Nét đẹp văn hóa trong lễ đặt tên con của người Mông ở Yên Bái

Phạm Thị Thanh Lan 

Người Mông là tộc người có số dân đông thuộc nhóm đầu trong số các dân tộc ít người ở Yên Bái. Theo số liệu điều tra dân số 01/4/2019, người Mông ở Yên Bái có khoảng 107.049 người, chiếm 13,03% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại 40 xã vùng cao, đặc biệt khó khăn thuộc 5 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên. Ở Yên Bái người Mông được chia làm 4 nhóm chính là: Mông Hoa (Mông Lềnh); Mông Đen (Mông Đu) Mông Trắng (Mông Đơ) và Mông Si (Mông Đỏ). Địa hình cư trú của đồng bào chủ yếu trên các triền núi với độ cao trung bình 800m so với mặt nước biển, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước sản xuất, giao thông đi lại khó khăn. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn bảo tồn rất tốt vốn văn hóa truyền thống đặc sắc và đa dạng của mình. Trong vòng đời của người Mông, từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt về với tổ tiên đều trải qua rất nhiều nghi lễ độc đáo: lễ lại tên đệm, lễ cưới, tang ma... Trong đó lễ đặt tên con là một trong những nghi lễ có ý nghĩa quan trọng. Nghi lễ này chứng tỏ sự ra đời và tồn tại của thành viên mới trong gia đình. Phong tục tốt đẹp mang ý nghĩa nhân văn này hiện vẫn được bảo tồn và duy trì trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Mông nói chung người Mông Hoa nói riêng.

Gia đình người Mông ở Mù Cang Chải- Yên Bái (Ảnh: Phạm Pa Ri)

 

Nghi thức đặt tên của người Mông ở đây được thực hiện khá đơn giản, gồm hai phần là gọi hồn và nhận tên. Đứa trẻ sau khi sinh ra được 3 ngày sẽ được gia đình và dòng họ tổ chức lễ gọi hồn và đặt tên. Nghi lễ này được coi là đặt tên khai sinh cho đứa bé và cái tên này sẽ theo bé suốt cuộc đời nếu là bé gái, còn bé trai sẽ dùng đến khi đổi tên đệm. Khi đã chọn được ngày, giờ và mời những thành viên có liên quan trong gia đình, dòng họ đến đông đủ, lễ đặt tên mới chính thức được tổ chức tại gia đình, nơi có đứa trẻ ra đời. Chủ lễ có thể là người trong dòng họ hay chính là ông nội của đứa trẻ được đặt tên. Từ sáng sớm tinh mơ, lễ đặt tên đã được bắt đầu với việc cúng trình báo các ma nhà. Chủ lễ lấy con gà trống và quả trứng sống đặt trên bát ngô rồi đốt 2 nén hương đặt lên trên để trước cửa chính. Ông chủ lễ tay cầm 2 mảnh sừng trâu, vừa khấn vừa nhìn ra cửa. Trong bài cúng, ông trình báo cho ma cột chính và các ma nhà (ông bà, tổ tiên) gia đình đã có một đứa trẻ mới ra đời, cầu các ma phù hộ cho nó được mạnh khỏe, lớn khôn. Trong nghi lễ đặt tên này, nghi thức quan trọng nhất là việc chọn và đặt tên chính thức cho trẻ. Tên của đứa trẻ được tất cả mọi người bàn bạc, thảo luận và chủ lễ là người quyết định. Khi khấn báo ma nhà xong, con gà trống được đem làm chín rồi chủ lễ tiếp tục khấn gọi hồn đứa trẻ về. Người Mông quan niệm, khi đứa trẻ mới sinh ra hồn của nó còn đi lang thang khắp nơi nên phải gọi về với gia đình, nhận gia đình và trở về để được tổ tiên công nhận là thành viên mới trong gia đình, được tổ tiên che chở. Trước khi làm lễ, bà nội của đứa bé nhóm một đống lửa nhỏ ở cửa chính của ngôi nhà để gọi hồn. Lửa thể hiện niềm vui, sự ấm áp, sum vầy của gia đình. Chính vì vậy, nhóm đống lửa ở cửa chính với ý muốn hồn đứa trẻ khi được gọi sẽ nhìn thấy báo hiệu của gia đình để trở về sum họp. Gọi hồn của đứa trẻ về xong, chủ lễ lấy 4 nén hương cắm ngay vào chân giường, nơi đứa trẻ nằm, với ý nguyện sau này đứa trẻ sẽ lớn khôn với đức tính cần cù, chịu khó. Trong khi chủ lễ thực hiện các nghi thức đặt tên thì mọi người mổ gà, chuẩn bị rượu, thịt, bàn ghế, quét dọn nhà cửa để cúng tổ tiên… Khi công việc chuẩn bị đã xong, anh em, gia đình dòng họ cùng quây quần quanh gian chính ngôi nhà. Nghi lễ cúng kết thúc cũng là lúc anh em họ hàng và mọi người đến tặng cho đứa trẻ những món quà như trứng gà, đôi gà trống mái, bao gạo ngon, ít tiền cùng lời chúc trẻ sẽ khôn lớn, biết làm ruộng nương, giỏi đi rừng…

Lễ đặt tên là một trong những nét độc đáo trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Mông nói chung, người Mông Yên Bái nói riêng. Để cùng giúp đồng bào lưu giữ nét văn hóa truyền thống năm 2015 Trung tâm Quản lý Di tích và Phát triển Du lịch tỉnh Yên Bái đã khảo sát, lập hồ sơ bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Lễ đặt tên con của người Mông ở Yên Bái.

 

                                                                                                                    P.T.T.L

Các tin khác:

1-5 of 39<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter