Với 91,25% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Các đại biểu bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Chiều 2/4, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới (dự kiến ngày 5/4).
Trước khi tiến hành biểu quyết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Phú Trọng.
Kết quả biểu quyết cho thấy: Có 440 đại biểu tham gia biểu quyết, chiếm 91,67% tổng số đại biểu Quốc hội; có 438 đại biểu tán thành, chiếm 91,25% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Với 91,25% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Sau biểu quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Quốc hội trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và khẳng định: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết công sức của mình cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ cương vị người đứng đầu Nhà nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018). Đây là lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước. Trên cương vị của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Theo Chinhphu.vn