Chiều 31/5: Bốn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến thảo luận tại tổ

 Chiều nay - 31/5, trong phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái: Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái; Nguyễn Văn Trung - Văn phòng Quốc hội, Khang Thị Mào - Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải đã phát biểu ý kiến.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái chủ trì phiên thảo luận ở tổ cùng đại biểu Quốc hội Đồng Nai và Tiền Giang

Trong chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận ở tổ cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng Nai và Tiền Giang. 

Trong thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. 
 
Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trân trọng các ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu. Bộ trưởng khẳng định đây là dự luật mang ý nghĩa chính trị, xã hội hết sức sâu sắc, đồng thời đây cũng là luật mang tính đặc thù của thể chế chính trị và pháp luật Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại tổ thảo luận

Nhấn mạnh chủ thể rất rộng, tác động đến mọi tầng lớp nhân dân, Bộ trưởng cho biết: quan trọng là thực hiện luật này nhằm thể chế quan điểm, chủ trương rất lớn của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Theo đó chúng ta đang tập trung để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; hoàn thiện thể chế về thực hành dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ thể của nhân dân và nhân dân là trung tâm… 

Đại biểu cho rằng, dự luật này phải đảm bảo tính kế thừa, bởi không phải đây là vấn đề mới, những vấn đề có tính chất lịch sử, đặc biệt là chúng ta đã phát huy tinh thần dân chủ để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. 
Đồng tình với Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái thống nhất với phương án có thiết kế một chương riêng để điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhưng cần cân nhắc bố cục của chương này. 

Nêu 2 nghị định trước đây về quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đại biểu Duy nêu ý kiến trong chương IV thiết kế theo hướng, đối với doanh nghiệp nhà nước thiết kế rất đầy đủ chi tiết, theo trình tự thống nhất như đối với cơ quan, đối với dân chủ ở cơ sở, bao gồm: được biết về thông tin, bản thảo quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra giám sát… và đó là quy định bắt buộc. Còn đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước, thì nên theo hướng, có nội dung bắt buộc phải biết và đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Lao động với Luật doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy - Trường đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận ở tổ chiều 31/5

Về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), cho rằng phạm vi điều chỉnh có mở rộng so với luật hiện hành, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng về mở rộng các hành vi bạo lực gia đình, ví dụ như học tập quá sức sẽ dẫn đến vận dụng khác nhau. Về các biện pháp hỗ trợ người bị bạo hành, đại biểu cho rằng làm sao phải có sự vào cuộc để người được bảo vệ tốt nhất; đồng thời làm rõ việc xử lý các hành vi phải khả thi, rõ ràng, dễ áp dụng.  

Phát biểu tán thành việc xây dựng Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Thành Trung - Văn phòng Quốc hội thấy rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ở ba loại hình, gồm: ở cơ sở; ở cơ quan hành chính sự nghiệp; tổ chức chính trị xã hội và ở khối doanh nghiệp là phù hợp. Đại biểu nêu ý kiến, dự thảo luật theo hướng kế thừa toàn bộ quy định về thanh tra nhân dân hiện đang được quy định ở Luật Thanh tra.
Cho rằng việc xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, đại biểu Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải tham gia ý kiến vào mục 2, Chương V của dự thảo về Ban thanh tra nhân dân cấp xã. Đại biểu đề xuất Chính phủ, các bộ ngành liên quan sau khi dự thảo luật được ban hành thì tính toán nguồn kinh phí phù hợp hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ các hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã. 
Đại biểu cũng tham gia các Điều 4, Điều 5 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và bổ sung chỉ dẫn các điều khoản của bộ luật liên quan để thuận tiện cho cá nhân bị bạo lực nghiên cứu bảo vệ quyền của bản thân, nhất là các chị em, người già, trẻ em là người dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế trong nhận thức.
Ngày mai - 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; thảo luận về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Theo Quang Tuấn - Hoàng Sâm

 

Các tin khác:

1-5 of 1008<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter