Bảo vệ và phát huy nghệ thuật xòe Thái

Bảo vệ và phát huy nghệ thuật xòe Thái

Ngày 15-12-2021, tại kỳ họp thứ 16 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), hồ sơ Nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam đã được ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật xòe Thái được vinh danh bởi những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, thậm chí là bản sắc văn hóa xuyên quốc gia nhưng chỉ ở Việt Nam, nghệ thuật này mới được lan tỏa, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Mặt khác, Nghệ thuật xòe Thái được ghi danh cũng đặt ra nhiệm vụ là làm thế nào để bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng, trong đời sống đương đại

1. Giá trị của nghệ thuật xòe Thái

Chủ thể của Di sản văn hóa nghệ thuật xòe Thái là cộng đồng dân tộc Thái bao gồm nhóm Thái Đen và Thái Trắng sinh sống tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (1), nhưng chủ yếu ở 4 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái. Trong quá trình phát triển, người Thái đã tạo nên một nền văn hóa đặc sắc, độc đáo, như phương thức canh tác dưới ruộng, trên nương, dẫn thủy nhập điền, trồng bông, dệt vải, khai phá ruộng bậc thang, bảo vệ rừng... Với tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh nên đời sống tinh thần của người Thái rất phong phú, đa dạng. Họ có tục thờ cúng tổ tiên, tổ chức những lễ hội với mong muốn các vị thần linh, tổ tiên trợ giúp cho con người khỏe mạnh, sung túc, gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt, bội thu... Hệ thống lễ hội được chia làm hai loại: Hệ thống lễ hội mang tính cộng đồng như lễ cúng Mường (xên mương), lễ cúng bản (xên bản), lễ cúng bến nước, lễ cúng rừng đầu nguồn để cầu thần phù hộ; Hệ thống lễ hội mang tính chất gia đình như lễ cúng nhà (xên hươn), lễ cầu phúc lộc (panh khuôn), lễ gọi hồn về (xú khuôn) Đặc biệt, người Thái còn có lễ hội của những người làm nghề mo chang, đây là dịp con nuôi đến tạ ơn thày cúng đã có công chữa bệnh và nhận làm con nuôi, với những tên gọi khác nhau ở các ngành, nhóm Thái: Kin Pang Then, Hết Chá (Thái Trắng); Xên Lẩu Nó (Thái Đen)... Trong các nghi lễ này, xòe là một trong những điệu thức (2). Xòe có nghĩa là “xe”, xòe cổ là “xe cáu ké” (3). Các nhà nghiên cứu đã phân định, hiện nay xòe có ba loại chính: xòe nghi lễ, xòe vòng, xòe biểu diễn. Theo thống kê, trong quá trình điền dã nghiên cứu, lập hồ sơ Di sản văn hóa về nghệ thuật xòe Thái, thì xòe trong nghi lễ hiện nay còn lưu giữ các điệu thức: lễ hội Xên Tra: xé lảng hang dúng (hoặc xé lảng xé pén) nghĩa là xòe mộc múa khiên; lễ hội Xên Lẩu Nó: xé toh duốc - xé toh quái xiên (xòe trâu chọi, húc nhau); lễ Hết Chá: xé khăn, xé vòng, xé quạt, xé ẻo mển (xòe lừa bắt con nhím); Kin Pang Then: xé kếp phắc (xòe hái rau), xé tó cáy (xòe chọi gà), xé khăn, xé quạt, xé vòng; lễ tang: xé hoi (xòe ốc).

Xòe vòng có thể trong sân nhà, trên sàn, sân khấu, ở dưới gốc cây hay trên sân bãi, vài chục người làm vòng xòe nhỏ, năm bảy trăm người trở lên có thể chia ra nhiều vòng xòe, có thể xếp vòng trong và vòng ngoài. Vòng xòe bao giờ cũng có chum rượu cần lớn đặt ở trung tâm, nếu xòe vào buổi tối mọi người sẽ đốt một đống lửa to rồi cùng nhau xòe. Xòe biểu diễn đều có nguồn gốc từ các điệu xòe nghi lễ phát triển thành các bài múa biểu diễn.

Các điệu xòe quạt (hệ múa đạo cụ quạt giấy): vi pắn vi len (quạt nảy), vi hắp vi khay (quạt vẫy), tốp vi (đập quạt), vi Mường Chiến (quạt Mường Chiến).

Các điệu xòe khăn: phụ nữ Thái Trắng không đội piêu (khăn) thường sử dụng khăn lụa dài để múa, còn phụ nữ Thái Đen sử dụng chiếc piêu đội đầu có thêu hoa văn rất đẹp để múa với các điệu: khăn dài, khăn ngắn; nhùm hưa (đẩy thuyền); tắng xạ (đường người Xá); chầu pô (chầu vua); xòe trong Kin Pang Then (xòe cúng Then); xòe đôi (xòe khăn hai người); xòe khăn pếnh, xòe khăn táo (khăn tiến, khăn lui); khóa hô (vung khăn qua đầu); xòe cá ơk (đưa khăn qua ngực); xòe khăn piêu (khăn đội đầu); quát bok héo (quét hoa tàn).

Các điệu xòe quả nhạc (mák hính): xòe mák hính (xòe quả nhạc), xòe phá pết (xòe nhạc tám người đan xen), xòe hình ly ông teo (xòe bên cây nêu), xòe nhùm hưa (đẩy thuyền), xòe tó cáy (xòe chọi gà)…

Ngoài những hệ thống xòe trên còn có các điệu xòe khác như: xòe sạp (múa sạp); xòe kếp phắc (múa hái rau); xòe kếp bók (múa hái hoa), xòe hương (múa hương nén); xòe nến (múa nến, múa đèn); xòe thuội (múa bát, đũa); xòe lảng, xòe pén (múa mộc, múa kiếm); xòe đuôi công; xòe dệt phai (múa dệt vải); xòe tăng bẳng, tăng bu (múa ống); xòe quăng chài; xòe đi săn; xòe đẩy bè… phong phú và đặc sắc.

Nghệ thuật xòe Thái là sự tổng hợp, hòa quyện giữa âm nhạc, múa và diễn xướng dân gian. Từ 3 điệu hay 6 điệu xòe cổ, người Thái sáng tạo thành 36 điệu xòe biểu diễn như hiện nay (4) và chắc chắn, họ sẽ còn phát huy thêm nhiều điệu xòe trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Nghệ thuật xòe Thái mang tính cộng đồng cao, điều này được thể hiện rõ nét qua lời khắp cổ của người Thái: “Tuy khác bản nhưng chung mường, tuy khác phương nhưng chung vùng, mỗi nhà một khe suối, nhưng chung một mạch nguồn, cả bản đều nghe một tiếng chiêng...” (5). Nghệ thuật này đã trở thành biểu tượng của tinh thần cố kết cộng đồng, là sự kết tinh của kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái. Bằng nghệ thuật xòe, chúng ta đã và đang cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc và nó đã thực sự trở thành nét đẹp văn hóa đại diện của một nền văn hóa với bản sắc riêng - bản sắc văn hóa Thái.

2. Một số giải pháp để bảo vệ và phát huy nghệ thuật xòe Thái

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác (6). Theo Điều 2 - Công ước UNESCO 2003, “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo, để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”. Như vậy, giá trị di sản văn hóa phi vật thể không phải là bất biến và luôn cần được quan tâm, bảo vệ vì nó dễ bị thay đổi, bị tổn thương và nghệ thuật xòe Thái cũng không nằm ngoài quy luật đó.

 

Điệu xòe ngày xuân - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Theo số liệu kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam năm 2018 (7) về các dịp diễn ra múa xòe, thường xuyên múa xòe trong lễ cưới và lễ mừng nhà mới (94,9%); thường xuyên múa xòe trong các ngày lễ do chính quyền tổ chức (86,2%); thường xuyên múa xòe trong các dịp lễ hội truyền thống (70,4%); các dịp lễ khác cũng thường có múa xòe như sinh hoạt đoàn thể (63,6%); theo lịch sinh hoạt của các câu lạc bộ, đội văn nghệ (60,2%); trong các dịp lễ tiết (54,1%). Tỷ lệ ít hơn trong các lễ cúng truyền thống: thường xuyên xòe trong các lễ cúng (12,4%); có xòe trong các nghi lễ vòng đời người (8,4%); đặc biệt hiếm có xòe trong các lễ tang (hiện nay chỉ còn 3 thôn/ bản thuộc huyện Vân Hồ, Sơn La và 2 thôn/ bản thuộc thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái là còn thực hành xòe trong tang ma). Số liệu thống kê trên chỉ là bức tranh tổng thể của Nghệ thuật xòe Thái trong quá trình lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, còn vấn đề đang đặt ra hiện nay chính là sự vận động nội tại bên trong của di sản như: các điệu xòe cổ hiện nay được những nghệ nhân thực hành như thế nào trong các nghi lễ; phương thức mà các nghệ nhân trao truyền cho thế hệ kế tiếp về nghệ thuật xòe đã phù hợp chưa; những khó khăn, thuận lợi khi duy trì các câu lạc bộ xòe; sự nhận thức của những người thực hành di sản; cần có những hỗ trợ như thế nào đối với các nghệ nhân; phát huy nghệ thuật xòe cần tập trung đầu tư nguồn lực vào vấn đề gì... Sự vận động này diễn ra trước, trong và sau khi được công nhận sẽ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ tác động nông, sâu của những yếu tố ngoại sinh như công tác quản lý di sản, sự đầu tư của Nhà nước và các tổ chức khác vào bảo vệ và phát triển nghệ thuật xòe Thái... Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản dựa trên những nguyên tắc: bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của chủ thể văn hóa.

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái gắn với phát triển kinh tế xã hội

Trước tiên, chúng ta phải khẳng định, đời sống vật chất được đảm bảo thì đời sống tinh thần mới phong phú và đa dạng. Muốn phát triển văn hóa, đời sống vật chất của đồng bào cần được nâng lên, khắc phục được tình trạng đói nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống, trình độ phát triển kinh tế... Bởi vậy, cần giải quyết tốt những vấn đề về kinh tế: thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo; chuyển dịch cơ cấu cây trồng; coi trọng phát triển hàng hóa, đặc biệt là phát triển du lịch, dịch vụ gắn liền với nghệ thuật xòe Thái.

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái gắn liền với phát triển nguồn nhân lực

Đứng trước những biến đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng bào các dân tộc thiểu số đang lúng túng, mất định hướng. Vì thế, trách nhiệm của những người làm công tác quản lý di sản văn hóa là cần đưa ra định hướng và những giải pháp mang tính khả thi. Một trong những giải pháp đầu tiên là về nguồn nhân lực, hay nói cách khác là các giải pháp liên quan đến chủ thể văn hóa. Bởi, chủ thể văn hóa chính là người sáng tạo, duy trì và hưởng thụ những giá trị của di sản văn hóa.

Một là, xây dựng chương trình định kỳ hằng năm tuyên dương những người tham gia tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và coi đây là một trong các tiêu chí xét tấm gương điển hình, tiêu biểu của địa phương.

Hai là, phát triển các câu lạc bộ, đội văn nghệ xòe tại địa phương với cơ cấu, cơ chế cụ thể, phù hợp.

Ba là, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, huyện và tỉnh, thành phố về những tấm gương nghệ nhân điển hình trong việc gìn giữ, lưu truyền giá trị di sản văn hóa trong đó có các nghệ nhân của nghệ thuật xòe Thái.

Bốn là, có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian nhằm khích lệ tinh thần của người dân trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể.

Mặt khác, việc truyền dạy thế hệ trẻ kế tục thực hành các loại hình di sản cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Ngoài phát huy phương thức bảo tồn di sản văn hóa truyền thống thông qua sinh hoạt gia đình, dòng họ, cộng đồng, chúng ta cần mở các lớp truyền dạy, đào tạo những nhân tố nòng cốt về quản lý di sản văn hóa ở từng địa phương với những kế hoạch cụ thể.

Tập trung phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số. Đầu tư xây dựng hệ thống trường học để đảm bảo con em các dân tộc thiểu số có cơ hội học tập, xóa mù, chống tái mù chữ.

Cần thiết phải tăng chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển hệ cử tuyển cho con em là người dân tộc, vùng sâu, vùng xa học các ngành Quản lý văn hóa, Di sản văn hóa tại các trường cao đẳng, đại học.

Đẩy mạnh việc hướng nghiệp dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là trong các trường phổ thông dân tộc nội trú với tỷ lệ ngành nghề phù hợp với thực tế cuộc sống. Từ đó, có thể định hướng các em vào những ngành phục vụ phát triển kinh tế ở địa phương, trong đó chú ý tới các lĩnh vực liên quan tới việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống.

Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật xòe Thái phải đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của chủ thể văn hóa

Để khắc phục tình trạng Nhà nước bảo tồn hộ, phục dựng hộ các di sản văn hóa cho cộng đồng, khi lựa chọn di sản văn hóa để bảo tồn và phục dựng cần dựa trên những nguyên tắc:

Không được lựa chọn đối tượng bảo tồn dựa trên cảm tính của các nhà quản lý, tránh tình trạng di sản văn hóa không còn được thực hành trong cộng đồng, cũng như di sản đó không còn tồn tại trong đời sống tâm linh của đồng bào.

Trước khi lựa chọn di sản văn hóa cần bảo tồn, cần họp dân, lấy ý kiến của cộng đồng về việc nên bảo tồn giá trị nào của tộc người.

Cần thực hiện nghiêm túc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, đồng thời có những biện pháp ngăn chặn sự thâm nhập của tôn giáo mới không phù hợp vào truyền thống văn hóa. Thực tế cho thấy, địa phương nào làm tốt công tác bảo vệ di sản văn hóa, đáp ứng được nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào thì kinh tế, xã hội ở địa phương đó phát triển, an ninh quốc phòng cũng được đảm bảo.

Phần mở đầu Công ước 2003 có ghi rõ: “các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”. Vì vậy, để bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật xòe Thái, cần có những chương trình hành động cụ thể ở từng địa phương dựa trên các nghiên cứu tiền khả thi mới có thể tạo thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội.

_______________________

1. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Thái ở Việt Nam có 1.550.423 người, là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố. Người Thái cư trú tập trung tại các tỉnh: Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái... (Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, Hà Nội, 6-2010)

2. Bà Lù Thị Pe, dân tộc Thái, nhóm Thái Trắng, 82 tuổi, bản Nghe Tỏng, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; Ông Vì Văn Lày (thày cúng), 63 tuổi, nhóm Thái Đen, bản Nà Và, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu.

3. Ông Lò Văn Hơ, dân tộc Thái, nhóm Thái Trắng, 82 tuổi, bản Nghe Tỏng, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

4. Các con số chỉ mang tính chất tương đối.

5. Thái Tâm, Ngày xuân đi ngược vòng xòe, Tạp chí Dân tộc và Thời đại, số 117, 2008, tr.3.

6. Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (Luật số 32/2009/QH12, ngày 18-6-2009), điều 1, mục 1.

7. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Báo cáo kiểm kê di sản Nghệ thuật xòe Thái tại 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái.

Tài liệu tham khảo

1. Cộng đồng Thái - Kadai Việt Nam - Những vấn đề phát triển bền vững, Hội nghị Quốc gia Thái học Việt Nam lần thứ VII - Lai Châu 2015, Nxb Thế giới, 2015.

2. Lò Thị Huân, Múa xòe nét văn hóa đặc trưng của người Thái, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 10, 2006, tr.97-99.

3. Vi Trọng Liên, Vòng xòe Thái, Tạp chí Dân tộc và thời đại, số 70, 2004, tr.9.

4. Chu Thái Sơn, Văn hóa tộc người Thái, Nxb Quân đội Nhân dân, 2016.

5. Tô Ngọc Thanh, Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2017.

6. Lê Văn Thao, Điệu xòe bất tận Mường Lò, Nxb Thế giới, 2008.

7. Đỗ Thị Tấc, Kin Pang Then của người Thái Trắng, Nxb Văn hóa dân tộc, 2009.

8. Lâm Lô Tộc, Xòe Thái (Công trình này chủ yếu dựa vào kết quả những cuộc khảo sát tại Phong Thổ), Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1985.

9. Vũ Diệu Trung (2007, 2008, 2016, 2017, 2018), Tư liệu điền dã tại tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái.

10. Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

11. Nguyễn Văn Huy, Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2003.

12. Lê Ngọc Canh, Vai trò của nghệ thuật múa trong lễ hội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 308, 2010.

13. Đặng Nghiêm Vạn, Cầm Trọng, Khà Văn Tiến, Tòng Văn Ân, Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.

TS VŨ DIỆU TRUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT

 

Các tin khác:

1-5 of 39<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter