Sức sống mới của Đề cương về văn hóa Việt Nam

Do môi trường công tác và chuyên môn nghiên cứu, tôi có dịp được tham dự nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học; nhiều sinh hoạt học thuật kỷ niệm 40 năm, 50 năm, 60 năm, 70 năm, và lần này là 80 năm ra đời của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943). Mỗi lần như vậy là một lần ôn lại, một lần khẳng định lại và một lần làm mới ý nghĩa của bản Đề cương.

Tôi nhớ nhất là dịp kỷ niệm 40 năm (1943-1983). Khi đó, đất nước mới thống nhất, lại đang trải qua giai đoạn hậu chiến, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, một nhóm cán bộ trẻ của Ban Lý luận - Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trong đó có tôi, được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm toàn bộ tư liệu về quá trình ra đời của bản Đề cương; về quá trình truyền đạt, phổ biến và tiếp nhận Đề cương về văn hóa Việt Nam từ khi ra đời (1943) đến những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Sau khi tìm đọc, nghiên cứu tư liệu trên sách, báo ở các thư viện, các kho lưu trữ…, những nhân chứng sống đầu tiên mà chúng tôi xin gặp là các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như các đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt là những lãnh tụ của Đảng, có vai trò rất lớn trong quá trình khởi thảo, chuẩn bị cho sự ra đời của bản Đề cương. Thứ hai là các nhà nghiên cứu lý luận như: Nguyễn Khánh Toàn, Hà Xuân Trường, Hồng Chương, Trần Độ, Đặng Thai Mai... Và thứ ba là các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng từng hoạt động trong phong trào Văn hóa Cứu quốc, trực tiếp tham gia vào quá trình truyền đạt, phổ biến bản Đề cương về văn hoá Việt Nam của Đảng như: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Như Phong, Học Phi, Trần Huyền Trân, Kim Lân, Vũ Quốc Uy... Các bác không chỉ nhận lời tiếp chuyện, kể cho chúng tôi nghe và ghi chép… mà còn cung cấp thêm các chi tiết, các tư liệu từ hoạt động thực tiễn, đồng thời trực tiếp xem lại và cho ý kiến về nội dung các ghi chép. Chúng tôi coi đây là dịp hiếm có, là cơ hội tốt nhất để hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về hoàn cảnh ra đời, về các tư tưởng lớn của Đề cương... để bổ sung, điều chỉnh các chi tiết về mặt văn bản.

Do ra đời trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, có những thành viên Văn hóa Cứu quốc phải gấp nhỏ bản Đề cương để giấu dưới mũ nồi, về tận Hải Phòng, Hồng Quảng để truyền đạt dưới sự theo dõi gắt gao của mật thám. Trong hoàn cảnh như vậy, khó tránh khỏi những chi tiết “tam sao, thất bản”. Rất may là bác Trường Chinh với tư cách là người khởi thảo Đề cương đã phát hiện và chỉ ra những sai sót về văn bản so với văn bản đang lưu hành thời gian đó. Có những chi tiết nhỏ nhưng lại liên quan rất nhiều tới việc lĩnh hội, hiểu và tiếp thu Đề cương. Ví dụ, về tên văn bản, bác Trường Chinh lưu ý: Đề cương về văn hóa Việt Nam (thêm chữ “về”) chứ không phải “Đề cương văn hóa Việt Nam” như quen dùng. Trong văn bản, câu: “nền văn hóa mà Đảng chủ trương lúc này chưa phải là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa như Liên Xô hiện nay”, chứ không phải phải là như mọi người lầm tưởng. Lý do theo bác là vì văn hóa theo Đề cương là nền văn hóa trong cách mạng dân tộc dân chủ, chưa phải là hình mẫu văn hóa trong cách mạng xã hội chủ nghĩa như Liên Xô. Điều này làm rõ hơn ý nghĩa lịch sử và nội dung của Đề cương, tránh được những ngộ nhận, hiểu lầm trong quá trình vận động thực tiễn.

Sau đợt sưu tầm này, văn bản chỉnh sửa Đề cương (theo chỉ dẫn của đồng chí Trường Chinh) và toàn bộ tư liệu sưu tầm được xung quanh quá trình truyền đạt, cũng như ảnh hưởng mạnh mẽ của văn kiện này đã được Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn) công bố trong ấn phẩm Một chặng đường văn hóa (Hà Nội, 1983). Nội dung ấn phẩm cho thấy quá trình chuẩn bị sự ra đời của Đề cương và quá trình truyền đạt với vai trò nòng cốt là các thành viên trung kiên của Hội văn hóa cứu quốc. Theo ký ức của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà văn hóa trong Hội văn hóa cứu quốc, do ra đời đúng lúc nên Đề cương có sức cảm hóa, lôi cuốn mạnh mẽ đối với trí thức, văn nghệ sĩ thời bấy giờ. Họ nhận thấy từ đây nguồn ánh sáng mới lạ, mở ra những chân trời văn hóa mà họ mới chỉ hình dung ra để dấn thân. Nhiều người trong số họ đã bị bắt, bị tù đày do hoạt động tuyên truyền các tư tưởng cách mạng của Đề cương. Trong 3 phương châm của Đề cương: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa thì Dân tộc hóa, Đại chúng hóa lúc đầu có sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn vì dễ hiểu, dễ thuyết phục. Còn Khoa học hóa thì phải đợi đến năm 1948, sau văn kiện Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của đồng chí Trường Chinh, mới được làm sáng tỏ.

Từ năm 1983 đến nay, văn bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được tái bản nhiều lần dưới những hình thức ấn phẩm khác nhau. Nhưng rất tiếc, hình như những sai sót đã được đồng chí Trường Chinh chỉ ra vẫn chưa được khắc phục triệt để, khiến cho tên gọi của văn bản cũng như một vài mệnh đề liên quan đến nội dung Đề cương vẫn còn tồn tại đây đó, gây nên tình trạng thiếu nhất quán.

Năm nay kỷ niệm 80 năm ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), việc khẳng định lại, khẳng định thêm giá trị của văn kiện lịch sử, cũng như tính đúng đắn của cương lĩnh hành động này là rất cần thiết! Nhưng để cho giá trị của văn kiện và ý nghĩa của cương lĩnh hành động này trở nên sống động, tươi mới thì phải thổi hồn vào đó, tìm trong đó những giá trị mới, ý nghĩa mới khiến cho các khẳng định về giá trị nhiều mặt của Đề cương không còn bị giới hạn ở không gian hội nghị, hội thảo, ở văn bản, câu chữ… mà hóa thân trong các nhiệm vụ chúng ta đang thực hiện. Chỉ như vậy, Đề cương mới thực sự phát huy được vai trò là Cương lĩnh hành động.

Như một quy luật, bản chất đời sống xã hội và thực tiễn lịch sử luôn luôn vận động và biến đổi. Các khái niệm như Dân tộc, Khoa học, Đại chúng từng là 3 phương châm lớn của Đề cương, sau 80 năm cũng đương nhiên mang thêm nội hàm mới, ý nghĩa mới, giá trị mới. Các vỏ khái niệm quen thuộc giờ sẽ thâu thái thêm những luồng chân khí mới từ thế giới hội nhập, từ thời đại 4.0, từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa… để tạo nên sức sống mới và đà phát triển mới. Đó sẽ là quá trình tự làm mới, tự nâng tầm của Đề cương. Theo tinh thần đó, việc vận dụng, gắn kết, lồng ghép, quán triệt các tư tưởng của Đề cương với một nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta đang tiến hành hiện nay được đặt ra như một yêu cầu khách quan.

Chúng ta đang đứng trước nhiệm vụ Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng và các văn kiện trước đó, đặc biệt là nhiệm vụ Xây dựng hệ giá trị Việt Nam, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam. Thiết nghĩ, để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, việc nghiên cứu quán triệt các phương châm Dân tộc, Khoa học, Đại chúng theo tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) với yêu cầu mới, nội dung mới, thực tiễn mới… chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tương thích với nhiệm vụ xây dựng Hệ giá trị. Theo các kết quả nghiên cứu bước đầu thì không chỉ các phạm trù giá trị truyền thống như: chân, thiện, mỹ mà ngay cả các giá trị đương đại như Dân tộc, Khoa học, Đại chúng cũng cần trở thành hệ tham chiếu mới, được kế thừa, phát triển trong điều kiện lịch sử văn hóa mới. Chắc chắn đó sẽ là các phạm trù, các chuẩn mực giá trị cơ bản về văn hóa, con người và gia đình Việt Nam mà chúng ta đang xây dựng. Cho dù xu thế hội nhập với thế giới đang diễn ra như một tất yếu thì phẩm chất Dân tộc, tính Dân tộc của Hệ giá trị vẫn phải được xem là tiêu chí hàng đầu đã được kiểm nghiệm và đúc kết trong Bảng giá trị chung của dân tộc. Tương tự như vậy, Khoa học và Đại chúng cần trở thành những tiêu chí giá trị mới trong các bảng giá trị tinh thần và vật chất mà chúng ta đang xây dựng. Như vậy, Hệ giá trị mới sẽ mang được hơi thở, sức sống của Đề cương; còn Đề cương thì nhờ đó mà được làm mới, được mang thêm giá trị và ý nghĩa để ngày càng phù hợp với xu thế mới, với thực tiễn lịch sử mới.

Nhìn lại quá trình thực hiện các quan điểm lớn, các tư tưởng lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam càng thấy rõ hơn tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về văn hóa; nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi các nguy cơ về văn hóa đã được cảnh báo từ Đề cương vẫn đang hiện hữu dưới những hình thức khác nhau, mức độ khác nhau, gây cản trở bước tiến về văn hóa.

Nhà văn Phan Trọng Thưởng

Nguồn Văn nghệ số 10/2023

 

Các tin khác:

1-5 of 81<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter