Tôi khất bạn, rồi bấm điện thoại một đồng nghiệp đương nhiệm ở khoa Báo chí hỏi ngọn ngành. Nghe trả lời, tôi yên tâm, thầm nghĩ trong đầu câu trả lời với bạn sao cho thỏa đáng…

Chợt nhớ tới chuyện cố Giáo sư Đinh Gia Khánh, cựu Chủ nhiệm bộ môn Cổ-Cận-Dân (gọi tắt 3 chuyên ngành Văn học Trung đại, Cận đại và Văn hóa dân gian Việt Nam) thuộc Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Có lần thầy rất lúng túng trước mẫu khai bản lý lịch mà Phòng Tổ chức Cán bộ yêu cầu. Mẫu tờ khai có mục “Trình độ văn hóa”. Thầy nghĩ một hồi rồi viết “ngang 10”. Mấy ngày sau, Phòng Tổ chức bắt thầy khai lại, vì khai như vậy là xem thường tổ chức. Chẳng biết bản khai lại sau đó thầy nâng “trình độ văn hóa” của mình lên cao bao nhiêu, nhưng ai cũng biết là thầy đã khai lần đầu quá trung thực. Suốt thời kháng chiến chống Pháp sang chống Mỹ, thầy không có thời gian học thi để lấy một cái bằng nào nữa. Tri thức thầy có được để trở thành một nhà khoa học xã hội - nhân văn, rồi sau là Giáo sư đại học đều do thầy tự học, nghiên cứu mà thành. Thầy đã thật thà quy đổi cái bằng “Tú tài Tây” sang bằng tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm.

Bằng cấp không đồng nhất với tài năng và cống hiến. Ông cha ta có truyền thống khuyến học, khuyến tài, nhưng không đề cao danh vị. Nửa sau thế kỷ 19, đất Yên Mô, Ninh Bình có danh nhân Phạm Thận Duật, quan thượng thư từng kinh qua 4 bộ của triều Nguyễn, được vua dùng như con dao pha trong nhiều lĩnh vực. Nhưng ông quan đại thần đồng thời là một sử gia yêu nước có tài kinh bang tế thế đó, do bài thi phạm húy nên chỉ là cử nhân đậu vớt. Vua Tự Đức là người trọng thực lực, khi phát hiện ra nhân tài vẫn gọi Phạm Thận Duật vào triều ban cho mũ áo làm quan.

Câu chuyện trên vẫn chỉ như một trong những hiện tượng cá biệt, khi một triều đại đang rơi vào hoàn cảnh “thế kỷ vắng anh hùng”. Xã hội Việt Nam cổ truyền về cơ bản vẫn là xã hội trọng danh hơn trọng lợi. Quan niệm “miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” và giấc mơ “vinh quy bái tổ”, đỗ đạt làm quan vẫn chi phối rất nghiệt ngã đời sống văn hóa giáo dục Việt Nam gần nghìn năm qua. Sang tận thế kỷ 21 này, theo chúng tôi, nền văn hóa giáo dục xã hội chủ nghĩa của Việt Nam vẫn chưa cắt đứt được cái quán tính trọng danh và chủ nghĩa hình thức có từ chế độ phong kiến cũ. Chủ nghĩa hình thức bộc phát thành chủ nghĩa thành tích, biểu hiện qua việc “công nhận” quá nhiều các trường đại học, cùng các chế độ khen thưởng, danh hiệu thi đua, “bảng điểm” và các quy chế tuyển sinh đại học…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã để cho tình trạng mất cân đối nghiêm trọng và dài lâu giữa đào tạo đại học và đào tạo trung cấp – dạy nghề, công nhân kỹ thuật… Hơn 220 trường đại học trong cả nước mở rộng cửa đáp ứng nhu cầu “đại học hóa” của toàn dân. Kết quả là rất nhiều thanh niên đã lãng phí 4-5 năm tuổi trẻ của mình cho một tấm bằng vô vị. Sau khi ra trường “một bộ phận không nhỏ” lại phải chạy “xe ôm”, làm shipper chuyển hàng, làm công nhân lao động giản đơn trong các công ty, hoặc phải đi học thêm nghề khác…

Sự bùng nổ, lạm phát đại học tất yếu dẫn đến sự lạm phát điểm thi. Điểm chuẩn 29,9 cho khối C00 nói trên cũng có logic sâu xa từ đó. Tình hình trên cũng đã diễn ra ngay cả trong các khối thi khác. Vào những năm nửa sau thập niên 70, điểm 3 môn khối A để đi học nước ngoài đều không quá 20. Để được học đại học trong nước điểm thi cũng chỉ dao động trên dưới 5 điểm mỗi môn theo thang 10 điểm.

Cách nay đã lâu, tôi có đứa cháu học Đại học Bách Khoa với chính người bạn thân của tôi. Ngày bảo vệ tốt nghiệp, tôi đến dự, hy vọng bạn tôi nể mặt mà cho cháu mình điểm nhích lên cho dễ xin việc. Kết quả Hội đồng chỉ cho đồ án đó 6,5 điểm, vì bạn tôi không hé răng lên tiếng ủng hộ câu nào. Tôi chợt nhớ có lần mình phàn nàn về chuyện các thầy dạy Bách khoa khó tính hay đánh trượt sinh viên. Ngay lập tức bạn tôi giải thích: “Các ông Văn-Sử, chấm bài rộng điểm, sinh viên ra trường viết sai, viết dở chắc chả chết ai. Chúng tôi dạy cháu ông làm lò hơi, máy nổ mà không khắt khe, sau này chúng nó làm nổ lò, hỏng máy, chết người, phải đi tù, ông có trách tôi không?”.

Hiện tượng lạm phát điểm thi mấy năm qua còn xuất phát từ phương thức tuyển sinh đại học. Những năm phải chấm hộ môn Văn cho các trường đại học không có giáo viên Văn, chúng tôi cảm thấy mình chấm nhanh hơn, có phần rộng tay, độ lượng. Tới khi chấm bài cho thí sinh vào khoa mình, trường mình, chúng tôi khắt khe, thận trọng. Ai cũng có cảm giác là mình đang chấm thật, chấm chặt. Không nói ra nhưng ai cũng có ý thức rằng: nếu chấm sai, chấm sót, học sinh kém vào học thì mai sau thày dạy vất vả, mà trò cũng khổ. Nếu tinh ý, phát hiện đúng học trò giỏi, lấy vào thì năm tới thầy trò người dạy người học đều thảnh thơi. Chấm bài thuần túy theo đáp án, chúng tôi chấm khá nhanh, nhưng lại chấm kết hợp Đáp án với sự cảm nhận văn chương có tính chủ quan của mỗi thày. Kết hợp đáp án chung “của Bộ” với đáp án riêng bao giờ cũng chấm chậm, nhưng sẽ chọn đúng học trò cho mình. Chúng tôi nói đùa với nhau: “chấm ngửi hương văn” là theo nghĩa đó. Như vậy, tình hình lạm phát điểm thi hiện nay có thể dễ khắc phục khi mỗi trường đại học phải tự tổ chức tuyển sinh, từ công đoạn ra đề, chấm bài lẫn quyết định chỉ tiêu. Nếu điều đó được phép thực hiện, chất lượng “đầu vào” và thành quả “đầu ra” cũng sẽ được nâng cao. Nếu giáo viên chấm bài phóng túng thì hậu quả rơi vào chính mình. Mình làm mình chịu kêu mà ai thương?

Quá trình tự chủ tài chính của các trường đại học hiện nay cần gắn bó chặt chẽ với tự chủ về tuyển sinh “đầu vào”. Một khi mỗi trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng, việc công nhận cấp bằng phổ thông trung học có thể không cần thi mà chỉ cần nhà trường phổ thông xét qua kết quả điểm thi các học kỳ cuối cấp. Rõ ràng là câu chuyện điểm thi tốt nghiệp năm nay tăng vọt không chỉ xuất phát từ sự giảm nhẹ yêu cầu bài thi, đề thi dễ làm, mà còn xuất phát từ tâm lý chấm bài. Cả giáo viên đại học và giáo viên trung học phổ thông cùng chấm. Trước những thùng đựng bài thi, giáo viên phổ thông nhìn vào như nhìn đứa trẻ sắp xa mình, sắp vào đời, đang tuột khỏi vòng tay… Còn giáo viên đại học lại nhìn như nhìn một đàn trẻ lạ, chắc gì chúng đã đến với mình mà mình phải dạy, phải nuôi?

Có ý kiến cho rằng sự lạm phát điểm thi cũng là hiện tượng đồng bộ với lạm phát tiền tệ, nói đơn giản là nằm trong “lỗi hệ thống” hay “hệ thống lỗi”. Tuy vậy nếu nhìn rộng bằng cái nhìn siêu hệ thống, chúng tôi đều thống nhất đi đến một thái độ ứng xử: Vừa bất bình vừa phải chấp nhận! Chúng ta không thể lấy những tiêu chí, những ưu việt của giáo dục đào tạo thời chiến tranh để đánh giá, so sánh vào thực trạng giáo dục hôm nay. Đời sống kinh tế những năm qua đã biến đổi với tốc độ phi mã đang đặt ra cho giáo dục đào tạo những yêu cầu mới, khẩn thiết và hết sức khắt khe. Trong số những yêu cầu đó, cần tính tới trước hết là yêu cầu về triết lý giáo dục và quan niệm con người. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các công ty, cơ quan, tổ chức khi nhận sinh viên tốt nghiệp về làm việc đều phàn nàn là phải “đào tạo lại”. Tri thức học đường đang cách xa kỹ năng lao động và năng lực thực nghiệp. Dường như đã đến lúc các công ty, doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức phải đặt hàng cho các đại học đào tạo và sau bốn năm sẽ bàn giao sản phẩm.

Trở lại con số 29,9 điểm chuẩn vào khoa Báo chí. Thực tế đó là điểm chuẩn cho khối C00, chỉ thi ba môn Văn Sử Địa và chỉ lấy 8 sinh viên. Hoạt động báo chí hiện tại đang đòi hỏi người làm báo phải sử dụng ngoại ngữ và am hiểu khoa học công nghệ. Vì vậy, mã ngành đào tạo Báo chí của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ưu tiên phần lớn chỉ tiêu cho thí sinh khối D và cả khối A. Thí sinh 2 khối này chỉ cần đạt từ 23,5 đến 25 điểm đã trúng tuyển. Chính chỉ tiêu lấy 8 thí sinh khối C đã làm điểm chuẩn dường như tăng chạm nóc. Nhưng 8 thí sinh đó chưa chắc đã vào nhập học, vì họ được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng và việc đăng ký vào khoa Báo chí chỉ là một phép thử cho vui.

Như vậy, con số 29,9 điểm này một mặt có ý nghĩa báo động thực trạng giáo dục đào tạo, đồng thời cũng là tín hiệu đáng mừng về sự đổi mới mô hình đào tạo báo chí cho đất nước bước vào thời đại công nghệ “bốn chấm không”. 

Nguồn Văn nghệ số 40/2022

Các tin khác:

1-5 of 81<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter